Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

Mang danh tự do tôn giáo, USCIRF lại hành động lạc lối

Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) vừa đưa các bị cáo Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Cao Thị Trúc vào danh sách “Nạn nhân tự do tôn giáo và niềm tin” toàn cầu. Hành động này đang đi ngược với giá trị chân chính của tôn giáo.


Lâu nay, dư luận bức xúc trước những lùm xùm tại Tịnh thất Bồng Lai (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bởi nơi đây có nhiều vi phạm, đặc biệt là hành vi phạm pháp của ông Lê Tùng Vân và các đồng phạm. Theo kết luận của cơ quan chức năng, từ năm 2016, Lê Tùng Vân và một số người khác đến ở tại số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An do bà Cao Thị Cúc làm chủ hộ. Lê Tùng Vân biến nơi đây thành cơ sở tu tại gia theo Phật giáo, lấy tên “Tịnh thất Bồng Lai” nhưng không được ngành chức năng và Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An công nhận. Lê Tùng Vân đổi tên cơ sở này thành “Thiền am bên bờ vũ trụ” để tiếp tục hoạt động.

Từ năm 2019 - 2021, Lê Tùng Vân đã cầm đầu, chỉ đạo Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi) sử dụng máy tính, điện thoại di động để đăng lên Facebook và Youtube thông tin sai sự thật, xuyên tạc nhằm tuyên truyền, kích động, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa (Long An), xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

Tổng cộng, có 5 video và 1 bài viết trên mạng xã hội của nhóm người này được phân tích, giám định và xác định là hành vi có tổ chức. Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đang điều tra về hành vi lừa đảo xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai”. Cụ thể, Công an tỉnh Long An nhận được nhiều đơn tố cáo Lê Tùng Vân và những cá nhân sinh sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” có hành vi giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm.

Vụ việc đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Liên quan đến vụ án này, ngày 21/7/2022, sau 2 ngày xét xử, TAND huyện Đức Hòa tuyên phạt Lê Tùng Vân 5 năm tù về tội“Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự. Với vai trò đồng phạm, bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên (30 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (31 tuổi) và Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) bị phạt mỗi người 4 năm tù. Bị cáo Lê Thanh Nhị Nguyên lĩnh 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Cao Thị Cúc 3 năm tù.

Ngày 3/11/2022, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, HĐXX TAND tỉnh Long An đã bác kháng cáo, đồng thời tuyên y án bị cáo Lê Tùng Vân 5 năm tù. Các bị cáo cũng giữ mức án như sơ thẩm. Cũng theo HĐXX, nhận định của tòa sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, tuyên đúng người, đúng tội, không oan sai. Các bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước nên không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt.

Tuy nhiên, ngay sau khi phiên tòa phúc thẩm xét xử, USCIRF đã đưa Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Nhị Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Cao Thị Trúc vào danh sách “Nạn nhân tự do tôn giáo và niềm tin” toàn cầu. Hành động này đang đi ngược với giá trị chân chính của tôn giáo. Một số cá nhân chống đối vin lý do này cũng hùa theo, có những bình luận sai trái, đả phá chính quyền.

Lê Tùng Vân là đối tượng chống đối, không có đóng góp gì cho hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Tự bào chữa cho mình và trả lời trước phiên tòa, bị cáo Lê Tùng Vân cho biết “Tôi không theo tôn giáo nào, chưa có vợ con và mong được lấy vợ”! Trong khi đó, các hành vi vi phạm pháp luật của Lê Tùng Vân đã được Công an tỉnh Long An thu thập đầy đủ chứng cứ và toà sơ thẩm, phúc thẩm đã xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, được dư luận đồng tình. Việc USCIRF lấy danh nghĩa tôn giáo để lên tiếng bênh vực cho các đối tượng vi phạm pháp luật, câu hỏi đặt ra là tổ chức này có đại diện cho những người theo tôn giáo chân chính hay lợi dụng tôn giáo để can thiệp vào nội bộ nước khác? USCIRF đã cố tình làm ngơ trước các chứng cứ mà các cơ quan chức năng Việt Nam thu thập, chứng minh hành vi sai phạm của những người trong cái gọi là “tịnh thất” này. Kết quả điều tra cho thấy, “Tịnh thất Bồng Lai” chỉ là mạo xưng, những người ở đây không phải là tu sĩ Phật giáo, không do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý.

Các đối tượng lợi dụng danh nghĩa tu sĩ Phật giáo, hình thức cơ sở của giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi những người cơ nhỡ làm từ thiện để trục lợi cho mình. Đó là vi phạm về pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của Tổ chức Phật giáo thế giới mà trực tiếp là tổ chức Phật giáo ở Việt Nam. Liên quan đến vụ việc ở “Tịnh thất Bồng Lai”, hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã tiếp tục phục hồi tin báo tố giác tội phạm và khởi tố thêm tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Riêng tin báo về hành vi loạn luân, Cơ quan An ninh điều tra đang chờ văn bản trả lời của cơ quan chuyên môn để làm căn cứ xem xét, giải quyết.

Cần nói thêm rằng, từ năm 2012 đến nay, USCIRF liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt - CPC” bất chấp những thành tựu về đảm bảo các các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. USCIRF đã cố tình áp đặt những định kiến chủ quan của họ để đưa ra những nhận xét sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Với hành động sai lệch như vậy, mục đích của USCIRF đã hậu thuẫn, tiếp sức cho những công dân Việt Nam vi phạm pháp luật núp dưới vỏ bọc “đấu tranh cho tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền” để xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp nội bộ.

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện phát triển như hiện nay. Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật, đồng thời nghiêm cấm hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của công dân. Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An… đã bắt giữ, xử lý một số trường hợp là chức sắc, tín đồ tôn giáo và cá nhân khác vì đã có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của người dân, truyền bá mê tín dị đoan, phát triển tà đạo hoặc các tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự. Đó là việc bắt, xử lý các đối tượng về hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự chứ không hề có chuyện bắt vì hoạt động tôn giáo, không có chuyện chính quyền “đàn áp, bắt bớ” trái pháp luật các tín đồ, chức sắc tôn giáo như USCIRF đã nêu trong báo cáo.

Một tổ chức quốc tế về tôn giáo lẽ ra phải đại diện cho danh dự, giá trị chân chính của chính đạo chứ tại sao lại cổ vũ, bênh vực cho những kẻ bệnh hoạn, đi ngược với lương tri nhân loại, chà đạp lên giá trị đạo đức? Điều đó cho thấy, tổ chức này không đại diện cho những người theo tôn giáo chân chính, không vì sự phát triển xã hội và hòa bình thế giới mà lại lấy danh nghĩa tôn giáo để thực hiện động cơ, ý đồ riêng. Thiết nghĩ, USCIRF với cái tên mang tính nhân quyền “Uỷ ban Tự do Tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ” thì cần phát ngôn và hành động cho đúng với danh xưng đó, cần có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, đúng sự thật về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, tránh đưa ra những đánh giá sai lệch, xuyên tạc.

Đặng Thanh Ngà 

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Chống trả công an khi bị bắt quả tang môi giới mại dâm

- Quá trình lực lượng chức năng khám xét quán cafe, xông hơi, tẩm quất và nhà nghỉ chứa mại dâm, đối tượng Dương có thái độ và hành vi chống đối.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn vừa ra quyết định khởi tố vụ án và bắt giữ đối tượng Trần Văn Dương (SN 1963, trú xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) về hành vi "Môi giới mại dâm".

Hồi 0h30 ngày 26/11, tổ công tác của phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phát hiện 2 đôi nam, nữ đang có hành vi mua bán dâm ở một nhà nghỉ thuộc địa bàn phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Tại cơ quan công an, các đối tượng nữ khai nhận là gái mại dâm của quán An Dương (thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn) do Trần Văn Dương là chủ quán, người môi giới.

Tiến hành khám xét tại quán cafe, xông hơi, tẩm quất và nhà nghỉ An Dương, cơ quan chức năng phát hiện một số gái mại dâm khác đang chờ khách. Quá trình khám xét, Dương có thái độ và hành vi chống đối lực lượng chức năng.

Vụ việc đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định./.

Việt Nam đã cử hơn 70 nữ quân nhân đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

VOV.VN - Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, đến nay, hơn 70 trong tổng số 512 quân nhân đã được triển khai đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là nữ.

Đây là chủ đề Hội nghị quốc tế do Bộ Quốc phòng phối hợp Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức sáng nay (26/11). Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và ông Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, tháng 10/2000, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, khởi động và đánh dấu một cách tiếp cận mới, quyết liệt và tổng thể trong việc kêu gọi các quốc gia giải quyết những tác động của xung đột đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu, đưa phụ nữ tham gia một cách có hệ thống vào những nỗ lực xây dựng hòa bình, bao gồm đàm phán hòa bình, gìn giữ hòa bình và tái thiết hậu xung đột.

Từ đó đến nay, Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, cùng 9 Nghị quyết khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Chương trình này, gần đây nhất là Nghị quyết 2493 (tháng 10/2019), tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc kết nối nỗ lực thực thi của các quốc gia thành viên trong vấn đề phụ nữ với các hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Đã có 152 quốc gia thành viên ký kết, tham gia vào Sáng kiến hành động vì Gìn giữ hòa bình do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, trong đó, các quốc gia tham gia được yêu cầu cam kết một cách cụ thể trong việc nâng cao vai trò và sự hiện diện của phụ nữ trong các hoạt động Gìn giữ hòa bình.

Chiến lược Bình đẳng giới trong lực lượng quân sự và cảnh sát Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2018-2028 xác định đến năm 2028, tỷ lệ nữ trong đơn vị quân sự cần đạt 15%, lực lượng quan sát viên quân sự là 25%; con số này đối với đơn vị cảnh sát và lực lượng cảnh sát cá nhân lần lượt là 20% và 30%.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cũng cho biết, bắt đầu từ năm 2014, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, là bước đột phá nhằm hiện thực hóa đường lối đối ngoại của đất nước, đồng thời đánh dấu sự thay đổi cả về chất và lượng trong hoạt động hợp tác đa phương nói chung và vệ quốc phòng, an ninh nói riêng

Trong chặng đường chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong triển khai lực lượng, trong đó có lực lượng nữ quân nhân Gìn giữ hòa bình Việt Nam đến các Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. 

Tháng 1/2018, Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc theo hình thức cá nhân trên cương vị sĩ quan tham mưu tác chiến tại Phái bộ Nam Sudan. Tỷ lệ nữ hoạt động theo hình thức cá nhân của Việt Nam hiện đạt 20%.

Đến nay, hơn 70 trong tổng số 512 quân nhân đã được triển khai đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là nữ, trong đó 9 nữ sĩ quan được triển khai theo hình thức cá nhân, 21 nữ quân nhân thuộc Đội Công binh số 1 và 45 nữ quân nhân thuộc các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam. 

"Đây có thể được xem là tỷ lệ đáng khích lệ, song Việt Nam nhận thức rằng, để có sự tham gia bền vững của phụ nữ trong lực lượng Gìn giữ hòa bình, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của Liên Hợp Quốc, chúng tôi sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây không chỉ là khó khăn đối với riêng Việt Nam mà còn đối với tất cả các nước cử quân khác trên thế giới. Việt Nam cam kết nỗ lực thúc đẩy Chương trình Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc", Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến nêu rõ.

Đánh giá về sự đóng góp của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc trong 45 năm qua, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jean Pierre-Lacroix bày tỏ sự ấn tượng với vai trò của Việt Nam, một nước từng trải qua chiến tranh và giờ đã là một quốc gia hòa bình, phát triển cùng những thành tựu to lớn về kinh tế.

Sự đóng góp của Việt Nam đối với hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trong đó có sự tham gia của cả nam và nữ quân nhân, đang cho thấy cam kết của Việt Nam ngày càng cao đối với sứ mệnh Gìn giữ hòa bình thế giới.

Phó Tổng Thư ký cho biết, số lượng quân nhân Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình ngày càng lớn, bao gồm cả công binh, quân y. Sự chuyên nghiệp của các nam, nữ quân nhân Việt Nam tham gia Gìn giữ hòa bình, cùng sáng kiến tăng tỷ lệ nữ quân nhân tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình, cho thấy sự đóng góp của Việt Nam ngày càng hiệu quả bởi các quân nhân đều có đầy đủ các kỹ năng khác nhau để có thể giúp đỡ người dân địa phương.

"Chúng tôi sẽ cố gắng để nâng cao năng lực của các quân nhân, đây cũng là chiến lược phát triển của Liên Hợp Quốc trong hoạt động Gìn giữ hòa bình. Đối với sự tham gia của phụ nữ, chúng ta có thể thấy không có bất cứ rào cản nào ngăn trở, rất nhiều nữ quân nhân đã, đang giữ những trọng trách ở các Phái bộ của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng để tăng thêm số lượng này và hy vọng Việt Nam sẽ có đóng góp nhiều hơn,không chỉ quân đội mà cả cảnh sát tham gia. Sự tham gia của các nữ quân nhân ở các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã tạo ra một sự khác biệt tại các địa phương, cộng đồng. Tôi đã nhìn thấy điều đó khi tới thăm Abyei, Nam Sudan", Phó Tổng Thư ký Jean Pierre-Lacroix chia sẻ thêm./.

Xô xát khi thách đố nhau uống rượu, người tử vong người bị án tù chung thân

VOV.VN - Do thách đố trên bàn nhậu, nhóm thợ xây tại TP Hà Nội đã xảy ra xô xát, đánh nhau. Hậu quả khiến 1 nạn nhân tử vong.

Ngày 29/11, TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Trần Quốc Chung (sinh năm 1981, ở huyện Ba Vì, Hà Nội), Lê Xuân Anh (sinh năm 1985, ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) ra xét xử sơ thẩm về tội “Giết người”.

Nạn nhân trong vụ án bị đánh tử vong là anh Dương Minh Thọ (SN 1983, ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) - đồng nghiệp với Trần Quốc Chung và Lê Xuân Anh.

Theo cáo trạng, bị cáo Chung, Xuân Anh cùng anh Thọ làm thợ xây tự do, thi công tại các công trình thuộc quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội). Tối 8/1/2022, cả nhóm rủ nhau đi uống rượu tại một nhà hàng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Sau khi uống hết 4 chai rượu loại 500ml, Chung bảo mọi người không uống nữa, ăn bún rồi đi về. Do chưa muốn về nên anh Thọ bảo Chung uống rượu tiếp. Anh Thọ giao kèo: Nếu Chung uống hết nửa cốc rượu thì anh Thọ uống hết một cốc.

Nghe vậy, Chung gọi thêm 3 chai rượu để cùng uống với anh Thọ. Sau khi uống được 2 cốc đầy, anh Thọ không thể uống được tiếp nên từ chối. Chung nổi giận liền ném bát sứ vào mặt anh Thọ, khiến nạn nhân bị thương.

Được can ngăn, nhóm của Chung giải tán. Nhưng khi ra đến cầu thang, thấy anh Thọ gọi điện nên Chung nghĩ Thọ gọi người đến đánh mình. Chung đã lên tiếng chửi bới, thách thức, đồng thời quay lại đánh anh Thọ. 

Xuân Anh đi cùng Chung cũng ghì cổ, vật anh Thọ xuống đường, dùng tay đấm nhiều cái vào đầu, gáy nạn nhân. Chung và Xuân Anh tiếp tục đánh anh Thọ nhiều lần dù được can ngăn. Hậu quả, nạn nhân được xác định tử vong trước khi đưa tới bệnh viện.

Biết anh Thọ tử vong, Chung và Xuân Anh sau đó đến Công an phường Mễ Trì đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội của mình.

HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo thể hiện tính chất côn đồ, coi thường pháp luật và xâm hại đến tính mạng của người khác, hậu quả khiến một người tử vong. Do đó, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên mức án Chung thân với Trần Quốc Chung và 20 năm tù giam với Lê Xuân Anh về tội "Giết người"./.

Xóa bỏ tư duy làm cán bộ "chỉ có lên không có xuống"

Hiệu quả rõ nhất từ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là công tác cán bộ được thực hiện theo đúng nguyên tắc "có vào có ra, có lên có xuống".

Kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo đã nhấn mạnh tới những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt từ sau phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo.

Theo đó, cuộc đấu tranh này tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới. 

Công tác cán bộ đã theo đúng nguyên tắc “có vào có ra, có lên có xuống”

Góp phần làm nên những kết quả nổi bật là gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo ban hành, như là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; chủ trương về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; về luân chuyển cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về phân cấp quản lý cán bộ; chủ trương phân loại, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á,... đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành.

Minh chứng cho kết luận này có thể thấy, ngay sau khi Thông báo số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật được ban hành ngày 8/9/2022, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương lần đầu tiên tiến hành xem xét, quyết định cho cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị đối với các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang.

Đồng tình với kết quả này, ông Lê Văn Thái - Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, cho rằng từ “mệnh lệnh” của Tổng Bí thư, sau đó được kịp thời cụ thể hóa bằng các văn bản, hành động cụ thể, người ta thấy những chủ trương, kết luận đi vào cuộc sống với tốc độ nhanh hơn, rõ ràng hơn. Hay như kết luận về việc xử lý cán bộ kịp thời cùng với xử lý nhà nước và xử lý kỷ luật Đảng, điển hình là trường hợp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, việc xử lý được thực hiện gần như đồng thời, nên có thể cảm nhận những kết luận, chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Cũng đồng tình với kết luận của Tổng Bí thư, ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, cho biết, dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân rất hoan nghênh tinh thần làm việc này bởi những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút cần cho thôi giữ chức vụ. Tinh thần đó không chỉ thấy ở Trung ương, mà cả dưới địa phương, ngay sau đó nhiều lãnh đạo tỉnh cũng đã bị kỷ luật, miễn nhiệm và thay thế như trường hợp Chủ tịch tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong…

“Cách xử lý này đã thể hiện tinh thần rất mới, kịp thời thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút bằng những cán bộ mới để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đảng bộ các tỉnh”, ông Phúc bày tỏ quan điểm.

Ông Phúc cho rằng, để các kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng phát huy hiệu quả ngay khi được ban hành, yếu tố quyết định chính là quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cùng với đó, không chỉ triển khai thực hiện ở Trung ương mà song song thực hiện ở cả dưới địa phương. Từ thời điểm được ban hành đến khi được tổ chức thực hiện trong cuộc sống, là khoảng thời gian rất ngắn, không có độ trễ như trước đây.

“Hiệu quả rõ nhất là chúng ta đã thực hiện công tác cán bộ theo đúng nguyên tắc có vào có ra, có lên có xuống, tránh tư duy từ trước đến nay vẫn cho rằng công tác cán bộ là chỉ có lên không có xuống, hay là lên rồi thì rất khó xuống. Sự thay đổi này đã bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa XII và được thực hiện quyết liệt hơn từ nhiệm kỳ khóa XIII đến nay”, ông Phúc chia sẻ.

Phòng chống tham nhũng tiêu cực đồng bộ ở cả trung ương và địa phương

Kết luận của Tổng Bí thư tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn cho thấy, từ khi có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, số vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý tăng cao so với những năm trước, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng. Nhiều địa phương đã khởi tố cả Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở. Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố đã đưa gần 400 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Theo ông Lê Văn Thái, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, sở dĩ có được kết quả này bởi các địa phương đã tự thấy được trách nhiệm của mình trước trung ương và địa phương. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập ở mỗi địa phương không phải là hình thức mà để giải quyết công việc, vì thế địa phương không thể không làm khi trung ương đã quyết liệt như thế. Kết quả này khác xa với trước đây, trung ương quyết gì thì quyết, ở dưới cứ ngồi yên. Nhưng khi đã ở vào thế không thể, nếu anh không chỉ đạo để giải quyết ở địa phương mình coi như không hoàn thành trách nhiệm.

Ông Lê Văn Thái cũng cho rằng, sự ra đời của các Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở mỗi địa phương đã tạo ra hiệu ứng rất tích cực, cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân không còn phải nghe ngóng xem trung ương làm thế nào, làm đến đâu; thay vào đó, họ đã cảm nhận được sự vào cuộc thực sự quyết liệt từ trung ương xuống tới địa phương. Tuy nhiên, ông Thái cũng chưa hết lo ngại khi những tồn tại, bức xúc ở địa phương đang chờ được xử lý còn rất lớn, làm sao có thể giải quyết được hết là câu chuyện không hề dễ dàng, cần một quyết tâm rất lớn.

Còn theo ông Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh đã cho thấy có sự chuyển biến rất tích cực. Trước đây vẫn nói “trên nóng dưới lạnh”, nhưng các địa phương không còn “lạnh” nữa mà đang “ấm” dần lên, có nơi thậm chí đang nóng lên. Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có sự vào cuộc đồng bộ cả trung ương lẫn địa phương.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương còn thấy rằng, không chỉ phòng chống tiêu cực, mà Bộ Chính trị cũng vừa triển khai rất quyết liệt ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Như vậy không chỉ phòng chống tham nhũng mà Trung ương, Bộ Chính trị cũng quan tâm tới tất cả các lĩnh vực khác, không chỉ chống mà Đảng ta còn tập trung cả xây, đúng theo tinh thần “xây là chính”./.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều "đột phá mới"

 VOV.VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới.

Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cuối tuần qua, trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng như các cơ quan chức năng, rất nhiều thông tin mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được công bố. Tổng Bí thư kết luận hội nghị khẳng định: "Thực tế cho thấy, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới". VOV xin trích dẫn:

Gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được ban hành từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (tháng 1/2022). Trong đó, đáng chú ý là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; về luân chuyển cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về phân cấp quản lý cán bộ; chủ trương phân loại, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á,... Nhiều quy định đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành. 

Thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay: Trong đó có 7 uỷ viên Trung ương Đảng, 6 nguyên uỷ viên Trung ương Đảng (Gồm: 5 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; 7 bí thư, nguyên bí thư tỉnh uỷ; 2 chủ tịch, nguyên chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; 18 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 13 chủ tịch, nguyên chủ tịch tỉnh; 4 nguyên phó bí thư thường trực tỉnh uỷ; 20 sĩ quan cấp tướng). 

Đặc biệt là, tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII vừa qua, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương theo chủ trương mới của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Các địa phương đã thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có cả trường hợp là chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh (Ninh Bình, Phú Yên, Bình Thuận).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra đối với 30 tổ chức đảng Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra đối với 30 tổ chức đảng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương. Ban Chỉ đạo tổ chức 8 Đoàn kiểm tra chuyên đề công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản; qua kiểm tra đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật; chỉ đạo xử lý 370 vụ án, vụ việc. 

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 26 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đã xử lý và kiến nghị xử lý kỷ luật 46 tổ chức đảng, 138 đảng viên, trong đó có 16 tổ chức đảng, 29 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; yêu cầu cấp uỷ cấp dưới kỷ luật 22 tổ chức đảng, 126 đảng viên.

Khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...; xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tỉnh, ủng hộ, đánh giá cao. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý hình sự 25 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Số vụ án tham nhũng được phát hiện ở địa phương tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý có chiều hướng tăng cao so với các năm trước; trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Quảng Ninh,... Điều này cho thấy tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã giảm dần; trên làm nghiêm dưới cũng phải nghiêm, không làm cũng không được.

Thu hồi tài sản tham nhũng tăng 7.000 tỉ đồng so với năm trước: Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong toả tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 160 nghìn tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỉ đồng (tăng 7.000 tỉ đồng so với năm trước)./.

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Đòi hỏi rập khuôn nguy hiểm

Hiện nay, trong xã hội và ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên xuất hiện không ít ý kiến cho rằng, để Việt Nam tăng tốc phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình thì cần phải rập khuôn mô hình phát triển kinh tế, sao chép luật pháp, sao chép hệ thống giáo dục, sách giáo khoa của các nước phát triển. Thực tế cho thấy, những đòi hỏi trên là vô lý và nguy hiểm. Bởi sự rập khuôn đó rất dễ dẫn đến những sự chuyển hóa về chất của cả thể chế chính trị, xã hội và con người của một quốc gia.

Đòi “tam quyền phân lập” - sự đánh tráo giá trị

Nói về những đòi hỏi rập khuôn nêu trên xin được chỉ ra những ví dụ. Đầu tiên cần phải nhắc tới ý kiến đòi hỏi rập khuôn về mô hình tổ chức quyền lực nhà nước theo “tam quyền phân lập”. Những người yêu cầu rập khuôn mô hình nói trên cho rằng, chỉ có phân chia quyền lực nhà nước theo “tam quyền phân lập” thì mới kiểm soát được quyền lực, mới ngăn chặn được tham nhũng.

“Tam quyền phân lập” với tư cách là một học thuyết là sản phẩm của nền dân chủ phương Tây. Có thể xem, học thuyết phân quyền có giá trị về chính trị-kỹ thuật pháp lý trong tổ chức quyền lực nhà nước. Bởi theo học thuyết này, quyền lực nhà nước không được tập trung vào một người hay một cơ quan mà được cấu thành từ 3 quyền cơ bản: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ba quyền được giao cho 3 cơ quan khác nhau, có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập tương đối với nhau. Giữa 3 quyền này có sự kiểm soát, thậm chí có sự kiềm chế, đối trọng lẫn nhau. Hiện nay, các nước vận dụng học thuyết này hết sức đa dạng, muôn màu, muôn vẻ. Cũng phân chia quyền lực nhà nước thành lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng nhiệm vụ và quyền hạn cũng như cách thức tổ chức mỗi quyền thì ở từng nước quy định rất khác nhau. Có nước giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp không có sự độc lập đối trọng chế ước lẫn nhau (như nước Anh) mà dựa vào phe đối lập thiểu số trong nghị viện. Có nước, giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp lại độc lập, kiềm chế và đối trọng một cách cứng rắn (như nước Mỹ); có nước, kiềm chế đối trọng một cách mềm dẻo giữa các quyền (như ở Đức).

Việc vận dụng học thuyết tam quyền phân lập vào tổ chức quyền lực nhà nước ở các nước tư sản khác nhau, bởi tổ chức quyền lực nhà nước về phương diện chính trị và kỹ thuật pháp lý phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: Tương quan lực lượng giữa các giai cấp, nhất là trong nội bộ của giai cấp cầm quyền, đặc thù của cuộc đấu tranh giai cấp ở trong nước và trên trường quốc tế, tư tưởng lập hiến của những người đương thời... Tất cả yếu tố đó đều là những nhân tố chi phối và ảnh hưởng đến việc vận dụng học thuyết phân quyền trong tổ chức quyền lực nhà nước của mỗi nước.

Vì thế, không thể nói đơn giản rằng phân quyền theo mô hình của nước này thì tốt, còn theo mô hình của nước kia thì không tốt, theo mô hình này thì dân chủ, theo mô hình kia thì không có dân chủ. Trên thế giới tuyệt nhiên không có sự sao chép, rập khuôn máy móc mô hình tổ chức nhà nước của nước này cho nước kia. Những đòi hỏi cho rằng, tổ chức quyền lực nhà nước của nước này phải giống nước kia mới có dân chủ và quyền con người chỉ là sự nhầm tưởng của một số người.

Tại Việt Nam, mô hình tổ chức nhà nước của chúng ta không thực hiện “tam quyền phân lập” mà theo Hiến pháp 2013 thì “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Những minh chứng trên thực tế đã cho thấy mặc dù không thực hiện “tam quyền phân lập” nhưng việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng có kết quả tích cực, các giá trị về dân chủ, quyền con người được Nhà nước ta thực hiện tốt, phù hợp với trình độ phát triển, được quốc tế công nhận.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Không thể có một mô hình phát triển chung cho mọi quốc gia

Trong xã hội còn có những đòi hỏi cải cách thể chế để tăng tốc phát triển kinh tế. Có ý kiến cho rằng, cần phải áp dụng thể chế kinh tế của các nước phát triển thì Việt Nam mới thoát được bẫy thu nhập trung bình. Câu hỏi đặt ra là, vậy liệu có mô hình phát triển nào có sẵn phù hợp để bê nguyên xi vào Việt Nam hay không? Tại sao mô hình Anh, Mỹ đưa lại sự phát triển cho Anh, Mỹ, Australia, New Zealand, Canada nhưng lại không đưa lại sự phát triển cho Philippines. Trước đây, Ấn Độ là thuộc địa của Anh nhưng mô hình thể chế của Anh cũng không đưa lại sự phát triển đột biến ở Ấn Độ. Tại sao lại như vậy? Tại sao mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đưa lại sự thịnh vượng và đưa một số nước có văn hóa Đông Bắc Á từ nước đang phát triển lên thành nước phát triển, nhưng mô hình này không thành công với các nước khác?

Cũng để nhằm xây dựng thể chế phù hợp cho phát triển kinh tế, nhiều ý kiến lại cho rằng Việt Nam không cần vất vả trong xây dựng luật pháp, mà chỉ cần áp dụng các luật tiến bộ của các nước phương Tây.  

Điều này bị chính các nhà nghiên cứu của các nước phương Tây phủ định. Nhà chính trị học kinh điển người Pháp Pierre Legrand đã bác bỏ khả năng rập khuôn pháp luật nước ngoài: “Nói một cách thẳng thắn, trong trường hợp tốt nhất, điều có thể du nhập từ nước này vào nước khác chỉ là những từ ngữ vô hồn”. Thực tế cho thấy, vào thập niên 1960, Mỹ đã thất bại trong việc “xuất khẩu” những tư tưởng pháp lý vào các nước Nam Mỹ, châu Phi; hoặc các nước XHCN cũ vay mượn những khái niệm, chế định của Liên Xô cũng thất bại... Ở Việt Nam, việc áp dụng máy móc pháp luật Liên Xô thời mệnh lệnh hành chính đã cho thấy những bất cập. Và ngay cả những quy định của pháp luật phương Tây nếu áp dụng máy móc cũng không thể thực hiện được, ví dụ như Luật Phá sản năm 2004 hay Luật Doanh nghiệp năm 1999. Trong các trường hợp này, những từ ngữ pháp lý xa lạ được bê nguyên xi vào bối cảnh nội địa. Cùng với đó, người làm luật nếu chỉ chú trọng du nhập văn bản và quy định pháp luật, mà ít lưu tâm đến những học thuyết làm nền tảng cho các quy định đó vận hành thì luật khó điều chỉnh được quan hệ pháp lý ngoài thực tiễn.

Bởi pháp luật liên quan tới thể chế chính trị, pháp luật bị ảnh hưởng bởi văn hóa, thực trạng xã hội nên việc tiếp nhận pháp luật phải kéo theo việc tiếp nhận quan điểm, học thuyết về pháp luật sẽ không dễ dàng. Luật chỉ có thể có hiệu lực thực tế nếu tồn tại các tiền đề cần thiết trong xã hội. Tiếp nhận quan điểm pháp luật cần phải phù hợp với môi trường chính trị, xã hội, tập quán, truyền thống, đạo đức trong xã hội Việt Nam.

Giáo dục phải hướng tới mục tiêu xây dựng con người Việt Nam XHCN

Đối với lĩnh vực giáo dục, mục tiêu của hệ thống đào tạo của Việt Nam là phải đào tạo ra các công dân Việt Nam-một nước XHCN, có truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì vậy, hệ thống giáo dục-đào tạo của Việt Nam phải đáp ứng các chuẩn mực về chính trị và văn hóa, cùng với đó mới là tiếp nhận các giá trị chung tiến bộ của nhân loại. Mọi ý muốn sao chép, rập khuôn hệ thống giáo dục, sách giáo khoa của nước khác đều sẽ mang lại rủi ro lớn nếu không bám vào các chuẩn mực giáo dục của Việt Nam, nếu thiếu kiểm soát.

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, trước rất nhiều sức ép về chính trị, kinh tế, nếu mỗi quốc gia, mỗi dân tộc không tự định vị được giá trị, bản sắc của mình thì rất dễ bị hòa tan và biến mất. Một quốc gia có thể mất chủ quyền ngay cả khi chưa có tiếng súng xâm lược nào vang lên, lãnh thổ quốc gia chưa bị xâm phạm. Ấy là khi người dân của quốc gia, dân tộc đó không còn thực sự hiểu rõ về mình, về cội nguồn của mình. Cho nên, đối với những vấn đề phát triển của một quốc gia như xây dựng thể chế, tăng trưởng kinh tế, các giá trị của dân chủ, quyền con người... đều phải phù hợp với hệ giá trị mà quốc gia đó định hướng xây dựng. Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" dự kiến được tổ chức ngày 29-11-2022 tại Hà Nội là một cơ hội rất cần thiết để các nhà nghiên cứu bàn luận, khẳng định về hệ giá trị của Việt Nam. Đó sẽ là lời nhắc nhở, soi rọi ra các vấn đề của xã hội, để đất nước ta phát triển mà không đánh mất bản sắc của mình.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...