Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng. Làm thế nào để Đảng cầm quyền nhưng không bị tha hóa là niềm trăn trở của mọi đảng viên chân chính.
Đảng ta khẳng định: “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng
và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”(1).
Quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phải “kiên định
các nguyên tắc xây dựng Đảng” vì đó là những “lõi vàng văn hóa” được hun đúc, kết
tinh trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó cũng là “thẻ căn cước”
mà người cộng sản phải giữ gìn, bảo vệ như con ngươi của mắt mình...
Bài 1: “Pháp bảo” của đội tiên phong
Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh
hoạt của Đảng ta, là một trong những nội dung chủ yếu quy định bản chất giai cấp
công nhân của Đảng. Giáo sư Bùi Phan Kỳ từng ví nguyên tắc này như là “pháp bảo”
của Đảng để loại bỏ các khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội. Trong công cuộc đổi
mới hiện nay, chẳng những các thế lực thù địch, phản động chĩa mũi nhọn tấn
công mà ngay trong nội bộ của Đảng, một số đảng viên, trong đó có cả những người
từng là lãnh đạo cấp cao đặt vấn đề đòi xóa bỏ nguyên tắc này. Một bộ phận đảng
viên, tuy thừa nhận nguyên tắc nhưng thực tế sinh hoạt lại vi phạm nguyên tắc.
Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII, cấp ủy
các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm
tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60
đảng viên; UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên(2). Nhiều cán bộ cấp
cao là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương,
nguyên Ủy viên Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh... bị kỷ luật.
Nguyên nhân bị kỷ luật đa dạng nhưng có một nguyên nhân chung là hầu hết các
trường hợp trên đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh
hoạt Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.Ảnh: Chinhphu.vn |
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý
luận Trung ương (năm 2002) đã nhận xét: Trước hết phải thừa nhận rằng, tất cả
những người đòi xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, dù thuộc thế lực thù địch,
chống cộng hay bất mãn, cơ hội hoặc mơ hồ, kém hiểu biết đều có một phần căn cứ
thực tế. “Đó là tình trạng mất dân chủ ở không ít đảng cộng sản và không ít nước
theo chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong suốt một thời gian dài trước đây. Thậm
chí có lúc, có nơi mất dân chủ rất nghiêm trọng. Một số nhà lãnh đạo trên thực
tế đã quan liêu, xa dân, độc đoán, gia trưởng, có người rơi vào vũng bùn của chủ
nghĩa phong kiến quân phiệt, gần như biến thành một ông vua đầy quyền lực và
tham vọng. Những hiện tượng cán bộ lãnh đạo trù dập, ức hiếp quần chúng là có
thật. Những hiện tượng nội bộ đấu đá nhau, tranh giành quyền lực, mưu hãm hại
nhau, đối xử tàn tệ với nhau, là có thật. Nhiều trường hợp quyền dân chủ của đảng
viên, của nhân dân không được tôn trọng và phát huy; hoạt động của cơ quan dân
cử nhiều khi hình thức, không có thực quyền(3).
Trên thế giới hiện nay, sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở
Đông Âu, một số đảng cộng sản đã hoang mang, dao động, từ bỏ nguyên tắc tập
trung dân chủ nên trên thực tế đã biến đảng thành một câu lạc bộ. Đảng ta, từ
khi ra đời cho đến nay, luôn lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ
bản trong tổ chức và hoạt động, cho nên trong những thử thách ngặt nghèo của
cách mạng, có lúc phạm phải sai lầm nhưng rốt cuộc vẫn vượt qua nhờ luôn kiên định
với nguyên tắc sống còn này. Toàn bộ Điều lệ Đảng hiện hành, ngoài đoạn mở đầu
khái quát về quá trình hình thành, bản chất, tôn chỉ, mục đích của Đảng, tất cả
các chương, điều còn lại đều thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trên các mặt
hoạt động của Đảng.
Nguyên tắc tập trung dân chủ do Lênin đề xuất và chính ông đã tiến hành
một cuộc đấu tranh không khoan nhượng với những người cơ hội trong quá trình
xây dựng Đảng Bolshevik Nga, nhằm xây dựng đảng thành đội tiên phong thực sự của
giai cấp công nhân. Nói về nội dung nguyên tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách diễn
đạt rất ngắn gọn và dễ hiểu: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung.
Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống
nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới
phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”(4).
Trong nội bộ Đảng ta, những ý kiến đòi phủ nhận nguyên tắc tập trung
dân chủ ngày càng lạc lõng nhưng đáng báo động là tình trạng lợi dụng và vi phạm
nguyên tắc này. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Một số cấp ủy, tổ
chức đảng đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm
việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra,
giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài”(5). Trong bài viết này,
nhóm tác giả xin đề cập một số hình thái vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ như
sau:
Một là, dân chủ hình thức, giả hiệu, giả vờ, ra vẻ có dân chủ nhưng thực
chất là có rất ít hoặc không có dân chủ. Đây là “căn bệnh” ở không ít cấp ủy,
cơ quan, đơn vị. Biểu hiện cụ thể như: Sử dụng quyền lực tạo ra sự “đoàn kết
xuôi chiều”, khiến mọi người chấp nhận “im lặng” trước các vấn đề của tập thể.
Bố trí thời gian sinh hoạt dân chủ gấp gáp, chớp nhoáng khiến đảng viên, cấp ủy
viên không kịp chuẩn bị hoặc không có cơ hội bày tỏ chính kiến. Cho đảng viên,
cấp ủy viên phát biểu, biểu quyết về những vấn đề viển vông, không thiết thực đối
với chính cấp ủy, tổ chức đảng ở đó hoặc những vấn đề mà bản thân họ không đủ
thông tin, buộc phải “nhắm mắt” phát biểu hoặc biểu quyết cho xong chuyện. Sử dụng
chiêu trò “cáo mượn oai hùm”, cho rằng vấn đề này đã được cấp có thẩm quyền quyết
định để hướng lái nhận thức và quyết định của cấp dưới. Đề nghị tập thể “dân chủ
thảo luận” nhưng không chấp nhận ý kiến khác biệt. Chọn “cử tri chuyên trách”
trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội...
Dân chủ hình thức, giả hiệu, giả vờ giống như thuốc giả, nó không chữa
được bệnh mà còn làm mất tín nhiệm vào thuốc thật. Dân chủ hình thức, giả hiệu,
giả vờ không thể giải quyết được bất cứ mục tiêu, yêu cầu nào đặt ra, nhưng lại
xuyên tạc, làm mất ý nghĩa, vô hiệu hóa dân chủ, phá hoại mọi niềm tin vào dân
chủ thật sự. Xét trên khía cạnh đó, dân chủ hình thức, giả hiệu, giả vờ đang là
căn bệnh nguy hại nhất hiện nay, khó đấu tranh hơn cả mất dân chủ. Ví dụ điển
hình là vụ “quan lộ thần tốc” của ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch
và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Ông được bổ nhiệm ở tuổi 30 “đúng quy trình”, với sự
“nhất trí cao” của tập thể thường vụ tỉnh ủy do “đồng chí bố” là người đứng đầu?!
Hai là, lạm quyền, vượt quyền. Không ít nơi đang có tình trạng bí thư lạm
quyền, vượt quyền ban thường vụ, ban thường vụ lạm quyền, vượt quyền ban chấp
hành, ban chấp hành tự ý làm trái nghị quyết đại hội.
Sự lạm quyền, vượt quyền hiện biến tướng rất tinh vi. Nhiều bí thư cấp ủy
cố tình chuẩn bị quy chế làm việc một cách chung chung, nhiều khoảng trống, kẽ
hở để khâu tổ chức thực hiện dễ dàng hướng lái theo ý đồ của mình. Nhiều trường
hợp bí thư cấp ủy viện lý do “khẩn cấp” để không họp thường vụ hoặc ban chấp
hành, tiến hành “xin ý kiến” cá nhân từng ủy viên để dễ bề thao túng hoặc thậm
chí ra quyết định không đúng thẩm quyền.
Ba là, vi phạm kỷ luật phát ngôn. Nguyên tắc tập trung dân chủ cho phép
mọi đảng viên đều có quyền được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương
lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc
của Đảng. Nguyên tắc cũng quy định quyền dân chủ thảo luận và bảo lưu ý kiến của
đảng viên nhưng thiểu số phải phục tùng đa số, những ý kiến của thiểu số không
được phép tuyên truyền ra ngoài. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng “đồng ý mà
không đồng lòng”, “trong Đảng nói thế này, ra ngoài nói thế khác”, “nói một đằng,
làm một nẻo”, lúc nghỉ hưu nói khác lúc đương chức. Thậm chí, có đảng viên luôn
miệng “lập trường kiên định vững vàng” nhưng trong đời thường lại có lời nói,
việc làm hoài nghi, vi phạm nền tảng tư tưởng và Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng.
Bốn là, tệ tập trung quan liêu, độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền. Đây
là kiểu vi phạm đặc trưng của những đảng viên có chức, có quyền, nhất là những
người đứng đầu. Những người này thủ tiêu dân chủ, bỏ qua hoặc sẵn sàng đàn áp
những góp ý của cấp dưới và quần chúng, biến cơ quan, đơn vị, địa phương thành
“vương quốc” riêng của mình, vô hiệu hóa những chỉ đạo của cấp trên, ném các
sáng kiến của quần chúng nhưng không có lợi cho cá nhân mình vào thùng rác.
Trong tình hình hiện nay, trước những tiến bộ đột phá trong xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, kiểu vi phạm này có biến tướng tinh vi hơn để thích ứng. Những người đứng
đầu tìm cách biến nguyên tắc tập trung dân chủ thành bình phong để thực hiện “lợi
ích nhóm” của người đứng đầu hay một nhóm người.
Những cá nhân, tập thể thực hiện vi phạm này thường lợi dụng quyền lực
để vận động, mua chuộc, lôi kéo thậm chí đe dọa, đàn áp đảng viên, cấp ủy viên
“bỏ qua” các việc làm vi phạm nguyên tắc của mình. Khi đơn vị có thành tích thì
nhận là của cá nhân, khi đơn vị có khuyết điểm thì đổ lỗi cho tập thể. Vì thế mới
có chuyện, người đứng đầu vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước nhiều năm liền
nhưng vẫn được khen thưởng, tổ chức đảng ở đó vẫn nhiều năm được cấp trên công
nhận là tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu...
Bốn biểu hiện vi phạm trên cùng với các biểu hiện vi phạm khác có mối
liên hệ chặt chẽ với nhau, tuy hình thức biểu hiện khác nhau nhưng đều rất nguy
hại, là nguyên nhân làm suy yếu sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; là
“con đường” dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, sa vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ba nhiệm kỳ gần đây (khóa XI, XII và XIII), Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo
riết, quyết liệt, có hiệu quả. Toàn bộ những hoạt động đó về thực chất đã thúc
đẩy trình độ thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong toàn Đảng lên một tầm
cao mới. Để “pháp bảo” của Đảng phát huy vai trò, tác dụng trong công cuộc xây
dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và
quần chúng về nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên
tắc này trong tình hình mới; kiên trì và kiên quyết đấu tranh phản bác những luận
điệu xuyên tạc và loại bỏ những biểu hiện vi phạm trong sinh hoạt Đảng. Cùng với
đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa nguyên tắc tập
trung dân chủ vào quy chế, quy định của cấp mình; mở rộng dân chủ đi đôi với củng
cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng.
Bảo vệ nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng bao giờ cũng
phải đi kèm với việc thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình. Và đó
cũng là chủ đề mà chúng tôi gửi tới bạn đọc ở bài viết tiếp theo.
(còn nữa)
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2004, tập.37, tr.772
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tập.2, tr.200
(3) Hội đồng Lý luận Trung ương, Vững bước trên con đường đã chọn, Nxb
Chính trị Quốc gia, 2002, tr.197
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8,
tr.275)
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tập.2, tr.217
NHÓM PHÓNG VIÊN - BÁO QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét