Không lấy gì làm lạ khi Freedom House (FH) tiếp tục chứng minh là một tổ
chức rất thiếu thiện chí với Việt Nam khi có những nhận xét, đánh giá hết sức
thiếu thực tiễn, mang tính chụp mũ, đặt điều về tự do Internet tại Việt Nam.
Ngày 21/9 vừa qua, FH tiếp tục vu cáo Việt Nam bằng cách xếp Việt Nam
vào nhóm “không có tự do Internet”. Và như thường lệ, đây cũng là lúc các tổ chức
phản động, cơ hội chính trị được dịp “đục nước béo cò”. Trên các trang mạng
Facebook, Blog, YouTube của tổ chức phản động Việt Tân, các đài VOA, RFA đua
nhau khai thác, chia sẻ, bình luận, cổ súy. Nguy hại hơn khi họ vừa hả hê với kết
luận của FH, vừa lợi dụng vào đó để tiếp tục vu khống Việt Nam.
Báo cáo của FH đánh giá Việt Nam chỉ được 22/100 điểm. Phần trở ngại để
truy cập, Việt Nam được 12/25 điểm; phần giới hạn đối với nội dung được 6/35 điểm;
phần vi phạm quyền của người sử dụng được 4/40 điểm. Báo cáo cũng xuyên tạc rằng,
dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An ninh mạng do Bộ
Công an Việt Nam soạn thảo, trong đó có bổ sung những yêu cầu đối với các công
ty mạng về việc lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Việt Nam như tên tuổi người dùng,
quốc tịch, giấy chứng minh, số thẻ tín dụng, sức khỏe… là “mơ hồ”, nhằm “cho
phép cơ quan chức năng có thể tiếp cận dữ liệu của người dùng”. Báo cáo xuyên tạc
rằng, việc các công ty mạng xã hội tuân thủ những quy định của Việt Nam thì giới
hoạt động, nhà báo, các nhà bảo vệ nhân quyền “sẽ đối mặt nguy cơ trước sự đàn
áp nặng nề tiếng nói bất đồng chính trị của chế độ độc đảng”!
Liên quan tới câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt
Nam trước báo cáo này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu
khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam. Thực tế,
những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ
chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng
Nhân quyền Liên hợp quốc qua các chu kỳ. Do đó, báo cáo của Freedom House là vô
giá trị và tôi thấy không cần thiết phải bình luận thêm”.
FH là một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ),
tự cho mình là tổ chức nhân quyền có “chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa
toàn cầu, cũng như khảo sát và nghiên cứu về tình trạng thực thi tự do chính trị
cũng như các quyền tự do cơ bản của công dân tại các quốc gia trên thế giới”; họ
tự đặt ra cái gọi là “tiêu chuẩn để đánh giá nhân quyền và tự do của công dân”,
trong đó có tự do trên không gian mạng theo quan điểm riêng của họ; từ đó không
chỉ sử dụng để đánh giá, xếp hạng mà còn sử dụng để truyền bá, cổ súy trên toàn
thế giới, tự coi mình là “sứ giả dân chủ, nhân quyền” để xuyên tạc, vu cáo các
nước mà tổ chức này xem là “chướng tai gai mắt”, cản trở cho lợi ích của họ.
Hình thành từ năm 1941 đến nay, FH thường xuyên có những hoạt động can
dự vào công việc nội bộ các nước, đặc biệt tổ chức này luôn thể hiện thái độ
thân phương Tây và thù hằn đối với các nước theo con đường XHCN, trong đó có Việt
Nam. Trong cách hoạt động về tự do nhân quyền thì những năm gần đây, trước sự
tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự bùng nổ mạnh mẽ của
không gian mạng, tổ chức này đưa thêm hạng mục tự do trên Internet để đánh giá,
xếp hạng nhân quyền các nước. Điều vô lý là FH đưa Việt Nam vào danh sách các
nước không có tự do Internet.
Về phương diện Internet, FH tán dương cho các hành động chống phá nhà
nước, chế độ ở nước ta theo kiểu tự do vô lối “thích viết gì thì viết, thích
làm gì thì làm” trên không gian mạng. Một số cá nhân sử dụng Internet để chống
phá Việt Nam, nhất là trước các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước thì họ
xem đó là “quyền tự do cá nhân” và những đối tượng có hành vi sai phạm trên
không gian mạng phải chịu những chế tài của pháp luật lại xuyên tạc Việt Nam
không có tự do trên Internet.
Đánh giá, xếp hạng của FH rất không chính xác, thông tin mà FH tiếp cận,
thu thập không phải từ các nguồn chính thống, khách quan. Với Việt Nam, FH chủ
yếu khai thác từ các trang mạng, các địa chỉ truyền thông vốn có thái độ thù địch
hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam; các thông tin sai lệch này chủ yếu xuất phát
từ một số cá nhân, hội nhóm đội lốt “dân chủ, nhân quyền”, thực chất là các thế
lực chống phá Việt Nam ở nước ngoài, một số phần tử vi phạm pháp luật ở trong
nước.
Tổ chức này không hề có bất cứ hoạt động khảo sát trải nghiệm thực tế
nào ở nước ta, khi không có nguồn thông tin chính thống và không có các hoạt động
kiểm chứng thông tin, mọi đánh giá, xếp hạng, kết luận vì thế đều phiến diện.
Không những thế, trong đánh giá của FH đã vô cớ công kích, bóp méo pháp luật Việt
Nam, nhất là pháp luật trong lĩnh vực không gian mạng. Đây là những biểu hiện cực
đoan của FH đối với vấn đề tự do Internet ở nước ta.
Internet tại Việt Nam chính thức bắt đầu từ cuối năm 1997 và phát triển
nhanh chóng. Tuy là nước đi sau về Internet so với mặt bằng chung thế giới
nhưng đến nay, Việt Nam lại đang là quốc gia có sự phát triển Internet mạnh mẽ
nhất và đây được xem là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc
tế. Hiện Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế
giới với khoảng 70 triệu người dùng (chiếm gần 70% dân số).
Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời
gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày. Theo báo cáo EGDI của Liên hợp
quốc, về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam có điểm số cao hơn mức
trung bình của châu Á và thế giới.
Internet đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Để có những
thành quả trên chính là nhờ nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc tạo mọi điều
kiện thuận lợi để Internet phát triển, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc
gia mạnh về Internet, mỗi người dân là một người dùng Internet thông minh.
Khẳng định rằng, các cơ chế, chính sách hiện hành cũng như những giải
pháp hỗ trợ, định hướng phát triển Internet của Việt Nam đều tôn trọng, bảo đảm
cho mọi cá nhân được tiếp cận Internet, bày tỏ chính kiến trên không gian mạng,
tự do ngôn luận hoàn toàn không bị hạn chế nếu tuân thủ các quy định của pháp
luật.
Giống như xu hướng của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam mong muốn
thúc đẩy sự phát triển của mạng Internet, tuy nhiên, cũng có các biện pháp nhằm
ngăn chặn những mặt trái của Internet gây ra như có những phát ngôn và hành động
trái với bản sắc truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở
sự phát triển xã hội, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất
nước.
Thực tế, không một quốc gia nào trên thế giới lại cho phép các thế lực
thù địch, phản động, chống phá tự tung tự tác, đặt lợi ích của cá nhân, tổ chức
mình lên trên tất cả, đặt điều vu khống, thậm chí là giẫm đạp lên lợi ích quốc
gia, dân tộc hay bôi xấu chế độ, phỉ báng chính quyền. Cũng không một quốc gia
nào nhân danh tự do để số đối tượng xấu vi phạm pháp luật, ngăn cản, chống phá
sự phát triển đất nước cũng như những quyền và lợi ích hợp pháp của dân tộc, của
người dân, đi ngược lại sự phát triển của thế giới.
Quyền tự do Internet không thể nằm ngoài, đứng trên pháp luật. Như việc
Ủy ban châu Âu đã ban hành luật về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu nhằm hạn chế hoạt
động của Internet, mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư của công dân của các nước
thành viên, tổ chức này còn yêu cầu các mạng xã hội Facebook, Google, Twitter
phải điều chỉnh các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy vết thông tin xấu.
Một số nước ở châu Phi cũng nghiêm cấm Facebook triển khai dịch vụ ở
các nước này. Chính phủ Hàn Quốc, Thái Lan cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ
Internet phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có “nội dung không phù
hợp” trên các mạng xã hội. Ngay ở Mỹ thì Quốc hội nước này đã ban hành nhiều
văn bản luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng internet, mạng xã hội để khủng
bố, kích động bạo lực hay là vi phạm sở hữu trí tuệ...
Đối với Việt Nam, để phù hợp sự biến đổi mau lẹ của thực tiễn, trong xu
thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nước ta đã điều chỉnh, bổ
sung, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đề cao, tôn trọng các quyền
cơ bản, chính đáng của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do
Internet. Tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc
thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Để bảo đảm các quyền trên, Luật Báo chí (năm 2016), Luật Tiếp cận thông
tin (năm 2016), Luật An ninh mạng (năm 2018)… ra đời, phát huy hiệu quả trên thực
tế, một mặt làm cho tính tích cực tự do Internet góp phần thúc đẩy sự phát triển,
mặt khác ngăn ngừa tiêu cực gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đi sâu vào mặt tích cực, mặt tiêu cực của tự do Internet, suy đến cùng
là do con người sử dụng nó vào mục đích tốt hay xấu. Tự do Internet không phải
là thích viết gì thì viết, thích làm gì thì làm như cách mà FH cổ súy, tán
dương. Dù cho những giọng điệu này có xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới
thì tự do Internet ở Việt Nam theo đúng tên gọi của nó, vẫn là một thực tế
không thể phủ nhận.
Chu Thắng - Báo CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét