Gần đây, quá trình toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông mới khiến thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu” và thúc đẩy quá trình tiếp biến, biến đổi văn hóa nhanh hơn: Phương thức giải trí mới tràn đến dồn dập, lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp từ thành thị đến nông thôn.
Cùng với đó là âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày
càng tinh vi, thâm độc, đang từng ngày, từng giờ làm vẩn đục các giá trị văn
hóa, đạo đức xã hội, thúc đẩy sự nảy nở các biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn và
thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ...
Năm 2005, UNESCO thông qua Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của
các biểu đạt văn hóa. UNESCO nhấn mạnh, các quốc gia có quyền chủ quyền về văn
hóa. Để bảo vệ văn hóa, các quốc gia phải xây dựng hệ thống chính sách và pháp
luật về văn hóa. Tinh thần công ước cho thấy UNESCO đã ý thức được về ảnh hưởng
của sự xâm lăng văn hóa đi kèm với quá trình toàn cầu hóa.
Du khách trải nghiệm nghề dệt truyền thống của làng Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: cand.com.vn |
Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần
văn hóa quân sự Việt Nam, thể hiện ở sự kính trọng lãnh tụ, sự yêu thương, quan
hệ gắn bó giữa quân với dân; đặc trưng bởi các phẩm chất của người quân nhân vì
nước quên thân, vì dân phục vụ; phản ánh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân,
tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam trung với nước, hiếu
với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ
nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù
nào cũng đánh thắng.
Truyền thống văn hóa Bộ đội Cụ Hồ được hình thành từ cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp xâm lược, được củng cố, phát triển qua cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước; được gìn giữ, phát huy và hoàn thiện trong sự nghiệp đổi mới, xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đã định
hình thành một hệ thống giá trị văn hóa-chính trị-đạo đức tốt đẹp, bền vững, phản
ánh bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và tư tưởng, phong
cách, đạo đức Hồ Chí Minh, giúp định hướng sự phát triển nhân cách cho bộ đội.
Vì vậy, việc chống lại sự xâm lăng văn hóa, giữ gìn giá trị văn hóa Bộ
đội Cụ Hồ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt
Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần quan trọng
vào việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải nhận diện hiện tượng xâm lăng
văn hóa đối với văn hóa Bộ đội Cụ Hồ ở những phương diện sau:
Thứ nhất, tác động đến nhận thức, tư tưởng.
Cuộc chiến xâm lăng văn hóa rất khác so với cuộc chiến thông thường.
Đây là một cuộc chiến tranh tâm lý, ngấm dần dần vào bộ đội, bắt đầu từ sự lung
lay, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng. Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm
chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với
các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng
và dân tộc. Trong ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã phát biểu: “Đáng sợ hơn mọi sự xâm lăng, đó là
xâm lăng văn hóa, là mất gốc”. Thực tế đã xuất hiện tình trạng đáng báo động về
việc nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, có cả một bộ phận chiến sĩ
trẻ có nhận thức lệch lạc, sống thực dụng, buông thả, phai nhạt lý tưởng và đạo
đức, có dấu hiệu bị đồng hóa, tôn sùng thần tượng và văn hóa nước ngoài mà quay
lưng lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp và lịch sử dân tộc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển của nền kinh tế thị trường
và truyền thông mới, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để đưa những tư tưởng,
thực hành, lối sống xa lạ, không phù hợp của phương Tây đến với giới trẻ cũng
như bộ đội. Việc tôn thờ tiền bạc thái quá, lối sống cá nhân ích kỷ chính là những
biểu hiện đi ngược lại truyền thống văn hóa tôn trọng yếu tố tinh thần, đoàn kết
cộng đồng của dân tộc. Chúng ta chứng kiến việc chạy theo giá trị đồng tiền, lối
sống cá nhân ích kỷ đã tạo ra rất nhiều hệ lụy trong xã hội, cũng như đang manh
nha trong chính môi trường quân đội. Đây là những nỗ lực làm cho cán bộ, chiến
sĩ có ý chí yếu, dao động, có thể dẫn đến đầu hàng trước sự tấn công của văn
hóa nước ngoài và làm lung lay niềm tin vào chủ nghĩa xã hội.
Dưới một hình thức khác, đó là sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa
nước ngoài, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của bộ đội. Chúng ta có thể dễ
dàng tìm thấy những sản phẩm văn hóa ngoại lai, không phù hợp, thậm chí đi ngược
lại những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, được phổ biến rộng rãi trên các
phương tiện truyền thông mới. Thậm chí, kể cả những người hoạt động trong lĩnh
vực văn hóa, văn nghệ sĩ cũng đã có nhiều người “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”, không giữ được chuẩn mực đạo đức cá nhân, bê bối đời tư, phát ngôn tục
tĩu, hành xử kiểu giang hồ. Một số sản phẩm nghệ thuật chạy theo thị hiếu, đề
cao yếu tố chiêu trò, đồi trụy... đã vô tình hay cố ý trở thành đối tượng tác động
xấu đến nhận thức cho giới trẻ, trong đó có bộ đội.
Thứ hai, tác động đến lối sống, tác phong sinh hoạt.
Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ được đặc trưng bởi những chuẩn mực trong tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách của người quân nhân cách mạng. Đó là
lý tưởng sống, chiến đấu cao đẹp, chính nghĩa, yêu nước, yêu chế độ, trung
thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; tinh thần quyết chiến quyết
thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sự gan dạ, dũng cảm, kiên
cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, lao động và công tác; tình đồng chí,
đồng đội gắn bó keo sơn, tình đoàn kết quân dân như cá với nước; tính kỷ luật tự
giác, nghiêm minh... Phẩm chất, truyền thống tốt đẹp ấy phản ánh bản chất cách
mạng và là sức mạnh nội sinh được tích hợp ở một trình độ cao trong quá trình
xây dựng, chiến đấu của Quân đội ta.
Trong khoảng một thập niên vừa qua, chúng ta thấy những biểu hiện xâm
lăng văn hóa đối với bộ đội diễn ra đa dạng. Biểu hiện này đến từ những sản phẩm,
sự kiện văn hóa-nghệ thuật, đặc biệt là các sản phẩm, sự kiện có yếu tố nước
ngoài, được phổ biến trên các phương tiện truyền thông, sau khi tác động đến nhận
thức sẽ được cụ thể hóa ở những thực hành lối sống của giới trẻ, trong đó có bộ
đội. Sự thực hành các sự kiện du nhập từ nước ngoài như ngày Lễ tình nhân
Valentine (14-2), ngày Cá tháng Tư (1-4)... có mặt tích cực là làm phong phú
hơn sinh hoạt văn hóa của người dân, góp phần hội nhập quốc tế, nhưng nếu không
có bản lĩnh, bộ đội rất dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa đề cao lối sống ích kỷ cá
nhân, thực dụng, vật chất, xa lạ với văn hóa dân tộc.
Lối sống, cách sinh hoạt dựa vào các phương tiện truyền thông mới, đặc
biệt là các mạng xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng của bộ
đội. Thực tế đã chứng kiến một số quân nhân sử dụng mạng xã hội để đăng thông
tin, hình ảnh liên quan đến nội bộ đơn vị, gây ảnh hưởng đến hình ảnh Bộ đội Cụ
Hồ, gây nguy cơ mất an toàn thông tin, nhất là nguy cơ lộ, lọt bí mật Nhà nước,
bí mật quân sự. Âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thông qua
mạng xã hội được thực hiện bằng cách lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công
tác quản lý, chỉ huy; khai thác thông tin từ một số vụ việc tiêu cực đơn lẻ rồi
xuyên tạc sự thật, thổi phồng thiếu sót, khuyết điểm; lấy hiện tượng quy kết
thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả lẫn lộn để đả kích, phủ nhận truyền
thống, bản chất cách mạng của quân đội, bôi nhọ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, chia rẽ
mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân, kích động đòi phi chính trị
hóa quân đội, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội;
truyền bá lối sống thực dụng, thẩm thấu tư tưởng văn hóa ngoại lai vào đời sống
văn hóa, tinh thần, làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, mục ruỗng về tổ
chức, băng hoại về đạo đức của quân nhân. Các thông tin được nhào nặn rất tinh
vi, trộn lẫn thật-giả, tốt-xấu, khó nhận diện, trở nên nguy hiểm.
Để ứng phó với tác động của xâm lăng văn hóa đối với văn hóa Bộ đội Cụ
Hồ, trước hết, chúng ta cần phải hình thành nhận thức đúng đắn, đầy đủ và bản
lĩnh văn hóa, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong quân đội. Điều đó phải đến từ
việc hiểu rõ về văn hóa dân tộc. Về nhận thức, chúng ta cần xác định rằng văn
hóa rất phức tạp, vì thế, hiện tượng xâm lăng văn hóa cũng khó nhận biết rõ
ràng. Việc xác định và giữ gìn văn hóa dân tộc cần phải hết sức cụ thể để phù hợp
với hoàn cảnh quân đội.
Về hành động thì chúng ta nên chuyển văn hóa, bản sắc văn hóa từ những
khái niệm trừu tượng thành những nội hàm cụ thể, tồn tại trong các sản phẩm và
dịch vụ văn hóa. Những câu chuyện về lòng yêu nước, giá trị nhân văn, tấm lòng
cao cả sẽ được truyền cảm hứng tốt hơn qua những bộ phim, cuốn truyện, bài hát,
sự kiện thể thao, nghệ thuật trong quân đội. Các hoạt động văn hóa-nghệ thuật,
đặc biệt là hoạt động biểu diễn nghệ thuật, là một kênh quan trọng trong quá
trình nâng cao nhận thức, tri thức toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời
trang bị cho bộ đội những kiến thức cơ bản trong cuộc đấu tranh với các quan điểm
văn hóa, văn nghệ lệch lạc, xấu độc, phản động cùng các âm mưu, thủ đoạn trong
chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của các thế lực
thù địch. Kết quả hoạt động văn hóa, văn nghệ là nguồn động lực to lớn cổ vũ, động
viên bộ đội trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập và công tác; trực tiếp
góp phần nuôi dưỡng những phẩm chất cao đẹp của người lính; đẩy mạnh phong trào
thi đua yêu nước và những giá trị văn hóa; giáo dục, rèn luyện nhân cách quân
nhân theo chuẩn mực con người mới xã hội chủ nghĩa. Qua các hoạt động văn
hóa-nghệ thuật, bộ đội sẽ hiểu rõ hơn, dễ dàng hơn về những giá trị văn hóa dân
tộc, từ đó có sức đề kháng đối với văn hóa ngoại lai.
Bên cạnh đó, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối
sống trong quân đội. Đây là công việc cần phải thực hiện thường xuyên, kiên trì
lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tấm gương tích cực để cổ vũ, lan tỏa những hành vi
đạo đức, lối sống chuẩn mực của bộ đội, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, xứng danh
Bộ đội Cụ Hồ. Tiếp theo đó, cần thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình để rèn
luyện đạo đức, lối sống của bộ đội. Đó cũng là biện pháp để chủ động ngăn ngừa,
đẩy lùi sự suy thoái từ sớm, từ xa, đưa hoạt động xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày
càng đi vào thực chất, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Nhìn chung, xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp lâu dài, cần
kiên trì, thận trọng. Xâm lăng văn hóa ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị văn hóa Bộ
đội Cụ Hồ nhưng cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn về
những giá trị văn hóa đặc biệt này, từ đó có những biện pháp vừa cấp bách, vừa
lâu dài để gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở thành tấm gương tiêu
biểu cho đạo đức cách mạng và văn hóa dân tộc Việt Nam.
PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của
Quốc hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét