Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025

 Với mong muốn đóng góp hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất được ASEAN đề cử.

Từng đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016

HĐNQ LHQ có 47 quốc gia thành viên được đại hội đồng LHQ bầu ra căn cứ theo các khu vực địa lý. Thông qua cơ chế của mình, cơ quan này đã thúc đẩy thế giới đảm bảo các quyền con người trong toàn bộ hệ thống  của LHQ. Việc ứng cử HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện mong muốn đóng góp của chúng  ta vào nỗ lực chung của thể giới trong việc thúc đẩy nhân quyền.

Việt Nam đã từng đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Tại Ðại hội đồng LHQ khóa 68 ngày 12-11-2013, với 184/192 phiếu, Việt Nam đã dẫn đầu trong số 14 nước thành viên được lựa chọn. Sau 3 năm nghiêm túc thực hiện, chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng và được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều lãnh đạo các nước thời điểm đó ca ngợi tinh thần trách nhiệm, năng động của Việt Nam. Việt Nam đã đóng góp nhiều giá trị vào sự tiến bộ của nhân loại trong bảo đảm quyền con người. Nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2014-2016 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của nước ta.

Gần 10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên tại HĐNQ, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trên mọi mặt đời sống xã hội và việc tham gia ứng cử HĐNQ LHQ thể hiện quyết tâm, sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người ở khu vực và trên thế giới theo đúng tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến về quyền con người, được thế giới ghi nhận, trong đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện mọi mặt. Tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII ngày 26-1-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó tự hào nêu rõ “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.



Những điểm sáng về bảo đảm quyền con người của Việt Nam

Những năm qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người phải kể đến như giải quyết các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, đem lại cơ hội phát triển cho mọi người dân, phấn đấu không để ai bị bỏ lại phía sau… Trong đó, bình đẳng giới ở Việt Nam có nhiều tiến bộ; phụ nữ được bình đẳng trong chính trị, được tăng cường tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo các tổ chức chính trị, cơ quan hành chính sự nghiệp...

Đặc biệt, Việt Nam đã có những thành công rất lớn trong phòng chống COVID-19. Đây vừa là nghĩa vụ quốc tế vừa là vận hội để nước ta khẳng định uy tín, vị thế và quảng bá với thế giới về một Việt Nam luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của phát triển.
Trong những năm qua, Việt Nam có sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè, đối tác quốc tế. Trong năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam cũng đã đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) với đóng góp hết sức thiết thực. Việt Nam đã cùng ASEAN tiến những bước dài trên cả 3 trụ cột Cộng đồng Chính trị -
An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, với tinh thần “gắn kết” và “chủ động thích ứng”. Việt Nam cũng đã ký kết tham gia và có những đóng góp quan trọng trong các Hiệp định thương mại.

Bên cạnh đó, chúng ta sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các bài học cũng như các khó khăn khác biệt với các nước để tăng cường hiểu biết và bảo đảm quyền con người. Các nước có Đối thoại nhân quyền với Việt Nam như Mỹ, Thụy Sỹ, Australia, Na Uy, Liên minh châu Âu (EU)… đều ghi nhận những tiến triển mà Việt Nam đạt được về quyền con người, cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới và bảo đảm an sinh xã hội… Những tiến bộ và đóng góp quốc tế của Việt Nam đã được các nước ASEAN ghi nhận, đề cử Việt Nam đại diện ứng cử thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Đặc biệt, những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai chính sách nhất quán về tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, trong đó, việc nghiêm túc thực hiện cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của HĐNQ LHQ là một trong những minh chứng rõ nét cho quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam.

Tại Phiên kiểm điểm định kỳ UPR chu kỳ III tháng 1-2019, Việt Nam nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước, trong đó ta chấp thuận 241 khuyến nghị (hơn 83%). Đây là tỷ lệ chấp thuận cao so với mặt bằng chung của các quốc gia.  Đến nay, Việt Nam đã thực hiện 199/241 khuyến nghị, đang thực hiện hoặc thực hiện một phần 32/241 khuyến nghị, đang xem xét thực hiện vào thời điểm thích hợp 10/241 khuyến nghị.

Tại Phiên thông qua Báo cáo UPR Chu kỳ III tại HĐNQ (tháng 7-2019), Việt Nam đã thông báo chấp thuận 241/291 khuyến nghị (đạt 83%). Ngày 31-12-2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg phân công cụ thể trách nhiệm của các Bộ, đồng thời chỉ đạo việc xây dựng và nộp Báo cáo giữa kì thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III. Báo cáo này được xây dựng một cách toàn diện với sự đóng góp ý kiến của các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương, các bên liên quan trong đó có các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác và người dân. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chủ trì tổ chức một số tọa đàm quốc tế để chia sẻ thông tin, tham khảo ý kiến về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021.

Thực hiện các khuyến nghị UPR, Việt Nam đã nội luật hóa các cam kết quốc tế về quyền con người. Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã thông qua 36 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, góp phần cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Bộ luật Lao động, Luật Cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Thực hiện các khuyến nghị, Việt Nam cũng đang  tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc sửa đổi một số điều trong Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống mại dâm… Các quyền dân sự, chính trị như: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tự do ngôn luận, báo chí, internet, quyền bầu cử, ứng cử… luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thúc đẩy và được bảo vệ bằng luật pháp.

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo (chiếm 27% dân số). Các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, không có xung đột - điều mà nhiều quốc gia đa tôn giáo khác luôn mong muốn. Người dân được thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nghiên cứu và trao đổi, hội họp, giao lưu quốc tế về tôn giáo… Việc xây dựng, trùng tu các công trình tôn giáo được quan tâm…

Tự do ngôn luận, báo chí, in-tơ-nét… ngày càng được phát huy. Tính đến nay, Việt Nam có gần 800 cơ quan báo chí  rộng khắp trên cả nước, đa dạng các loại hình; Báo chí được tạo điều kiện tham gia tích cực vào phản biện các chính sách, đồng thời đồng hành với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực.

Khoảng 68 triệu người Việt Nam sử dụng in-tơ-nét, số tài khoản người dùng mạng xã hội Việt Nam khoảng 90 triệu, người trong nước dùng mạng xã hội nước ngoài khoảng 110 triệu người. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng in-tơ-nét cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong khu vực châu Á. 

Các thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những điểm sáng của Việt Nam và được quốc tế ghi nhận điển hình như trong giai đoạn phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua. Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo”, về đích trước 10 năm so với thời hạn. Việc triển khai giảm nghèo bền vững hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm còn khoảng 2,7%. Là quốc gia từng sống trong cảnh thiếu thốn lương thực, Việt Nam trở thành “cường quốc” xuất khẩu lương thực, thực phẩm, có vị trí cao trong ngành gạo, thủy sản, hoa quả…

Việt Nam lựa chọn mô hình phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay với tiêu chí “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Người dân được tạo điều kiện về mọi mặt để có cơ hội phát triển. Doanh nghiệp được thuận lợi tiếp cận tín dụng để phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn; thế hệ trẻ được quan tâm về giáo dục, được rót vốn vào các dự án khởi nghiệp nhằm tranh thủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều chương trình quốc gia được ban hành để hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số…) với những chính sách đặc thù tạo điều kiện phát triển bình đẳng.

Việt Nam đang tiếp tục triển khai Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật, và tích cực nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về các vấn đề này.



Những cam kết thúc đẩy quyền con người

Thời gian tới, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và khai thác những lĩnh vực mới về đảm bảo bình đằng, công bằng, tăng cường giáo dục, tạo việc làm… vì sự phát triển lấy người dân làm trung tâm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Thúc đẩy cải thiện về lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Hai là, tăng cường các biện pháp, chính sách, nguồn lực nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người trên tất cả các mặt dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội theo đúng mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang đe doạ đến an ninh, an toàn của con người, ưu tiên cao nhất vẫn là bảo đảm quyền sống, quyền chăm sóc sức khoẻ, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cho nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương, chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch. Khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, Việt Nam sẽ nỗ lực tái thiết nền kinh tế, vực lại đời sống người dân, trong đó chú trọng kế thừa, áp dụng các bài học kinh nghiệm, chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả từ các nước…

Ba là, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận; các cam kết và nghĩa vụ theo các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các cơ chế của HĐNQ LHQ.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy tiến bộ quyền con người. ASEAN đã tiến cử Việt Nam vào vị trí thành viên HĐNQ LHQ, do vậy chúng ta cần thường xuyên tiến hành các cuộc tham vấn với các nước, các cơ quan chuyên trách của Cộng đồng, bảo đảm lợi ích của toàn khối vừa tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quyền con người.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong và ngoài nước, nâng cao nhận thức người dân, các cấp chính quyền về đảm bảo quyền con người. Hệ thống thường trực về nhân quyền từ Trung ương đến địa phương cần đẩy mạnh công tác bảo vệ, bảo đảm quyền con người, đẩy mạnh tuyên truyền về quyền con người, nâng cao nhận thức cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền cũng như người dân tự hiểu và bảo vệ các quyền của mình.

Đẩy mạnh giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thực hiện tốt cơ chế cung cấp thông tin đối với các vụ việc nóng có liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền để người dân hiểu rõ bản chất vụ việc, không để các thế lực thù địch lợi dụng để khoét sâu tạo mâu thuẫn; đồng thời tạo điều kiện để người dân có quyền tham gia ngày càng sâu sắc vào đời sống chính trị của đất nước; phát huy quyền làm chủ, vai trò giám sát của người dân thông qua “dân biết, dân bàm, dân làn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thông tin đối ngoại, để thế giới nhận thức đầy đủ về  các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người tại Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...