Hôm qua (8/3) là Ngày Quốc tế phụ nữ, cũng là ngày mà cả nhân loại tôn vinh phụ nữ và hành động vì mục tiêu bình đẳng giới. Trong lúc nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế và đại đa số người dân trong nước đánh giá cao sự tiến bộ vượt bậc về bình đẳng giới của chúng ta thì vẫn còn có những cái nhìn thiển cận, sai lệch về vấn đề này ở Việt Nam.
May hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Garco 10. Ảnh: TTXVN |
“CHỈ NHÌN THẤY CÂY MÀ KHÔNG
THẤY RỪNG"
Giữa lúc toàn
Đảng, toàn quân và toàn dân ta vui mừng, phấn khởi khi Đại hội lần thứ XIII của
Đảng thành công rất tốt đẹp, lại có những kẻ hậm hực “bới lông tìm vết”. Không
tìm thấy những thiếu sót trong đại hội, họ bèn “soi” vào nhân sự Bộ Chính trị
và “phát hiện” ra rằng nhiệm kỳ này chỉ có một phụ nữ, trong khi nhiệm kỳ XII
có 3. Thế là họ phán trên mạng xã hội rằng: “Đây là bước thụt lùi về bình đẳng
giới”.
Đúng là những
người này “chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”. Có lẽ họ không biết hoặc cố
tình không biết trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ Đại hội IX, Đại hội X không có đại
biểu nữ. Đến nhiệm kỳ XI, khi Hội nghị lần thứ nhất của Ban chấp hành (BCH)
Trung ương bầu Bộ Chính trị mới có 1 đại biểu nữ, đến gần giữa nhiệm kỳ mới bổ
sung thêm 1 đại biểu nữ nữa. Điều đáng nói hơn là tại Đại hội XIII, trong số Ủy
viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ, tăng 1 đại biểu so
với nhiệm kỳ khóa XII. Trong 63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương
nhiệm kỳ 2020-2025 có tới 9 người là nữ thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu,
Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi và An Giang.
Đây là số lượng nữ bí thư tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay. Theo thống kê
của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, trong nhiệm kỳ này, ở cấp cơ sở, tỷ
lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%. Đối
với các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm
kỳ trước.
Bà Hà Thị Nga,
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: “Một trong
những thành công rất nổi bật của công tác lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đảng các
cấp thời gian vừa qua là cán bộ nữ tham gia cấp ủy cả 3 cấp đều tăng về số
lượng và chất lượng. Đây là điều hết sức đáng vui mừng. Điều đáng vui mừng hơn
nữa là có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán
bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp này”.
Tại Quốc hội,
cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, số lượng đại biểu nữ cũng tăng trong nhiệm
kỳ gần đây. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,72% và đến nay là 27,1%,
tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 26,5%
(tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm
kỳ trước). Việc bố trí lãnh đạo nữ trong Quốc hội kỳ này chiếm gần 40%. Đây là
minh chứng cho thấy sự ưu việt trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng
con người của Đảng, Nhà nước ta và cũng cho thấy sự vươn lên của phụ nữ Việt
Nam, đưa vị thế phụ nữ Việt Nam tham gia Quốc hội đứng thứ hai khu vực châu
Á-Thái Bình Dương, đứng thứ 6 ở châu Á.
NỖ LỰC VÌ MỤC TIÊU "NAM NỮ
BÌNH QUYỀN"
Ý kiến cho
rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ là hoàn
toàn không có cơ sở. Trong suốt hơn 90 năm từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng
sản Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình
đẳng giới, được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về
công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ.
Sinh thời, Chủ
tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không
giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng
phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Vì vậy, sự nghiệp giải phóng
phụ nữ không chỉ là công việc riêng của phụ nữ mà gắn liền với sự nghiệp giải
phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Chỉ tính riêng
trong 15 năm trở lại đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung
ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác quần chúng, công
tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ, như Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày
16-5-1994, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về một số vấn đề công tác cán bộ nữ
trong tình hình mới”; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị
“về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đặc biệt, trong Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị "về
đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng" đã nhấn mạnh về cơ cấu cán bộ nữ: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ
từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ... Cấp ủy các cấp, nhất là
người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát,
đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ
người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới;
đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu
dài”.
Từ các chủ
trương của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều
kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Sự nghiệp giải
phóng phụ nữ để “nam nữ bình quyền” được khẳng định nhất quán từ Hiến pháp đầu
tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, quy
định rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm
quyền và cơ hội bình đẳng giới”, “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để
phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”, “Nghiêm
cấm phân biệt đối xử về giới”.
Việt Nam cũng
đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử
chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW) và đã được từng bước luật hóa trong văn bản
pháp luật và các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn
nhân và gia đình; Bộ luật Hình sự; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,...
Ông Jesper
Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã đánh giá: “Việt Nam là nước dẫn
đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới qua việc
cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ và
nam giới. Sự chênh lệnh về tỷ lệ nhập học giữa các em nữ và các em nam là rất
thấp. Tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm”.
Cần hiểu đúng về bình đẳng giới
Mục tiêu bình
đẳng giới đã được ghi rõ trong Luật Bình đẳng giới của Việt Nam là “xóa bỏ phân
biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh
tế-xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa
nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
Thực tế hiện
nay, nhiều người vẫn có cái nhìn sai lệch về bình đẳng giới. Đã có những ý kiến
cho rằng, “bình đẳng giới thì phụ nữ phải làm những công việc “dành cho đàn
ông” và ngược lại”. Họ không nhớ rằng, thiên chức của người phụ nữ và nam giới
khác nhau. Trên thực tế, một số công việc chỉ phù hợp với phụ nữ, không phù hợp
với đàn ông ví dụ như giáo viên mầm non. Một số công việc lại chỉ cơ bản phù
hợp với nam giới, không phù hợp với phụ nữ ví dụ như lái tàu ngầm... Một phụ nữ
muốn ở nhà làm nội trợ, làm mẹ, làm vợ, chăm sóc con cái, chẳng có gì là mâu
thuẫn với các phong trào nữ quyền nếu như bạn ấy hoàn toàn muốn như vậy và
không bị ép buộc.
Phụ nữ và cả
nam giới sẽ không cảm thấy bất bình đẳng khi mà họ được sống vui vẻ, làm được
những gì họ mong muốn trong cuộc đời mình.
Có người suy
nghĩ rằng, “bình đẳng giới là đấu tranh cho phụ nữ, chống lại đàn ông”. Điều
này là không đúng. Về mặt pháp lý, theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng
như hầu hết các nước trên thế giới thì bình đẳng giới là đấu tranh cho mọi giới
tính, cho tất cả mọi người. Mục tiêu của bình đẳng giới là giới tính không phải
giới hạn. Trong xã hội hiện nay, đã có nhiều đàn ông đang phải chịu không ít
bất công, hạn chế, khuôn mẫu xuất phát từ giới tính của mình. Ví dụ như những
khuôn mẫu về sự nam tính, đàn ông phải mạnh mẽ, kiềm chế cảm xúc, phải là trụ
cột gia đình... Những niềm tin đó đang khiến nhiều người phải chịu gánh nặng,
không được sống đúng với con người thật của mình. Đã từng có các đức ông chồng
bị các bà vợ đánh đập, xỉ nhục. Cũng có trường hợp nam giới bị lạm dụng, xâm
hại tình dục... Bình đẳng thực chất chỉ đạt được khi đấu tranh cho những quyền
lợi chính đáng của tất cả các giới tính.
Vào đúng dịp kỷ
niệm Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chiến
lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu cụ thể của chiến
lược, trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%
các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ
chốt là nữ; trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công
hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng
lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có
việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám
đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm
2030.
Trong đời sống
gia đình, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia
đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm
2030 so với nam giới...
Rất mong những
người còn có cái nhìn sai lệch, thiển cận về bình đẳng giới ở Việt Nam hãy
nghiên cứu kỹ chiến lược nói trên để nhìn nhận lại vấn đề này.
Đỗ Phú Thọ/QĐND.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét