Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt
Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại
địa bàn về quan hệ hai nước cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm.
Nói về ý nghĩa chuyến
thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với
mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, Đại sứ
Phạm Sao Mai cho biết, đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của đồng chí Tập Cận
Bình trên cương vị Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc, diễn ra vào thời
điểm rất có ý nghĩa, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối
tác hợp tác chiến lược toàn diện, là sự nối tiếp các hoạt động giao lưu cấp cao
giữa hai Đảng, hai nước từ sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 1/11/2022), thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà
nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với
quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng,
hai nước sẽ đi sâu trao đổi các định hướng lớn, toàn diện về việc làm sâu sắc
và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc;
phát huy truyền thống giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước nhằm củng
cố hơn nữa tin cậy chính trị; tích cực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác ngày càng
đi vào chiều sâu, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển
mới thực chất hơn, hiệu quả hơn. Kế thừa truyền thống hữu nghị và thông lệ giữa
hai bên, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm, sẽ
dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sự tiếp đón đặc biệt, thắm
tình hữu nghị, đồng chí anh em.
Thời gian qua, quan hệ
Việt - Trung tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, có những bước tiến triển mới,
đặc biệt sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 -
1/11/2022). Trong bức tranh sáng màu ấy, nói về điểm nhấn ấn tượng nhất trong
quan hệ hai nước, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết, trước tiên, cần phải khẳng định
chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 -
1/11/2022) đã tạo xung lực mạnh mẽ để hai nước không ngừng củng cố và tăng cường
quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện, tạo nền tảng thuận lợi đưa
quan hệ Việt - Trung bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững.
Thời gian qua, với nỗ lực
chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -
Trung Quốc về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, đạt nhiều thành
quả quan trọng. Đặc biệt, kể từ đầu năm nay sau khi Trung Quốc tối ưu hóa chính
sách phòng chống dịch COVID-19, giao lưu hợp tác trực tiếp giữa hai nước chính
thức được khôi phục và đạt nhiều tiến triển tích cực.
Về quan hệ chính trị,
trao đổi, tiếp xúc cấp cao diễn ra mật thiết, góp phần quan trọng vào việc tăng
cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ
3 do Trung Quốc tổ chức (tháng 10/2023); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại
Thiên Tân (tháng 6/2023), dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị
thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại Nam
Ninh (tháng 9/2023); đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thăm và làm
việc tại Trung Quốc (tháng 4/2023).
Trong các chuyến đi
này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều hoạt động tiếp xúc quan trọng, tiếp
tục đưa ra những biện pháp lớn nhằm triển khai hiệu quả nhận thức chung quan trọng
của hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu
nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh.
Hợp tác, giao lưu kênh Đảng, giữa hai Chính phủ, Quốc hội/Nhân đại, Mặt trận Tổ
quốc/Chính Hiệp cũng như giữa các Bộ, ngành quan trọng như Ngoại giao, Quốc
phòng, Công an…, các địa phương biên giới và giao lưu nhân dân hai nước đạt nhiều
kết quả thực chất. Hai bên vừa tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 15 Ủy ban
chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc (12/2023) với nhiều kết quả
phong phú.
Hợp tác kinh tế -
thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh thương
mại giữa Trung Quốc và các đối tác đều giảm, Việt Nam là một trong số ít các đối
tác vẫn giữ ổn định thương mại với Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều
Việt Nam - Trung Quốc 10 tháng đầu năm đạt 139,2 tỷ USD (số liệu của hải quan
Trung Quốc đạt 185 tỷ USD).
Trung Quốc duy trì là đối
tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; trong
khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối
tác lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới. Về đầu tư, 11 tháng đầu năm 2023,
Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 3,06 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng số vốn đầu tư nước
ngoài được cấp phép mới, đứng thứ 4 (sau Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong), song
dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 22,1%). Hai bên cũng tích cực
phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp
tác kinh tế trước đây.
Hợp tác trong các lĩnh
vực khác như du lịch, văn hóa, giáo dục tiếp tục đạt nhiều tiến triển. Trung Quốc
cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại với Việt Nam; hiện mỗi tuần có hơn
200 chuyến bay qua lại giữa hai nước; trong 11 tháng đầu năm 2023, có 1,5 triệu
lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam; Trung Quốc đã triển khai cấp lại thị thực
cho lưu học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại Trung Quốc.
Biên giới trên bộ Việt
- Trung duy trì hòa bình, ổn định. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực
hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc,
tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ, xử lý
thỏa đáng vấn đề nảy sinh trên cơ sở 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất
liền.
Trong vấn đề trên biển,
hai bên đạt nhận thức chung về kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn
định trên biển phù hợp với Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc
về luật biển (UNCLOS) 1982, đồng thời tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về
các vấn đề trên biển, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên
ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực
chất, hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, hai bên cũng
tích cực phối hợp tại các diễn đàn đa phương nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và
hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN,
tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Dư luận cho rằng, trong
bối cảnh quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước đang tiến triển
tốt đẹp, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình chắc chắn sẽ tạo ra bước ngoặt mới, động lực mới cho mối quan hệ giữa
hai nước. Đánh giá về nhận định này, Đại sứ Phạm Sao Mai nói rằng Việt Nam và
Trung Quốc có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, được nhiều thế hệ lãnh đạo
và nhân dân hai nước dày công xây dựng và vun đắp.
Trong bối cảnh quan hệ
hai nước đang phát triển tốt đẹp hiện nay, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt
Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tạo thêm động
lực làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt
Nam - Trung Quốc, tạo cơ sở để các cấp, các ngành hai bên tích cực đi sâu và mở
rộng quan hệ hợp tác, đem lại lợi ích thiết thực cho hai Đảng, hai nước và nhân
dân hai nước.
Đại sứ Phạm Sao Mai cho
rằng, để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ song phương, thời
gian tới, hai nước cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhận thức
chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước cũng như các thỏa thuận song
phương, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị; cùng nhau tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các
lĩnh vực.
Đại sứ Phạm Sao Mai bày
tỏ tin tưởng vững chắc rằng, trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng
quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước
và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -
Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân
hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế
giới.
Nhà báo Trung Quốc nêu
bật những bước phát triển của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Trong thời gian qua,
quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, ổn định
và tích cực, đặc biệt từ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới
Trung Quốc cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2022.
Đánh giá về những thành
tựu trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc kể từ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, nhà báo Ngụy Vi – Trưởng Ban Tiếng Việt Đài Phát thanh và
Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho rằng nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo
hai nước đã được thực hiện toàn diện trong 1 năm qua.
Nhà báo Ngụy Vi nhấn mạnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc
sau Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo lời mời của Tổng Bí thư,
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã chỉ đạo định hướng phát
triển quan hệ Việt - Trung. Năm 2023 cũng là năm đánh dấu 15 năm thiết lập quan
hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc, trao đổi
các cấp giữa hai nước ngày càng mật thiết.
Ngày 25/7, Thủ tướng Phạm
Minh Chính dẫn đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Davos mùa Hè, đồng thời
thực hiện chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên sau khi giữ chức Thủ tướng,
đánh dấu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bước vào giai đoạn mới. Tiếp đó, tháng
10, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc
tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba. Đây là chuyến công tác Trung Quốc và
cũng là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
trên cương vị mới. Theo nhà báo Ngụy Vi, những chuyến thăm này là sự tiếp nối
hoạt động giao lưu và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai
nước trong những năm gần đây. Ngoài ra, năm nay hai bên thường xuyên có những
chuyến thăm lẫn nhau cấp bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, công an, quân
đội, kinh tế - thương mại…, hai bên cùng hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng, bảo
vệ môi trường và chống tham nhũng, thể hiện đầy đủ mối quan hệ cùng có lợi,
chung tay phát triển giữa hai nước.
Về những điểm sáng
trong hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư thời gian qua, nhà báo Ngụy Vi nhận
định Việt Nam - Trung Quốc hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là
đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc, đứng đầu trong số các nước thuộc
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nhận định về triển vọng
hợp tác giữa hai nước thời gian tới, nhà báo Ngụy Vi cho rằng Việt Nam và Trung
Quốc có lợi thế là gần gũi về mặt địa lý, ngành nghề bổ sung cho nhau, triển vọng
hợp tác giữa hai bên rộng lớn. Việc đẩy nhanh thúc đẩy kết nối các sáng kiến
phát triển khu vực, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như kết nối,
tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như thương mại điện tử… là trọng
điểm hợp tác tiếp theo, đặc biệt là Trung Quốc đề xuất sẵn sàng tiếp tục mở rộng
nhập khẩu sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam mà các khách hàng Trung Quốc có
nhu cầu. Hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc còn cần phải làm phong phú giao lưu
nhân văn, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước, đặc biệt là
thế hệ trẻ, xây dựng nền tảng xã hội phát triển quan hệ hai nước.
Tiến
Trung (TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét