VOV.VN - Ông Phan Đình Trạc yêu cầu Ban Nội chính Trung ương cần bám sát tiến độ các vụ án, vụ việc, kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo đúng yêu cầu, kế hoạch của Ban chỉ đạo.
Chiều 25/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Số vụ án và bị can bị khởi tố vì tội tham nhũng tăng gần gấp đôi so với năm 2022
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2023, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành cơ bản toàn diện các nhiệm vụ công tác, có nhiệm vụ vượt yêu cầu đề ra, nhiều mặt công tác chuyển biến rõ rệt hơn các năm trước.
Trong đó, Ban đã tập trung tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, góp phần tiếp tục đẩy mạnh, tạo bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả ở Trung ương và địa phương, cơ sở.
Ban đã chủ trì, phối hợp hoàn thành việc biên tập, xuất bản và tổ chức thành công lễ ra mắt cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư; phối hợp xây dựng tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về nội dung, giá trị cốt lõi của cuốn sách.
Ban đã tham mưu chỉ đạo tăng cường, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là tiếp tục đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra của Ban chỉ đạo về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản.
Cùng với đó, Ban tham mưu kiểm tra, thanh tra một số lĩnh vực chuyên môn sâu, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tập trung hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố.
Từ đầu năm đến nay, các địa phương đã phát hiện, khởi tố 684 vụ án, 1953 bị can về tội tham nhũng (tăng gấp 1,8 lần về số vụ so với năm 2022), nhiều địa phương đã khởi tố các vu án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến các bộ thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành phố quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác theo dõi, đôn đốc, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có nhiều cố gắng; chủ động, nhạy bén, quyết liệt, hiệu quả hơn. Tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác giám định, định giá tài sản; kiên trì, quyết liệt, khách quan trong tham mưu chủ trương, quan điểm chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp như vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, công ty AIC, công ty Việt Á...
Cùng với đó, Ban đã tham mưu đưa một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tham mưu chỉ đạo, ban hành chủ trương phân hóa diện đối tượng xử lý trong một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo phù hợp với bối cảnh, điều kiện, nguyên nhân phát sinh vi phạm, tội phạm được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; Tham mưu chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong vụ án liên quan đến công ty AIC.
Đây là những vấn đề mới, chưa có tiền lệ trong quá trình xử lý các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, tiêu cực nói riêng, gỡ được “nút thắt” quan trọng góp phần tạo bước chuyển mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực...
Kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý vụ án, vụ việc
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc biểu dương các vụ, đơn vị của Ban đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2023.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ông Phan Đình Trạc đề nghị Ban Nội chính Trung ương khẩn trương tham mưu xây dựng tổ chức và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình công tác năm 2024 của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực (ban chỉ đạo); chuẩn bị tốt tài liệu, phục vụ chu đáo các phiên họp của Ban chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Ban Nội chính Trung ương cần bám sát tiến độ các vụ án, vụ việc, kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo đúng yêu cầu, kế hoạch của Ban chỉ đạo.
Một nhiệm vụ khác là Ban tập trung tham mưu xây dựng các Đề án theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024, trong đó có 8 Đề án. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp để phục vụ việc chuẩn bị dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
“Ban Nội chính Trung ương tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu, đề xuất về một số vấn đề lớn trong các dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, nhất là tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến sâu vào các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật chuẩn bị trình Bộ Chính trị tới đây”, ông Phan Đình Trạc lưu ý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét