Những ngày qua, trên
nhiều trang mạng xã hội, nhất là các trang mạng của những phần tử cơ hội và một
số tờ báo điện tử nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam đã có những nhận định
chủ quan, cái nhìn sai trái, ý kiến lệch lạc về giáo dục Việt Nam. Cần phải
vạch rõ “chân tướng” đằng sau những luận điệu này.
Chuyện bé xé ra to, gắn vấn đề giáo
dục với mưu đồ chính trị
Nguyên cớ khởi đầu từ một clip đăng trên trang mạng xã hội quay
cảnh một người được cho là giáo viên tiểu học đang hướng dẫn phụ huynh cách dạy
con lớp 1 đánh vần theo cuốn Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) của một
giáo sư. Một câu chuyện giảng dạy theo phương pháp mới tưởng như bình thường,
nhưng nó bị đẩy lên quá mức làm “nóng” dư luận. Nhân cơ hội này, một số người
vốn có cái nhìn định kiến, cực đoan và những kẻ có tư tưởng cơ hội chính trị,
bất mãn, thù hằn với chế độ Việt Nam đã cố tình làm to chuyện, phức tạp hóa vấn
đề, thậm chí gắn vấn đề giáo dục với vấn đề chính trị với những toan tính xấu.
Không chỉ đưa ra các nhận định đầy miệt thị, ác ý như: “Cải cách
giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại vì tư duy tiểu nông, vì bóc
ngắn cắn dài”, “Giáo dục Việt Nam trong 30 năm qua không chỉ rối loạn bởi các
đề án hoang tưởng tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mà còn đối diện với cuộc khủng
hoảng suy đồi đạo đức nghiêm trọng khiến niềm tin vào những gì được gọi là “cải
cách” sụp đổ”; có người còn đưa ra cái gọi là “kiến nghị” rằng: “Nếu không làm
được một bộ sách giáo khoa cho ra hồn, giải pháp khả thi là mua một bộ sách
giáo khoa của Anh, Mỹ về cho các cháu học, cháu nào học được thì học mà không
học được thì dịch ra tiếng Việt mà học”(!). Rồi một số người lại đề xuất cái
gọi là “khuyến cáo”: “Những thiên thần vô tội không nên và không thể tiếp tục
bị đem ra làm vật hy sinh cho các tranh cãi liên miên về cải cách giáo dục và
chương trình-sách giáo khoa hay các thử nghiệm cải cách thi cử”. Họ còn lên tiếng
lu loa: “Ý thức hệ giáo điều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường
vẫn gây nên sự ngộ nhận chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cải cách khiến cho mục
đích giáo dục thiếu tính thực tế, sai với lẽ tự nhiên”(!)…
Những lời lẽ trên cần phải phê phán, bác bỏ vì nó đã được nhìn
nhận qua “lăng kính màu đen”, đã có “bàn tay” của các thế lực thù địch kích
động cho rằng đó là cách học “lạ”, đánh đồng hiện tượng với bản chất, lợi dụng
vấn đề giáo dục để đan cài mục đích chính trị thiếu lành mạnh.
Có thể nói rằng, việc nhiều người dân cũng như dư luận xã hội
quan tâm đến những đổi mới của lĩnh vực giáo dục nói chung, chương trình cải
cách giáo dục và sách giáo khoa nói riêng, là điều bình thường, vì sự nghiệp
giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Người dân lo toan đến giáo dục là lo toan
đến vận mệnh đất nước. Thế nhưng, cần tỉnh táo nhận diện, phân biệt đâu là
những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, vì lợi ích chung; đâu là ý
kiến đội danh “phản biện” mà “biện” thì ít, còn “phản” thì nhiều! Mặt khác, khi
nhìn nhận, đánh giá về vấn đề giáo dục rất cần có thái độ thận trọng, khách
quan và cái nhìn biện chứng, khoa học.
Ví như khi nhận định về tài liệu TV1-CNGD, không nên và cũng
không thể chỉ lấy một phương pháp đánh vần mới, không giống cách đánh vần
truyền thống, rồi đưa ra hai thái cực, hoặc là phủ nhận hoàn toàn, hoặc là ủng
hộ tuyệt đối. Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã khẳng định, tài
liệu TV1-CNGD về cơ bản bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ
năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cấp
tiểu học. Tài liệu này là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn
nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình GDPT
hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tuy
nhiên, sẽ không mở rộng triển khai chương trình để giữ ổn định cho đến khi thực
hiện Chương trình GDPT mới được triển khai từ năm học 2019-2020.
Mặc dù cơ quan chức năng đã thông tin chính thức như vậy, nhưng
một số người coi việc đánh vần “lạ” theo tài liệu TV1-CNGD như là cái cớ để
“xới tung” một vấn đề không mới, nhưng lại ẩn chứa những dụng ý chính trị cũ
rích khi cho rằng, giáo dục Việt Nam “rối rắm vì thiếu triết lý”, lại “không
cải tiến được vì không có làn gió mới, máu mới vào nền giáo dục”, rồi từ đó phủ
nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục, xuyên tạc bản chất
của nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã được bao thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý
giáo dục bền bỉ vun trồng, bồi đắp.Thực tế, nền giáo dục Việt Nam luôn vận động
theo sự phát triển của xã hội. Việt Nam đã tiến hành ba lần cải cách giáo dục
(các năm 1950, 1956, 1981) cho phù hợp với từng thời kỳ lịch sử và đáp ứng với
yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Hiện nay, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn
diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XI, đang được triển khai tích cực với những bước đi, giải pháp
phù hợp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, kể từ khi thực hiện
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng từ năm 2013 đến nay, nhiều đổi mới trong ngành
giáo dục có tín hiệu khả quan. Việc triển khai chương trình GDPT mới đang đi
đúng lộ trình. Đến nay, đã có 24 trường
đại học thí điểm tự chủ.
Một trong những thành tựu của ngành giáo dục thời gian qua là
chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững, nổi bật là các đoàn học
sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế hằng năm đều đoạt giải cao. Trong tháng
7-2018 vừa qua, 100% thí sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế các môn: Vật lý,
Toán học, Hóa học, Sinh học đều đoạt huy chương (gồm 7 huy chương vàng, 6 huy
chương bạc, 5 huy chương đồng), trong đó, Việt Nam là một trong 10 nước đoạt từ
hai huy chương vàng trở lên và xếp thứ hạng cao tại cuộc thi Olympic Vật lý
quốc tế; đặc biệt thí sinh Nguyễn Phương Thảo đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi
trên tổng số 261 thí sinh tại Olympic Sinh học quốc tế tổ chức ở Iran.
Nỗ lực vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất
lượng toàn diện giáo dục
Nói thế không có nghĩa là giáo dục Việt Nam chỉ có những thành
tựu, mà cũng đang phải vượt qua những thách thức không nhỏ. Đảng, Nhà nước và
nhân dân Việt Nam, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đã nhận thấy những
bất cập, hạn chế của ngành giáo dục cần phải khắc phục, đó là: Chương trình học
có môn còn quá tải; phương pháp dạy học còn thiên về truyền thụ kiến thức nên
chưa phát huy được tính tích cực của người học; việc kiểm tra, thi cử còn nặng
về điểm số dẫn tới áp lực cho học sinh; giáo dục đại học chưa đáp ứng đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước…
Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt
Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm từng bước khắc phục những tồn
tại trong lĩnh vực giáo dục, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo
hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát
triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đổi mới hệ thống giáo dục theo
hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương
thức GD&ĐT; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; bảo đảm các
điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, và hội nhập quốc tế hệ thống GD&ĐT. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều phiên
họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp của Quốc hội đã góp ý, thảo luận
sôi nổi về việc sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành để sớm
thông qua vào kỳ họp gần nhất. Động thái này của Quốc hội cũng không ngoài mục
đích tạo ra “cú hích” mới, động lực mới thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước
nhà trong thời gian tới.
Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà và ảnh hưởng mật thiết
đến sự ổn định, phát triển của quốc gia. Do vậy, khi nhìn nhận, đánh giá về
giáo dục rất cần phải được xem xét toàn diện, thấu đáo ở mọi khía cạnh, đặt
trong mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa những thành quả đổi mới đã
đạt được và những sức ỳ, lực cản trong lộ trình đổi mới cần phải khắc phục.
Không nên lấy một vài cái sai đơn lẻ trong hoạt động giáo dục hay những vấn đề
đang còn tranh luận để phủ nhận những nỗ lực đổi mới giáo dục cũng như những
thành quả giáo dục của Việt Nam trong những năm qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét