Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

Học sinh bị đánh trong trường, Hiệu trưởng có thể bị xử lý kỷ luật

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Con trai tôi học lớp 11, vào giờ ăn bán trú tại trường, cháu bị hai bạn cùng trường đánh, đập đầu vào tường, gây thương tích 93%. Sau sự việc, nhà trường chỉ thăm hỏi qua quýt. Mới đây, tòa án đưa vụ án này ra xét xử nhưng không xác định nhà trường có liên quan và cũng không triệu tập nhà trường tới tòa. Xin hỏi luật sư, việc này có đúng không? Nhà trường phải có trách nhiệm gì với con tôi không? Nguyễn Thị Trà Lý (Hà Nội)


Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh. Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội


Luật sư trả lời: Khoản 1, Điều 584 - Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo quy định này thì hai học sinh đã gây ra thương tích cho con trai bạn ngoài việc bị xử lý hình sự thì còn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự đối với các thiệt hại về sức khỏe mà con bạn phải gánh chịu, ví dụ như: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của cháu; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc cháu trong thời gian cháu điều trị… Và khoản 2, Điều 586 - Bộ luật Dân sự quy định về việc bồi thường của người 17 tuổi (tương đương với học sinh lớp 11) như sau: “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”. Nghĩa là bố mẹ của hai học sinh đánh con bạn sẽ phải bồi thường thay cho hai học sinh nếu hai học sinh không thể tự bồi thường.

Như vậy trong vụ việc của con trai bạn, nhà trường không có nghĩa vụ bồi thường đối với cháu. Nhà trường chỉ có trách nhiệm bồi thường nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý. Do đó việc Tòa án không triệu tập đại diện nhà trường đến phiên tòa là phù hợp với luật định. Tuy nhiên về mặt quản lý Nhà nước, Hiệu trưởng nhà trường có thể bị xử lý kỷ luật, bởi lẽ theo Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường thì “Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục”.

Tóm lại về mặt hình sự và dân sự, nhà trường nơi con bạn học tập không phải chịu trách nhiệm nên bạn không thể yêu cầu nhà trường có nghĩa vụ đối với con bạn. Còn về mặt hành chính, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục có thể sẽ có biện pháp xử lý đối với Hiệu trưởng nhà trường.

Ngẫm 

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...