Ngày 14/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken được nhiều trang thông tấn báo chí nước ngoài như BBC, VOA… cho biết đã chủ trì lễ trao giải thưởng Phụ nữ dũng cảm quốc tế (IWOC) cho Phạm Thị Đoan Trang.
Ảnh: Phạm Thị Đoan Trang tại Cơ quan Công an |
Thông tin nêu, ngoài Phạm Thị Đoan Trang còn có 11 phụ nữ khác trên
toàn cầu được “biểu dương lòng dũng cảm, sức mạnh và khả năng lãnh đạo đặc biệt
của họ trong việc vận động cho hòa bình, công lý, nhân quyền, bất chấp nguy hiểm
đến tính mạng của mình”. Những người này đến từ các nước Bangladesh, Brazil,
Burma, Colombia, Iraq, Liberia, Libya, Moldova, Nepal, Romania, South Africa.
Phạm Thị Đoan Trang được đính kèm với cụm từ “nhà báo độc lập”, như để
tránh nhầm lẫn giữa Trang “báo chí” với một bà Trang nào khác. Sau khi dùng những
từ ngữ ca ngợi “đóng góp của nữ nhà báo độc lập Phạm Thị Đoan Trang đang bị
giam cầm tại Việt Nam”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ lên án “sự giam cầm bất công đối với
bà, chúng tôi kêu gọi phóng thích cho bà ngay lập tức”. Được biết, buổi lễ có sự
hiện diện của Đệ nhất phu nhân Jill Biden, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc
Linda Thomas-Greenfield, Trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Lee Satterfield.
Trước đó, ngày 8/3, trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
cũng thông tin về “nhà báo độc lập” Phạm Thị Đoan Trang, cho rằng việc Phạm Thị
Đoan Trang bị bắt giam, thi hành án phạt tù là do “liên quan đến các bài viết của
bà và bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa”.
Kể từ tháng 3/2007 đến nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao giải này cho
hơn 170 phụ nữ từ hơn 80 quốc gia. Phạm Thị Đoan Trang là phụ nữ thứ ba ở Việt
Nam được trao giải IWOC, sau Tạ Phong Tần được trao năm 2013 và Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh được trao năm 2017. Điểm chung của ba người phụ nữ được “vinh danh” này
là đều bị toà án các cấp xét xử về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà
XHCN Việt Nam”, theo Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999.
Ngay sau khi Phạm Thị Đoan Trang được trao giải nói trên, một số kênh
truyền thông nước ngoài đã nhanh chóng liên hệ với các phần tử chống phá Việt
Nam để “tiếp sóng”. Phóng viên Đài VOA kết nối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hiện
đang sinh sống tại Houston, Texas để “hỏi về suy nghĩ, cảm tưởng”. Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh từng bị toà án tuyên án 10 năm tù vào năm 2017, sau bị trục xuất sang
Hoa Kỳ. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được dịp bung nổ: “Chúc mừng chị Phạm Thị Đoan
Trang với danh hiệu Phụ nữ dũng cảm quốc tế 2022. Đây là sự ghi nhận của Hoa Kỳ
nói riêng và thế giới nói chung dành cho cá nhân Phạm Thị Đoan Trang với những
nỗ lực tranh đấu miệt mài, bền bỉ cho quyền con người, tự do ngôn luận tại Việt
Nam”. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đồng thời cũng được thể bôi nhọ đất nước, quê hương
của mình: “Tôi hy vọng rằng sự dấn thân của chị Đoan Trang sẽ tạo ra thay đổi
tích cực trong một xã hội đầy sợ hãi, khiếp nhược. Và quan trọng hơn hết là sẽ
không có thêm công dân Việt Nam nào bị kết án vì nói lên quan điểm chính trị,
vì chống lại sự đàn áp, bất công. Không một công dân Việt Nam bị bỏ tù vì bày tỏ
sự can đảm của mình trước nhà cầm quyền độc tài”.
Cần thấy rằng, chính Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với hoạt động chống phá đất
nước như Phạm Thị Đoan Trang, đã bị tuyên 10 năm tù giam và cũng chính Quỳnh từng
được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao “giải thưởng Phụ nữ dũng cảm quốc tế” trước đó.
Khi sang đất Mỹ, với những “thành tích” chống lại Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
được các thế lực thù địch, phản động bên ngoài tìm cách đánh bóng tên tuổi, đào
tạo và gán cho những giải thưởng hào nhoáng như “Giải thưởng Tự do báo chí Quốc
tế 2018”; “Giải thưởng Nhân quyền 2019”...
Ở trong nước, Quỳnh tìm cách miệt thị chế độ, ca tụng nước Mỹ là “miền
đất hứa”, xứ sở của tự do, của thiên đường. Tuy nhiên, khi bị trục xuất sang Mỹ
một thời gian, chính thị đã phải ngao ngán thốt lên trên trang cá nhân của mình
những điều chua chát. Như Quỳnh đã viết loạt bài với các nhan đề trên tài khoản
Facebook cá nhân: “Cuộc tranh luận về thuốc điều trị sốt rét sẽ đi đến
đâu?”,“Nước Mỹ không vĩ đại như người ta tưởng” và “dịch bệnh nên đọc cảnh báo
của chuyên gia y tế, đừng nghe lời lãnh đạo”...
Những bài viết của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ
trích Tổng thống Mỹ (khi đó là ông Donald Trump) do trong bài phát biểu cuộc họp
báo ngày 19-3, Tổng thống Donald Trump nói: “Thuốc trị sốt rét
Hydroxychloroquine có thể bào chế ngay lập tức để trị COVID-19”. Quỳnh cho rằng,
tác dụng phụ khi dùng thuốc gốc chloroquine/hydroxychloroquine là “nôn mửa trào
mật, tiêu chảy trào bồn cầu, dùng lâu ảnh hưởng đến thị giác, thính giác và cả
hệ tim mạch”.
Rồi từ thực tế chống chọi với đại dịch, Quỳnh thốt lên: “Nước Mỹ không
vĩ đại như nhiều người đang nghĩ. Thiếu khẩu trang y tế, thiếu bộ xét nghiệm, Tổng
thống kêu nhân viên sử dụng lại khẩu trang, có khác gì Vũ Hán không!?”. Từ những
viện dẫn về đánh giá của các chuyên gia y tế, cũng như các phân tích lập luận của
cá nhân, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kết luận không nên tin theo lời lãnh đạo nước Mỹ
vì có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào!
Rõ ràng, với sự thực như trên, Quỳnh cũng chẳng ưa gì đất Mỹ và còn nhiều
éo le, vất vả khác mà xứ sở này thực sự “vỡ mộng” so với suy nghĩ của Quỳnh trước
đây. Vậy nhưng, với tâm ý chống phá Nhà nước Việt Nam, ngay khi được hỏi về trường
hợp của Phạm Thị Đoan Trang thì Quỳnh không tiếc lời ca tụng Trang và được thể
bôi nhọ đất nước, chế độ.
Với trường hợp Phạm Thị Đoan Trang, sau những trò tôn vinh, trao giải
thưởng nhân quyền, giải thưởng tự do báo chí thì nay, cái gọi là giải thưởng Phụ
nữ dũng cảm quốc tế chỉ là sự tiếp nối của những vở kịch lố. Với các trường hợp
như vậy, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng.
Vào tháng trước, ngay sau khi Phạm Thị Đoan Trang được Bộ Ngoại giao
Anh và Canada “vinh danh giải thưởng Tự do báo chí” (Media Freedom 2022), Phó
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Như đã nhiều lần khẳng định,
Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của
con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận
thông tin. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật
liên quan, được triển khai thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, kinh tế,
xã hội của Việt Nam và được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo
chí Việt Nam trong thời gian qua.
Phạm Thị Đoan Trang bị bắt giữ và xét xử do có những hành động vi phạm
pháp luật nhiều lần, nghiêm trọng, liên hệ với các tổ chức và cá nhân ở nước
ngoài, xuất bản các ấn phẩm trái phép có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, kích
động các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi của Phạm Thị Đoan
Trang là nguy hiểm cho xã hội”. Bà Phạm Thu Hằng cũng nêu rõ, việc Bộ Ngoại
giao Canada và Anh trao giải thưởng cho một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam
là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát
triển quan hệ song phương với Việt Nam.
Khi viết về vấn đề này, chúng tôi đã đặt câu hỏi, tại sao Bộ Ngoại giao
Hoa Kỳ lại chú ý quá mức với một đối tượng mà cơ quan tiến hành tố tụng đã có đủ
tài liệu, căn cứ để kết tội? Và với chính danh là cơ quan ngoại giao nhà nước,
trong xu thế hợp tác toàn diện, lẽ nào lại tìm và khuấy lên những chuyện sai
trái như thế, nó đâu có hợp với thể danh của một cơ quan ngoại giao nước lớn, với
vị thế để “người ta trông vào”!
Lại nghĩ, nếu có thể tôn vinh, thì phải tôn vinh người cho đúng với
danh nghĩa giải thưởng được nêu ra. Nhân đây, nhắc lại sự kiện ngày 9/2/2006, tại
trụ sở Liên hợp quốc, bà Susan Schnall, quốc tịch Mỹ - thành viên của Tổ chức
Phụ nữ vì hoà bình và trao đổi toàn cầu của Mỹ, người đã từng bị bắt và kết án
tù giam vì phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã được Đoàn Chủ tịch Liên
hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam trao Kỷ niệm chương “Vì hoà bình, hữu nghị
giữa các dân tộc”. Kỷ niệm chương nhằm ghi nhận công lao đóng góp và bày tỏ
lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với bà nhân chuyến thăm Việt Nam
của bà và các thành viên của Tổ chức Phụ nữ vì hoà bình và trao đổi toàn cầu của
Mỹ.
Với tấm lòng yêu chuộng hoà bình, trước nỗi đau thương mất mát không gì
bù đắp do cuộc chiến tranh tàn khốc và không muốn những người lính Mỹ phải tiếp
tục tử trận vì cuộc chiến phi nghĩa, khi còn làm một nữ y tá chữa bệnh cho
thương binh từ chiến trường Việt Nam trở về, Trung uý Hải quân Mỹ Susan Schnall
quyết định phải làm một việc theo cách của riêng mình để góp phần nhanh chóng
chấm dứt chiến tranh.
Ngày 12/10/1968, bà Susan Schnall đã tổ chức một đợt rải truyền đơn từ
trên máy bay của một người bạn ở khu vùng Vịnh San Francisco với nội dung thông
báo về một cuộc tuần hành vì hoà bình của các cựu chiến binh và lính Mỹ tại các
căn cứ quân sự tại khu vùng vịnh này, tại một tàu sân bay và bệnh viện Hải quân
Oak Knoll nơi bà làm việc. Trong trang phục quân đội, bà luôn hô vang khẩu hiệu
“Hãy đưa những người con trai nước Mỹ còn sống trở về” và tích cực tham gia biểu
tình phản đối chiến tranh. Vì những hành động đó, tháng 2/1969, bà đã bị bắt,
đưa ra toà án binh, bị kết án 6 tháng tù giam và sa thải khỏi lực lượng vũ
trang. Sau khi bị sa thải, bà vẫn tiếp tục ủng hộ Việt Nam thông qua các hoạt động
tuyên truyền phản chiến tại các căn cứ quân sự và gây quỹ ủng hộ một số bệnh viện
ở Việt Nam.
Ngày 6/2/1969, đồng chí Nguyễn Thị Bình thay mặt đoàn đại biểu Mặt trận
Dân tộc thống nhất miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị Paris đã gửi bức điện động
viên chia sẻ, bày tỏ tình cảm và sự biết ơn sâu sắc trước những hành động dũng
cảm, bất chấp hiểm nguy của bà và những người dân yêu chuộng hoà bình ở Mỹ vì nền
độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Hành động như bà Susan Schnall mới thực sự xứng đáng để vinh danh giải
thưởng Phụ nữ dũng cảm quốc tế. Vậy mà chính bà lại bị toà án ở Mỹ đưa ra xét xử,
phạt tù với quy kết hành động đó đã chống lại Nhà nước Mỹ.
Đăng Minh – Báo CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét