Bài 1: Mưu đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội
QĐND
- LTS: Trong lúc Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ
quan chức năng đang gấp rút tiến hành những bước cần thiết theo quy định của
pháp luật để chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội
đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thì trên mạng xã hội xuất hiện
những luận điệu xuyên tạc, sai trái hòng làm suy giảm niềm tin của cử tri và
nhân dân, phá hoại cuộc bầu cử.
Vệt bài “Vạch trần chiêu trò đòi
“dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử” nhằm chỉ ra những mưu đồ, luận
điệu sai trái chống phá bầu cử để từ đó, cử tri và nhân dân nhận diện rõ, hoàn
toàn vững tin, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình trong “ngày hội
của toàn dân”.
Bài 1: Mưu đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo
của Đảng đối với Quốc hội
Một số đối tượng đòi mở rộng dân chủ
trong hoạt động bầu cử và hoạt động của Quốc hội để từ đó đưa ra những yêu
sách, luận điệu hoàn toàn sai trái như: Đòi Quốc hội phải độc lập với Đảng; cho
rằng Đảng lãnh đạo Quốc hội là đứng ngoài và đứng trên luật pháp; rằng Đảng
lãnh đạo Quốc hội là biểu hiện của mất dân chủ; đòi phải cân bằng quyền lực
giữa Quốc hội và Đảng nên cần có ít nhất 50% đại biểu Quốc hội không phải là
đảng viên, vì chỉ có đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên mới đại diện cho
ý chí và nguyện vọng của nhân dân, còn đại biểu Quốc hội là đảng viên chỉ bảo
vệ ý chí của Đảng... Vậy những luận điệu trên sai trái và nguy hiểm như thế
nào?
Đảng lãnh đạo Quốc hội đã được Hiến định
Đầu tiên cần phải khẳng định rằng, Nhà
nước mà chúng ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN)
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; do đó, mọi hoạt động đều phải thượng
tôn pháp luật, không chấp nhận bất cứ một hoạt động nào trái pháp luật. Pháp
luật nước ta đã quy định, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo
Nhà nước và xã hội. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, được nhân dân đồng
tình, ủng hộ. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Đảng
Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên
phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi
ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo
Nhà nước và xã hội”. Như thế, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước trong đó có Quốc
hội-một cơ quan của Nhà nước-đã được khẳng định trong Hiến pháp. Cho nên, không
thể có việc Quốc hội độc lập hoặc thậm chí đối lập với Đảng như yêu sách của
các thế lực thù địch bên ngoài, một số phần tử chống đối hoặc một số người
không am hiểu pháp luật. Và như vậy, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử Quốc hội,
HĐND là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Phương thức lãnh đạo của Đảng với Quốc
hội, trước tiên bằng nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.
Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho cử tri, toàn thể
nhân dân nên việc Đảng lãnh đạo Quốc hội chính là để thể chế hóa các chủ
trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, từ đó đưa vào thực tiễn
cuộc sống.
Đảng lãnh đạo Quốc hội trực tiếp, toàn
diện nhưng không làm thay, mà Đảng lãnh đạo Quốc hội là để phát huy vị trí, vai
trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, phát huy trí tuệ của Đảng Đoàn Quốc hội,
các đoàn ĐBQH, từng ĐBQH và thực hiện ý nguyện của nhân dân. Thông qua hoạt
động của Quốc hội (lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của
đất nước) tác động lại sự lãnh đạo của Đảng trong việc đưa ra các chủ trương,
chính sách mới để đưa đất nước ngày càng phát triển.
Đảng viên trong Quốc hội thể hiện bản chất Nhà nước pháp quyền
XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Ý kiến đòi ĐBQH không phải là
đảng viên phải chiếm 50% Quốc hội là không phù hợp. Đó là vì, Đảng lãnh đạo
Quốc hội thông qua Đảng Đoàn Quốc hội và thông qua các đảng viên tại Quốc
hội. Trong Quốc hội, số lượng đảng viên chiếm đa số, thuộc nhiều giai cấp, tầng
lớp, thành phần trong xã hội. Có thể nói, số lượng đảng viên trong Quốc hội
cũng chính là một đặc trưng, thể hiện bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN của
nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng viên được bầu làm ĐBQH nhìn chung đều
có trình độ, có tri thức, có đạo đức, có vị trí, vai trò nhất định trong thực
hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước cũng như thực hiện đường lối chính sách
của Đảng. Thông qua hoạt động của mình, các đảng viên giữ các vị trí quan trọng
trong xã hội tham gia giải quyết những vấn đề của Quốc hội và cũng chính là
thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua các đảng viên. Muốn nâng cao chất
lượng công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất
nước, cần định hướng, xây dựng các ĐBQH, đội ngũ cán bộ hoạt động tại
Quốc hội có nhận thức chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có tri thức
và chuyên môn sâu.
Đảng lãnh đạo công tác bầu cử
là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần
lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện
vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới,
bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý đối với đội ngũ đại biểu;
tạo nền tảng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của
Đảng.
Quan điểm cho rằng, chỉ có
người ngoài đảng mới đại diện tốt cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, còn
ĐBQH là đảng viên không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân là hoàn
toàn xằng bậy. Bởi vì, bản chất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là cầm
quyền vì lợi ích của nhân dân, đại diện cho lợi ích của nhân dân, cầm quyền
theo pháp luật, cầm quyền một cách dân chủ và khoa học. Đảng cầm quyền không có
mục đích nào khác vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ
khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tới nay thì mọi thắng lợi của cách mạng Việt
Nam, mọi thành tựu của đất nước Việt Nam, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam đều
có vai trò lãnh đạo của Đảng. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân
làm chủ” xác định là phương thức vận hành tổng thể của hệ thống chính trị Việt
Nam. Cơ chế này là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng, Nhà nước và quần chúng
nhân dân, đồng thời xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới. Vì
thế, các đảng viên là ĐBQH không chỉ để giữ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với
Nhà nước mà còn là đại diện chân chính cho tiếng nói, lợi ích chính đáng của
nhân dân.
Có thể thấy, trong những năm
qua, Quốc hội với đại đa số đại biểu là đảng viên đã thực hiện tốt chức năng,
nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực về trí tuệ, công sức vào công cuộc phát
triển đất nước, thực hiện tốt vai trò là đại diện, bảo vệ cho quyền, nguyện
vọng và lợi ích hợp pháp của cử tri và nhân dân. Những thành tựu trong phát
triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...,
trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong phòng, chống dịch
bệnh; trong việc bảo đảm và từng bước nâng cao đời sống nhân dân đã thể hiện rõ
hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có Quốc hội, dưới sự lãnh
đạo của Đảng. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, với các hoạt động chất
vấn, tranh luận rất sôi nổi, hiệu quả tại nghị trường, được cử tri và nhân dân
cả nước quan tâm, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các ĐBQH không
phải là đảng viên cũng đã tham gia tích cực, hiệu quả vào hoạt động của Quốc
hội. Bởi vậy, việc những người ngoài Đảng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội,
đại biểu HĐND các cấp là hoàn toàn hợp pháp. Nếu hội đủ các tiêu chuẩn, được sự
tín nhiệm của cử tri và nhân dân theo các quy định trong hiệp thương, bầu cử
thì người không phải đảng viên đều có thể trở thành ĐBQH, đại biểu HĐND các
cấp. Cánh cửa Quốc hội và HĐND các cấp luôn rộng mở đối với những người ngoài
Đảng.
Cần một lần nữa nhấn mạnh
rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và Quốc hội nói
riêng đã được Hiến định, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đã mang lại những
thành tựu cho đất nước trong những năm qua. Tất nhiên, phương thức lãnh đạo của
Đảng đối với Quốc hội vẫn cần phải được đổi mới cho phù hợp với tình hình thực
tiễn. Hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ
hơn. Thế nhưng, dù cho đổi mới thế nào thì những thành tựu, hiệu quả cần được
khẳng định, những vấn đề có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa Đảng và Quốc
hội, những vấn đề thuộc bản chất của chế độ chính trị vẫn cần được giữ vững.
Những ý kiến, nhận xét thiếu tính xây dựng, mang động cơ chính trị đen tối, mưu
đồ cá nhân không đàng hoàng cần phải được nhìn nhận rõ. Các luận điệu sai trái
đòi đặt hoạt động của Quốc hội ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng, đòi ĐBQH không
phải là đảng viên phải chiếm đa số, rồi Quốc hội phải hoạt động theo mô hình
của các nước tư bản... thực chất chính là muốn thúc đẩy sự chuyển hóa của Quốc
hội nước ta, muốn cài cắm một lực lượng đối lập trong Quốc hội, để biến nghị
trường Quốc hội thành diễn đàn để chống phá chế độ chính trị-xã hội ở nước ta.
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân cần nhận thức đúng, tránh mắc
mưu của những đối tượng xấu.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét