Bài 3: Không thể phá được ngày hội
của toàn dân
QĐND - Càng gần đến ngày bầu cử đại
biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm
kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch càng đẩy mạnh việc xuyên tạc công tác tổ chức
bầu cử, cổ xúy cho một số đối tượng tự xưng là “nhà dân chủ” tự ứng cử, nói xấu
các nhân sự là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi “tẩy chay bầu cử”...
Thế
nhưng những âm mưu thâm độc đó sẽ bị vạch trần và chắc chắn ngày bầu cử sẽ là
ngày hội lớn.
Herostratus và những “kẻ đốt đền” thời nay
Vào đêm hè của năm 356 trước Công nguyên, một sự kiện đã gây chấn động toàn bộ thế giới văn minh thời điểm đó. Trong đêm khuya thanh vắng, ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở đền Artemis (kỳ quan thứ tư trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại). Trong chốc lát, ngôi đền đã biến thành những đống đổ nát, khói lửa mù mịt... Thủ phạm gây ra tai họa này là Herostratus. Tại phiên tòa xét xử Herostratus sau đó, Herostratus đã làm ngỡ ngàng các quan tòa khi thừa nhận việc mình đốt ngôi đền chỉ vì muốn được lưu danh muôn thuở. Herostratus bị treo cổ kèm theo hình phạt bổ sung là: Mãi mãi không ai được nhắc đến cái tên gắn liền với tội ác hủy diệt thế giới văn minh theo cách man rợ này! Thế nhưng, cái tên Herostratus với biệt danh “kẻ đốt đền” vẫn mãi mãi được lưu truyền với lời nguyền rủa của nhân loại.
Điều đáng buồn là gần 2.400 năm sau vẫn còn có những người có tư tưởng giống
như “kẻ đốt đền" Herostratus. Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện hình ảnh
một ông già tóc bạc phơ, để dài như tóc phụ nữ, kêu gọi mọi người hãy ủng hộ
ông vào Quốc hội. Theo như lời giới thiệu trên trang Facebook cá nhân thì vị
này đã 84 tuổi, từng là giáo sư của một trường đại học lớn, từng là đảng viên Đảng
Cộng sản Việt Nam nhưng do “bất đồng chính kiến” nên đã làm đơn xin ra khỏi Đảng.
Ông này hùng hồn tuyên bố trên trang Facebook cá nhân: “Nếu vào được Quốc hội,
tôi sẽ không chịu bị biến thành nghị gật”.
Ảnh minh họa/tuyengiaoangiang.vn |
Trả lời phỏng vấn một tờ báo nước ngoài, vị này nói: “Tôi năm nay ngoài 80 tuổi nhưng tôi thấy vẫn còn sức khỏe tốt, quan trọng nhất là tôi có nhiều tư tưởng, ý nghĩ, mong muốn đóng góp để xây dựng đất nước... Tôi thực sự mong đất nước có một Quốc hội đúng nghĩa Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân. Muốn như vậy, Quốc hội phải có nhiều người giỏi để làm luật, thực hiện vai trò là cơ quan lập pháp... Mong ước đầu tiên của tôi khi vào Quốc hội là tôi sẽ cải cách, đổi mới cách làm luật...”.
Thoáng nghe thì có người khen vì ông đã già rồi mà vẫn “mong muốn đóng góp để
xây dựng đất nước” và nghĩ rằng chắc ông ta sẽ giỏi luật lắm, nhưng đọc kỹ lại
thấy vị này chẳng hiểu luật bởi lẽ pháp luật của ta cũng như của tất cả các quốc
gia trên thế giới chẳng có điều khoản nào cấm đoán người dân đóng góp để xây dựng
đất nước. Mặt khác, quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam hiện nay đã được
cộng đồng quốc tế đánh giá là phù hợp với thực tiễn. Hệ thống luật pháp do Quốc
hội xây dựng trong thời gian qua đã bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và có chất
lượng cao. Chất lượng luật pháp được thể hiện rõ nét nhất qua thực tế vận hành
trong cuộc sống. Nếu chất lượng pháp luật không tốt thì không thể mang lại sự
quản lý tốt, thực thi tốt và nền kinh tế-xã hội không thể phát triển tốt như
nhiệm kỳ vừa qua.
Ông
cho rằng trong Quốc hội Việt Nam “có nhiều nghị gật” là ý kiến rất hồ đồ. Thực
tế, hoạt động tranh luận đã diễn ra rất sôi nổi ở tất cả các phiên họp của Quốc
hội, kể cả những phiên được tường thuật trực tiếp lẫn những phiên không tường
thuật trực tiếp trên truyền hình. Các đại biểu hiện đang thực hiện tranh luận,
phản biện theo hình thức giơ bảng để tranh luận trực tiếp không chỉ với thành
viên Chính phủ, người đứng đầu các lĩnh vực trong các buổi chất vấn hay giải
trình mà còn tranh luận với chính các ĐBQH khác khi thảo luận về những vấn đề
trong các phiên họp.
Ngoài
vị cao niên nói trên còn có một số người “bất đồng chính kiến”, dù không đủ uy
tín trong cử tri nơi cư trú vẫn cứ hô hào các cử tri phải ủng hộ mình với những
lời nói hoa mỹ trên mạng xã hội, rằng nếu được làm ĐBQH, đại biểu HĐND thì sẽ
thế này, thế nọ, như thể họ là “siêu nhân”, thực ra không ít người trong số họ
là những “kẻ đốt đền”, muốn được nhiều người biết mà thôi.
Vận
động cử tri không đi bầu cử là vi phạm pháp luật
Trên
mạng xã hội hiện nay đã xuất hiện những “lời vận động” cử tri không đi bầu cử
ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Họ không biết rằng hoặc
cố tình không biết đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân. Để có quyền bầu
cử, cả dân tộc, toàn thể nhân dân ta phải đấu tranh hàng nghìn năm, phải đổ biết
bao xương máu, chúng ta mới có được.
Quyền
bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa
chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực của nhà nước. Quyền bầu cử
bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động
trong lựa chọn của công dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu
người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt
mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến
hành các hoạt động quản lý xã hội.
Trước
năm 1945, Việt Nam chưa bao giờ có Hiến pháp, chưa có bầu cử ĐBQH, đại biểu
HĐND các cấp. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng
đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã mang lại cho nhân dân ta nhiều quyền lợi
mà trước kia họ chưa bao giờ có, trong đó có quyền bầu cử và quyền ứng cử. Hiến
pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 đã khẳng định quyền ứng cử và bầu cử của
công dân tại Điều 18, được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I thông
qua ngày 9-11-1946 nêu rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt
gái, trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công
quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi và phải
biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng
cử”. Trải qua 3 bản Hiến pháp sau đó (các năm: 1959, 1980 và 1992), quyền bầu cử
và ứng cử vẫn tiếp tục được khẳng định. Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm
2013) tại Điều 27 hiến định: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu
cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân
dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Như vậy, nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền bầu
cử, ứng cử được coi là quyền quan trọng của công dân, đi đôi với quyền là trách
nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Vận động cử tri không đi bầu cử là vi phạm pháp
luật, vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân.
Cũng
có người phát biểu trên mạng xã hội hoặc trả lời báo chí nước ngoài rằng, việc
bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ở nước ta là “áp đặt, thiếu dân chủ”. Xin
thưa với các vị, trên thế giới này, khi nói đến bầu cử, ứng cử ở một quốc gia
có dân chủ, công bằng hay không, người ta phải xem xét toàn bộ hệ thống bầu cử,
ứng cử và nhất là kết quả của hệ thống đó được áp dụng vào bối cảnh đặc thù về
lịch sử, văn hóa chính trị của một quốc gia-dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân
loại như thế nào, chứ không thể chỉ nhìn vào một yếu tố nào đó để khái quát,
đánh giá. Hệ thống pháp luật về bầu cử của Việt Nam ra đời từ khi ra đời nước
Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay đều có quy định cử tri bầu ĐBQH và HĐND các cấp
theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc này
được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bảo đảm số lượng đại biểu của mỗi địa
phương tỷ lệ với số cử tri của địa phương đó. Các cử tri được bầu cử trực tiếp
các đại diện của mình ở các cơ quan dân cử từ cấp cơ sở đến Quốc hội.
Là một
quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến điều
này. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành (Luật số 85/2015/QH13) quy định:
“Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy
ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc
hội, bảo đảm có ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính
thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số". Thực tế trong nhiều
nhiệm kỳ qua, tỷ lệ đại biểu thuộc dân tộc thiểu số luôn luôn cao hơn tỷ lệ dân
số. Nhiệm kỳ khóa XI, số đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 17,2%; nhiệm
kỳ khóa XIV, chiếm 17,3%; trong khi đó, tỷ lệ 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng
13% dân số Việt Nam.
Phù hợp
với xu hướng tiến bộ xã hội, nâng cao vai trò của phụ nữ, Luật Bầu cử ĐBQH và đại
biểu HĐND hiện hành quy định: “Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Ủy
ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp
hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm
phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu
Quốc hội là phụ nữ”. Theo báo cáo của Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc
(UNIFEM), tỷ lệ nữ ĐBQH của Việt Nam trong những nhiệm kỳ gần đây cao hơn nhiều
nước ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Không
thể xuyên tạc sự thật, phá hoại ngày hội lớn của nhân dân
Cuộc
bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức
trên phạm vi cả nước vào ngày 23-5-2021. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước
ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện tổ chức
bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo quy định của Hiến pháp năm
2013 và các luật có liên quan. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước,
diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn
liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là
nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những
người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và
quyền làm chủ của nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa
phương. Qua đó đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp luôn là ngày hội
của toàn dân, toàn Đảng và toàn quân ta. Để chuẩn bị cho ngày hội lớn diễn ra
vào tháng 5 tới, ngay từ giữa năm trước (ngày 20-6-2020), Bộ Chính trị đã ban
hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND
các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn
bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử
được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và
tiết kiệm. Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc
gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các ngành, các cấp và
các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế
hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định
và tiến độ đã đề ra.
Tính đến hết ngày 19-3-2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức
xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai bầu cử ĐBQH khóa XV và đại
biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tại nhiều hội nghị hiệp thương đã thể hiện
không khí thực sự dân chủ trong việc đóng góp các ý kiến đối với bản dự kiến của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Thường trực HĐND; về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm
chất và điều kiện tham gia của ĐBQH, đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay.
Ngay
sau hội nghị hiệp thương lần hai, theo quy định, Ủy ban MTTQ các địa phương
đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận
xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử.
Thông qua hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, Ban
Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những
người được giới thiệu ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn,
tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại hội nghị hiệp thương lần ba.
Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử
tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú sẽ không được đưa vào danh sách giới
thiệu tại hội nghị hiệp thương lần ba, trừ trường hợp đặc biệt sẽ được báo cáo
rõ để hội nghị hiệp thương lần ba xem xét, quyết định.
Theo
kế hoạch bầu cử, hội nghị hiệp thương lần ba sẽ được tổ chức trước 17 giờ ngày
19-4-2021.
Nhân dân cả nước đang hy vọng và mong muốn những kẻ tham nhũng, cơ hội chính trị,
“kẻ đốt đền” sẽ được các cử tri nơi cư trú phát hiện để đưa ra khỏi danh sách ứng
cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ
chức ra nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu
cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và
quyền làm chủ của mình để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần
thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Đông đảo
cử tri của chúng ta đã hiểu rõ điều này. Trách nhiệm của các cấp, các ngành,
các địa phương, các cơ quan báo chí cần phải tiếp tục tuyên truyền, kiên quyết
đấu tranh với những âm mưu thâm độc “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch
để ngày bầu cử của chúng ta tới đây - ngày 23-5-2021 - thực sự trở thành ngày hội
của toàn dân.
ĐỖ PHÚ THỌ - HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét