(TG) Ngày nay, an ninh thông tin đã và đang đi vào mọi ngõ ngách
của đời sống xã hội và dần trở thành một bộ phận quan trọng của an ninh quốc
gia. Nguy cơ gây mất an ninh thông tin là mối đe dọa lớn và ngày càng gia tăng
đối với an ninh quốc gia. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ tình hình an
ninh thông tin ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay, chỉ rõ những vấn đề đang
đặt ra trong bảo đảm an ninh thông tin và các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao
hiệu quả bảo đảm an ninh thông tin của Việt Nam thời gian tới.
Trải
qua 35 năm đổi mới, hệ thống thông tin của Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ,
phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu
cầu thông tin của xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Lĩnh vực viễn thông, Internet, tần số vô tuyến điện có sự
phát triển mạnh mẽ, đạt được mục tiêu số hóa hoàn toàn mạng lưới, phát triển
nhiều dịch vụ mới, phạm vi phục vụ được mở rộng, bước đầu hình thành những
doanh nghiệp mạnh, có khả năng vươn tầm khu vực, quốc tế. Hệ thống bưu chính
chuyển phát, báo chí, xuất bản phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và
kỹ thuật nghiệp vụ, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội;
đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Tuy nhiên, tình hình an ninh thông tin ở Việt
Nam đã và đang có những diễn biến phức tạp. Các
cơ quan đặc biệt nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt
động tình báo, gián điệp, khủng bố, phá hoại hệ thống thông tin; tán phát thông
tin xấu, độc hại nhằm tác động chính trị nội bộ, can thiệp, hướng lái chính
sách, pháp luật của Việt Nam. Gia tăng
hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, hệ
thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Theo thống kê, trung bình mỗi
năm, qua kiểm tra, kiểm soát các cơ quan chức năng đã phát hiện trên 850.000
tài liệu chiến tranh tâm lý, phản động, ân xá quốc tế, tài liệu tuyên truyền tà
đạo trái phép; gần 750.000 tài liệu tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước được tán
phát vào Việt Nam qua đường bưu chính. Từ 2010 đến 2019 đã có 53.744 lượt cổng thông tin, trang
tin điện tử có tên miền .vn bị tấn công, trong đó có 2.393 lượt cổng thông tin,
trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước “.gov.vn”, xuất hiện nhiều
cuộc tấn công mang màu sắc chính trị, gây ra những hậu quả nghiêm trọng [1].
Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực
thông tin diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt
hại nghiêm trọng về nhiều mặt. Các hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin;
gây mất an toàn, hoạt động bình thường, vững mạnh của mạng máy tính, mạng viễn
thông, phương tiện điện tử của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và hệ thống thông
tin vô tuyến điện,… đã và đang gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, xâm hại
trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Theo
kết quả đánh giá an ninh mạng do Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện, trong năm
2019, chỉ tính riêng thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt
Nam đã lên tới 20.892 tỷ đồng (tương đương 902 triệu USD), hơn 1,8 triệu máy
tính bị mất dữ liệu do sự lan tràn của các loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền
(ransomware), trong đó có nhiều máy chủ chứa dữ liệu của các cơ quan, gây đình
trệ hoạt động của nhiều cơ quan, doanh nghiệp [2].
Hệ thống thông tin của Việt Nam còn tồn tại
nhiều điểm yếu, lỗ hổng bảo mật dễ bị khai thác, tấn công, xâm nhập; tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước qua hệ thống thông tin
gia tăng đột biến; hiện tượng khai thác, sử dụng trái phép cơ sở dữ liệu, tài
nguyên thông tin quốc gia, dữ liệu cá nhân người dùng diễn biến phức tạp; xuất
hiện nhiều dịch vụ mới, hiện đại gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát
của các cơ quan chức năng. Từ 2001 đến 2019, các cơ quan chức năng đã phát hiện
hơn 1.100 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, trong đó lộ, mất bí mật nhà nước qua hệ
thống thông tin chiếm tỷ lệ lớn với trên 80% số vụ [1]. Tháng 3/2018, Facebook cũng đã để lộ dữ liệu cá nhân để một nhà phát triển bán lại cho
Công ty Cambridge Analityca, dẫn tới 87 triệu dữ liệu thông tin người dùng bị
lộ, trong đó có 427.466 tài khoản của người dùng Việt Nam [3]
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Vietnam Security Summit 2019. Ảnh: ĐT |
Thực
tế nêu trên đã làm xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh thông tin của
Việt Nam ở cả bên trong và bên ngoài. Ở trong nước, trước hết là nguy cơ tụt
hậu về công nghệ, lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, nhất là hệ thống mạng
lõi; phần mềm hệ thống, dịch vụ thông tin của nước ngoài (nhất là dịch vụ mạng
xã hội) dẫn tới mất chủ quyền nội dung
số, tài nguyên thông tin về các công ty công nghệ nước ngoài ngày càng nghiêm
trọng hơn; các đối tượng cơ hội, chống đối
chính trị trong nước, triệt để sử dụng mạng xã hội tán phát thông tin giả,
thông tin xấu, độc nhằm gây rối nội bộ, kích động biểu tình, bạo loạn.
Ở bên ngoài, các thế lực thù địch triệt để sử
dụng hệ thống thông tin để tác động, can thiệp nội bộ, hướng lái chính sách,
thao túng dư luận, thúc đẩy “cách mạng màu” ở Việt Nam; xâm phạm độc lập, chủ
quyền quốc gia trên không gian mạng, tiến
hành chiến tranh thông tin đối với Việt Nam. Các tổ chức phản động lưu vong,
khủng bố tăng cường hoạt động tấn công,
phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; sử dụng không gian
mạng để tán phát thông tin xấu, độc hại, kích động biểu tình, bạo loạn; hình
thành các hội, nhóm, các tổ chức chính trị đối lập,… Các tổ chức tin tặc, tổ chức tội phạm thực hiện các cuộc
tấn công mạng tự phát, đơn lẻ hoặc có chủ đích nhằm vào hệ thống thông tin
trọng yếu quốc gia, làm tê liệt, gây gián đoạn hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo,
điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan, ban, ngành ở
Trung ương và địa phương đã chú trọng nghiên cứu, xây dựng, áp dụng đồng bộ các
giải pháp tăng cường đảm bảo an ninh thông tin. Bên cạnh những kết quả đã đạt
được, công tác đảm bảo an ninh thông tin ở Việt Nam hiện nay đứng trước nhiều
khó khăn, thách thức. Tiềm lực bảo đảm an ninh thông tin, cả về con người, tài
chính và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh
thông tin trong tình hình mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh
thông tin chưa cao; năng lực phát hiện, xử lý các hoạt động xâm hại an ninh
thông tin, sự cố gây mất an ninh thông tin của các cơ quan, đơn vị còn nhiều
hạn chế; hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đảm bảo an ninh thông tin
chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới,…
Hiện nay, đất nước ta đang đứng trước những
nguy cơ, thách thức lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát
triển, ứng dụng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, công nghệ sinh học, sẽ
hình thành nên nhiều lĩnh vực mới như: “Internet công nghiệp”, “Nhà máy
thông minh”, “Thành phố thông minh”, “Xã hội siêu thông minh”, “Chính phủ
điện tử”… hoạt động trên môi trường không gian mạng, tạo sự đột phá về phát
triển kinh tế, chính trị - xã hội. Xu hướng
Internet kết nối vạn vật (IoT), gồm Internet kết nối với năng lượng, dịch vụ,
truyền thông đa phương tiện, con người, vạn vật sẽ thay đổi phương thức hoạt
động của cả một nền kinh tế, thói quen, tâm lý, văn hóa xã hội. Sự phát triển
kinh tế xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc gia ở Việt Nam những năm tới chủ
yếu dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Với xu thế phát triển của nền kinh tế chia
sẻ, chuyển đổi số,… công nghiệp công nghệ thông tin sẽ trở thành ngành kinh tế
chủ đạo, quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của quốc gia.
Do đó, để nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh
thông tin thời gian tới, cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về
an ninh thông tin và bảo đảm an ninh thông tin. Cần nhận thức rõ, an ninh thông
tin là độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian thông tin, sự an
toàn, phát triển ổn định, vững mạnh của lĩnh vực thông tin, hệ thống thông tin
quốc gia. An ninh thông tin là nội dung trọng tâm của an ninh quốc gia trong
điều kiện mới, có mối quan hệ chặt chẽ với các vấn đề an ninh truyền thống khác
như an ninh chính trị nội bộ, an ninh quân sự, an ninh văn hóa tư tưởng, an
ninh kinh tế, an ninh xã hội. Nguy cơ gây mất an ninh thông tin là mối đe dọa
lớn và ngày càng gia tăng đối với an ninh quốc gia, an ninh quốc tế. Chính vì
vậy, đảm bảo an ninh thông tin là nhiệm
vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị
trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt. Để đảm bảo an ninh thông tin
cần coi trọng và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, pháp luật, khoa học
kỹ thuật, tuyên truyền - giáo dục, tổ chức – hành chính, kinh tế, ngoại giao và
nghiệp vụ chuyên môn.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức của cán
bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho học
sinh, sinh viên về các nguy cơ, các yếu tố gây mất an ninh, đe dọa gây mất an
ninh thông tin. Từ đó, nâng cao ý thức trong sử dụng các dịch vụ thông tin,
nhất là dịch vụ do nước ngoài cung cấp; nâng cao bản lĩnh chính trị, khả năng
nhận biết, tiếp nhận thông tin, khả năng tự vệ, “miễn dịch” trước những thông
tin giả, thông tin xấu, độc hại. Có kế hoạch đưa nội dung về nhận diện các nguy
cơ, yếu tố gây mất an ninh thông tin và trách nhiệm đảm bảo an ninh thông tin
vào hệ thống giáo dục quốc dân, qua đó giáo dục ý thức, trách nhiệm, nâng cao
nhận thức cho toàn dân về vấn đề này.
Hai là, nghiên cứu xác lập chủ
quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ, chủ
quyền và lợi ích quốc gia trên không gian thông tin quốc tế; bảo vệ và khai
thác có hiệu quả tài nguyên thông tin quốc gia.
Việt Nam cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm
quốc tế, tập trung nghiên cứu, xác lập
không gian mạng quốc gia (với cơ sở hạ tầng, dịch vụ, khung pháp lý) nhằm sớm
khẳng định chủ quốc gia trên không gian mạng. Xác định các yếu tố cấu thành và
đẩy mạnh giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả chủ quyền quốc gia trên không gian
thông tin: (1) Phát triển công nghệ phần cứng nhằm bảo đảm tự chủ về phương
tiện, thiết bị, nhất là hệ thống mạng lõi, máy tính, điện thoại, cơ sở hạ tầng
thông tin; (2) Phát triển công nghệ phần mềm nhằm tạo lập hệ sinh thái phần mềm
riêng, bao gồm: hệ điều hành, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và các ứng dụng
dịch vụ trên Internet; (3) Phát triển công nghệ bảo mật riêng và hệ thống kiểm
tra, giám sát an ninh nhằm chủ động phát hiện và ngăn chặn, chặn lọc các thông
tin giả, thông tin xấu, độc hại; (4) Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia tích
hợp, liên thông, an toàn (Big Data) tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số
và phát triển kinh tế số; (5) Xây dựng hệ thống tuyên truyền, định hướng thông
tin hiện đại, an toàn và có trách nhiệm; hệ thống tấn công, phòng thủ riêng,
đặc biệt là hệ thống thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước và trên lĩnh vực an
ninh, quốc phòng; (6) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và
thị trường dịch vụ phát triển.
Trước hết, cần có cơ chế đặc thù để tập trung
nguồn lực xây dựng cho bằng được mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hệ điều hành
tiện ích riêng của Việt Nam tương thích với quốc tế, có chỗ đứng vững chắc trên
thị trường và trong xã hội. Điều này một
mặt vừa khẳng định vị thế quốc gia, đảm bảo độc lập,
tự chủ, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, từng bước hạn chế sự lệ thuộc vào công nghệ của nước
ngoài, nâng cao khả năng bảo mật và khả năng tự chủ trong đảm bảo an ninh thông
tin, đảm bảo lợi ích kinh tế quốc
gia, tạo thuận lợi cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân
tộc, chủ động trong việc tiếp nhận thông tin và tạo thuận lợi trong
thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn có hiệu quả các thông
tin xấu, độc hại, gia tăng khả năng đảm bảo bí mật thông tin cá nhân người
dùng. Đồng thời cần có kế hoạch hợp lý khai thác và bảo vệ tài nguyên thông
tin quốc gia phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo,
chỉ đạo của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh thông tin. Tập trung xây dựng, hoàn thiện
chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh thông tin, tạo môi trường pháp lý để
bảo đảm sự an toàn, tin cậy cho nền kinh tế số, cho việc chia sẻ dữ liệu số,
cho quản lý hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin qua biên
giới vào Việt Nam. Tiếp tục nghiên cứu
xây dựng luật về chống thông tin giả, thông tin xấu, độc hại; luật bảo vệ thông
tin cá nhân. Có cơ chế công khai giám
sát, chặn lọc thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên không gian mạng; quy định
cụ thể và thực hiện nghiêm túc quy định bắt buộc sử dụng thông tin thật khi
đăng ký tài khoản trên mạng. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng;
quy định về bảo vệ, kiểm tra, sử dụng tài nguyên thông tin quốc gia, dữ liệu cá
nhân người dùng.
Bốn là, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hệ thống thông tin quan trọng
quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, nâng cao năng lực phòng thủ, phục hồi sau các cuộc tấn công vào hệ
thống thông tin, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm phạm an ninh thông
tin của các thế lực thù địch và các loại tội phạm.
Chính phủ cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng
hiện đại, băng thông đủ rộng để vượt qua các cuộc tấn công gây nghẽn mạng, có
hệ thống máy lưu trữ dự phòng để chuyển hướng dữ liệu trước các cuộc tấn công
và phục hồi sau tấn công mạng. Thường
xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục lỗ hổng bảo mật trên toàn hệ thống, bổ sung
thiết bị, phần mềm chuyên dụng có khả năng kiểm tra, kiểm soát an ninh, an toàn
thông tin trên môi trường mạng viễn thông, internet, tần số vô tuyến điện,… Xây dựng, triển khai
thực hiện các giải pháp kỹ thuật chuyên biệt nhằm kiểm tra, phát hiện
các nguy cơ gây mất an ninh thông tin. Tổ chức diễn tập hàng năm về phòng, chống tấn công
mạng cấp quốc gia với sự tham gia của cơ quan chính phủ, các tập đoàn kinh tế
trọng yếu, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và các cơ
quan, tổ chức có liên quan, đảm bảo xử
lý kịp thời các nguy cơ gây mất an ninh, đe dọa gây mất an ninh thông tin ở
Việt Nam.
Chú trọng dự báo, triển khai các giải pháp đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động xâm hại an ninh thông tin
của các đối tượng, nhất là hoạt động tấn
công làm tê liệt hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia; ý đồ sử dụng trí tuệ
nhân tạo (Al), dữ liệu lớn (big Data) để thao túng, kích động dư luận xã hội,
tạo điều kiện thúc đẩy “cách mạng màu” ở Việt Nam; và âm mưu, ý đồ của các thế
lực thù địch, bá quyền quân sự hóa không gian thông tin, phát động chiến tranh
thông tin đối với Việt Nam.
Năm là, tập trung nguồn lực để xây dựng, từng bước phát triển nền công nghiệp công
nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp an ninh thông tin (an ninh mạng) của
Việt Nam.
Với nguồn lực của Việt Nam hiện nay, cần tập
trung phát triển công nghiệp an ninh thông tin theo hướng lưỡng dụng, kết hợp
cả trong lĩnh vực dân sự với bảo đảm an ninh, quốc phòng; đối tác công tư. Nhà
nước cần có cơ chế đặc biệt, triển khai ngay các giải pháp đi tắt, đón đầu để
từng bước làm chủ và xuất khẩu công nghệ thông tin. Khuyến khích nghiên cứu,
phát triển, sử dụng các phần mềm, dịch vụ thông tin riêng của Việt Nam, đáp ứng
yêu cầu bảo mật thông tin, sự an toàn của bí mật nhà nước, giám sát an ninh
mạng. Xây dựng doanh nghiệp công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ viễn thông,
Internet trong nước lớn mạnh, làm chủ thị trường, hình thành lực lượng doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ, có năng lực tự sản xuất các trang thiết bị an ninh
thông tin.
Chính phủ cần ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ
trợ và huy động các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp về công nghệ an ninh mạng, các
doanh nghiệp công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ viễn thông, internet trong
nước làm chủ thị trường; hình thành các doanh nghiệp có năng lực tự sản xuất,
cung cấp dịch vụ, các trang thiết bị, giải pháp gắn với bảo vệ an ninh mạng,
tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghệ thông tin. Thành lập các quỹ đầu
tư cho nghiên cứu, phát triển các giải pháp đảm bảo an ninh thông tin.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, an
ninh thông tin ngày càng trở thành một nội dung quan trọng của an ninh quốc
gia. Nghiên cứu về an ninh thông tin, bảo đảm an ninh thông tin vì vậy luôn là
một yêu cầu bức thiết hiện nay. Các phân tích về tình hình an ninh thông tin,
vấn đề đặt ra và những giải pháp bảo đảm an ninh thông tin trong bài viết chỉ
là những kết quả nghiên cứu ban đầu, xin mạnh dạn nêu lên để cùng trao đổi./.
Thiếu
tướng, PGS.TS. Lê Văn Thắng
Giám đốc Học viện An ninh nhân dân
_________________________________________________
Danh mục tài liệu tham khảo
(1). Lê Văn Thắng (2019), “An ninh thông tin của Việt Nam trong điều kiện hiện nay:
Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp”, Đề tài khoa học cấp Nhà nước, Hà
Nội.
(2). Tập đoàn BKAV (2019), Báo cáo tổng kết
công tác an ninh mạng năm 2019.
(3) Bộ Công an (2018), Báo cáo số
403/BC-A68-P1 ngày 13/3/2018 “Báo cáo sơ kết 04 năm thực hiện Chỉ thị số
28-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông
tin mạng trong tình hình mới.
(4) Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 30-NQ/TW
ngày 25/7/2018 về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.
(5) Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số
29-NQ/TW ngày 25/7/2018 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét