Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”,
có giá trị to lớn về lịch sử và thời đại đối với sự nghiệp cách mạng của nhân
dân ta và đời sống quốc tế, đặc biệt là đối với phong trào giải phóng dân tộc
trên toàn thế giới. Thế nhưng, vẫn có những người do đối lập về lập trường
chính trị, thù địch, thiếu thiện chí, cố tình xuyên tạc, phủ định những giá trị
lịch sử của chiến thắng vĩ đại này.
Cờ Quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Chỉ huy của tướng Đờ Cátxtơri tại cứ điểm Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu/ APF) |
Những thắng lợi vĩ đại và huy hoàng của
dân tộc ta ở thế kỷ XX mà Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi, cùng với những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đã tạo ra thế và lực
mới cho đất nước hôm nay, để nhân dân Việt Nam ngẩng cao đầu, vững bước đi tới
tương lai. Chiến thắng Điện Biên Phủ “như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của
lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời
phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn
toàn”1. Sự kiện này đã lùi vào lịch sử, dấu tích chiến tranh ngày
càng lùi xa trên thành phố Điện Biên Phủ thân yêu đổi mới, nhưng giá trị và ý
nghĩa của chiến thắng lịch sử này vẫn vẹn nguyên.
Suốt 66 năm qua,
nhiều chính khách, học giả, nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự, văn
hóa, chính trị, pháp lý,… với biết bao cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi khoa
học, trên rất nhiều diễn đàn với các cấp độ, tính chất và quy mô khác nhau đã
tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá, phát hiện, làm sáng tỏ và khẳng định rõ những
giá trị đích thực và ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên,
hiện nay, trên một số trang mạng xã hội lạc lõng xuất hiện một số bài viết có
nội dung xuyên tạc, phủ nhận giá trị lịch sử, ý nghĩa và tầm vóc chiến thắng
Điện Biên Phủ của nhân dân ta. Vẫn với những nội dung xuyên tạc cũ rích, họ cho
rằng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta “chỉ là cuộc đụng độ
giữa hai thế lực hiếu chiến”; và “Điện Biên Phủ là cụ thể hóa cuộc chiến đấu
cho tự do chống ách áp bức cộng sản”. Họ tráo trở rằng: hành động chiến tranh
của quân đội Pháp ở Việt Nam và ở chiến trường Điện Biên Phủ “là cần thiết,
mang ý nghĩa cao cả”. Thậm chí, có những người còn đưa ra luận điệu ấu trĩ
rằng: “làm gì phải phát động chiến tranh, chỉ cần đợi đến lúc nào đó thực dân,
đế quốc rồi cũng phải trả lại chủ quyền đất nước”, v.v.
Về chiến thắng
Điện Biên Phủ, đã nhiều lần chúng ta khẳng định rõ ý nghĩa, tầm vóc của nó
trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cũng như đối với phong trào
giải phóng dân tộc trên thế giới; đồng thời khẳng định, giá trị lịch
sử, ý nghĩa to lớn đó là không thể xuyên tạc, phủ nhận. Bản chất,
tính chất của cuộc chiến tranh đóng vai trò rất quyết định đến giá trị lịch sử
và ý nghĩa của cuộc chiến tranh đó. Vì thế, các thế lực thù địch đã cố tình
nhập nhằng, đánh lộn bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhân dân ta với cuộc chiến tranh
xâm lược, phi nghĩa của thực dân Pháp. Nếu Điện Biên Phủ “chỉ là cuộc đụng độ
giữa hai thế lực hiếu chiến” như họ nói, thì chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân
dân ta cũng chẳng có giá trị và ý nghĩa như chính chiến thắng vĩ đại này đã
mang lại. Việc đánh lộn bản chất, tính chất của cuộc chiến tranh là rất nguy
hại. Nó vừa làm cho một số người nhẹ dạ, cả tin dễ mất cảnh giác, không nhận
thức đúng bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp (trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ) của nhân dân ta và hành động chiến
tranh xâm lược của địch; vừa trực tiếp xuyên tạc, làm suy giảm và phủ nhận giá
trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ở đây không cần
dẫn luận dài dòng về tư liệu lịch sử, mà chỉ cần nhấn mạnh lại cho họ hiểu
rằng: cuộc đọ sức trong suốt chín năm kháng chiến và trong chiến dịch Điện Biên
Phủ là cuộc đọ sức giữa nhân dân của một dân tộc có lòng yêu nước thiết tha,
đầy khát vọng giải phóng, quyết tâm giành cho được độc lập dân tộc, “không chịu
mất nước, không chịu làm nô lệ” với thực dân Pháp xâm lược “có vũ khí tối tân,
hùng binh ác tướng”. Tính chất chính nghĩa, phi nghĩa của các bên trong cuộc đọ
sức lịch sử này đã rõ như ban ngày, không thể nói bừa đó là “cuộc đụng độ giữa
hai thế lực hiếu chiến”. Trong kháng chiến chống Pháp, quân dân ta chiến đấu vì
mục tiêu chính nghĩa là giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự hội tụ đến đỉnh điểm quyết tâm của cán bộ, chiến
sĩ và các tầng lớp nhân dân ta, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chính nghĩa ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: mục đích của thực dân Pháp là xâm lược nước ta,
“Nó mất 99% còn hy vọng 1%, nó vẫn đánh. Phải đánh nó qụy nó mới chịu”2.
Trong cuộc đọ sức ấy, nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, có chính nghĩa, có
“những thứ vũ khí mạnh mẽ hơn” địch, chúng ta “nhất định thắng lợi”.
Trên thực tế,
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành mọi biện pháp để cứu vãn, giành
lấy hòa bình bằng giải pháp đàm phán với Pháp mà cả thế giới đều biết. Nhưng
với dã tâm xâm lược hòng tiếp tục nô dịch đất nước ta một lần nữa, thế lực hiếu
chiến Pháp đã đưa hàng chục vạn sĩ quan, binh lính quân đội nhà nghề, với hàng
triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất đương thời để
đàn áp hàng chục triệu người dân Việt Nam vô tội. Dã tâm và hành động đó là
không thể biện minh. Ngay tướng Pháp Nava trong cuốn sách “Đông Dương hấp hối”
đã phải thú nhận: “Cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là một cuộc
chiến tranh dân tộc (đây là dân tộc Pháp). Đó là một cuộc viễn chinh thôn tính
ở một nơi xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc”3 bởi
đây là cuộc chiến phi nghĩa và khẳng định: “Về phương diện chính trị, Việt Minh
là một quốc gia thật sự”4. Nhà văn Jules Rot đã viết về mục đích
chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Họ là quân giải phóng Việt Nam và
biết rằng họ chiến đấu vì nền độc lập của mình chống lại một chủ nghĩa thực dân
đang bị xóa sổ trên toàn thế giới. Nếu họ chết đi, họ sẽ chết với tiếng thét tự
do”5. Sự thú nhận và bình luận trên tuy chưa thật đầy đủ, nhưng đã
phần nào nói lên dã tâm xâm lược và tính chất phi nghĩa của cuộc chiến do thực
dân Pháp phát động; đồng thời, nêu rõ tính chất chính nghĩa của nhân dân ta.
Cũng không thể biện minh cho sự thất bại của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở
chiến trường Điện Biên Phủ. Chính học giả người Pháp, R. Phrăng, Trường Đại học
Tổng hợp Păngtêông - Soócbon Pari 1 cũng đã nhận định: “Âm vang về Điện Biên
Phủ như là tiếng sấm trên bầu trời Pháp,… Điện Biên Phủ quả thực được xem như
là một sự thất bại và cũng là sự phá sản của nước Pháp”6.
Không thể
xuyên tạc, phủ nhận giá trị lịch sử mang tầm thời đại của chiến thắng Điện Biên
Phủ. Đây là một trong
những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại
xâm của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa to lớn, mang tầm vóc thời đại. Nó không
những buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genéve, chấm dứt chiến tranh, lập
lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ của Việt Nam, mà còn buộc chúng phải công nhận độc lập của nhân dân Lào và Campuchia,
rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Một chân lý lớn của thời đại: các dân tộc bị
áp bức, xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết
đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do, thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Điều
đó đã được chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định và chứng minh sinh động trong
thực tiễn bằng chính tinh thần và ý chí chiến đấu, hy sinh của quân dân ta.
Giá trị và ý
nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ được nhiều nhà nghiên cứu, quân sự, lịch sử
trên thế giới đánh giá cao, xem đây là “một Xtalingrat của lịch sử chiến đấu
giải phóng thuộc địa”. Nó đã giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân
Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ, báo hiệu sự
thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế
quốc Mỹ cầm đầu. Nhà sử học Berna Fol cho rằng: “Điện Biên Phủ không chỉ là một
chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng
chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ”7. Chiến thắng Điện Biên
Phủ đã làm đảo lộn chính sách thuộc địa của thực dân Pháp, buộc chúng phải có
sự điều chỉnh, tôn trọng quyền của các dân tộc, công bố “quyền tự trị” hoặc
trao trả độc lập cho nhiều nước trên thế giới; làm sụp đổ từng mảng hệ thống
thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, trở thành ngọn cờ tiên phong trong phong
trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nó thôi thúc, cổ vũ nhân dân các nước
thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ - Latinh đứng lên đấu tranh tự
giải phóng, giành độc lập dân tộc, thoát khỏi ách xâm lược, nô dịch của chủ
nghĩa thực dân, đế quốc. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân
tộc như một “dòng thác cách mạng” trên thế giới trong những thập kỷ 50, 60, 70
của thế kỷ trước là có sự tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng rất sâu sắc bởi chiến
thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
Chiến thắng
Điện Biên Phủ là chiến thắng có giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại sâu
sắc. Đó là chiến
thắng của độc lập dân tộc trước thế lực thực dân xâm lược; chiến thắng của
chính nghĩa, nhân đạo trước phi nghĩa, bạo tàn và là chiến thắng của ý chí giải
phóng của nhân dân trong “một quốc gia thật sự” đại biểu cho tinh thần dân tộc,
khát vọng hòa bình của nhân loại trước thế lực đế quốc, thực dân cũ ở giữa thế
kỷ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ “đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài,
gian khổ và anh dũng của nhân dân ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can
thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng
lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên
Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày
nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải
phóng của các dân tộc nhất định thành công”8.
Bài học, giá trị
và tinh thần Điện Biên Phủ đã tiếp nối và nhân lên sức mạnh trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Kế thừa tinh thần đó, chúng ta bước vào cuộc chiến đấu mới, thực hiện thắng lợi
mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công
và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG
___________________
1 - Hồ Chí Minh -Toàn tập,
Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 315.
2 - Hồ Chí Minh -Toàn tập,
Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 198.
3 - Điện Biên Phủ - Nhìn
từ phía bên kia, Nxb QĐND, H. 1994, tr. 108.
4 - Sđd, tr.
112.
5 - Sđd, tr.
175 - 176.
6 - R. Phrăng - Điện
Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp,
Nxb CTQG, H. 2005, tr. 520.
7 - Điện Biên Phủ -Hợp tuyển
công trình khoa học, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 1161.
8 - Hồ Chí Minh - Toàn
tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 271.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét