(TG) - Để xứng danh Đảng cầm quyền, trong tình hình hiện nay, Đảng phải “đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn...”(1). Đây là bài học lớn, được đúc rút trong suốt quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một Đảng thật sự đạo đức, văn minh _Nguồn: Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG LÀ NHIỆM VỤ THEN CHỐT
Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, bao gồm nhiều nội dung về chính trị,
tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo trong điều kiện Đảng cầm
quyền. Điều đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, nhất là kể từ Đại hội XI (2011) đến
Đại hội XIII của Đảng (2021), liên tiếp ba khóa, Hội nghị Trung ương 4 đã tập
trung bàn về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Điều này phản ánh quyết
tâm chính trị, tầm chiến lược của Đảng, khẳng định ý nghĩa sống còn mang tính
toàn diện, trọng tâm và sâu sắc trong xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh
đạo, năng lực cầm quyền và phát triển đất nước.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là lý luận khoa học và kinh nghiệm thực
tiễn của nhiều đảng, nhiều quốc gia. Trên thế giới, không có nước nào là không
có đảng hoặc tổ chức chính trị tương tự lãnh đạo. Dù một đảng hay đa đảng đều rất
chú ý về xây dựng tổ chức, củng cố lực lượng và định hướng phát triển. Lịch sử
đã để lại bài học thấm thía cho những người cộng sản về sự tan rã của Đảng Cộng
sản Liên Xô năm 1991, khi đó có khoảng 21 triệu đảng viên nhưng “Đảng đông mà
không mạnh”, bởi sự suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và một
số lãnh đạo cao cấp của Đảng mắc sai lầm về đường lối, sa vào chủ nghĩa cá
nhân, rơi vào chủ nghĩa xét lại. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, ở những nước
có nhiều đảng, mặc dù đều có những liên minh lỏng lẻo, ý thức hệ linh hoạt, tập
trung chủ yếu vào những định hướng thực dụng trong quá trình tranh cử cầm quyền,
nhưng mỗi đảng đều chú trọng phát triển cơ cấu lực lượng đảng viên để tạo ảnh
hưởng và gia tăng sự ủng hộ của dân chúng.
Trách nhiệm chính trị đặt ra cho Đảng ta và hệ thống chính trị ngày
càng to lớn, nặng nề, nhiều thách thức, đòi hỏi Đảng phải nâng tầm lãnh đạo hơn
nữa, nâng cao hơn nữa năng lực cầm quyền và sức chiến đấu. Đại hội XIII của Đảng
xác định thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, mục tiêu đến năm 2025 kinh
tế số đạt khoảng 20% GDP; đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP, đứng trong nhóm 50
quốc gia hàng đầu thế giới về Chính phủ điện tử, kinh tế số, là nước đang phát
triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở
thành nước phát triển, thu nhập cao; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước,
phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy
động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ
và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện được khát vọng Việt Nam hùng cường, phồn
vinh, hạnh phúc cần tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước ở tầm cao mới, đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với phát triển kinh tế tri thức. Các vấn
đề về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), xây dựng
văn hóa và con người, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ độc lập và chủ quyền
quốc gia,… và bốn nguy cơ là thách thức đặt ra đòi hỏi Đảng và hệ thống chính
trị phải giải đáp và giải quyết về lý luận và thực tiễn hiện nay.
Hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó
lường, mau lẹ, do có sự tranh chấp giữa các nước lớn, các cuộc chiến tranh và
xung đột; những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng
kinh tế, suy thoái tài chính, khủng hoảng nợ công, thế lực cực đoan,… chưa được
giải quyết mà ngày càng biểu hiện rõ ràng với nhiều sắc thái mới. Điều đó tác động
nghiêm trọng đối với Việt Nam, trong đó có ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, lý
tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong nước có sự gia tăng những hiện
tượng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống;
những phần tử “trở cờ”, “ngụy khoa học” bày tỏ ý kiến trái với đường lối và
chính sách. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được những thành tựu lớn,
song vẫn còn hạn chế trong việc để “lọt” những cán bộ thoái hóa, biến chất; việc
khắc phục hậu quả tham nhũng, tiêu cực chưa đạt mong muốn, gây băn khoăn, lo lắng
trong xã hội và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Đây là thách thức và cảnh
báo thường trực đối với Đảng ta hiện nay.
Sự chống phá ngày càng quyết liệt, điên cuồng, tinh vi của các thế lực
thù địch với những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc nhằm xóa bỏ chế độ
XHCN, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, họ không ngừng sử dụng đa dạng các
loại hình chiến lược, chiến dịch, quy mô, trong đó tập trung vào những vấn đề
nhạy cảm, phức tạp, có yếu tố dân tộc và tôn giáo, kích động vấn đề dân chủ và
nhân quyền, thâm nhập hoạt động tư tưởng - văn hóa, sử dụng các đối tượng “chống
cộng”, tổ chức phi chính phủ, những phần tử “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và
thế hệ trẻ Việt Nam; đầu tư có bài bản, có kế hoạch, có tổ chức lực lượng và
chiến lược lâu dài hòng phá ta từ bên ngoài và nội bộ bên trong nhằm phá rã niềm
tin của nhân dân và cán bộ, gieo rắc hoài nghi, phủ nhận thành tựu, bôi đen hiện
thực... từ đó đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; trên không gian mạng,
các phần tử chống phá không ngừng tung ra bài viết, video bịa đặt, xuyên tạc,
vu cáo về một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đưa ra những thông tin kéo bè kết
cánh, đấu đá chính trị nhằm chia rẽ nội bộ, gây nhiễu loạn, phân tâm trong nội
bộ và nhân dân.... Điều này càng đặt ra công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng
trong sạch, vững mạnh toàn diện phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có
trọng tâm trọng điểm.
CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN
Đảng ta đặt vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống
chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiếp tục phát triển nhận thức mới, cụ
thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống
chính trị là thống nhất trong một chỉnh thể, bởi vì Đảng vừa là thành viên vừa
là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội. Hệ thống chính trị Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất,
gắn bó hữu cơ, bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt
Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, dưới sự lãnh
đạo của Đảng để thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng đất nước
Việt Nam XHCN. Hệ thống chính trị vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý, Nhân dân làm chủ. Trên thực tế, hệ thống chính trị nước ta hội tụ toàn
bộ hệ thống các quyền lực: quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước đến các quyền
lực khác trong xã hội.
Xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị là thống nhất trong một chỉnh thể, bởi vì Đảng vừa là thành viên vừa là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Mục tiêu cao nhất của việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị là nhằm
bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống
và lợi ích của nhân dân. “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là
thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm
giá con người… Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc
về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ
cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những
giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường
mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định,
kiên trì theo đuổi”(2). Đại hội XIII khẳng định: “Kết quả của công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần rất quan trọng
để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay...”(3).
Do vậy, cần tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin và mối quan hệ bền chặt của
nhân dân đối với Đảng và chế độ; khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo, đóng góp thiện
chí và tích cực của nhân dân đối với việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Củng cố, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở nhằm xây
dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Từ kết quả tích cực trong việc kiện
toàn, sắp xếp lại cơ quan các ban đảng Trung ương, các cơ quan trực thuộc Chính
phủ, các đơn vị trực thuộc một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố, tiếp tục tạo bước
chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập
đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tinh giản biên chế của hệ thống chính trị.
Thời gian tới, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân
và vì dân phải đặc biệt coi trọng và phát huy tính chủ động, tích cực trong quản
lý, điều hành từ Trung ương đến địa phương; hoàn thiện hơn nữa chức năng, nhiệm
vụ của một nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển; thực hiện tốt Chương trình
chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng chính phủ
số, chính quyền số, hạ tầng số, kinh tế số mang tính liên thông, đồng bộ, hoàn
chỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ
người dân và doanh nghiệp. Việc áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phát
triển các dịch vụ hành chính, dịch vụ xã hội số phải góp phần đẩy mạnh tinh giản
biên chế trong hệ thống chính trị. Xây dựng, đổi mới công tác cán bộ, công chức
có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên
môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị
và có tiền lương, thu nhập bảo đảm cuộc sống và ngăn chặn tình trạng chạy chức,
chạy quyền. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, gắn với việc xây
dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và củng cố các tổ chức chính trị - xã hội; vừa
phát huy tính tích cực của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị vừa
tạo nên sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.
Trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị cần tiếp tục rà soát, điều
chỉnh cho phù hợp thực tiễn về mặt thể chế, tổ chức, phương thức hoạt động và
kiểm soát quyền lực của các thành viên trong hệ thống chính trị. Kịp thời thể
chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với
chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong hệ thống chính trị, đảm bảo sự
lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện về mọi mặt của Đảng. Có cơ chế thí điểm, đột phá
sáng tạo, trọng điểm và có lộ trình tổng kết, đánh giá trong đề án xây dựng,
hoàn thiện thể chế, chức trách của một số cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính
trị.
Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ chế độ và nhân dân cho đội
ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong các tổ
chức của hệ thống chính trị. Đội ngũ này có “tài”, “đức” thì tổ chức mới mạnh,
các tổ chức trong hệ thống chính trị có trong sạch, vững mạnh thì Đảng mới giữ
vững vai trò cầm quyền của mình. Trong các tổ chức, cần phát huy ý thức trách
nhiệm “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, luôn luôn trau dồi, nâng cao trình
độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt văn hóa ứng xử và đạo đức công vụ.
Trong quá trình đó, “Củng cố và xây dựng tổ chức đảng thật trong sạch, khắc phục
những tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người
lãnh đạo và là người đày tớ trung thành của nhân dân”(4) luôn là một nhiệm vụ
then chốt.
THÚC ĐẨY MẠNH MẼ NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XIII TRONG ĐỜI SỐNG
Nhận thức của Đảng mang tính nhất quán, liền mạch, được bổ sung, phát
triển, thể hiện quyết tâm cao độ từ các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện
nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đến Nghị quyết Trung
ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị;
kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Các nghị quyết đã được triển khai sâu rộng, tích cực và hiệu quả trong thực tiễn,
trở thành nội dung quan trọng và thường xuyên trong tổ chức hoạt động và sinh
hoạt của mỗi tổ chức cơ sở đảng và trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, chuyển biến quan trọng đạt được, Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XIII cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần tiếp tục
quán triệt và khắc phục. Đó là, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả
cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu
gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói
chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo,
sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ
chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở
nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Hoạt
động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và
nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu
quả; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...
Bước vào thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi tiếp tục coi trọng đặc biệt và
nâng tầm cao mới đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh toàn diện. Thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 khóa XIII trong thực tiễn từng tổ chức cơ sở Đảng, từng cơ
quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội
viên; tạo bước đột phá và chuyển biến tích cực, hiệu quả trong nhận thức và
hành động, trong tư tưởng và thực hành hằng ngày. Mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng
viên, nhất là người đứng đầu triển khai, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo công việc
luôn luôn gắn với những giải pháp cụ thể trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây
dựng cơ quan, đơn vị.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng, coi việc thực hiện các nguyên tắc sinh hoạt đảng là yêu cầu sống còn của tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, phai nhạt lý tưởng, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của mỗi tổ chức và cán bộ, đảng viên.
Đẩy mạnh công tác tham mưu, nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm để
có những chương trình, dự án, đề tài thiết thực nhằm phổ biến, nhân rộng các mô
hình, cách làm hiệu quả trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống
chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường hoạt động phối hợp, chia sẻ hợp tác
giữa các cơ quan Đảng, các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị với các
trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên sâu nhằm đánh giá, tổng kết, đưa ra dự
báo, đề ra phương hướng và giải pháp toàn diện, thiết thực trong việc hoàn thiện
phương thức lãnh đạo của Đảng, trong kiện toàn và sắp xếp bộ máy chính quyền,
trong công tác dư luận và phản biện xã hội, trong hoạch định chính sách phát
triển xã hội, trong định hướng thông tin và nâng tầm quản lý các cơ quan báo
chí truyền thông và mạng xã hội…
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán
bộ trẻ có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức và
phong cách tốt, có năng lực và trình độ vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện
nay. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo,
dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng gắn với việc thực
hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng
viên. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cấp ủy các cấp trong công tác tự
kiểm tra, đánh giá, trong quy trình thực hiện chức trách, trong quản lý chuyên
môn, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong việc phát hiện và
đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,
trong việc chấn chỉnh và xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên./.
PGS. TS. Đỗ Xuân Tuất - TS. Lê Trung Kiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
______________________
(1) (2) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc
gia Sự thật, H, 2022 tr.29, 21-22.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021 t.II, tr.220.
(4) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để
phát triển đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2017 tr.167.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét