CÁCH MỆNH TRƯỚC HẾT PHẢI CÓ ĐẢNG CÁCH MỆNH
Học thuyết Mác - Lênin về Đảng Cộng sản chỉ ra rằng: Giai cấp vô sản muốn làm cách mạng phải thành lập được chính đảng độc lập của mình. Đảng đó phải là đội tiền phong của giai cấp vô sản, có nền tảng tư tưởng và lý luận cách mạng; đề ra cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn; đề ra nguyên tắc tổ chức và hoạt động khoa học; xây dựng đội ngũ cán bộ và đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng; xây dựng thể chế và tác phong lãnh đạo của Đảng; xây dựng năng lực cầm quyền để tranh đấu giành chính quyền về tay giai cấp.
Khi có chính quyền, Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị của CNXH và là một bộ phận của hệ thống đó. V.I. Lênin chỉ ra rằng: “Lúc này, cuộc đấu tranh giai cấp chưa chấm dứt, mà tiếp tục diễn ra dưới những nội dung, hình thức và phương pháp mới. Để phối hợp hành động và hướng hoạt động của cả hệ thống chính trị vào xây dựng thành công CNXH và chủ nghĩa cộng sản, về nguyên tắc, Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn phải nghi ngờ gì nữa” [1]. Và muốn giữ được vị trí cầm quyền đó, Đảng phải là “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại” [2].
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, Hồ Chí Minh đã vận động, tổ chức giai cấp công nhân thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Vừa ra đời (tháng 2-1930) Đảng ta đã bước lên vũ đài chính trị, nắm lấy ngọn cờ cách mạng lãnh đạo giai cấp, lãnh đạo nhân dân và toàn thể dân tộc Việt Nam đấu tranh: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập,…”[3]. Với ý chí và tinh thần đó, “Đảng đoàn kết lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến CNXH”[4]. Đảng nhanh chóng trở thành nhân tố quyết định hàng đầu, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Quá trình đó, Đảng ta đã từng bước “làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột”; đồng thời, “dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh,...".
Đảng ra đời là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”[5]. Cách mạng Việt Nam đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, vượt qua bao nhiêu sóng gió, thác ghềnh, ngày càng tỏ rõ lực lượng lãnh đạo tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Càng qua phong trào, Đảng càng tỏ rõ phẩm chất, năng lực, uy tín cầm quyền được nhân dân tin tưởng giao phó. Đó cũng là minh chứng cho luận điểm vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng muốn thắng lợi thì phải có một Đảng lãnh đạo". Tức là, Đảng phải có cương lĩnh, đường lối chính trị đứng đắn; có phương pháp cách mạng khoa học; luôn đảm bảo lợi ích chính đáng và nguyên vọng thiết tha của giai cấp, của dân tộc, của nhân dân lao động và vì sự tiến bộ của nhân loại.
ĐẢNG PHẢI CÓ CHỦ NGHĨA LÀM CỐT
Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênnin Đảng cầm quyền mà không có lý luận dẫn đường thì cách mạng sẽ không có “phong trào vận động” và đảng sẽ không thể làm nổi “trách nhiệm cách mạng tiền phong”. Từ rất sớm, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ điều đó. Trong toàn bộ hoạt động của Đảng, Đảng ta luôn luôn đề cao vai trò của lý luận, lấy chủ nghĩa Mác - Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.
C. Mác đã từng chỉ ra tầm quan trọng của lý luận: “Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng có thể trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng” [6]. Luận thuyết đó, được Lê nin nâng lên ở tầm cao mới: “Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”[7], và Lênin coi “Chủ nghĩa Mác là lý luận của phong trào giải phóng của giai cấp vô sản”[8]. Tiếp thu tư tưởng đá, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng Đảng cầm quyền ở nước Việt Nam và đẩy chủ nghĩa Mác - Lênin lên một giai đoạn mới - chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngay từ những năm 20 của Thế kỷ XX, trong cuốn Đường cách mệnh (xuất bản năm 1927), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng chính luận thuyết nổi tiếng của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi lý luận Mác - Lênin là vũ khí sắc bén của Đảng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[9] và Người đã thường xuyên quan tâm, nhắc nhở Đảng ta “cần phải chăm lo xây dựng nền tảng lý luận tiền phong của Đảng”; “cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận,... chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng” [10] và người khẳng định với một luận thuyết nổi tiếng:“Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình”[11].
Am hiểu tường tận chủ nghĩa Mác - Lênin và bằng nhận thức sâu sắc từ thực tiễn cách mạng các nước, nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận khoa học đầy sáng tạo: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Và Người cũng cảnh báo rằng: Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt” không có nghĩa là giáo điều theo từng câu từng chữ của Mác, của Lênin, mà là nắm vững tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, tham khảo kinh nghiệm các nước, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để đưa ra đường lối, chính sách đúng đắn cho cách mạng. Cùng với việc làm sáng tỏ vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng, trong quá trình lãnh đạo cach mạng, Đảng luôn luôn xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn để “xây dựng chủ nghĩa cho vững”. Chủ nghĩa ấy phải đảm bảo thể hiện rõ bản chất giai cấp công nhân, tính cách mạng sáng tạo và khoa học của Đảng. Trước hết, trên hết phải vì lợi ích của giai cấp, của toàn thể nhân dân và dân tộc Việt Nam; phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dẫn đường chỉ lối cho nhân dân hành động phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và thời đại.
Trên nền tảng Cương lĩnh chính trị đầu tiên (năm 1930) của Đảng, trải qua nhiều thời kỳ cách mạng khác nhau cam go, trong đó có cả sự bất hòa trong hệ thống XHCN, nhưng Đảng ta vẫn tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa ấy, tư tưởng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn cách mạng nước ta, đồng thời làm phong phú thêm nó. Đường lối cách mạng Việt Nam mỗi thời kỳ lại được bổ sung, phát triển, nhưng trước sau như một, Cương lĩnh của Đảng vẫn xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động,…”[12].
Ngày nay, cho dù thế giới có nhiều biến đổi trong xu thế phát triển đa cực, toàn cầu hóa và cạnh tranh quyết liệt. Các hình thức chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội đã khác nhiều so với trược đây. CNXH thế giới cũng đã bị tan giã ở nhiều nước;… nhưng Đảng ta vẫn kiên định con đường đã chọn - con đường đi lên CNXH ở nước ta; đồng thời, vẫn sáng suốt: “Kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”[13].
Thực tiễn cách mạng Việt Nam và những thành tựu đạt được trong các cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, đánh bại tất cả những tên “đế quốc to”, những tên sen đầm, đầu sỏ nhất thế giới, những âm mưu bá quyền nước lớn muốn chia cắt, thôn tính lâu dài Việt Nam trong Thế kỷ XX; cùng với những thành quả phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước gần 35 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn kỳ diệu trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta.
ĐẢNG CÓ VỮNG VAI TRÒ CẦM QUYỀN MỚI VỮNG, CÁCH MẠNH MỚI THÀNH CÔNG
Muốn giữ vững vị trí cầm quyền, Đảng phải tỏ rõ vai trò lãnh đạo trong xây dựng cương lĩnh, đường lối chính trị; đồng thời, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Công việc đường lối là ở nơi Đảng nhưng mấu chốt thực hiện là ở đảng viên (ở con người). Đảng muốn mạnh, phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự tiên phong, gương mẫu, tiêu biểu trong phong trào và trong mọi hoàn cảnh. Ngoài việc nắm vững lý luận, trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải là tấm gương giỏi và tiêu biểu trong thực tiễn. Hiện nay, suy cho cùng sự thắng thế của một đảng cầm quyền không phải chỉ ở chỗ số đông đảng viên mà chính là ở năng lực, trí tuệ và phẩm chất cách mạng của Đảng ấy. Toàn Đảng phải là khối thống nhất về tư tưởng và là một lực lượng mạnh mẽ về hành động. Đảng viên phải tiên phong đi trước nhân dân, nói đi đôi với làm, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[14]. Trên thực tế, chỉ khi nào và ở đâu, đội ngũ cán bộ, đảng viên có tâm, có đức, có trí, dũng, có tinh thần dân chủ, sáng tạo, tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc, đạo đức, văn minh của toàn xã hội thì lúc đó, ở đó tổ chức của Đảng mới mạnh, mới thực sự làm tròn vai trò người lãnh đạo. Ngược lại, thì suy yếu, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đực lối sống và ắt sẽ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ.
“Đảng ta là một đảng cầm quyền”, điều đó thể hiện tính quy luật tất yếu của cách mạng Việt Nam. Trong hoàn cảnh Việt Nam, Đảng không chia sẻ quyền lực với đảng khác trong vai trò cầm quyền của mình. Thực tiễn Việt Nam đã từng tồn tại bên cạnh Đảng Cộng sản là cách đảng, như: Đảng Dân chủ Việt Nam (1944 - 1988) và Đảng Xã hội Việt Nam (1946 - 1988), nhưng các đảng ấy đều không được đa số nhân dân giao cho sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng. Các đảng ấy, đều tuân thủ đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân giao phó, ủy thác. Đảng không liên minh, liên kết với bất kỳ đảng khác trong quá trình thực hiện vai trò lãnh đạo của mình và đó cũng là nguyên tắc đã được được hiến định không thể thay đổi; trở thành một kết quả tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Như vậy, từ trong Di sản Hồ Chí Minh, có thể hiểu quan điểm “Đảng ta là đảng cầm quyền” chính là thông qua việc nắm quyền, Đảng thực hiện sứ mệnh lãnh đạo xã hội, lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo nhân dân, để đạt được mục tiêu cách mạng mà Đảng và dân tộc đều đồng thuận. Khái quát hơn, cũng: “Có nghĩa là Đảng đã trở thành người lãnh đạo thực tế của toàn xã hội” [15].
Với vị trí đó, Đảng càng phải “mạnh” mới giữ vững được vai trò cầm quyền của Đảng, Đảng mới lãnh đạo cách mạng đi đến thành công. Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Những người Cộng sản, họ tuyệt nhiên không có lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”[16]. Thấm nhuần tư tưởng đó, Đảng ta luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện và đồng bộ trên cả ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cả ba mặt đó vững mạnh đã làm nên thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam hoà vào dòng chảy của cách mạng thế giới.
“Chúng ta phải chăm lo xây dựng, vun xới, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để mỗi người tự hoàn thiện mình, phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu;… Mục đích của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang nhưng rất nặng nề của mình là lãnh đạo hoàn thành sứ mạng lịch sử, nhiệm vụ chính trị của mình, tổ chức toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân"
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Trích bài viết“Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”
|
Công cuộc đổi mới và công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng đang thu được nhiều kết quả[17], góp phần nhân lên sức mạnh to lớn về mọi mặt của đất nước. Theo đó, sự trong sạch, vững mạnh của Đảng được nâng lên, “đã tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH ở nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”[18]. Với ý nghĩa đó, vai trò cầm quyền và vị trí lãnh đạo của Đảng chắc chắc chắn sẽ được củng cố và phát triển, không một thế lực đen tối nào có thể khuất phục.
#HHĐ#
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t. 2, tr.2.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd t. 12, tr.37.
[6] C.Mác - Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Sự Thật, H,1980, tr.25..
[7] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1978, t. 6, tr.32
[8] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1980, t. 26, tr.281
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 406.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 277.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI. Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr 88..
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16..
[16] C.Mác – Ph. Ăngnghen toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, tr. 614.
[17]. Từ sau nhiệm kỳ đại hội XII đến nay, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên, trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sỹ quan trong lực lượng Công an, Quân đội (cấp tướng là 23 đồng chí...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét