Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

TỪ VỤ NỮ SINH GIAO GÀ Ở ĐIỆN BIÊN BỊ SÁT HẠI AI XIN LỖI

Sau gần 4 tháng, vụ án vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị cưỡng bức rồi sát hại vẫn chưa dừng lại do xuất hiện thêm cả tội phạm mới từ những tình tiết có liên quan trong vụ án. Lúc này, cả dư luận mới “ngã ngửa” vì những sự việc phức tạp, những câu chuyện khuất tất, và cả sự nhạy bén, tài phá án của công an tỉnh Điện Biên. Vụ án dần càng được làm sáng rõ, thủ phạm có liên quan dần sa lưới pháp luật; chỉ có thái độ và nhận thức của một bộ phận dư luận thì vẫn đang còn “tối tăm”.

Còn nhớ, khi vụ án sát hại nữ sinh giao gà mới xảy ra, các nhà báo, các cư dân mạng liên tục chỉ trích lực lượng Công an nào là phá án chậm, nào là vô trách nhiệm, nào là không xứng đáng được nhận thưởng,… Đơn giản, người ta cứ nghĩ bắt được thủ phạm hiếp, giết nữ sinh là vụ án đã “xong”. Sự thật là hoàn toàn trái ngược như những gì chúng ta thấy. Từ vụ án giết người, hiếp dâm, cơ quan điều tra còn khám phá ra đường dây buôn bán ma túy lớn mà người có liên quan lại chính là mẹ nữ sinh giao gà…

Đáng chú ý hơn, quá trình điều tra, khám phá vụ án, cơ quan công an còn gặp rất nhiều trở ngại như việc có nguồn tin nặc danh phao tin thủ phạm chủ mưu trong việc giết nữ sinh là một chiến sĩ công an, mẹ nữ sinh giao gà liên tục kêu than là con mình chết oan và kẻ chủ mưu chưa được làm rõ,… Dư luận từ ấy mà càng tập trung công kích lực lượng công an, gây sức ép dư luận đến quá trình điều tra, khám phá vụ án.

Hiện nay, theo một số thông tin được lãnh đạo các cơ quan Công an công khai, việc xuất hiện những tin đồn, tin nặc danh giả mạo trên mạng có thể do chính thủ phạm của vụ án tung ra, dùng sức mạnh của dư luận áp đặt lên lực lượng Công an nhằm mục đích che giấu tội phạm. Rõ ràng, dư luận đã quá sai lầm và thực sự có lỗi trong việc gây sức ép khi quá trình điều tra còn chưa rõ ràng cũng như chưa có chứng cứ thực tế. Một số nhà báo, phóng viên mắc lỗi nghiêm trọng khi đăng tin, viết bài dưới tư cách phóng viên, nhà báo mà lại tự cho mình là một điều tra viên, một thẩm phán,… Tựu chung, việc dư luận, phóng viên, nhà báo cố tình làm thay việc cho cơ quan Công an là hoàn toàn sai; việc dư luận, báo chí đả kích, coi thường lực lượng Công an là một việc đáng lên án.

Thử hỏi, những người đã làm sai như thế, những người từng “chà đạp” lên hình ảnh của lực lượng Công an sau vụ nữ sinh giao gà đã có ý thức như thế nào về vụ việc? Ít thấy một cá nhân, một tờ báo, hay một đại điện nào của “cư dân mạng” lên tiếng nói lời xin lỗi.

Lại nói về vấn đề đòi hỏi của dư luận xã hội. Trước nay, dư luận tập trung chỉ trích một cách gay gắt những cơ quan, đơn vị hay cá nhân trong bộ máy hành chính nhà nước khi họ làm sai mà không có lời xin lỗi. Người ta đã quen với thực trạng lời xin lỗi là thứ khó khăn nhất đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Từ đó, họ tiếp tục chỉ trích cán bộ, công chức có sai mà không biết nhận lỗi, không biết nhận lỗi thì không biết sửa sai… Thế mà, ngược lại, khi báo chí sai, khi dư luận sai, tuyệt nhiên chúng ta cũng chẳng thấy có lời xin lỗi nào. Hóa ra, lời xin lỗi là thứ hiếm hoi trong toàn xã hội hiện nay chứ không riêng gì tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Qua câu chuyện này, cái thứ mà người viết muốn nói ra không phải chỉ một lời xin lỗi từ những người đã vội vàng phán xét, chỉ trích, thóa mạ lực lượng Công an; thứ cần thiết hơn phải là cả một sự thay đổi của cộng đồng.

Thứ nhất, đừng bao giờ tự cho rằng mình giỏi và phán xét bất cứ một cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nào. Nếu cơ quan chức năng còn thiếu sót, hãy góp ý để họ hoàn thiện; nếu họ sai hãy lên tiếng để họ sửa đổi; nếu họ đúng, đừng tiếc lời khen ngợi. Nhưng, hãy nên nhớ, chỉ làm khi mọi thứ đã được minh chứng bằng thực tế khách quan chứ không phải những suy luận mang tính cá nhân.

Thứ hai, phá án, điều tra là cả một quá trình dài và cần nhiều biện pháp nghiệp vụ chứ không phải giản đơn như cách người ta nghĩ. Vì thế, trước mỗi vụ án gây chấn động dư luận, hãy là những người đọc tin tức, hiểu tin tức và giúp đỡ lực lượng chức năng phá án, chứ đừng phá vỡ hoạt động bình thường của cơ quan công quyền. Lực lượng báo chí, hãy thể hiện đúng vai trò đưa tin, cung cấp thông tin chứ không phải làm thay nhiệm vụ phá án. Làm đúng thì chẳng sao, nhưng làm sai hay bị bọn tội phạm lợi dụng lại như vụ án nữ sinh giao gà thì đáng trách lắm.

Thôi thì, chẳng cần lời xin lỗi nữa, hiểu lý lẽ và làm được những điều nhỏ bé như trên thì có lẽ lực lượng Công an đã rất biết ơn dư luận hay các nhà báo, phóng viên rồi.

Không có nhận xét nào:

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...