(TG) - “Lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích” là một dạng
“tham nhũng đặc biệt” cần phải chủ động phòng, chống và ngăn ngừa.
“LỢI ÍCH NHÓM" VÀ TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC
Ảnh minh họa |
“Lợi ích nhóm”/ “nhóm lợi ích” thường liên quan đến người có
chức, có quyền khi có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động và cùng
phân chia lợi ích. Hiểu nguyên nghĩa, thì “đó là lợi ích của một nhóm người gắn
kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi
ích và bảo vệ lợi ích đó”(1). “Lợi ích nhóm”/ “nhóm lợi ích” kiểu
này được hình thành trên cơ sở cùng mục tiêu trục lợi, kiếm chác, tham nhũng;
lợi dụng sơ hở của các quy định để tạo các mối quan hệ nhằm móc nối kiếm lợi
bất chính cho cá nhân và nhóm mình, bất chấp nhân phẩm, đạo đức, pháp luật.
Sinh thời, trong một số bài
viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy chưa sử dụng khái niệm “lợi
ích nhóm”/ “nhóm lợi ích”, nhưng nội hàm của nó được hiểu là óc địa phương, óc
bè phái, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu… và Người cũng cảnh báo, từ khi trở
thành Đảng cầm quyền, những vấn nạn này ngày càng
phát triển tại các cơ quan công quyền. Cụ thể, theo Người: óc địa
phương “là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng
lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi
toàn thể”(2); óc bè phái là “ai hợp với mình thì dù
người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng
hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng
cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống, họ phải
mấy cũng không nghe”(3); địa phương chủ nghĩa là
“chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn
bộ”(4); cánh
hẩu là: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn… Ham
dùng những kẻ khéo nịnh hót mình… Ham dùng nhữngngười tính tình hợp với mình”(5),v.v..
Những tệ nạn này không chỉ làm “hỏng cả công việc của Đảng” mà còn làm mất đi
sự liêm khiết, công bình, chính trực, chí công vô tư của các cơ quan công quyền
trong hệ thống chính trị.
Việc nhân danh tổ chức, tập thể
và lợi dụng chức quyền để móc nối, liên kết, mưu lợi cho mình, người thân, cùng
phe cánh, làm hại đến lợi ích Nhà nước, tập thể, “gây nên mối lôi thôi trong Đảng.
Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”(6) của những kẻ đã thoái hóa,
biến chất dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức Đảng, làm giảm lòng
tin của quần chúng với Đảng.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ
rõ, “lợi ích nhóm” ban đầu chỉ đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau
theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, chung nhau làm ăn, đôi bên cùng
có lợi. Nhưng rồi, cùng với thời gian, lợi ích cục bộ đó bây giờ không chỉ dừng
lại ở quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành “sự ăn cánh”, “đường dây” của một
nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung(7).
Cụ
thể và chi tiết hơn, theo Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XII), “lợi ích nhóm”:
1) Diễn ra trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách về kinh
tế - xã hội như quyết định hoặc tổ chức thực
hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai,
tài nguyên; trong đầu tư công, quản lý
và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết
với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ,
quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. 2) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền,
chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được
giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…3) Càng về cuối nhiệm kỳ, những
người thuộc “nhóm lợi ích” thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn
hạn trước mắt, có lợi cho mình, nhóm mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người
quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích...
Tất cả những những biểu hiện này đều “tác động tiêu cực đến tất cả các
lĩnh vực của đời sống xã hội trên các
phạm vi khác nhau”(8), làm
kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, gây suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội
và làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đồng thời,
dưới tác động của nền kinh tế thị trường, “lợi ích nhóm” cũng làm cho sự suy
thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra
nhanh hơn; trong đó, lối sống trung thực, chính trực bị lối sống thực dụng
“nịnh trên nẹt dưới”, chạy theo đồng tiền, sử dụng đồng tiền trong các mối quan
hệ để mua bán, đổi chác quyền lợi và danh vọng ngày càng lấn át. Tệ hối lộ, lại
quả, “tham nhũng vặt” đã trở nên quen thuộc và xa hơn nữa là những phi vụ làm
ăn mờ ám, béo bở, những đường dây chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch lan
rộng đã thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đi liền cùng đó, “lợi ích nhóm”
đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sống thiếu lý tưởng, hoài
nghi vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã
lựa chọn, thậm chí thờ ơ, bàng quan trước những thay đổi về đời sống chính trị
thế giới và trong nước, vô cảm trước tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi bức xúc của
nhân dân; xuyên tạc, phủ nhận, đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh; dẫn đến nhiều địa phương, nhiều cấp ủy không thực hiện đúng nguyên
tắc tập trung dân chủ, làm trái với nguyên tắc, Điều lệ, chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hình thành bè cánh, phe phái
trong Đảng, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, làm suy giảm năng lực
lãnh đạo và chiến đấu của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng
viên.
ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG "LỢI ÍCH NHÓM" ĐỂ ĐẢNG TRONG SẠCH
VỮNG MẠNH
Trong
những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng
và chỉnh đốn Đảng; trong đó có phòng, chống và ngăn chặn “lợi ích nhóm” đã được
đẩy mạnh. Từ Trung ương đến địa phương, việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ
thị 05) đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của các cấp
ủy Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, việc rèn luyện tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ đã đạt được những kết quả tích cực.
Để đẩy mạnh thực hiện xây dựng
và chỉnh đốn Đảng, nhất là phòng và chống “lợi ích nhóm”/”nhóm lợi ích” trước
thềm đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, những nhiệm vụ cần tập
trung thực hiện là:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người
đứng đầu các cơ quan ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương về tác
động và hệ lụy của “lợi ích nhóm” đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của
cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng người,
từng cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và lãnh đạo, tổ
chức nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết,
quy định, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội...
Tiếp tục gắn thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XII với Chỉ thị 05, với Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ
Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và
chống chạy chức, chạy quyền và các Quy định số 55-QĐ/TW, Quy định số
08-QĐi/TW về vấn đề nêu gương, để phòng và chống các biểu hiện suy thoái với cơ
chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu rõ ràng, rành mạch, đúng quy định của Đảng
và “kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá
nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với
làm”(9).
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ
các cấp đủ tâm - tầm - tài; trong đó, chú trọng từ khâu tuyển chọn, tiếp nhận,
quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá, khen thưởng
và kỷ luật cán bộ công khai, minh bạch để khắc phục triệt để “lợi ích nhóm” và
vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ
cần thực hiện đúng và tốt về thẩm quyền, chức năng tham mưu trong xây dựng, ban
hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chế độ của Đảng,
Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; thực hiện nghiêm túc quy chuẩn, quy trình
bổ nhiệm cán bộ và kịp thời đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, “lợi ích
nhóm” để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến
lược theo tinh thần Nghị quyết số 26- NQTW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng
sản Việt Nam khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp
chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Ba là, nâng cao chất lượng sinh
hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng;
tăng cường công tác quản lý, giám sát và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng
viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi mặt
công tác, gương mẫu giữa “nói đi đôi với làm” để nâng cao năng lực và sức chiến
đấu của Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời,
thông qua việc tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện
bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ
lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với thực hiện tốt học tập, làm theo tấm
gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đẩy mạnh đấu tranh, phòng,
chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ, địa phương chủ
nghĩa, quan liêu, tham ô, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.
Bốn là, phát huy vai trò thông
tin, định hướng của các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh
đốn Đảng gắn với và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh. Nâng cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn
thể nhân dân và nhân dân trong thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách pháp luật của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát đội
ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên hướng về cơ sở, lắng
nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát; đồng thời, mở rộng các hình thức lấy
ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo,
quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp, coi đó là cơ sở để nhận xét,
đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn “lợi ích nhóm”
trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị./.
_______________________
(1) Nguyễn Văn Mạnh: Một số ý kiến về “lợi ích nhóm” ở Việt
Nam hiện nay, Noichinh.vn, ngày 1-8-2013.
(2), (3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị
quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.5, tr.296, 88, 87-88, 318, 321.
(7) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ
then chốt để phát triển đất nước, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2017,
tr.90-91.
(8) Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống “lợi ích
nhóm” ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2015, tr.42.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.202.
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
ThS. Vũ Thị Kim Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét