Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Tranh luận gay gắt việc tách Luật Giao thông đường bộ

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng Chính phủ hơi vội khi trình việc tách Luật Giao thông đường bộ và đề nghị dành vấn đề này cho Quốc hội khóa XV

Ngày 16-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Vấn đề tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật; chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) môtô, ôtô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an đã làm nóng nghị trường với các phát biểu, tranh luận gay gắt.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng việc tách Luật Giao thông đường bộ xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Ảnh: NGUYỄN NAM

Cũng đồng ý việc tách 2 dự án luật, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. "Việc tách luật không phải phân chia "quyền anh, quyền tôi" mà trên hết là xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc; xây dựng hình ảnh quốc gia văn hóa, văn minh" - ĐB Xuân nhấn mạnh.
Đồng ý với việc tách Luật Giao thông đường bộ, đại biểu (ĐB) Quách Thế Tản (Hòa Bình) nêu quan điểm: "Việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp GPLX thuộc trách nhiệm Bộ Công an là bảo đảm tính hợp lý, thống nhất, nhất quán từ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và kiểm soát. Đây cũng là vấn đề xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn".

Trong khi đó, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng Chính phủ hơi gấp rút khi trình dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm TTATGT. Ông Xuyền nhấn mạnh việc kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc đòi hỏi đồng bộ nhiều vấn đề về xây dựng hạ tầng giao thông, quy hoạch giao thông... "Trong đó, việc tổ chức giao thông và thi hành pháp luật về giao thông quan trọng nhất chứ không phải là vấn đề mà chúng ta đang xem xét là tách 2 luật này. Do vậy, tôi tha thiết đề nghị QH dành công việc này cho QH khóa XV, bởi vì từ nay đến tháng 3 (kỳ họp QH thứ 11 của QH khóa XIV) còn rất ít thời gian, hơn nữa cần đánh giá rất kỹ lưỡng khi ban hành dự án luật này" - ĐB Xuyền nói.

Liên quan đến thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, theo ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), kết quả của Viện Nghiên cứu lập pháp của QH cho thấy ở Mỹ có 46/50 bang do cơ quan giao thông cấp, có 4 bang là cảnh sát cấp. Ở châu Âu thì chỉ Bulgaria là do cảnh sát cấp, còn lại là do cơ quan giao thông cấp. Tương tự, ở châu Á, chỉ có Indonesia là do cảnh sát giao thông cấp.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định nếu QH đồng ý việc tách luật và giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì trong lực lượng công an sẽ không tăng biên chế; không tăng chi phí, không lãng phí, không tăng các thủ tục về hành chính.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị QH xem xét thông qua 2 luật tại kỳ họp thứ 11 QH khóa XIV, bởi nội dung của 2 luật hiện nay tương đối đầy đủ. "Nếu chúng ta để qua QH khóa mới, e rằng sẽ kéo dài thêm 1 năm và như thế, những vấn đề bất cập hiện nay không được giải quyết" - ông Thể nói.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho biết Ủy ban Thường vụ QH sẽ xin ý kiến ĐBQH về các vấn đề còn ý kiến khác nhau nói trên.

Hôm nay (17-11), QH bước vào ngày làm việc cuối cùng và họp phiên bế mạc. QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

Theo báo Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...