Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Càng đến gần Đại hội XIII của Đảng càng phải chủ động phòng và chống các thông tin sai trái, thù địch

 (TG)- Việc nhận diện đúng những luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực cơ hội, phản động để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân một mặt nâng cao cảnh giác trước các thông tin xấu, độc; mặt khác, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kiên định lý tưởng cách mạng, tin tưởng vào Đảng, vào sự phát triển phồn vinh của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội XIII của Đảng là hết sức quan trọng và cần thiết.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển vững bền của đất nước nên thu hút sự quan tâm, kỳ vọng, niềm tin của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phát biểu kết luận cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)


Càng đến gần Đại hội, sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt này càng là dịp mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội thi nhau lợi dụng, tăng cường các hoạt động vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng xã hội. Trong đó, loạt các bài viết, trả lời phỏng vấn của Phạm Trần, Trần Quốc Việt, Nguyễn Dân, Đào Tăng Dực, Nguyễn Văn Đài, Song Chi, Bùi Thanh Hiếu… trên Tiengdan, Danlambao, Chantroimoi. Media, Việt Tân, Youtube, BBC, RFI… không chỉ thể hiện rõ âm mưu chống Đảng Cộng sản Việt Nam, bôi nhọ và xuyên tạc sự thật mà còn nhằm mục đích lôi kéo, mua chuộc những người nhẹ dạ cả tin và chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm suy yếu Đảng.

NHỮNG LUẬN ĐIỆU CŨ RÍCH

Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

Dưới "nhãn quan" của các nhà dân chủ "miệng", nhân danh dân chủ thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam là không thể chấp nhận được; cần phải xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cùng với đó, việc Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam lựa chọn con đường cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) là những sai lầm cần phải thay đổi; là căn nguyên của một đất nước Việt Nam kém phát triển về kinh tế, thiếu tự do, dân chủ và nhân dân Việt Nam mãi nghèo, đất nước Việt Nam không biết bao giờ mới đi qua được thời kỳ quá độ chứ đừng nói là chủ nghĩa xã hội…

Theo họ, đất nước Việt Nam chỉ phát triển và nhân dân Việt Nam chỉ được tự do, hạnh phúc khi đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, khi thực hiện đa nguyên, đa đảng, xây dựng xã hội dân sự, v.v.. mà không hề hiểu rằng cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước chỉ chấm dứt khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930. Trong đau thương, chìm nổi của thân phận nô lệ, sống mà không được thụ hưởng một quyền con người nào, mỗi người dân Việt Nam đã nhận thức rõ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là tất yếu khách quan của lịch sử, đáp ứng yêu cầu nội tại của đất nước và phù hợp xu thế của thời đại.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn con đường đi của dân tộc: "Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"[1], mà cụ thể là "đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập" và "thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo; bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo"[2]… chính là bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại nói riêng, nên nhân dân đã tin tưởng và đồng lòng đi theo Đảng.

Thực tế thì, Việt Nam “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử… Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”[3].

Cho nên mới nói, trong khi bôi nhọ, chống Đảng Cộng sản Việt Nam, chống chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng; đồng thời, kêu gào phải thực hiện xã hội dân sự, phải để người dân được thực hiện quyền này, quyền nọ, những người "yêu nước bằng bàn phím" hoặc là không hiểu, hoặc là cố tình không hiểu rằng: Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước chìm đắm trong đêm trường nô lệ, người dân sống trên dải đất hình chữ S này không còn được như "con sâu, cái kiến"… Không có Đảng lãnh đạo, lấy đâu tên đất nước Việt Nam được trả lại trên bản đồ chính trị thế giới; và cũng đâu có những người dân Việt Nam được thụ hưởng ngày càng đầy đủ hơn quyền con người, quyền công dân được chế định trong các Hiến pháp từ 1946 đến 2013!

Sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn thể nhân dân Việt Nam từ năm 1930 cho thấy, ngọn cờ độc lập, tự do gắn liền chủ nghĩa xã hội mà Đảng giương cao đã đáp ứng khát vọng của toàn thể dân tộc; đồng thời cũng cho thấy một sự thật là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được một cuộc đổi đời chưa từng thấy trong lịch sử. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, không còn thân phận nô lệ, cũng chẳng còn là thần dân, mỗi người dân Việt Nam từ sau ngày 2/9/1945 cho đến hôm nay và mãi mãi về sau đã, đang và sẽ luôn là người chủ/làm chủ cuộc đời mình, làm chủ vận mệnh đất nước mình, nên không cần đa nguyên, đa đảng đối lập!.

Phủ nhận chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Không chỉ chống Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, nhóm những người "nhân danh dân chủ" này còn thường mượn cớ, nhân một sự kiện chính trị nào đó để bôi nhọ Đảng, nói xấu những người cộng sản Việt Nam và luôn rêu rao rằng, Đảng không cần phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Theo họ, chỉ khi nào Đảng không lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng thì Đảng mới theo kịp con đường tư bản chủ nghĩa mà thế giới đang đi và nhân dân Việt Nam mới được tự do, dân chủ như ở phương Tây... Cùng với đó, họ đổ lỗi cho những hạn chế đang tồn tại là do Đảng độc quyền lãnh đạo; Đảng không phải là một khối đoàn kết, thống nhất mà bao gồm những cá nhân "ăn trên ngồi trốc", gồm những nhóm lợi ích, mưu lợi ích cho cá nhân và phe cánh; cán bộ, đảng viên không phải là những người vì nước, vì dân phục vụ mà là cha mẹ dân…

Tung ra những luận điệu vu khống như vậy, những người chống Đảng Cộng sản Việt Nam không hề nhận thức được rằng, ngay từ khi mới ra đời, Luận cương chính trị năm 1930 Đảng đã xác định rõ: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”[4]. Xuất phát từ điều kiện khách quan của lịch sử, việc thành lập một chính đảng Mácxit kiểu mới ở Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ngay từ khi mới ra đời không chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan, không phải chỉ vì lợi ích của giai cấp công nhân mà cao hơn nữa chính là vì lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam.

Tiếp đó, cùng với thời gian, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi"[5] và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng ta và dân tộc ta.

Vì thế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) và sau đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[6].

Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng: "Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào”[7]. Những thành tựu Việt Nam đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng chính là nhờ Đảng nắm vững, kiên định và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật của thời đại. Đồng thời, xuyên suốt hành trình đầy gian khó song rất đỗi tự hào đó, ngoại trừ một bộ phận suy thoái, còn đại đa số cán bộ, đảng viên của Đảng luôn nỗ lực hết mình để xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng

Khoét sâu vào sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", nhất là tình trạng tham ô, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà căn nguyên sâu sa là do mang nặng chủ nghĩa cá nhân, các "anh hùng bàn phím" quy kết rằng những khuyết tật suy thoái đó là bản chất của chế độ Đảng độc quyền lãnh đạo để thông qua đó bôi nhọ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng, thực hiện xã hội dân sự…

Thật ra, tham nhũng luôn là tệ nạn đối với mọi quốc gia, dân tộc, dù quốc gia đó theo chế độ đa đảng hay một đảng độc quyền lãnh đạo như Việt Nam. Ở Việt Nam, sớm nhận thức được tác hại của tham nhũng đối với việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tham ô, tham nhũng là “giặc nội xâm” và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng để chú trọng phòng và đấu tranh chống lại tệ nạn nguy hiểm này.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đấu tranh chống tham nhũng được Đảng xác định là nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng, không nóng vội, không chủ quan... Những nhiệm kỳ gần đây, việc đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng và hệ thống chính trị thể hiện rõ qua văn kiện Đại hội Đảng, qua các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng... Theo đó, các cơ quan, ban, ngành chức năng đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, trong đó lấy giáo dục làm cơ sở, lấy pháp chế làm đảm bảo, trên tinh thần: 1) Nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc; 2) Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; 3) Làm từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó, trong đó lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách; 4) Nhân văn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… để từng bước ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi tham nhũng.

Trong phòng và chống tham nhũng, việc đưa ra xét xử nhiều vụ án về tham nhũng kinh tế; việc khởi tố, xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên; trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý… nhất là nhiệm kỳ XII cho thấy, chủ trương và hành động quyết liệt của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng. Những kết quả trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII (2016) của Đảng đến những ngày tháng 10 năm 2020 được đăng tải trên các cơ quan truyền thông không chỉ khẳng định quyết tâm kiểm soát quyền lực trong Đảng, trong hệ thống chính trị mà còn góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng được trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong.

Bịa đặt về công tác nhân sự của Đảng

Một trong những vấn đề quan trọng mà các thế lực thù địch thường sử dụng để chống phá Đảng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa chính là bôi nhọ, xuyên tạc công tác cán bộ và công tác nhân sự của Đảng. Đặc biệt, khi Đại hội XIII của Đảng đến gần, mỗi khi có thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật các cá nhân hay tập thể vi phạm… là thêm một lần trên mạng xã hội lại đầy các thông tin nhiễu loạn, xuyên tạc. Vin cớ đó, họ quy kết rằng: Làm gì có cán bộ, đảng viên hết lòng vì nước, vì dân; xử lý kỷ luật chính là cuộc tranh giành quyền lực giữa các "phe cánh" trong Đảng; cuộc thanh trừng nội bộ nhằm chia nhau quyền lực của Đại hội XIII đến hồi gay cấn; thậm chí Đại hội chỉ là hình thức…

Thực tế thì, xuyên suốt các nhiệm kỳ của Đảng, nhận thức sâu sắc rằng: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[8] và “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Đó là một chân lý nhất định”[9], Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác cán bộ. Nhất là, công tác cán bộ và nhân sự cho Đại hội XIII đã, đang và sẽ được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, công khai, minh bạch, nghiêm túc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương… Do đó, việc đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, nhất là tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… đã từng bước được ngăn chặn.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiêm tiêu chuẩn cán bộ như Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…đã cho thấy công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự của Đại hội XIII nói riêng được tiến hành cẩn trọng, khách quan, minh bạch, đúng lộ trình.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013). Trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng là những người đã trải qua thử thách, rèn luyện và luôn phấn đấu để hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Chỉ những người đủ tiêu chuẩn về đức và tài, được tín nhiệm mới được bầu, được trao trọng trách đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý trong Đảng và trong hệ thống chính trị. Đó là những người không chỉ nói đi đôi với làm, gương mẫu và tận tâm, tận lực phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân mà còn phải luôn phòng và đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Đảng Cộng sản Việt Nam thực thi quyền lực chính trị của mình bằng cách lãnh đạo Nhà nước, thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước để hiện thực hóa quyền, lợi ích, ý chí của nhân dân mà Đảng là đại diện và được ủy quyền; luôn phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới… cho nên, có thể khẳng định rằng, những thông tin sai lệch về Đảng; về công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng; sự bịa đặt, quy chụp công tác cán bộ, nhất là nhân sự các cấp và cho Đại hội XIII là sự kích động, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, phủ nhận những nỗ lực trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bất kỳ thời điểm nào, thì những thông tin xấu, độc, nhiễu loạn như trên cũng cần phải được nhận diện đúng và kịp thời, để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao cảnh giác, tăng cường sức đề kháng!

TIN TƯỞNG VÀO TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG CỦA ĐẤT NƯỚC DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Nghiên cứu về lịch sử thế giới thì thấy rõ mỗi quốc gia, dân tộc đều có con đường để đi, song lựa chọn con đường nào đáp ứng yêu cầu tất yếu khách quan của lịch sử và phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước thì tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Vì thế, trong dòng chảy chung của lịch sử, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ách thống trị của hà khắc của thực dân Pháp, nhằm giành lại độc lập, tự do, các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam theo ngọn cờ phong kiến, ngọn cờ dân chủ tư sản - các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản diễn ra quyết liệt, liên tục và rộng khắp, song cuối cùng vẫn thất bại…

Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và thực tế, những thành tựu mà đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đạt được trong hơn 90 năm qua được thế giới ghi nhận đã cho thấy: Có rất nhiều con đường để đi, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn và phù hợp, là đáp ứng khát vọng sâu sắc, lớn lao của cả dân tộc.

Trong hơn 90 năm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền và nghĩa vụ công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định; trong đó, quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; luôn chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người, để quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu chủ đề Đại hội là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, với 5 quan điểm chỉ đạo mới.

Trong đó, Quan điểm 1 nêu tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn tới là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa… Quan điểm 3 nêu định hướng tạo động lực phát triển: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước…

Định hướng phát triển đất nước này không chỉ phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam mà còn phù hợp xu thế thời đại, bởi trong dòng chảy của lịch sử nhân loại độc lập, tự do, hạnh phúc luôn là khát vọng cháy bỏng, đồng thời cũng là quyền của mỗi con người, của mỗi dân tộc. Đó cũng chính là những quyền con người cao cả nhất theo Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về quyền con người.

Vì thế, nhân dân Việt Nam tin tưởng rằng, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp và dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, toàn thể nhân dân Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài cùng đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết để xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước, làm cho tên dân tộc Việt Nam gắn liền với thời đại Hồ Chí Minh lịch sử được tiếp bồi bằng những trang sử vàng vẻ vang.

TS. Văn Thị Thanh Mai

TS. Đinh Quang Thành

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1-2

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1998, t 2, t.100

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.607

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.280

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...