Phiên tòa của sự thành khẩn, ăn năn, hối cải
Trong 4 ngày xét xử (từ 7 đến 10-9-2020), với các diễn biến
tại phần xét hỏi, tranh tụng, khi các bị cáo được thực hiện quyền tự bào chữa
hay nói lời cuối cùng, điều dễ thấy nhất là sự thành khẩn, ăn năn, hối cải của
các bị cáo.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Trước khi tiến hành xét hỏi, Hội đồng xét xử đã cho trình chiếu
đoạn clip nêu tóm tắt toàn bộ quá trình tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, Mỹ Đức;
hành vi sai phạm của các bị cáo vào rạng sáng 9-1-2020 dẫn đến hậu quả đặc biệt
nghiêm trọng, làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh. Qua đó, nhiều bị cáo
đã tự nhận thức sai phạm, thừa nhận hành vi phạm tội và xin được Hội đồng xét
xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Chiều 10-9, được quyền nói lời sau cùng trước
khi Hội đồng xét xử chuyển sang phần nghị án, sự ăn năn, hối cải và thái độ
thành khẩn của các bị cáo được thể hiện rõ nhất. Không một bị cáo nào kêu oan
mà đều trình bày đã nhận ra những hành vi sai phạm, thành khẩn khai báo để mong
được Hội đồng xét xử xem xét, áp dụng hình phạt nhẹ nhất, sớm được về nhà chăm
sóc gia đình cũng như bày tỏ sự ân hận, nuối tiếc vì đã để xảy ra vụ việc gây
hậu quả đau lòng tại Đồng Tâm.
Trước bục khai báo, bị cáo Lê Đình Doanh, bị truy tố về tội danh
“Giết người”, đã hướng về phía thân nhân gia đình 3 bị hại, nghẹn ngào nói lời
xin lỗi. Với tất cả sự thành khẩn, bị cáo xin được hưởng lượng khoan hồng để
“trở về với vợ con, trở thành công dân tốt, có cơ hội bù đắp lại mất mát cho
gia đình 3 chiến sĩ”. Bị cáo Doanh cùng với 5 bị cáo khác sau khi cảm ơn
các luật sư đã bào chữa cho mình cũng đã đề nghị họ không tiếp tục bào chữa,
mong muốn được dừng vụ án ở đây. Điều đáng nói, trước phiên tòa sơ thẩm, cả 6
bị cáo này và gia đình bị cáo đều chủ động mời luật sư bào chữa.
Như vậy, sau 8 tháng điều tra và 4 ngày diễn ra phiên xét xử, khi
đã nhận ra sai lầm và hành vi phạm tội của mình đúng như kết luận của cơ quan
điều tra cũng như cáo trạng đã truy tố, với nhiều bị cáo trong vụ án xảy ra tại
Đồng Tâm, mọi lời bào chữa đã không còn cần thiết. Sau khi được Viện Kiểm sát
xem xét chuyển đổi tội danh, thể hiện rõ nhất chính sách khoan hồng của Nhà
nước, những người trót lầm lỡ phạm tội hoàn toàn có thể hy vọng về cơ hội
sớm được làm lại cuộc đời.
Bản án nhân văn mở ra nhiều cơ hội
Trong vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo
trạng truy tố 29 bị cáo, trong đó có 25 bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”.
Tuy nhiên, qua diễn biến tại phiên tòa, Viện Kiểm sát đã quyết định thay đổi tội danh sang
“Chống người thi hành công vụ” đối với 19 bị cáo.
Tuyên án chiều nay, Hội đồng xét xử nêu quan điểm, các bị cáo này
đều là những nông dân chất phác, trình độ nhận thức pháp luật còn rất hạn chế
nên bị Lê Đình Kình, các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu và một số bị
cáo khác xúi giục, lôi kéo, kích động, đe dọa và hứa hẹn sẽ được quyền lợi tại
đất đồng Sênh. Nhiều bị cáo không thực hiện hành vi gây ra cái chết cho 3 nạn
nhân.
Tại phiên toà,
hầu hết các bị cáo đều khành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình
đã thực hiện… Do vậy, quyết định rút một phần quyết định truy tố, đổi tội danh
cho các bị cáo của Viện Kiểm sát là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội,
đúng pháp luật.
Với bản án đã
tuyên trong chiều nay, Hội đồng xét xử đã xem xét, cân nhắc tối đa các tình
tiết giảm nhẹ theo đề nghị của Viện Kiểm sát để áp dụng hình phạt dưới mức thấp
nhất của khung hình phạt đối với 6 bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ
hội làm lại cuộc đời.
Đáng chú ý, có tới 14 bị cáo được hưởng án treo, được
trả tự do ngay tại tòa (nếu không bị giam giữ về một tội phạm khác). Theo Hội
đồng xét xử, nhóm bị cáo này không nhất thiết phải cách ly khỏi xã hội mà giao
cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Bên cạnh đó, bản án tử hình cũng đã được tuyên đối với 2 bị cáo
cầm đầu, chủ mưu của vụ án là Lê Đình Công và Lê Đức Chức. Bị cáo Lê Đình Doanh
lẽ ra cũng cần loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội nhưng xét thấy gia đình bị cáo
có bố và chú ruột bị Hội đồng xét xử xem xét tước bỏ quyền sống; trong
giai đoạn điều tra vụ án và phiên toà, bị cáo Doanh thành khẩn khai báo,
nên để thể hiện sự nhân đạo và khoan hồng của pháp luật, Hội đồng xét xử
đã tuyên phạt bị cáo Doanh án tù chung thân.
Riêng bị cáo Bùi Thị Nối bị tuyên hình phạt tăng hơn so với mức án
đề nghị, bởi bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội rất tích cực. Tại phiên
toà, bị cáo không thành khẩn, có biểu hiện chống đối. Do đó, Hội đồng xét
xử nhận định, cần xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe, cải tạo.
Như vậy, một bản án công tâm, nghiêm minh và khách quan nhất
đã được tuyên tới từng bị cáo sau 7 ngày diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án
hình sự gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Đồng Tâm. Các mức án đã thể
hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật luôn được đặt lên trên hết, song
cũng cho thấy rõ chính sách khoan hồng của pháp luật và bản chất của hình
phạt mang tính răn đe, giáo dục.
Với 14 bị cáo được hưởng án treo, trong đó có hầu hết là các bị
cáo nữ, đã được trả tự do ngay tại tòa. Sau tất cả những việc làm sai trái, gây
bất ổn cho thôn xóm trong thời gian dài, giờ đây, khao khát lớn nhất của họ là
được phụng dưỡng bố mẹ già, nuôi dạy con cái nên người và cùng đoàn kết, xây
dựng quê hương Đồng Tâm.
Qua theo dõi
sát diễn biến phiên xét xử, ông Nguyễn Mạnh Đức (54 tuổi; trú tại tổ dân
phố số 25, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước những hậu quả
đặc biệt nghiêm trọng mà các bị cáo gây ra, bản án được tuyên trong chiều nay
hết sức nghiêm minh, nghiêm khắc và thích đáng với những đối tượng chủ mưu, cầm
đầu.
“Nhận định của Hội đồng xét xử rất xác
đáng về hành vi, tính chất, mức độ phạm tội của từng nhóm bị cáo. Bên cạnh
những bị cáo cần bị vĩnh viễn loại trừ ra khỏi xã hội, nhiều bị cáo
khác, do thiếu hiểu biết mà bị lôi kéo vào con đường phạm tội, đã
được trao cơ hội để làm lại cuộc đời với các bản án tù treo kèm thời
gian thử thách tại địa phương”, ông Đức trao đổi thêm.
Anh Hoàng Văn Trí (32 tuổi, nhân viên
một công ty cung cấp thiết bị chiếu sáng đô thị tại Hà Nội) cũng thể hiện đồng
tình với bản án. Nhìn nhận dưới góc độ khoan hồng của pháp luật. Anh
Trí nói: “Qua theo dõi phiên toà, tôi nhớ có bị cáo đã xin “đánh kẻ chạy đi
không ai đánh kẻ chạy lại”. Sự thành khẩn cũng như ăn năn, hối lỗi của các
bị cáo đã được xem xét, ghi nhận. Chỉ mong khi trở về, họ sẽ giữ đúng lời hứa,
để trở thành một công dân tốt, nuôi dạy con cái chăm ngoan và gìn giữ làng
xóm êm ấm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét