Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719), tỉnh Quảng Bình xây dựng các mô hình, trao sinh kế, đầu tư giao thông, hệ thống tưới tiêu giúp đồng bào phát triển chăn nuôi, trồng trọt.Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ dân tộc Chứt ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa triển khai nhiều mô hình sinh kế mới. Xã Trọng Hóa thực hiện Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 của Chương trình về hỗ trợ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Mô hình điển hình ở địa phương này là “Dự án nuôi dê cỏ sinh sản triển khai trong phạm vi 21 hộ gia đình dân tộc Chứt” với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng, trong đó nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia 1719 đầu tư gần 300 triệu đồng, người dân tham gia mô hình đối ứng 100 triệu đồng.
Ông Hồ May, ở bản Dộ - Tà Vờng, xã Trọng Hoá cho biết, xã đã hỗ trợ để làm lúa nước trên ruộng bậc thang ở bản Dộ - Tà Vờng, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp mới cho đồng bào nơi đây. Trước đây, bà con trồng lúa rẫy, cuộc sống bấp bênh. Ngày nay, khi người dân biết trồng lúa nước, nhà có đủ gạo ăn. Theo ông Hồ Mây, dân bản còn biết chăn nuôi bò, dê không thả rông và biết trồng rừng phát triển kinh tế:
“Thi đua nhau làm để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Trong bản có 1- 2 hộ thoát nghèo thì bà con chúng tôi cũng noi theo cách làm. Bà con bây giờ đã có nhận thức không trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà đã tự túc làm ăn”.
Cũng từ nguồn vốn của chương trình, xã Trọng Hóa đã phân bổ kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho bà con đồng bào Chứt; làm đường bê tông từ trung tâm xã đến các bản làng. Gần 100% các hộ trong xã đã có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, xã tiếp tục triển khai Dự án 9 về đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Địa phương hỗ trợ cây, con giống cho đồng bào Chứt ở các bản giúp người dân phát triển kinh tế.
“Thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 9 về hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người là dân tộc Chứt, dân tộc đặc thù thì xét đúng người, đúng đối tượng, đúng chính sách. Địa phương xây dựng các phương án, kế hoạch, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất và thực hiện chuỗi giá trị”, theo ông Hồ Phin.
Tỉnh Quảng Bình được Chính phủ giao hơn 678 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Đến nay, tỷ lệ giải ngân của cả 3 chương trình ở tỉnh mới đạt khoảng 270 tỷ đồng, gần bằng 40% so với kế hoạch được giao.
Trong đó, nguồn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ vốn giải ngân thấp nhất, chỉ đạt khoảng 25% so với kế hoạch được giao. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp do có nhiều vướng mắc, các quy định đề ra trong chương trình chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết, quá trình triển khai có nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chủ quản chương trình so với các quy định khác của Nhà nước có chồng chéo hoặc cùng 1 nội dung nhưng các văn bản có những quy định khác nhau.
“Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu thì chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường việc kiểm tra giám sát ở cơ sở. Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan sinh kế, liên quan đất ở, nhà ở cho bà con. Cùng các địa phương tháo gỡ các vấn đề khó khăn cho bà con, cho các đơn vị cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện chương trình” - ông Thanh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét