[CAND] Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý II tốt hơn quý I và dư địa chính sách còn khá lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, nới lỏng hơn, mở rộng hơn với định hướng ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân.
Ngày 4/7, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với
các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự hội nghị tại điểm
cầu trụ sở Chính phủ có: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê
Minh Khái; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần
Lưu Quang, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng
Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Chủ tịch nước
Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đồng chí Đinh Văn
Ân, Trợ lý Tổng Bí thư.
Hội nghị kết nối trực tuyến với các điểm cầu địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự hội nghị tại
các điểm cầu địa phương có các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhằm triển khai kết quả
Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ và các nghị quyết, quyết sách của Quốc hội tại
Kỳ họp thứ 5, tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình
hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, tình hình triển khai
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phân bổ, giải
ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia,
nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Các đại biểu cũng góp ý
vào dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất,
kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ
cương.
Phản
ứng chính sách kịp thời và có hiệu quả cụ thể
Các báo cáo, ý kiến tại
phiên họp thống nhất đánh giá, trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết
liệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết của
Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thường trực Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, nhiều đại biểu
nhấn mạnh sự chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phản ứng chính sách và lãnh đạo,
chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu, thủ trưởng các bộ, ngành, địa
phương.
Các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong đó, đã tập trung
xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tổ chức 11 hội nghị, phiên họp Chính
phủ, trong đó có 5 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; ban hành 66 văn bản
quy phạm (44 nghị định và 22 quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ), 106
nghị quyết của Chính phủ, 829 quyết định cá biệt, 41 công điện, 22 chỉ thị của
Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, chuẩn bị
chu đáo, phục vụ tốt Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội
khóa XV. Trong đó, Quốc hội đã thông qua 8 luật, cho ý kiến 9 dự án luật và quyết
nghị nhiều chủ trương, chính sách quan trọng.
Đồng thời, tổ chức nhiều
cuộc họp, hội nghị, chuyến công tác, hoạt động đối ngoại, tham vấn ý kiến
chuyên gia, nhà khoa học; tập trung rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ
chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 25 tổ công tác do các thành viên
Chính phủ làm việc trực tiếp với tất cả các địa phương; đã xử lý 300/1.000 kiến
nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại.
Trước tình hình quốc tế,
trong nước rất khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành và
đề xuất nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi,
phát triển sản xuất kinh doanh. Nhìn chung, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra khá đồng
bộ, toàn diện, đúng và trúng, sát thực tiễn, được nhân dân, doanh nghiệp, các tổ
chức quốc tế đánh giá cao và đã có hiệu quả rõ nét với nhiều số liệu tháng sau
tốt hơn tháng trước, quý sau hiệu quả hơn quý trước.
Cụ thể, đã lập 5 tổ
công tác về giải ngân đầu tư công, tập trung đôn đốc hằng tháng các dự án, công
trình trọng điểm quốc gia (vừa qua đã hoàn thành đưa vào sử dụng 566 km cao tốc,
đưa tổng số chiều dài cao tốc cả nước lên 1.729 km).
Về chính sách tiền tệ,
đã chỉ đạo NHNN 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức từ 0,5-1,5%; giảm mặt bằng
lãi suất cho vay; tăng dư nợ tín dụng, khả năng tiếp cận tín dụng; cơ cấu lại nợ,
gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho
vay nhà ở xã hội…
Các đại biểu cho rằng, các chủ trương được đưa ra chỉ đạo từ sớm, rất đúng và trúng, sát thực tiễn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngay từ tháng 10/2022,
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng thêm 1,5-2% tăng trưởng tín dụng, giảm mặt
bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Phân
tích thêm nội dung này, Thủ tướng nêu rõ, các giải pháp này có căn cứ khoa học
và thực tiễn: Lãi suất thực còn rất cao, chênh lệch lãi suất tiền gửi - cho vay
còn khá cao (2-3%); cung tiền tệ (M2) tăng thấp (2,53%); tín dụng tăng thấp
trong khi nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Từ đó đến nay, Chính phủ, Thủ tướng
đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhất quán, xuyên suốt chủ trương này
để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.
Các đại biểu cho rằng,
các chủ trương được đưa ra chỉ đạo từ sớm, rất đúng và trúng, sát thực tiễn.
Đây là nền tảng để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng quyết liệt hơn, hiệu
quả hơn trong thời gian tới.
Về chính sách tài khoá,
thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí,
lệ phí (với tổng quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng theo các nghị định số 12, 36,
41 của Chính phủ, giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết của Quốc hội…).
Về các chính sách, giải
pháp khác, đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường trái phiếu
doanh nghiêp, bất động sản (theo các nghị định số 08, số 10 và Nghị quyết 33 của
Chính phủ). Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh
doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững (Nghị quyết 58 của
Chính phủ). Xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế (Nghị
quyết 30 của Chính phủ).
Cùng với đó, tiếp tục tổ
chức các hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các
nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng KTXH trên cả nước (gắn với tổ chức Hội
nghị xúc tiến đầu tư vùng, địa phương). Thúc đẩy mạnh mẽ công tác quy hoạch,
chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, du lịch, ngoại giao kinh tế, cải cách thủ tục
hành chính… Tiếp tục xử lý từng bước dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều
năm (các doanh nghiệp, dự án thua lỗ kéo dài, kém hiệu quả, các ngân hàng
thương mại yếu kém, mua bắt buộc…).
Các đại biểu đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhiều
số liệu tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau hiệu quả hơn quý trước
Phiên họp thống nhất
đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều
lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm, quý II nhìn
chung tốt hơn quý I, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, nổi bật là
kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng
được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính
phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo
Nghị quyết của Quốc hội giao.
Lạm phát tiếp tục xu hướng
giảm dần trong khi lạm phát ở nhiều nước neo ở mức cao và kéo dài. Tăng trưởng phục hồi, GDP quý II tăng 4,14%,
cao hơn mức tăng của quý I (3,32%), tính chung 6 tháng tăng 3,72%. Thị trường
tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm
0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%).
Xuất nhập khẩu có xu hướng
tăng trở lại, tính chung 6 tháng xuất siêu 12,25 tỷ USD. Thu chi ngân sách nhà
nước bảo đảm tiến độ, thu 6 tháng 876 nghìn tỷ đồng, đạt 54% dự toán năm (giảm
7,8% so với cùng kỳ); chi đạt 805 tỷ nghìn đồng, đạt 38,8% dự toán năm (tăng
12,9%, thể hiện vai trò thúc đẩy tăng trưởng).
Lãnh đạo các địa phương phát biểu ý kiến tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các ngành, lĩnh vực chủ
yếu phục hồi tốt, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại. Nông
nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; lúa gạo được
mùa, được giá; năng suất lúa Đông Xuân tăng 1,6 tạ/ha; sản lượng đạt 20,2 triệu
tấn, tăng 232 nghìn tấn; 6 tháng xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, giá trị 2,3 tỷ
USD, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp tiếp
tục tăng trở lại. Quý II tăng 1,56% (quý I giảm 0,75%); tính chung 6 tháng tăng
0,44% so với cùng kỳ, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 0,37%.
Khu vực dịch vụ giữ mức
tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng
0,5% so với tháng 5; tính chung 6 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ. Thu hút
khách quốc tế tháng 6 đạt 975 nghìn lượt, tăng 6,4% so với tháng 5 và gấp 4,1 lần
cùng kỳ; tính chung 6 tháng đạt 5,6 triệu lượt, gấp 9,3 lần cùng kỳ.
Vốn đầu tư phát triển
toàn xã hội tiếp tục tăng, quý II cao hơn quý I, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II tăng 5,5% (quý I tăng 3,7%); tính
chung 6 tháng tăng 4,7%. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt 216
nghìn tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (27,75%) và số tuyệt đối
cao hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng (tổng số vốn đầu tư công năm 2023 là 817 nghìn
tỷ đồng, vốn đầu tư trong nước là 784 nghìn tỷ đồng).
Vốn FDI tiếp tục xu hướng
tích cực, vốn FDI đăng ký mới đạt 6,49 tỷ USD, tăng 31,3%; vốn góp, mua cổ phần
đạt 4,01 tỷ USD, tăng 76,8%. Vốn FDI thực hiện đạt 10,2 tỷ USD, tăng 0,5% so với
cùng kỳ.
Phát triển doanh nghiệp
có xu hướng tích cực hơn. Trong tháng 6 có 13,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành
lập mới, tăng 14,9% so với tháng 5; tổng số vốn đăng ký tăng 33,7%; tổng số lao
động đăng ký tăng 39,2%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành chế biến,
chế tạo: Dự kiến quý III có 72,8% doanh nghiệp dự báo ổn định và tốt hơn so với
quý II; và 27,4% dự báo khó khăn hơn.
Các lĩnh vực văn hoá,
xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện.
Thu nhập bình quân lao động trong 6 tháng là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6% so với
cùng kỳ; 94% tỉ lệ hộ đánh giá có thu nhập không đổi và tăng lên, tăng 15% so với
cùng kỳ.
Tình hình chính trị, xã
hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản
được bảo đảm. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường,
đẩy mạnh, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến
đấu của tổ chức Đảng, Đảng viên. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy
mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của
Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Theo Thủ tướng, những kết quả nổi bật trong tháng 6 đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của quý II và 6 tháng đầu năm 2023, đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
5
bài học kinh nghiệm quan trọng
Phát biểu kết luận, Thủ
tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các ý kiến tại phiên họp, giao các
cơ quan tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên
họp và dự thảo Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh
doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sớm
trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Theo Thủ tướng, những kết
quả nổi bật trong tháng 6 đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của quý II
và 6 tháng đầu năm 2023, đạt được mục
tiêu tổng quát đã đề ra: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm
soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội,
đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh
được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi
trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường
niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục
dự báo Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao của khu vực, thế giới;
các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì và nâng hạng
tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả
tích cực là cơ bản, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và
khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn so với kịch bản đề ra.
Tình hình thị trường quốc tế còn rất khó khăn. Dư nợ tín dụng tăng thấp. Thu
ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Ngành công nghiệp phục hồi chậm. Sản xuất
kinh doanh gặp nhiều khó khăn; có 100 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường,
tăng 22,6%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 tăng lên 46,2 điểm từ mức
45,3 điểm vào tháng 5, nhưng vẫn là tháng thứ 4 liên tiếp dưới 50 điểm.
Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đời sống nhân dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Vốn FDI đăng ký tăng
thêm tiếp tục bị ảnh hưởng. Những bất cập, vướng mắc của các thị trường trái
phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, bất động sản mới chỉ được xử lý bước đầu. Thủ tục
hành chính một số lĩnh vực, địa bàn còn nặng nề, chưa thông thoáng, đặc biệt
còn có tình trạng vướng mắc pháp lý của nhiều dự án đầu tư nhưng chậm được các
cấp, các ngành chủ động tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền.
Tình hình lao động, việc
làm khó khăn. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu,
vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch
bệnh dự báo diễn biến phức tạp, tiếp tục gây hậu quả nặng nề… Tình hình an ninh
trật tự ở một số địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ.
Thủ tướng đề nghị nhấn
mạnh 5 bài học kinh nghiệm: (1) Bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời,
tổ chức thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh tính tự chủ, tự lực tự cường. (2) Tăng cường
hơn kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần: đã nói làm làm, đã cam kết là phải thực
hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cân đong đo đếm được, kiểm tra
được; làm việc nào dứt việc đó. (3) Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, uỷ quyền gắn với
phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực;
(4) Giữ vững bản lĩnh chính trị, tự tin, không cầu toàn, không nóng vội; không
lạc quan khi thuận lợi; không bi quan khi khó khăn; (5) Bảo vệ và phát huy tinh
thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại bỏ tư tưởng
trông chờ, ỷ lại; xử lý nghiêm việc đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Về bối cảnh tình hình
thời gian tới, Chính phủ và các địa phương thống nhất nhận định khó khăn, thách
thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải tăng cường
phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách
phù hợp, kịp thời; đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng
phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ. Yêu cầu đặt ra là phải linh hoạt có
giải pháp đúng và tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần quyết tâm cao, nỗ
lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa và kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục
tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Chuyển
chính sách tiền tệ từ "chắc chắn" sang "linh hoạt, nới lỏng
hơn"
Về mục tiêu, quan điểm,
định hướng chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu kiên định, kiên trì tập trung
thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị
quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội,
Chính phủ.
Thủ tướng tiếp tục nhấn
mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phải
ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng khoảng 6,5%
và lạm phát khoảng 4,5%) và bảo đảm đời sống nhân dân. Với dư địa chính sách
còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP,
bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu
thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này. Đây cũng là điểm mạnh của
Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính
sách.
Trong chỉ đạo điều
hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa: (1) Lãi suất
và tỉ giá; (2) Tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; (3) Chính sách tiền tệ
và chính sách tài khóa; (4) Theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên
ngoài.
Về định hướng chính
sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt,
nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính
sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng,
dứt khoát; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.
Cho rằng đây là cơ hội
cần nắm bắt, Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được
thể hiện chủ yếu thông qua: Tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng
lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Theo Thủ tướng, về thực chất, chủ trương
này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ
trình, xuyên suốt từ tháng 10/2022 đến nay; NHNN đã làm nhưng cần làm mạnh hơn
nữa. Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ
"chặt chẽ" trước tháng 10/2022 sang "chắc chắn" từ tháng 10/2022
và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" trong điều kiện hiện
nay là cần thiết. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về
thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và
phù hợp với thực tiễn.
Cùng với NHNN và ngành
ngân hàng, Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, cố
gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây
dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh
chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản xuất xanh, tăng
trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu mở rộng
thị trường trong nước, quốc tế.
Thủ tướng nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung với các bộ, ngành, địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đồng thời, Thủ tướng
yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng NHNN và cộng
đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là rà soát,
hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tiếp giảm
chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Về công cụ, giải pháp
chính sách, Thủ tướng yêu cầu rà soát các cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ
thể, phù hợp để tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía
cầu và phía cung. Theo đó, tiếp tục rà soát, có các giải pháp mạnh hơn, hiệu quả
hơn để kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước (các giải pháp
về miễn giảm thuế, phí, lệ phí, các hình thức hỗ trợ mua hàng, khuyến mãi, giảm
giá, giảm các loại phí, lệ phí, thúc đẩy mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng…).
Đẩy mạnh hơn nữa giải
ngân vốn đầu tư công (với tổng số vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 817 nghìn tỷ
đồng; trong khi 1 đồng vốn đầu tư công có thể thu hút được 1,62 đồng đầu tư
ngoài nhà nước); đồng thời tạo mọi thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước
ngoài, đặc biệt là các dự án PPP; tập trung xoá bỏ rào cản, khơi thông mọi nguồn
lực từ bên trong và bên ngoài.
Về xuất khẩu, tăng cường
xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống hiện có và mở
rộng các thị trường mới, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu,
nhất là xuất khẩu xanh (lưu ý các khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Khối
Bắc Mỹ); sớm ký Hiệp định FTA với Israel, UAE….
Tập trung nâng cao năng
lực sản xuất của nền kinh tế. Quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính,
cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo
nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh chuyển đổi
số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… nhằm tạo chuyển biến
rõ nét về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời, Thủ tướng
yêu cầu các bộ, ngành chủ động, tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc của
các địa phương tổng hợp từ báo cáo của 26 tổ công tác của Chính phủ; các tổ
công tác này tiếp tục hoạt động hằng tháng nhằm thực hiện "mục tiêu
kép": vừa kiểm điểm, đánh giá việc xử lý các kiến nghị trước đó; vừa kịp
thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh.
10
nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Thủ tướng nêu rõ 10
nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung với các bộ, ngành, địa phương.
Thứ
nhất, nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả; trường hợp vượt
thẩm quyền báo cáo, đề xuất ngay với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ
hai,
siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi
cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách
nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Thứ
ba,
thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó
lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công
trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương; Chủ tịch
UBND cấp tỉnh chủ động, tích cực giải quyết cung cấp vật liệu xây dựng thông
thường cho các dự án đường cao tốc.
Thứ
tư,
tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì
trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới (phấn đấu chỉ số PMI sớm
tăng lên trên 50 điểm); yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà
soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một
cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả, không hứa suông. Không nói không, không
nói khó, không nói có mà không làm.
Thứ
năm,
giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng (khoảng
4,5% và khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội) bảo đảm các cân đối lớn của nền
kinh tế.
Thứ
sáu,
chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống nhân dân (lưu ý vấn đề
tăng lương và kiểm soát giá).
Thứ
bảy,
thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công
nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần
hoàn.
Thứ
tám,
tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị - xã hội;
củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ
chín, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề
quan trọng, cấp bách hoặc mới phát sinh. Trong đó, đẩy mạnh và hoàn thành dứt
điểm công tác quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, sắp xếp lại các đơn vị
hành chính cấp huyện, cấp xã. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả
giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển
kinh tế -xã hội.
Triển khai thực hiện hiệu
quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng hệ thống truyền tải điện; trong đó có chuỗi dự
án điện khí Ô Môn, đường dây 500 KV từ miền Trung ra miền Bắc. Bảo đảm đủ điện,
xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân
dân. Xử lý tình trạng mất cân đối cung cầu lao động tại một số địa phương; chủ
động phương án hỗ trợ người lao động. Tổ chức tốt tuyển sinh đại học, cao đẳng;
đấu thầu in sách giáo khoa theo cơ chế thị trường; xử lý dứt điểm vấn đề thiếu
thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế công lập...
Thứ
mười, chuẩn bị kỹ, phục vụ tốt các cuộc họp của Bộ Chính
trị, Ban Bí thư và nhất là Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội vào cuối năm.
Dứt
khoát tổ chức đấu thầu công khai in sách giáo khoa
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ
thể với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước thực hiện
ngay các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay
(xem xét cả đối với các khoản vay mới và đang còn dư nợ); tăng tín dụng, bảo đảm
đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; tăng khả năng tiếp cận tín dụng
cho sản xuất kinh doanh. Tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo
đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; thực hiện hiệu quả
các gói tín dụng chính sách 40 nghìn tỷ đồng (hỗ trợ lãi suất 2%) và 120 nghìn
tỷ đồng (cho vay nhà ở xã hội).
Bộ Tài chính tăng cường
quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời; triệt để tiết
kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên. Thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn,
giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành; đẩy nhanh hoàn thuế VAT.
Tiếp tục nghiên cứu các
chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khoá (nghiên cứu cân nhắc nếu thuận lợi thì
báo cáo cấp có thẩm quyền có thể tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kết
cấu hạ tầng với quy mô khoảng 4-5% GDP trong những năm tới nhưng không ảnh hưởng
đến trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; vấn đề là phải sử dụng
vốn có hiệu quả); đồng thời hoàn thiện phương án, kịp thời báo cáo cấp có thẩm
quyền về thuế tối thiểu toàn cầu. Khẩn trương xử lý thực chất, hiệu quả những
tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
hoàn thành phân bổ vốn; đôn đốc, đẩy nhanh, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư
công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục
tiêu quốc gia. Tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh; tập trung đôn đốc
đẩy nhanh công tác quy hoạch hơn nữa, làm ngày đêm cho các địa phương. Cập nhật
phương án, kịch bản chỉ đạo điều hành; hoàn thiện trình ban hành Nghị quyết về
tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính,
siết chặt kỷ luật kỷ cương.
Bộ Xây dựng thực hiện
nghiêm Nghị quyết 33 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động
sản; chương trình xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; cùng Bộ Công
an, các bộ, ngành, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy chữa cháy.
Bộ Giao thông vận tải tập
trung chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cao
tốc, chọn được nhà thầu xây dựng sân bay Long Thành; thường xuyên kiểm tra, đôn
đốc, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh.
Bộ Công Thương tập
trung phát triển mạnh thị trường trong nước; kích cầu tiêu dùng; mở rộng thị
trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới; triển khai hiệu quả
Quy hoạch điện VIII; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm; tìm đầu ra cho nông sản,
tập trung cho xuất khẩu chính ngạch; thực hiện nghiêm các giải pháp để sớm gỡ bỏ
thẻ vàng IUU; chủ động phòng chống dịch bệnh, phòng chống hạn, xâm nhập mặn,
khô hạn, sạt lở.
Bộ Tài nguyên và Môi
trường tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch đất đai, các thủ tục
hành chính; khẩn trương xử lý các kiến nghị, vướng mắc của địa phương, doanh
nghiệp về đất đai, môi trường; tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi
khí hậu. Xử lý dứt điểm về nguyên vật liệu cho xây dựng hạ tầng giao thông.
Bộ Lao động-Thương binh
và Xã hội kịp thời điều tiết cung cầu lao động; chủ động có phương án hỗ trợ
người lao động gặp khó khăn; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, giảm
nghèo; chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; khẩn trương
nghiên cứu, sửa đổi ngay Nghị định số 152 ngày 30/12/2020 về quản lý lao động
nước ngoài trong tháng 7/2023.
Bộ Y tế tập trung tháo
gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang
thiết bị, vật tư y tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt tuyển sinh đại học,
cao đẳng năm 2023; có giải pháp hiệu quả bảo vệ trẻ em trước tình trạng xâm hại,
bạo lực, ma túy học đường, thương tích, đuối nước trong mùa hè; tổ chức đấu thầu
công khai in sách giáo khoa.
Bộ Văn hóa – Thể thao
và Du lịch thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến du lịch, các giải pháp
thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là sau khi quy định mới về visa được áp dụng;
khẩn trương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong quý
III/2023 và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…
Về kiến nghị của các địa
phương, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo
chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo chủ động tháo gỡ ngay những
khó khăn, vướng mắc; đồng thời kịp thời báo cáo, đề xuất đối với những vấn đề
vượt thẩm quyền.
Theo
baochinhphu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét