Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Freedom House lại tái diễn luận điệu xuyên tạc về quyền tự do Internet tại Việt Nam

[CAND] Những ngày qua, một số website hải ngoại đưa thông tin về việc Freedom House ngày 16/10/2024 công bố báo cáo về tự do Internet toàn cầu, trong đó tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm không có tự do Internet với thang điểm tự chấm 22/100 điểm. Bảng báo cáo trên một lần nữa thể hiện bản chất cực đoan của một tổ chức tự gắn mác “vì nhân quyền”, “vì tự do”, bất chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy quyền con người.

Freedom House và những “bàn tay đen” ẩn sau

Theo chu kỳ hằng năm, tổ chức phi chính phủ có tên Freedom House có trụ sở tại Washington, D.C Hoa Kỳ lại đưa ra báo cáo thường niên mang tên "Freedom in the World" để chỉ về mức độ tự do dân chủ ở các quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới. Qua đó, tổ chức này tự đánh giá, xếp hạng tự do và dân chủ của hơn 200 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Năm nay, trong cái gọi là “Báo cáo thường niên năm 2023” vẫn không có gì lạ khi Freedom House vẫn theo lối cũ, động cơ và cách làm cũ để xếp Việt Nam vào nhóm cuối danh sách (thang điểm 22/100 và không có gì biến động như các năm 2020, 2021, 2022). Theo như mức điểm tự chấm của tổ chức trên thì Việt Nam được liệt kê vào nhóm “các quốc gia không có tự do trên Internet”

Theo tuyên bố được đưa ra thì mục đích hoạt động của Freedom House là “theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu tình hình thực thi các quyền tự do chính trị và dân sự tại các quốc gia trên thế giới”, là “một tiếng nói minh bạch cho dân chủ và tự do trên thế giới”. Tuy nhiên, theo như các thông tin công khai thì nguồn ngân sách hoạt động chủ yếu của Freedom House đến từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây. Do đó, có thể thấy tổ chức Freedom House cũng không có gì khác biệt với các tổ chức phi chính phủ mang danh “vì nhân quyền” khác thường xuyên có hoạt động xuyên tạc về tình hình tự do dân chủ, nhân quyền của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW); tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International - AI)… cũng nhận nguồn ngân sách từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây.

Học sinh được học tập tin học và các tính năng Internet trong nhà trường.

Qua đó, tiêu chuẩn đánh giá về nhân quyền của các tổ chức này phù hợp với các chính sách và lợi ích của những chính phủ đã chi tiền để hoạt động. Cho nên, dù mang danh các tổ chức phi chính phủ “vì nhân quyền” nhưng các tổ chức trên không thể hiện lập trường độc lập mà bị chi phối bởi quan điểm chính trị và lập trường của quốc gia đã rót tiền nuôi mình. Từ việc bị chi phối bởi nguồn kinh phí hoạt động, có thể thấy các tổ chức trên thường đưa ra các báo cáo về nhân quyền định kỳ hằng năm theo các đánh giá, xếp hạng sai sự thật, mang màu sắc chính trị và chủ quan áp đặt.

Vì vậy, việc tổ chức Freedom House xây dựng và công bố các báo cáo đánh giá, xếp hạng hằng năm như: Báo cáo tự do trên thế giới, báo cáo tự do  mạng Inteernet, báo cáo tự do và truyền thông… đã khiến cho nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới phản ứng về độ tin cậy cũng như độ trung thực của tổ chức này. Các tổ chức tự xưng “vì nhân quyền” như Freedom House, HRW hay AI và nhiều tổ chức khác liên tục nhận những chỉ trích và cấm hoạt động tại các quốc gia như Đức, Thái Lan, Trung Quốc, Nga, Cuba, Sri Lanka, Triều Tiên, Ethiopia, Syria... do đưa ra những thông tin không đúng sự thật và tiến hành các hoạt động với nhiều hình thức khác nhau để can thiệp vào nội bộ, làm phức tạp tình hình ở các quốc gia trên. 

Nhìn vào các hoạt động của tổ chức này cho thấy sự bất hợp lý và ý đồ bôi nhọ, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới đối với lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Điều đó càng thể hiện rõ hơn ở một tổ chức không hiện diện ở Việt Nam, không nắm được tình hình thực tiễn về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam song lại tự cho mình quyền đưa ra các báo cáo, bảng đánh giá về dân chủ, nhân quyền một cách suy diễn, áp đặt. Đồng thời, thông qua bản báo cáo, chấm điểm trên của Freedom House có thể thấy bàn tay của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài và số đối tượng chống đối ở trong nước đã cung cấp các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. 

Minh chứng rõ nét bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc    

Tự do ngôn luận, báo chí, Internet là quyền biểu đạt của từng con người trong xã hội, thể hiện trình độ văn minh, trình độ dân chủ của xã hội. Ngày nay, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được mở rộng toàn diện, gồm: Quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo; quyền tự do ra báo, thành lập các cơ quan truyền thông đại chúng; quyền tự do tiếp cận thông tin báo chí; quyền tự do truyền phát thông tin, biểu đạt quan điểm, quyền được bảo vệ, đối xử công bằng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, môi trường mạng Internet.

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng tăng trưởng kinh tế, xã hội với nhiều thành tựu. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường luôn là sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước đi lên trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta luôn có đường lối, chủ trương đúng đắn nhằm bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet của mỗi người dân.

Hiện nay, cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người; trong đó, khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt, hoạt động tại Việt Nam. 

Theo thống kê của Wearesocial, năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số. Với kết quả ấn tượng này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới, đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới Internet. Tỷ lệ người sử dụng Internet hằng ngày lên tới 94%.

Không dừng lại đó, ngày 15/10/2024, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tuyên bố chính thức khai trương mạng 5G cùng với hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Với việc hoàn thành nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào phủ sóng diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm đã đưa Việt Nam lọt vào top 5 quốc gia tự chủ công nghệ 5G.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Data Reportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và YouTube nhiều nhất thế giới thì Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9.  Cụ thể, Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook, 50,6 triệu người dùng TikTok, 63 triệu người dùng YouTube. Cùng với sự phát triển của đất nước, cơ hội tiếp cận thông tin của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta ngày càng được mở rộng, với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng Internet đạt 61,3%, tăng hơn 9 lần so với năm 2015 - theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. So sánh tỷ lệ hộ sử dụng Internet theo vùng kinh tế - xã hội cho thấy, tỷ lệ này cao nhất thuộc về vùng Đông Nam Bộ (78,3%) và thấp nhất thuộc về vùng Tây Nguyên (46,1%). Trong số 53 dân tộc thiểu số, dân tộc Hoa có tỷ lệ hộ sử dụng Internet cao nhất (83,7%), tiếp  đến là dân tộc Ngái (81,9%) và thấp nhất là dân tộc La Hủ (10,2%). Theo Báo cáo SEA 2023 vừa được Google và Temasek công bố đã nhận định, kinh tế số Việt Nam đang trên đà phát triển và sẽ đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. 

Ngày 20/3/2024, mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên lần thứ 10, trong đó nêu rõ chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 (năm 2023) lên vị trí 54 với tổng điểm trung bình là 6,043. Bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó chính là sự thật, là một Việt Nam luôn coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết.

Sự tham gia tích cực tại Hội đồng nhân quyền, sự đóng góp thiết thực, có ý nghĩa đối với công việc chung của Việt Nam tại Liên hợp quốc trên tinh thần “tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, đảm bảo mọi quyền cho tất cả mọi người” là thực tế  khách quan. Đặc biệt, những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đúng như Surya Deva (Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển) đã ghi nhận vai trò của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và sự tham gia trách nhiệm, tích cực của Việt Nam trong Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR).

Bằng những hành động cụ thể, không chỉ thể hiện sự cam kết thực hiện của một quốc gia thành viên có trách nhiệm mà còn phản ánh khách quan, minh bạch sự phát triển và nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực thi quyền con người. Sự thật này bác bỏ những luận điệu bẻ cong sự thật, đánh lừa dư luận, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là “không tôn trong quyền con người”, là “vi phạm nhân quyền”…

Những con số trên cho thấy, Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Điều này đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, được cụ thể hóa trong nhiều luật, nghị định cùng nhiều văn bản pháp luật khác cũng như Việt Nam đang có những bước đi hoàn thiện về pháp lý, phương tiện và nâng cao nhận thức để bảo vệ quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet.

Một lần nữa, Freedom House lại núp bóng “tự do”, “nhân quyền” để đưa ra những đánh giá thiếu khách quan và định kiến, sai sự thật về Việt Nam. Xâu chuỗi lại các hành động, việc làm của tổ chức Freedom House trong những năm qua cho thấy những “bàn tay đen” của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài thông qua các tổ chức mang danh dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam; không chỉ phản ánh sai lệch, xuyên tạc quyền tự do Internet, bôi nhọ bức tranh nhân quyền mà còn lợi dụng tự do Internet để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Liêm Chính - Bình Nguyên

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Thủ tướng dự lễ đón, chiêu đãi do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì

[CAND] Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ đón các Trưởng đoàn và chiêu đãi trọng thể chào mừng các đoàn tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS và BRICS mở rộng do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì.

Chiều tối 23/10 theo giờ địa phương, tại Trung tâm Hội nghị Kazan Expo, thành phố Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin - Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 - đã chủ trì lễ đón các Trưởng đoàn và chiêu đãi trọng thể chào mừng các Đoàn tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và BRICS mở rộng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tham dự sự kiện.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Hội nghị BRICS và BRICS mở rộng có sự tham dự của lãnh đạo 36 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 22 đoàn có đại diện ở cấp cao nhất, cấp nguyên thủ quốc gia như: Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith; Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan; Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro; Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev; Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko; Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev; Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi; Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al Nahyan… Hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Hội nghị BRICS và BRICS mở rộng, cùng hàng chục sự kiện liên quan trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra từ ngày 22-24/10 tại thành phố Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga.

Tại Hội nghị Cấp cao BRICS có chủ đề chính là “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, vì sự phát triển công bằng trên toàn cầu và an ninh", các nhà lãnh đạo thảo luận việc tạo ra một hệ thống tài chính và chính trị mới với đặc trưng công bằng, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, ủng hộ các nguyên tắc đa phương và tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu. Hội nghị nhằm củng cố vị thế của Nhóm BRICS trên trường quốc tế và sẽ phát triển sự hợp tác giữa các nước tham gia trong nhiều lĩnh vực.

Hội nghị BRICS mở rộng có chủ đề “BRICS với Nam bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn” tập trung thảo luận về tăng cường hợp tác giữa BRICS với các nước Nam Bán cầu nhằm đẩy mạnh những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái quản trị toàn cầu cân bằng, hiệu quả, bao trùm, đề cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển. 

Hội nghị BRICS và các hội nghị, sự kiện liên quan cũng sẽ xem xét, thiết lập các cơ chế, mô hình hợp tác, hội nhập, giúp cho BRICS ngày càng có ảnh hưởng, cũng như đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nước tham dự.

Trong ngày 23/10, tại Hội nghị Cấp cao BRICS, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua tuyên bố chung, trong đó đưa ra những đánh giá tổng thể về tình hình thế giới cũng như các mục tiêu dài hạn của nhóm.

Theo Vietnamplus

Không nên mỗi năm lại thay đổi môn thi vào lớp 10

Như Báo CAND đã thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh bậc THCS và THPT. Điểm đáng chú ý trong Dự thảo quy chế là Bộ GD&ĐT đã bỏ đề xuất "bốc thăm" môn thi thứ 3 vào lớp 10, cho phép địa phương tự quyết định song "việc lựa chọn môn thi thứ 3 phải có sự thay đổi hằng năm và công bố trước ngày 31/3".

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định môn thi thứ 3 thay đổi hàng năm như trong Dự thảo là không phù hợp bởi môn thi vào lớp 10 cần rõ ràng, minh bạch và có tính ổn định lâu dài. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 cũng nên giao quyền chủ động hoàn toàn cho các địa phương.

Trong Dự thảo quy chế tuyển sinh bậc THCS và THPT do Bộ GD&ĐT vừa công bố, ngoài hình thức thi tuyển, Bộ GD&ĐT cho phép các địa phương có thể chọn phương thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Riêng về phương án thi tuyển, Bộ GD&ĐT bỏ quy định "bốc thăm" môn thi thứ 3 vào lớp 10 từng gây tranh cãi trước đây.

Để đảm bảo thống nhất và quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Bộ GD&ĐT sẽ quy định chung thi vào lớp 10 bằng 3 môn: Toán, Ngữ văn và môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp. Môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp sẽ do Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu việc lựa chọn môn thi thứ 3 có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản…

Phụ huynh và học sinh lo lắng nếu môn thi thứ 3 vào lớp 10 thay đổi theo từng năm. Ảnh minh họa.

Em Bùi Nam Khánh, học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Khi mới đọc qua thông tin Bộ GD&ĐT bỏ đề xuất "bốc thăm" môn thi thứ 3 vào lớp 10 em đã thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, đọc kỹ lại Dự thảo thông tư thì thấy Bộ GD&ĐT vẫn quy định "môn thi thứ 3 phải có sự thay đổi hàng năm". Điều này khiến bản thân em và rất nhiều bạn cùng lớp vô cùng lo lắng. Theo chia sẻ của Khánh, quy định "môn thi thứ 3" thay đổi hàng năm tạo áp lực không đáng có và không công bằng đối với học sinh lớp 9 vốn đã căng thẳng với việc "học ngày, cày đêm" để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10.

Thực tế cho thấy, ngoài các môn học mang tính xương sống như Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, mỗi học sinh đều có những thế mạnh riêng. Khi thời gian ôn tập bị hạn chế (do môn thi thứ 3 công bố vào ngày 31/3), nếu môn thi thứ 3 được chọn ngẫu nhiên, một số bạn sẽ có lợi thế hơn số còn lại. Điều này sẽ tạo ra sự không công bằng đối với học sinh thi cả hệ đại trà lẫn hệ chuyên trong kỳ thi có tính cạnh tranh cao như lớp 10.

Chị Ngô Thúy Vân, phụ huynh có con đang học lớp 9 tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho rằng, về bản chất, việc yêu cầu môn thi thứ 3 phải thay đổi hàng năm không khác nhiều so với việc phải bốc thăm để lựa chọn môn thi. "Cơ sở khoa học của việc năm nay chọn môn học này, năm sau chọn môn học khác là gì? Việc chọn lựa đó theo nguyên tắc gì, môn nào lựa chọn thi trước, môn nào thi sau? Nếu điều này làm không khéo sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh như liệu có hay không việc các Sở GD&ĐT "bật đèn xanh" trước cho các trường hoặc phụ huynh thân thiết về môn thi được lựa chọn hàng năm", chị Vân bày tỏ lo lắng.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc môn thi thứ 3 thay đổi hàng năm là không cần thiết và gây thêm những áp lực không đáng có cho cả phụ huynh và học sinh, thậm chí, việc này còn làm nảy sinh tâm lý đoán già đoán non về môn thi. Thay vào đó, các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 nên xác định rõ ràng, minh bạch và có sự ổn định trong nhiều năm. Cũng theo ông Vinh, để đảm bảo mục tiêu giáo dục kiến thức toàn diện cho học sinh ở bậc THCS thì cần siết việc kiểm tra đánh giá định kỳ tại các nhà trường chứ không phải bằng cách luân phiên thay đổi môn thi thứ 3 hàng năm để tránh việc "học tủ, học lệch" như trong dự thảo.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, đề xuất mới của Bộ GD&ĐT là giao địa phương chọn môn thi thứ 3 nhưng thay đổi hàng năm về cơ bản cũng gần tương tự việc bốc thăm. Theo phân tích của TS. Nguyễn Tùng Lâm, mong muốn của Bộ GD&ĐT là học sinh phải học đều tất cả các môn nhằm đảm bảo kiến thức căn bản ở bậc THCS nên môn thi thứ 3 không cố định mà thay đổi hàng năm bởi học sinh ta thường có thói quen "thi gì học nấy, không thi sẽ không học".

Trong khi đó, mong muốn của phụ huynh và học sinh là các môn thi cần mang tính ổn định lâu dài để giảm bớt áp lực không cần thiết và đảm bảo sự công bằng cho kỳ thi có tính cạnh tranh cao như thi vào lớp 10. Và để đảm bảo hài hòa cả hai mục tiêu là tính toàn diện của kiến thức và tính ổn định của kỳ thi thì môn thi thứ 3 nên cố định là môn thi tổng hợp dưới dạng trắc nghiệm. Trong đó, các câu hỏi được thiết kế ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng sáng tạo mang tính căn bản mà một học sinh phổ thông cần phải biết, nắm vững… Điều này giúp học sinh được chủ động việc học ngay từ đầu, không phải lo lắng về chuyện luân phiên chọn môn thi hàng năm ít nhiều may rủi, cũng không phải băn khoăn về việc không đảm bảo công bằng…

PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, kỳ thi vào lớp 10 THPT ngoài mục tiêu tuyển sinh còn phải đảm bảo công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp một cách công bằng với các thí sinh có chung nguyện vọng học tiếp THPT. Môn thi thứ 3 không nên "bốc thăm" hay thay đổi hàng năm vì điều đó sẽ không mang lại tác động gì cho việc định hướng nghề nghiệp phân luồng sau THCS cũng như thúc đẩy việc học toàn diện.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng, thực tế cho thấy, áp lực thi đỗ lớp 10 THPT của học sinh ở mỗi 1 địa phương là khác nhau. Có những địa phương có rất nhiều học sinh có nhu cầu học tiếp lên THPT nhưng cũng có nơi, ngành giáo dục phải hỗ trợ để học sinh theo học được THPT. Ngay trong Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, sự phân luồng định hướng này tại mỗi địa bàn là khác nhau, áp lực tuyển sinh mang tính cục bộ.

Vì vậy, tùy từng địa phương có thể đề xuất phương án đặc thù để phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của mình nhưng dù phương án đó là gì cũng phải hướng người học tới việc học tập suốt đời; cần có nghiên cứu dữ liệu cụ thể để khẳng định sự phù hợp của đề xuất đó với các địa phương khác. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc trao quyền chủ động cho các địa phương cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương để quyết định phương án thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có cách thức lựa chọn môn thi thứ 3 là hợp lí.

Huyền Thanh

Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính từ triển khai Đề án 06/CP tại Hải Phòng

[CAND] Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn, thời gian qua, Công an TP Hải Phòng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Khi được hỏi về tiện tích trong ứng dụng chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06/CP, ông Nguyễn Xuân Minh, người dân ở xã Tân Dân (huyện An Lão, TP Hải Phòng) chia sẻ, từ khi Công an TP Hải Phòng triển khai mô hình "Tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID", người dân đã tích cực hơn trong việc tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT trên địa bàn.

 "Chỉ với vài thao tác trên điện thoại có cài đặt ứng dụng VneID của Bộ Công an, chúng tôi đã có thể gửi thông tin phản ánh, tố giác tội phạm tới Công an mà không phải lo mất thời gian, phiền hà hay bị kẻ xấu trả thù…" - ông Bùi Xuân Minh vui vẻ nói.

Công an TP Hải Phòng tăng cường về cơ sở hướng dẫn người dân sử dụng các tiện ích qua ứng dụng VNeID.

Theo Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an TP, Thư ký Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP TP Hải Phòng, thời gian qua TP đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác triển khai thực hiện Đề án 06/CP Trung ương, tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, đạt kết quả tích cực, đảm bảo tiến độ đề ra.

Theo đó, Công an TP Hải Phòng đã tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhóm tiện ích, từng bước phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số…

Bên cạnh đó, Công an TP đã tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP, Ban Chỉ đạo các cấp ngành, địa phương quán triệt, triển khai hiệu quả Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 15/2/2024 của UBND TP Hải Phòng về thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn Hải Phòng năm 2024, gắn với thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan.

Đáng chú ý, Công an TP Hải Phòng đã tham mưu triển khai xây dựng và nhân rộng 43 mô hình điểm của Đề án, tập trung cao vào việc triển khai các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao hằng tháng. Quá trình triển khai, kết quả luôn được cập nhật, đánh giá, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đại tá Bùi Trung Thành cũng cho biết, cùng với tăng cường tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06/CP đối với người dân, cơ quan, doanh nghiệp, Công an TP Hải Phòng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử; cấp thẻ căn cước công dân, định danh điện tử cho công dân trên địa bàn.

Mặt khác, phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hệ thống máy chủ, hệ thống Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử thành phố phục vụ kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên cơ sở đó, bảo đảm cho các nhóm tiện ích của đề án được phát huy hiệu quả một cách tối ưu nhất.

Đến nay, Hải Phòng đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố với Hệ thống định danh, xác thực điện tử thông qua SSO của Cổng dịch vụ công quốc gia, công bố phương thức đăng nhập duy nhất trên Cổng dịch vụ công TP Hải Phòng (https://dichvucong.haiphong.gov.vn) bằng tài khoản điện thoại di động trên ứng dụng VNeID.

UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành quyết định công bố danh mục gồm 1.733 TTHC trên hệ thống, làm căn cứ cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Tính đến hết tháng 9, hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã kết nối thực hiện 28.740 lượt xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp nhận 1.093.651 dịch vụ công trực tuyến (đạt 96,3%).

Đơn cử, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hệ thống cơ sở dữ liệu đã hoàn thành cập nhật đầy đủ dữ liệu theo các yêu cầu quản lý của ngành đối với hơn 532.600 học sinh và gần 33.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục. Hoàn thành xác thực dữ liệu trên hệ thống với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với tỉ lệ 99,74% đối với học sinh và 99,68% đối với nhân sự nội ngành.

Trong lĩnh vực BHXH, hiện nay, toàn thành phố đã có 1.861.961 người tham gia BHXH, BHYT được xác thực, đạt 99,12% tổng số người tham gia; có 188/188 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 1.752.248 lượt tra cứu.

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, Hải Phòng đã tiến hành số hoá tạo lập dữ liệu trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, làm sạch đối tượng được hưởng an sinh xã hội đạt tỷ lệ 100%. Dữ liệu đất đai của 217/217 xã, phường, thị trấn cũng đã được kết nối dữ liệu với Bộ TN&MT.

Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng Bùi Trung Thành nhấn mạnh, kể từ khi triển khai thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06/CP, đến nay toàn bộ 43 mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ANTT, thúc đẩy tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, công dân số của thành phố nói riêng, góp phần vào thành tựu cả nước nói chung.

Điển hình có thể kể đến mô hình "Khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, Kiosk tự phục vụ" của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (TP Hải Phòng). TS. Bác sỹ Đỗ Mạnh Thắng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp chia sẻ, mô hình được triển khai đã góp phần giảm việc tiếp đón bệnh nhân trực tiếp.

"Nhưng quan trọng hơn, việc định danh bệnh nhân, tài khoản thanh toán trong quá trình khám, chữa bệnh giúp người nhà bệnh nhân tiết kiệm thời gian, chi phí, thủ tục dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, đồng thời bệnh viện cũng quản lý theo dõi bệnh nhân, lịch sử bệnh và quản lý thanh toán đơn giản hơn" - bác sỹ Đỗ Mạnh Thắng khẳng định.

V. Huy

Lãnh đạo cần hiểu sâu, nắm chắc nhiệm vụ của mình

[QĐND] Trong một hội nghị mới đây, đồng chí Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề, đó là hiện nay có lãnh đạo sở và cán bộ chủ trì một số lĩnh vực của thành phố khi được hỏi về nhiệm vụ của ngành mình, cơ quan mình thì báo cáo là không nắm được, vì “đã giao cho cấp phó phụ trách”. Vấn đề này khiến dư luận quan tâm, bàn luận. Có hai lý do cơ bản để giải thích cho hiện tượng này: Thứ nhất, cán bộ có hạn chế về năng lực thực tiễn trong xử lý và giải quyết công việc ở vai trò lãnh đạo, quản lý; thứ hai, cán bộ thiếu trách nhiệm, thờ ơ, đùn đẩy, né tránh, tranh công đổ lỗi.

Cán bộ lãnh đạo cần tầm vượt thoát

Trong thực tế hiện nay, cán bộ rơi vào tình trạng như nêu ở trên đang xuất hiện ở khá nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, thế nên một số người đã nói đùa rằng, những lãnh đạo ấy chẳng khác gì “chuyên viên nhận thêm phụ cấp lãnh đạo”. Những cán bộ lãnh đạo trưởng thành từ chuyên môn nhưng lại thiếu tư duy, trình độ quản lý, chỉ huy sẽ dẫn đến hiện tượng làm lãnh đạo nhưng vẫn với tư duy cũ, sa đà vào một số lĩnh vực mà mình giỏi, bỏ qua những lĩnh vực mà mình không giỏi và “giao phó” cho người khác, nhất là đối với những việc khó, việc phức tạp.

Thực tế là, công việc của người lãnh đạo đòi hỏi một năng lực hoàn toàn khác với người làm chuyên môn sâu, nhất là về tư duy tham mưu, chỉ đạo. Họ cần phải có tư duy bao quát, toàn diện, nhưng cũng lại phải cụ thể, tỉ mỉ, vì vậy, cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ trì cần phải có tầm vượt thoát khỏi tư duy của chuyên môn, như vậy mới có thể làm thay đổi mang tính đột phá ở đơn vị mình, ngành mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Trong hầu hết quy định phân công nhiệm vụ trong bộ máy lãnh đạo quản lý các cấp, người đứng đầu bao giờ cũng là người chịu trách nhiệm chung về lĩnh vực được giao, đồng thời sẽ đảm nhiệm trực tiếp một số nhóm nhiệm vụ, lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, một nguyên tắc bắt buộc đối với cán bộ lãnh đạo là khi đã nhận nhiệm vụ thì phải hiểu sâu và bao quát được toàn bộ lĩnh vực mà ngành mình, đơn vị mình phụ trách.

Do vậy, cán bộ cấp trưởng, chủ trì sẽ khác với công việc của cấp phó hoặc của cán bộ chuyên môn. Bản chất công việc của lãnh đạo quản lý là điều hành trên cơ sở tạo dựng các thể chế, chính sách để huy động, phân bổ nguồn lực sao cho phù hợp. Người đứng đầu có thể không nắm một cách cụ thể, chi tiết tất cả vấn đề, nhưng nhất định phải nắm được mấu chốt, nội dung cốt lõi, cơ bản của lĩnh vực, vấn đề về hệ thống nhiệm vụ mà mình đang được giao.

Hiện nay, trong một số trường hợp, lĩnh vực, việc lựa chọn lãnh đạo quản lý tuy vẫn “đúng quy trình” nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ lại chưa như ý muốn. Thậm chí có người làm việc gì kết quả cũng chỉ “làng nhàng”, nhưng vì nhiều lý do, họ vẫn được cất nhắc làm lãnh đạo, do đó, họ không nắm chắc nhiệm vụ là điều dễ hiểu. Sở dĩ như vậy là vì, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay đôi khi còn chưa thực sự coi trọng năng lực lãnh đạo như một điều kiện cần. Trong khi đó, năng lực lãnh đạo của cán bộ lại chưa được đưa vào quy trình bổ nhiệm như một tiêu chí có tính định lượng, mà hiện nay, đánh giá tiêu chí này cơ bản mang tính định tính. Do vậy sẽ có hiện tượng “lọt lưới” hoặc là “ngồi nhầm ghế” lãnh đạo, chủ trì.

Cán bộ phải biết mình có gì và thiếu gì

Hiện tượng cán bộ chủ trì thiếu năng lực nhưng vẫn lãnh vị trí đứng đầu sẽ dẫn đến không đủ khả năng nắm bắt và làm tròn trách nhiệm trong công tác, từ đó cũng có thể xảy ra sự né tránh, đùn đẩy, đổ thừa trách nhiệm cho cấp dưới, khiến công việc trì trệ, không hiệu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đã là người chủ thì phải biết tự mình lo toan, gánh vác, không ỷ lại, không ngồi chờ (...). Chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” (...). Phải "chí công vô tư" và có tinh thần "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Đó là đạo đức của người cộng sản”(*).

Thời phong kiến đã có chuyện mua quan, bán chức. Nghĩa là người mua chức bỏ ra một khoản tiền để mua chức vụ và được làm quan. Họ coi đó là cuộc “đầu tư danh lợi”, vì thế sẽ không sốt sắng chăm lo công việc mà chỉ lo vơ vét, hoàn vốn, kiếm lời và tái đầu tư ở vị trí cao hơn. Ngày nay, nếu lãnh đạo quản lý chỉ chăm lo vun vén cá nhân mà thờ ơ với công việc, thiếu trách nhiệm với vị trí, chức trách được giao thì cũng không khác gì những “ông quan mua chức” ngày xưa.

Bởi vậy, việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ cần phải làm cho nghiêm, cho đúng, việc giám sát công tác lãnh đạo, quản lý của cán bộ cũng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, thành thực ở tất cả các lĩnh vực. Trong thực tế, ở nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay, việc đánh giá hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý của cán bộ chủ trì còn chung chung, xuê xoa, xuôi chiều mà chưa mang tính cá nhân hóa. Các báo cáo về công tác lãnh đạo, quản lý còn khá cứng nhắc, hình thức và mang tính tập thể cao. Quy định và thực thi trách nhiệm giải trình trước tập thể, nhân dân cũng còn hạn chế, vẫn rơi vào tình trạng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Thế nên cái yếu, cái hạn chế của một số cán bộ chủ trì chậm được khắc phục, thậm chí có cán bộ còn không biết mình có điểm yếu để tự khắc phục. 

Hệ lụy đầu tiên của hiện tượng trên là công việc trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển, làm mất cơ hội hoặc làm giảm hiệu quả từ nguồn lực đầu tư. Hậu quả lớn hơn là làm suy giảm động lực làm việc của tập thể, làm mất niềm tin của nhân dân.

Khắc phục hiện tượng nêu trên cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh cơ chế lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ để bảo đảm luôn chọn được người đủ tâm, tầm, tài bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, bổ sung điều kiện về đo lường, đánh giá có tính định lượng năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức của cán bộ, coi đó là tiêu chí quan trọng, quyết định của quy trình bổ nhiệm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự giám sát hoạt động lãnh đạo bảo đảm tính thường xuyên, liên tục qua thực hiện quy chế về trách nhiệm giải trình, qua kênh góp ý và sự hài lòng của người dân đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người cán bộ lãnh đạo phải biết kiểm soát mình, phải biết mình mạnh gì, yếu gì để tự học tập, bồi dưỡng, không ngừng tự nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành, xứng tầm với công việc, nhiệm vụ mà tổ chức tin tưởng giao phó.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG, giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

-------

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.87

Bớt xén kinh phí của học sinh dân tộc nội trú, một hiệu trưởng ở Lào Cai bị bắt

[CAND] Ngày 23/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt bị can để tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại trường Hoàng Thu Phố 1, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lào Cai phối hợp cùng Công an huyện Bắc Hà đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Ngọc Hà (SN 1977; Nguyên Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1) để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ " theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai phê chuẩn trước khi thực hiện.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Ngọc Hà.

Qua tài liệu thu thập được, bước đầu xác định, từ năm 2022 đến năm 2023 Trần Ngọc Hà đã chỉ đạo rút kinh phí chính sách hỗ trợ cho học sinh số tiền 765.264.000 đồng (theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai xác định trong tổng số tiền nêu trên, Trần Ngọc Hà đã chi sai và chiếm đoạt 52.538.200 đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai đã tiến hành khám xét nơi ở của bị can Trần Ngọc Hà tại xã Tài Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai điều tra, mở rộng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh Tuấn

Lãnh đạo các nước chúc mừng Chủ tịch nước Lương Cường

Nhân dịp đồng chí Lương Cường được Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lãnh đạo các nước Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ,  Venezuela, Belarus, Nicaragua, Thụy Điển đã gửi các điện, thư, thông điệp chúc mừng.

Chủ tịch Quốc vụ Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ việc đồng chí Lương Cường đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch nước thể hiện sự tín nhiệm và kỳ vọng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai Đảng và hai nước Việt Nam – Triều Tiên sẽ được tăng cường và phát triển vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và lợi ích của nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường. Ảnh: TTXVN

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước Lương Cường, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; khẳng định sẽ tiếp tục trao đổi và hợp tác chặt chẽ để đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc phát triển lên tầm cao mới, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhấn mạnh Việt Nam là người bạn lâu năm của Nhật Bản, có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và lịch sử giao lưu lâu đời; khẳng định hai nước đã trở thành đối tác không thể thiếu của nhau trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hoạt động giao lưu, thăm hỏi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra sôi nổi. Thủ tướng Ishiba bày tỏ mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam và mong sớm được gặp Chủ tịch nước Lương Cường.

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch nước Lương Cường, nhân dân Việt Nam sẽ viết tiếp trang sử vẻ vang, thành tựu về tốc độ phát triển ở khu vực và trên thế giới; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch nước Lương Cường để đưa quan hệ Đối tác toàn diện Mông Cổ - Việt Nam phát triển sang giai đoạn mới, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước Mông Cổ - Việt Nam.

Tổng thống nước Cộng hòa Bolivariana Venezuela Nicolas Maduro Moros thay mặt chính phủ Venezuela chúc mừng Chủ tịch nước Lương Cường; khẳng định lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố và tăng cường quan hệ Venezuela – Việt Nam như di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Lukashenko đã gửi thư chúc mừng đến Chủ tịch nước Lương Cường. Tổng thống Cộng hòa Nicaragua Daniel Ortega Saavedra và Phó Tổng thống Cộng hòa Nicaragua Rosario Murillo đã đồng gửi điện mừng đến Chủ tịch nước Lương Cường. Nhà vua Vương quốc Thụy Điển Carl XVI Gustaf đã gửi điện chúc mừng đến Chủ tịch nước Lương Cường.

Tiên An - Báo CAND

Thành tựu phát triển của Việt Nam - giá trị không thể phủ nhận

[QĐND] Các thế lực thù địch luôn cố tình phủ nhận những giá trị phát triển của Việt Nam. Với tâm địa xấu, họ xuyên tạc rằng “dưới chế độ cộng sản, đất nước Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới”, “đời sống người dân khổ cực”... Thế nhưng tất cả những tuyên truyền thiếu khách quan, thiếu tử tế và sai trái đó đều bị thực tiễn tại Việt Nam vạch trần. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đuổi kịp và vượt qua nhiều nước đã phát triển trước, người dân được chăm lo toàn diện, có cuộc sống ngày càng khấm khá.

Kinh tế Việt Nam dần vươn lên nhóm trên

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Với kết quả này, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp thứ 34 thế giới theo bảng xếp hạng của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh ở Anh (CEBR). Theo dự báo, nếu tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng thì đến năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Philippines (1.536 tỷ USD), Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thủ đô Hà Nội nhìn từ phía cầu Nhật Tân. Ảnh: TUẤN HUY

Thậm chí, nếu xét về GDP (PPP) hay còn gọi là GDP theo sức mua thì theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam hiện xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 25 thế giới. Theo đó, năm 2023, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP (PPP) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 4.391 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.563 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 3 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.438 tỷ USD. Philippines xếp thứ 4 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.280 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 5 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.221 tỷ USD. GDP (PPP) Singapore đạt khoảng 759,52 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2026, quy mô GDP (PPP) Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 1.833 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua Thái Lan (đạt khoảng 1.807 tỷ USD) và chỉ xếp sau Indonesia (đạt khoảng 5.402 tỷ USD).

Xét trên quy mô thế giới, đến năm 2023, quy mô GDP (PPP) Việt Nam đã xếp trên Hà Lan và Thụy Sĩ. Cụ thể, GDP (PPP) Hà Lan đạt khoảng 1.290 tỷ USD, xếp thứ 27 trên thế giới và Thụy Sĩ đạt khoảng 787 tỷ USD, xếp thứ 35 trên thế giới vào năm 2023. Cùng với đó, khoảng cách với Australia (đạt khoảng 1.724 tỷ USD, xếp thứ 20 thế giới) và Ba Lan (đạt khoảng 1.706 tỷ USD, xếp thứ 21 trên thế giới) không còn quá xa. Đến năm 2029, IMF dự báo quy mô GDP (PPP) Việt Nam (2.343 tỷ USD) vượt qua Australia và Ba Lan, xếp thứ 20 trên thế giới. 

Xét một cách toàn diện thì GDP (PPP) mang lại bức tranh kinh tế toàn diện hơn so với GDP. Bởi GDP (PPP) đo lường giá trị toàn bộ hàng hóa và dịch vụ sản xuất của một quốc gia trong một năm dựa trên sức mua của tiền tệ địa phương. GDP (PPP) thường được sử dụng để so sánh sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia và để xác định mức sống của người dân trong các quốc gia khác nhau. Nó cung cấp một cái nhìn tổng quan về khả năng mua sắm của một quốc gia và giúp đánh giá sự phát triển kinh tế và tiêu dùng của nó.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là quốc gia còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để tăng tốc phát triển kinh tế. Do đó, những mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là hoàn toàn khả thi.

Người dân được hưởng thành quả của phát triển

Tại một số nơi trên thế giới, kinh tế phát triển nhưng đời sống của đại bộ phận người dân còn khó nhọc, nước phát triển nhưng dân không giàu, không sung sướng. Tại Việt Nam, khi nền kinh tế đang thăng hạng nhanh thì cùng với đó, cuộc sống người dân đã được cải thiện nhanh. Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 4-2024, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam giai đoạn 2012-2022 đã tăng hơn 2,3 lần, từ 1,99 triệu đồng/người/tháng lên 4,67 triệu đồng/người/tháng. Mỗi người Việt Nam có thể tự so sánh để cảm nhận mức sống của bản thân được nâng lên rất nhiều và toàn diện so với 5 năm, 10 năm trước. Tại các thành phố lớn, xuất hiện rất nhiều khu đô thị hạng sang. Do mức sống tăng, có tài sản tích lũy nên người Việt Nam có cơ hội đi công tác, du lịch, học tập ở các nước phát triển trên thế giới và thấy rằng, điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt tại Việt Nam không còn thua kém nhiều so với các nước trên.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện chính sách phát triển bao trùm, quan tâm đến các chính sách xã hội, chăm lo người nghèo, thúc đẩy sự phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước chỉ còn 3,4%. Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được sửa đổi theo hướng mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng trợ cấp. Hiện nay, cả nước có khoảng 3,356 triệu người (chiếm khoảng 3,356 % dân số) đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Từ ngày 1-7-2024, mức chuẩn trợ cấp xã hội tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tương ứng tăng 38,9% so với mức trợ cấp trước đó.

Các phúc lợi xã hội trong giáo dục, y tế, nhà ở tại Việt Nam đều được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện nay, cả hệ thống chính trị tại Việt Nam đang nỗ lực chung tay hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà để đến hết năm 2025 sẽ xóa được toàn bộ 400.000 nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Nếu mục tiêu này được thực hiện thành công sẽ là một thành tựu rất ý nghĩa.

Cảm nhận về hạnh phúc

Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3) năm nay, Việt Nam đón nhận thông tin tích cực khi trong Báo cáo hạnh phúc thế giới 2024, đất nước ta đứng thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023. Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6. Đây là bảng xếp hạng do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số hạnh phúc tại Việt Nam tăng đều qua các năm cho thấy kết quả đạt được rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong lúc tình hình an ninh của nhiều khu vực trên thế giới rất phức tạp với cảnh bom rơi đạn lạc thì người dân Việt Nam càng cảm nhận được sự vô giá của hòa bình, hạnh phúc mà mình đang được hưởng.

Dù mức sống chưa bằng nhiều quốc gia trên thế giới nhưng người Việt Nam dù có đi khắp năm châu, bốn bể vẫn thấy quê cha đất tổ là nơi hạnh phúc nhất, an toàn nhất đối với mình. Có những giá trị nằm ngoài vật chất tạo ra sức hút của mảnh đất hình chữ S. Đó là cuộc sống thanh bình, là giá trị về văn hóa, tinh thần. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người, gia đình tại Việt Nam vẫn được gìn giữ. Nhiều khách nước ngoài chỉ cần đến Việt Nam lần đầu cũng đã yêu mảnh đất, con người Việt Nam và muốn gắn bó lâu dài. Đó là vì họ thấy cuộc sống ở Việt Nam rất dễ chịu, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách. Do đó, dựa vào phản hồi từ du khách, Flight Centre-một trong những công ty lữ hành lớn nhất thế giới-đã xếp Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới dành cho khách du lịch.

Vì thế, có thể thấy rõ rằng, những giá trị của kinh tế phát triển, đời sống người dân hạnh phúc đều đã được thể hiện trên thực tế tại Việt Nam và được quốc tế công nhận. Do đó, dù các thế lực thù địch, những kẻ xấu có cố công xuyên tạc, bóp méo thì cũng không thể phủ nhận được sự thật hiển nhiên đó, mà chỉ khiến họ trở nên nực cười.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả

[QĐND] Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.

Uy tín giả thường được ngụy tạo, củng cố thông qua nhiều thủ thuật. Vì thế mà sinh ra lề lối làm việc, phong cách lãnh đạo, quản lý tùy tiện. Ngăn chặn uy tín giả là nhiệm vụ vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Uy tín giả do đâu mà có?

Uy tín là sự biểu hiện của phẩm chất, năng lực cá nhân, được người khác và tập thể thừa nhận một cách tự nhiên. Tuy vậy, trong nội bộ cán bộ, đảng viên hiện nay, uy tín giả vẫn nảy sinh và tồn tại. Mặc dù đây không phải là phổ biến, nhưng cũng không còn là cá biệt. Thực tế đó nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ là một trong những nguy cơ làm cho Đảng xa dân-xa cội nguồn sức mạnh. Trong đời sống xã hội, những thứ gì là giả tạo thì cũng thường rất dễ bị phơi bày. Song, uy tín giả lại khéo được che đậy và không dễ gì nhận diện. Vì thế mà chúng ta không dễ gì vạch lộ được chân tướng uy tín giả.

Uy tín là sự biểu hiện của phẩm chất, năng lực cá nhân, được người khác và tập thể thừa nhận một cách tự nhiên. Tuy vậy, trong nội bộ cán bộ, đảng viên hiện nay, uy tín giả vẫn nảy sinh và tồn tại. Minh họa: Nguồn internet

Uy tín giả được hình thành do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, chủ quan vẫn là nguyên nhân phổ biến. Về mặt khách quan, có thể kể đến những tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Bên cạnh những mặt tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, cơ chế thị trường cũng làm nảy sinh tâm lý, tư tưởng thực dụng, cá nhân vị kỷ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (1). Vì vậy, có thể khẳng định, mặt trái của cơ chế thị trường là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nảy sinh uy tín giả. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch sử dụng nhiều chiêu trò du nhập và cổ xúy cho lối sống thực dụng, phản đạo đức, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng là cha đẻ của tín uy giả.

Về mặt chủ quan từ cấp ủy, tổ chức đảng: Do những hạn chế, bất cập, thậm chí sao nhãng, buông lơi công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã dẫn đến tình trạng này. Đây là nguyên nhân khách quan đối với từng cán bộ, đảng viên, nhưng nó lại là chủ quan của tổ chức, đã tạo sơ hở cho uy tín giả soán ngôi. Ngoài ra cũng không loại trừ trường hợp do tập thể đã suy thoái, lợi ích nhóm đã suy tôn, ngụy tạo uy tín giả cho cá nhân và đôn lên vị trí quyền lực, sau đó thì thao túng người nắm quyền để trục lợi. Về chủ quan ở mỗi cán bộ, đảng viên suy cho cùng, chủ nghĩa cá nhân chính là mầm mống làm nảy sinh uy tín giả. Cái gọi là uy tín đó được sản sinh không dựa trên cơ sở tài năng, đức độ cũng như những giá trị xã hội đích thực. Vì vậy, nhận diện uy tín giả là phơi bày mục đích, cách thức, con đường hình thành và những biểu hiện phức tạp của nó.

Điểm mặt uy tín giả

Trên thực tế, uy tín giả được biểu hiện rất phong phú với nhiều kiểu loại khác nhau. Trong đó có thể kể đến một số kiểu điển hình như thói công thần, gia trưởng hoặc kiểu uy tín dựa trên việc tạo ra sự cách biệt trong quan hệ với mọi người và uy tín kiểu "bề trên" người khác... Về xu hướng uy tín giả, có thể kể đến hai xu hướng cơ bản, trái ngược nhau, nhưng lại cùng chung mục đích. Xu hướng thứ nhất, bề ngoài tỏ ra quan tâm, gần gũi quần chúng nhưng lại hạ thấp yêu cầu, nhiệm vụ đối với cấp dưới, thậm chí là lề lối làm việc tùy tiện để nhận được sự tin tưởng ủng hộ. Người cán bộ, đảng viên củng cố uy tín cho mình theo cách này thường có phong cách lãnh đạo dân túy. Một kiểu cán bộ "dĩ hòa vi quý", sợ trách nhiệm, thiếu dũng khí và không có tinh thần quyết đoán.

Xu hướng thứ hai là khuếch trương sức mạnh quyền lực để buộc tổ chức, cá nhân thuộc quyền phải phục tùng nhưng không vì mục đích, lợi ích chung của tổ chức, của tập thể, vì sự tiến bộ. Đây là kiểu uy tín tạo ra sự độc đoán, chuyên quyền, bỏ qua các nguyên tắc. PGS, TS Phạm Lan Oanh, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: “Người độc đoán, trịch thượng thường lấy áp đặt chủ quan thay vì phát huy dân chủ. Vì vậy, trong công tác, họ thường phân công, giao nhiệm vụ một cách tùy tiện, đẩy phần việc khó khăn cho những người yếu thế. Còn lợi ích và cơ hội thăng tiến thì ưu tiên cho cánh hẩu hoặc ban phát tùy tiện theo ý muốn cá nhân. Vì thế mà sinh ra sự bất bình đẳng trong nội bộ và kéo tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương đi xuống”. Nhận định trên cho thấy tính chất nguy hại của uy tín giả là rất nghiêm trọng.

Cũng bàn về xu hướng uy tín giả, Thượng tá, PGS, TS Bùi Minh Đức, Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Tâm lý học Quân sự, Học viện Chính trị nhấn mạnh: “Người lãnh đạo có phong cách độc đoán, chuyên quyền, thường tự cho mình có quyền uy tối thượng trước tập thể do mình phụ trách. Họ ngụy biện, đánh tráo khái niệm “đứng đầu” thành “đứng trên” tổ chức và tập thể. Khi đó, trong thực thi công vụ thường bất chấp nguyên tắc, thao túng chính sách và pháp luật, công tư bất minh. Vì thế, hiện tượng chia rẽ nội bộ, kéo bè kéo cánh và lợi ích nhóm trong cơ quan, đơn vị, địa phương là những câu chuyện rất dễ xảy ra”. Ngoài ra, hiện tượng đánh bóng thành tích, che giấu khuyết điểm của bản thân; bình phẩm, chê bai điểm yếu của người khác để tạo dựng uy tín cho mình vẫn còn hiện hữu xung quanh chúng ta. Uy tín giả được hình thành bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, cho nên biểu hiện của nó cũng muôn hình vạn trạng. Trước hết là ở những kiểu người có lời nói không đi đôi với việc làm. Họ nói nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo trong khi bản thân mình không gương mẫu.

Hiện tượng một số cán bộ có đôi chút thành công trong quá khứ, nhưng sau đó thì thỏa mãn, dừng lại. Họ thường khoe khoang về những thành tích trước đó, song, lại bảo thủ trì trệ, lười học tập, không chịu đổi mới, sáng tạo cũng là biểu hiện của sự chuyển hóa sang thái cực của uy tín giả. Cho nên thói công thần, bảo thủ cũng là suy thoái và không còn phù hợp với yêu cầu về phẩm chất, uy tín của người cán bộ, đảng viên chân chính.

Bên cạnh đó, hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm, sợ phải chịu trách nhiệm cho nên không dám quyết đoán, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung thì không thể có uy tín đích thực. Người có uy tín giả thì mỗi khi những sai phạm bị bại lộ thường tìm cách lấp liếm, che đậy để giữ gìn cái gọi là uy tín đó. Không chỉ thế, khi cơ quan, tổ chức, lĩnh vực thuộc phạm vi mình phụ trách có khuyết điểm thì tìm cách đổ lỗi cho cá nhân, tập thể khác. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Có khi nhờ "phù phép” mà trước cấp trên và quần chúng, tội của họ biến thành công, làm ăn chẳng ra gì nhưng lại rùm beng là có thành tích lớn;... “uy tín” lên như diều!”(2). Cho nên, uy tín giả đã, đang và sẽ gây tác hại nghiêm trọng, cần phải được ngăn chặn.

Như vậy, uy tín giả nảy sinh và tồn tại, xâm nhập, lây lan vì những mục đích cá nhân không trong sáng. Nó thường khéo che đậy, khiến chúng ta dễ nhầm lẫn. Cho nên ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả cũng là một công cuộc đầy khó khăn và luôn song hành với quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

(còn nữa)

Thượng tá MAI XUÂN CHÍNH, Phó chính ủy Lữ đoàn 87, Binh chủng Hóa học 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2012): Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.22.

(2) Nguyễn Phú Trọng (2023): “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.492.

 

Vạch trần bản chất của Vàng Chỉnh Mình và cái gọi là “Liên minh người Mông vì công lý” (Kỳ 2)

Kỳ 2: Minh chứng phản bác các luận điệu xuyên tạc của Vàng Chỉnh Mình và tổ chức “Liên minh người Mông vì công lý”

[CAND] Vàng Chỉnh Mình và số đối tượng trong “Liên minh người Mông vì công lý – HUJ” đã lợi dụng các diễn đàn quốc tế, lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc. Trên thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Việt Nam luôn nỗ lực trong bảo đảm quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ, được cụ thể trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, luôn được thể hiện tích cực, có trách nhiệm trong quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quyền con người.

Công an tỉnh Lai Châu tuyên truyền bà con người Mông không nghe theo luận điệu kẻ xấu.

Hiện nay, các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được thể hiện minh chứng sống động thông qua thực tiễn đời sống của người dân. Trong các lần phát biểu trước cộng đồng quốc tế, các cơ quan báo chí, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thông qua các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể như trong Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam đã được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ngày 10/5/2024, tại trụ sở Liên hợp quốc (Geneva, Thụy Sỹ), nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (tại phiên họp thứ 46 của nhóm làm việc về UPR của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 29/4 đến ngày 10/5/2024) đã đồng thuận về Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam và ghi nhận, đánh giá cao về vấn đề bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong những năm qua.

 

Trong đó, những dẫn chứng cụ thể được ghi nhận như thành tựu của Việt Nam về giảm nghèo đa chiều bền vững, đảm bảo an sinh xã hội (hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...), nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS...) và các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế và khu vực về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể như từ năm 2009 đến nay, GDP theo đầu người ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81% (vào năm 2016) tăng lên 92% (năm 2022). Tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98,3% (tăng gần 1 điểm % so với năm 2018). Đến tháng 9/2023, Việt Nam đã có 78 triệu người sử dụng Internet (tăng 21% so với số thuê bao năm 2019), 96,6% triệu thuê bao băng rộng di động (tăng 38% so với năm 2019). Đến nay, có 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Các phương tiện truyền thông, báo chí và Internet phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, các tổ chức xã hội, là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Về lĩnh vực xây dựng văn bản luật, từ năm 2019 đến năm 2023, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền của công dân như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023... Đồng thời, Việt Nam cũng đã gia nhập thêm Công ước thứ 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức và tham gia đàm phán, chính thức tham gia thỏa thuận toàn cầu về di cư an toàn và trật tự...

Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao Đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Pháp); quan hệ Đối tác Chiến lược với 11 quốc gia (Tây Ban Nha, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Đức, Ý, Pháp, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, New Zealand) và quan hệ Đối tác toàn diện với 13 quốc gia (Nam Phi, Venezuela, Chile, Brasil, Argentina, Ukraina, Đan Mạch, Myanmar, Canada, Hungary, Brunei, Hà Lan).

Không chỉ nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người, thời gian qua Việt Nam luôn chủ động, tích cực, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực và trên thế giới. Minh chứng rõ nét nhất cho điều đó là thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao khi Việt Nam ứng cử tham gia thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và đã có nhiều sáng kiến về bảo đảm quyền con người, quyền lợi của các nước đang phát triển, quyền của các nhóm yếu thế... được cộng đồng quốc tế và các quốc gia ghi nhận, đánh giá cao. Đó là những minh chứng điển hình về những thành tựu trong bảo đảm quyền con người của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Những minh chứng thực tế về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người đã phản bác về những luận điệu của Vàng Chỉnh Mình và số đối tượng chống phá khi cho rằng “tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tệ đi không thể cải thiện được”. Thật khôi hài khi các đối tượng phớt lờ sự thật, vẫn cố tình nhắm mắt không thấy, không nghe để vu cáo, xuyên tạc.

Những thành tựu về sự phát triển mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục huy động nguồn lực nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Và những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã minh chứng cho tính đúng đắn trong các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Cụ thể như:

Về chính trị, số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng qua các kỳ bầu cử, trong đó Quốc hội Khóa XV đã có 89/499 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 17,84%, cao nhất trong các khóa Quốc hội. Đồng thời, các dân tộc thiểu số có dân số đông như Tày, Thái, Mông, Mường, Khmer, Nùng... đều có đại diện qua các khóa của Quốc hội và các dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người đã có đại biểu tham gia Quốc hội khóa XV (như các dân tộc Mảng, Lự, Brâu...). Đến nay, có 51/53 dân tộc thiểu số đã có đại diện tham gia Quốc hội các khóa, chỉ còn 2  dân tộc Ơ đu và Ngái là chưa có đại diện tham gia Quốc hội. Đồng thời, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở các cấp ngày càng chiếm tỷ lệ cao (đến tháng 5/2023 tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm 11,5% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức).

Về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên rõ rệt trên tất cả các phương diện. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đến năm 2023 còn khoảng 33% (giảm 5,62%) so với chỉ tiêu được giao; có 7,9 triệu lao động người dân tộc thiểu số có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên; tỷ lệ thất nghiệp của người dân tộc thiểu số chỉ là 1,4%, thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn quốc; 96,12% người dân tộc thiểu số được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế; số người nghèo, người dân tộc thiểu số tham gia thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt gần 43 triệu lượt người, chiếm 24% số người tham gia bảo hiểm y tế toàn quốc. Đồng thời, các chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được phục hồi, phát triển, góp phần giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, hiện nay nước ta có khoảng 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người dân tộc thiểu số) với 16 tôn giáo được nhà nước cấp phép hoạt động.

Do đó, việc Vàng Chỉnh Mình cùng số đối tượng trong tổ chức “Liên minh người Mông vì công lý” cho rằng  “người dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn bị phân biệt đối xử, bị chính quyền quản chế khiến không phát triển được, yêu cầu quốc tế can thiệp bằng hình thức khảo sát, phỏng vấn thực tế vùng đồng bào dân tộc Mông tại Việt Nam, nhất là người Mông tại các tỉnh Tây Nguyên” là hoàn toàn sai sự thật, không có căn cứ thực tiễn.

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, trong đó có đồng bào dân tộc Mông

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trong khuổn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong những năm qua, các tôn giáo ở nước ta phát triển nhanh về số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự, mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức tôn giáo ở nước ngoài; mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đều được chính quyền tôn trọng, bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo ngày càng được nâng cao. Theo các quy định pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo trong đó có người dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Thực tế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, ở Việt Nam có hơn 1,2 triệu người theo đạo Tin Lành, trong đó có khoảng 873.700 tín đồ là người dân tộc thiểu số, phân bố tập trung ở vùng trung du miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.

Đối với đồng bào dân tộc Mông, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng dân tộc Mông nói riêng; cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đối với vùng dân tộc Mông. Đặc biệt là Chỉ thị 45/CT- TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư “về một số công tác trong vùng dân tộc Mông”, Thông báo Kết luận số 64-TB/TW ngày 09/3/2007 của Ban Bí thư khóa X về một số công tác ở vùng dân tộc Mông đã giải quyết các khó khăn trước mắt và lâu dài cho đồng bào Mông, giúp đồng bào ổn định, phát triển sản xuất và đời sống, thúc đẩy, tạo điều kiện để vùng đồng bào dân tộc Mông hòa nhịp cùng với sự phát triển chung của cả nước và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cấp ủy Đảng, Chính quyền các địa phương đã quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; xoá đói giảm nghèo, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Mông, xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hoá ở thôn bản. Công tác tuyên truyền, giáo dục được chú trọng, giúp đồng bào dân tộc Mông tin tưởng và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Mông đã được cải thiện rõ nét, cơ sở hạ tầng thiết yếu có bước thay đổi tương đối toàn diện. Trên các lĩnh vực kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, công tác định canh, định cư đã có nhiều chuyển biến tích cực; tình trạng di dân tự do đã bước đầu được khắc phục; nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo đời sống cho đồng bào.

Về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc Mông, bên cạnh phần lớn đồng bào dân tộc Mông theo tín ngưỡng truyền thống, số người Mông theo đạo Tin Lành không ngừng tăng lên hằng năm. Đến cuối năm 2022, số người Mông ở Việt Nam theo đạo Tin Lành đã tăng lên trên 321.000 người (chiếm khoảng 30% người Mông ở Việt Nam), tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên, phụ cận; sinh hoạt tại 30 chi hội, hơn 1.700 điểm nhóm, thuộc các hệ phái Tin Lành như Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam...

Thực tế trên là minh chứng sống động phản bác những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo sai sự thật của những kẻ kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu thành lập “Nhà nước Mông” như Vàng Chỉnh Mình cùng với số đối tượng trong cái gọi là “Liên minh người Mông vì Công lý” – một tổ chức phản động núp bóng đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Mông để chống phá đất nước.

Phan Hải Dương

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù

[QĐND] Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.

Uy tín giả bao giờ cũng là “giặc nội xâm”. Nó còn là mảnh đất màu mỡ mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng để chống phá đội ngũ cán bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Vì thế, xây dựng, bảo vệ uy tín đích thực, chống uy tín giả ở cán bộ, đảng viên cũng là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách hiện nay.

Uy tín - phẩm chất không thể thiếu ở người lãnh đạo

Theo nghĩa tiếng Việt, uy tín là sự tín nhiệm, mến phục được mọi người thừa nhận. Nói cách khác, uy tín là sự phản ánh những phẩm chất cần có trong nhân cách của người này thông qua sự nhìn nhận, đánh giá của người khác và tập thể. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, uy tín có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Đôi khi sự chế áp của uy tín giả làm cho cấp dưới e sợ mà không dám bộc bạch những suy nghĩ, quan điểm của mình. Ảnh minh họa: vneconomy.vn

Uy tín đích thực sẽ tạo được sự tin tưởng, phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, của tập thể đối với người đứng đầu, người phụ trách. Từ đó, mọi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện triệt để, hiệu quả. Khi đó, tinh thần dân chủ được phát huy; năng lực, sở trường của từng cá nhân được thể hiện và mang lại những giá trị thiết thực cho tập thể. Không chỉ vậy, uy tín của cán bộ, đảng viên còn là cơ sở tạo nên uy tín của Đảng. Khi có đủ uy tín trước nhân dân thì Đảng mới có sức mạnh để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những con sóng lớn của thời đại và vươn khơi, cập bến vinh quang. Vì nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng.

Trái lại, nếu cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, người quản lý không có uy tín, hoặc uy tín thấp, thậm chí uy tín giả thì không thể nêu gương mực thước và thuyết phục, lãnh đạo được quần chúng. Khi đó, mọi chỉ thị, mệnh lệnh khó có thể được quán triệt, thực hiện một cách tự giác, hiệu quả. Cho nên cán bộ, đảng viên không có uy tín hoặc uy tín giả sẽ làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng. V.I.Lenin cho rằng: "Người lãnh đạo phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ"(1).

Một trong những nhân tố quan trọng góp phần quyết định thành công trong quản lý, lãnh đạo là uy tín đích thực theo đúng nghĩa đen của nó. Đó là sự hội tụ đầy đủ của các phẩm chất cần thiết trong nhân cách người quản lý, lãnh đạo. Các phẩm chất ấy là: “Tâm, tầm và tài”; là đạo đức cách mạng. Trong bài viết “Chức vụ và uy tín” đăng trên Tạp chí Cộng sản cách đây tròn 40 năm, với bút danh “Trọng Nghĩa”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng (sau này là Tổng Bí thư) đã chỉ rõ: “Uy tín theo đúng nghĩa chân chính của nó là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín”. Với ý nghĩa đó, uy tín của cán bộ, đảng viên phải là những phẩm chất nội tại, đích thực ở từng chủ thể. Khi có đủ uy tín, người lãnh đạo sẽ thúc đẩy được tinh thần và nhịp điệu học tập, lao động, chiến đấu tích cực, sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể, xây dựng tinh thần đoàn kết, tạo dư luận tích cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hệ lụy “giậu đổ bìm leo”

Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nếu người cán bộ, đảng viên xây dựng uy tín cho mình thay vì dựa trên ý chí, nghị lực với động cơ phấn đấu méo mó, lệch lạc thì tất yếu sẽ tạo ra uy tín giả. Sinh thời, Bác Hồ đã căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2). Vì vậy, uy tín của người lãnh đạo, người cán bộ, đảng viên nếu không được tạo ra bằng chính năng lực và đức độ thực sự thì tác hại sẽ rất khôn lường.

Đôi khi sự chế áp của uy tín giả làm cho cấp dưới e sợ mà không dám bộc bạch những suy nghĩ, quan điểm của mình để đấu tranh, ngăn chặn các thói hư, tật xấu nhằm xây dựng tổ chức và cán bộ. Khi đó, dân chủ trong tập thể chỉ còn là hình thức. Sự thống nhất trong cơ quan, đơn vị, địa phương thực chất chỉ là dĩ hòa vi quý. Cho nên uy tín của người lãnh đạo, người đứng đầu không đơn thuần chỉ là uy tín của bản thân họ mà còn là uy tín, là tương lai của cơ quan, đơn vị, địa phương. Uy tín giả không chỉ làm phương hại đến bầu không khí dân chủ, dư luận tích cực và tinh thần "tương thân tương ái" trong tập thể mà nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân-thứ “giặc nội xâm” nguy hại. Đồng thời, uy tín giả cũng chính là "mảnh đất dụng võ", là cái cớ để các thế lực thù địch tập trung công kích, chống phá.

Trước thềm đại hội đảng các cấp, cũng như mỗi khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch càng ráo riết, tinh vi hơn. Chúng sử dụng nhiều phương tiện để đánh vào nhiều phương diện, nhằm hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong đó, uy tín của cán bộ, đảng viên được xem là một trong những tử huyệt mà chúng nhắm tới.

Công cụ tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp dư luận để nói xấu Đảng hữu hiệu, phổ biến hiện nay của chúng là các phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội. Nhất là việc tận dụng, phát huy tối đa công năng của các ứng dụng: Facebook, Instagram, TikTok, YouTube cũng như một số kênh, hãng truyền thông nước ngoài vốn dĩ đã không có thiện chí với Việt Nam. Tại các diễn đàn, họ không ngần ngại suy diễn vô căn cứ hòng hạ uy tín của Đảng. Từ một vài hiện tượng cán bộ, đảng viên sa ngã được họ nhào nặn và quy chụp thành bản chất của Đảng, của chế độ. Từ đó phủ nhận hệ thống lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh-nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang dày công vun đắp.

Như vậy, uy tín là yếu tố rất quan trọng ở người cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức. Song, uy tín đó phải là chân thực, chính hiệu. Cho nên, xây dựng và giữ gìn uy tín chân thực; nhận diện, đẩy lùi uy tín giả trong cán bộ, đảng viên sẽ góp phần ngăn chặn những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

(còn nữa)

Thượng tá, ThS MAI XUÂN CHÍNH, Phó chính ủy Lữ đoàn 87, Binh chủng Hóa học

(1) V.I.Lenin: Toàn tập (bản tiếng Nga, t.45, tr.363)-theo sách của tác giả Nguyễn Phú Trọng: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.6, tr.16

 

Vạch trần bản chất của Vàng Chỉnh Mình và cái gọi là “Liên minh người Mông vì công lý”

Kỳ 1: “Liên minh người Mông vì công lý” và những chiêu trò chống phá

[CAND] Là người dân tộc Mông sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, thời gian qua, được sự hậu thuẫn của những cá nhân, tổ chức phản động, Vàng Chỉnh Mình đã lập ra cái gọi là “Liên minh người Mông vì công lý” để tiến hành các hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chân dung Vàng Chỉnh Mình - kẻ phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc

Vàng Chỉnh Mình hay còn có tên gọi khác là Vàng Chẩn Mìn, sinh năm 1975, là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại thôn Khờ Chà Ván, xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Từ năm 1995, Vàng Chỉnh Mình cùng gia đình di cư đến thôn Nậm Nhừ 3, xã Chà Cang, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu cũ (nay là xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên).

Trong thời gian này, Vàng Chỉnh Mình đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật và bị Công an tỉnh Điện Biên bắt và xử lý hành chính nhiều lần vì có các hoạt động gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong cuộc sống thường ngày, Vàng Chỉnh Mình đã có hành vi quan hệ bất chính với một phụ nữ đã có chồng, bị bắt quả tang và sau đó hai bên gia đình tổ chức kiểm điểm, bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại.

Một số tài khoản mạng xã hội mà các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong người dân tộc Mông ở nước ngoài sử dụng để tán phát các hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”.

Năm 2005, Vàng Chỉnh Mình từ tỉnh Điện Biên đã trốn sang Lào, sau đó sang Thái Lan và được tổ chức “Cao ủy Liên hợp quốc về tị nạn – UNHCR” đưa sang Mỹ định cư theo diện tị nạn. Trong thời gian này, Vàng Chỉnh Mình đã nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam để móc nối, chỉ đạo cho số đối tượng chống đối ở trong nước tại các địa bàn Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai và triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube, Viber... để tuyên truyền, chống phá. Vàng Chỉnh Mình còn trực tiếp về khu vực giáp biên giới các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang để móc nối, lôi kéo số theo đạo Tin Lành là người dân tộc thiểu số đưa ra nước ngoài nhằm huấn luyện đấu tranh “bất bạo động” dưới danh nghĩa tập huấn tôn giáo do tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển – BPSOS” tổ chức tại Thái Lan, Philippines, Đông Timor.

Vàng Chỉnh Mình còn tuyên truyền cho rằng, tổ chức “Ủy ban cứu trợ người vượt biển – BPSOS” là tổ chức bảo vệ quyền lợi của người Mông Việt Nam tị nạn tại Thái Lan và kêu gọi người Mông xuất cảnh ra nước ngoài tham gia các hoạt động tôn giáo. Vàng Chỉnh Mình đã hứa hẹn sẽ đưa người Mông theo đạo bị đàn áp sang Thái Lan, Philippines để tiếp xúc với quốc tế, Bộ Ngoại giao các nước, ai muốn sang Thái Lan, sang Mỹ sẽ được sung sướng như Vàng Chỉnh Mình, nếu ai muốn đi thì Mình sẽ giúp đỡ.

Vàng Chỉnh Mình còn nhiều lần trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ - VOA, gặp gỡ các nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo – CPC”, đòi “tự do tôn giáo” và “quyền con người” và kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho số đối tượng mà chúng gọi là “tù nhân lương tâm”.

Để thực hiện âm mưu chống phá Việt Nam, Vàng Chỉnh Mình đã lập nhiều tài khoản website, email, Youtube, Facebook để thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung vu cáo chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phản đối các dự thảo Luật như: Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hay đề nghị Mỹ can thiệp gây sức ép để Việt Nam sửa đổi Điều 116 (Tội phá hoại chính sách đoàn kết) và Điều 331 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân) trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cùng với đó, Vàng Chỉnh Mình đã lôi kéo người Mông theo đạo Tin Lành ở trong nước sang Thái Lan để tham gia các lớp tập huấn về cái gọi là “xã hội dân sự”, trả lời phỏng vấn và cho rằng đó là các “nhân chứng sống” để vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo. Vàng Chỉnh Mình cùng Nguyễn Đình Thắng và một số đối tượng khác đã thông qua các phần mềm ứng dụng trực tuyến để tham gia huấn luyện, đào tạo cho số đối tượng chống đối trong nước về cách thức đối phó khi bị chính quyền, lực lượng Công an phát hiện về các vi phạm pháp luật liên quan đến dân tộc, tôn giáo. Chúng đã tiến hành vận động Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và chính phủ các nước thân Mỹ nhằm chấp thuận cho một số người dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành, chủ yếu là người Mông có hoạt động vi phạm pháp luật mà chúng cho rằng họ là những người “dám công khai chống Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo” hiện đang ở Thái Lan đến định cư theo diện tị nạn.

Về cái gọi là “Liên minh người Mông vì công lý” (Hmong United For Jutice – HUJ)

“Liên minh người Mông vì công lý” – “Hmong United For Jutice - HUJ” là tổ chức được đối tượng Vàng Chỉnh Mình thành lập vào năm 2016 nhằm tập hợp những trường hợp là người dân tộc Mông ở Việt Nam có các hoạt động chống phá chính quyền ở bên ngoài. Vàng Chỉnh Mình cùng Lý A Chà, Giàng A Da và một số đối tượng khác đã nhiều lần tổ chức ra mắt tổ chức trên dưới các khẩu hiệu cho rằng “Hmong United For Jutice” là tổ chức của những người hoạt động, đấu tranh về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo cho người Mông Việt Nam. Vàng Chỉnh Mình cùng các đối tượng trong “Hmong United For Jutice” đã thành lập một số trang Web, YouTube như: “Hmong United for Justice”, “Hmong Human Rights Coalition”, “Against Religion Oppression”, “Xaivcialis CMA”, các trang facebook cá nhân có tên “Kev Vaam Meej”, “Ntsuab Zoov”, “Johnny Huy”… để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.

Trên các trang mạng xã hội này, Vàng Chỉnh Mình cùng số đối tượng cầm đầu trong cái gọi là “Hmong United For Jutice” đã tuyên truyền xuyên tạc chống phá chế độ, đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền với những luận điệu cho rằng “Người Mông, đặc biệt là người Mông theo đạo tại Việt Nam bị phân biệt đối xử; bị cướp đất, cướp rừng, bao vây, cô lập, sách nhiễu, bức hại, thực hiện chế độ diệt chủng, coi người Mông là mối đe dọa nguy hiểm tại khu vực các tỉnh phía Bắc”… Thậm chí, trên các trang mạng xã hội này, Vàng Chỉnh Mình và đồng bọn còn phủ nhận phong tục tập quán truyền thống của người Mông, hướng dẫn người Mông theo đạo cách đối phó với chính quyền, lực lượng Công an khi bị gọi hỏi, làm việc; lôi kéo và hướng dẫn đồng bào dân tộc cách thu thập thông tin, cách làm báo cáo phản ánh việc cấp ủy, chính quyền đàn áp tôn giáo, dân tộc gửi cho Vàng Chỉnh Mình và cộng đồng người Mông ở hải ngoại để gửi lên các Thượng nghị sĩ và Bộ Ngoại giao Mỹ, từ đó gây sức ép đối với Việt Nam. Vàng Chỉnh Mình cho rằng người Mông ở Việt Nam hãy đồng lòng chung tay đấu tranh đòi quyền lợi, đòi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; cùng nhau lập “con đường riêng” tham gia tổ chức “Liên minh người Mông vì công lý – Hmong United For Jutice”.

Gần đây, trong khi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung tay góp sức, vào cuộc quyết liệt để ứng cứu, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, tổ chức “Liên minh người Mông vì công lý” đã nhân danh mục tiêu “bảo vệ quyền lợi cho người dân tộc Mông” để gây ảnh hưởng, bành trướng lực lượng, lôi kéo người ủng hộ mà cái đích là thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam khi cho rằng: “Bão lũ là do cán bộ chặt phá hết rừng”; “tiền quyên góp ủng hộ đồng bào bị sạt lở sẽ chảy vào túi quan”; “chỉ có lập “Nhà nước Mông”, lúc đó mới có nhiều ruộng, nương, không có làm cũng có ăn”…

Âm mưu công khai chống phá Việt Nam trên các sự kiện, hội nghị quốc tế

Vàng Chỉnh Mình cùng các đối tượng chống phá Nhà nước đã nhiều lần trực tiếp tham gia các sự kiện, hội nghị quốc tế do Liên hợp quốc chủ trì, Việt Nam là thành viên với tư cách là khách mời hoặc “nhân chứng sống” để chất vấn, đối thoại với đoàn Việt Nam về tình hình người Mông trong nước. Tại phiên kiểm điểm tình hình thực hiện Công ước về chống mọi hình thức phân biệt chủng tộc của Việt Nam trước Ủy ban theo dõi công ước của Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ và Hội nghị cấp Bộ trưởng các quốc gia về tự do tôn giáo được tổ chức tại Praha, Cộng hòa Séc, Vàng Chỉnh Mình cùng các đối tượng đã tổ chức tuyên truyền, tán phát, livestream trên các trang mạng với các nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, cho rằng: “Việt Nam không thực hiện đúng các cam kết với Liên hợp quốc, đại diện Việt Nam báo cáo không trung thực, không đúng với câu hỏi của Liên hợp quốc về cải thiện tình hình tôn giáo, cũng như chống mọi hình thức phân biệt chủng tộc”; “người dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn bị phân biệt đối xử, bị chính quyền quản chế khiến không phát triển được, yêu cầu quốc tế can thiệp bằng hình thức khảo sát, phỏng vấn thực tế vùng đồng bào dân tộc Mông tại Việt Nam, nhất là người Mông tại các tỉnh Tây Nguyên”.  Đồng thời, đối tượng còn bình luận, công kích mang tính xúc phạm đối với cá nhân đồng chí Y Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng đoàn đại diện Việt Nam tại Ủy ban Công ước CERD.

Gần đây, ngay sau khi đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc tại Genevea (Thụy Sĩ) vào ngày 7/5/2024, Vàng Chỉnh Mình, Nguyễn Văn Đài (là đối tượng cầm đầu của “Hội Anh em dân chủ”, đã từng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 15 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”) cùng số đối tượng trong tổ chức Việt Tân đã tổ chức livestream trên các trang mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc. Các đối tượng cho rằng “tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tệ đi và lần này cũng như vậy, sau buổi báo cáo này tình trạng nhân quyền vẫn không thể cải thiện được”... Đây là những luận điệu quen thuộc của Vàng Chỉnh Mình, Nguyễn Văn Đài cùng số đối tượng chống đối nhằm tuyên truyền xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời chống phá Đảng, Nhà nước ta, hạ thấp uy tín, vai trò của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

(Còn nữa)

Phan Hải Dương

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...