Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Cảnh giác trước luận điệu đánh tráo bản chất “Tự do báo chí”

Lợi dụng việc đối tượng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chính quyền nhân dân bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, xét xử, những phần tử cơ hội chính trị, phản động và một số tổ chức thiếu thiện chí đã quy chụp, xuyên tạc vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam. Thủ đoạn đánh lận này tuy không mới nhưng thường được các đối tượng chống phá “làm nóng”, tạo sóng dư luận.

Ảnh minh họa

Đánh lận bản chất

Theo kế hoạch, ngày 4/11/2021, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, đối tượng này cũng thường xuyên trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang dư luận.

TAND cấp cao tại Hà Nội cũng đã có kế hoạch mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm (trú tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, BLHS năm 2015.

Theo hồ sơ vụ án, do có tư tưởng tiêu cực, bất mãn, các đối tượng trên sử dụng tài khoản Facebook cá nhân phát trực tiếp nhiều video có nội dung nhằm chống Nhà nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.  

Các video trên sau khi đăng tải được nhiều đối tượng có tư tưởng chống chế độ, Nhà nước theo dõi, bình luận, bôi nhọ, phỉ báng, kích động chống chính quyền; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Vừa qua, Công an Lâm Đồng phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở đối với Nguyễn Đoàn Quang Viên (SN 1982, HKTT tại Đinh Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng; cư trú tại phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Điểm chung của những đối tượng trên là đều lấy danh nghĩa “tự do báo chí, ngôn luận”, “dân chủ, nhân quyền” để làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Đảng, Nhà nước hoặc nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Đứng ra bênh vực, bảo vệ cho những nhân vật mà họ gọi là “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do”, “nhà báo không lề”, một số tổ chức, hội nhóm phản động rêu rao xuyên tạc chính quyền Việt Nam đã “đàn ápbáo chí”, “tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập”...

Một số tổ chức có quan điểm, tư tưởng chống phá Việt Nam như Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ngôi nhà tự do (Freedom House), Đài Á châu tự do (RFA)... đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”, vi phạm quyền con người, quyền tự do ngôn luận đã được nêu trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.Từ đó, họ lên tiếng đòi “phải trả tự do ngay lập tức cho những “nhà báo tự do” đang bị giam giữ”.

Cần khẳng định rằng, các cá nhân nêu trên là những đối tượng có hoạt động lợi dụng vấn đề tự do báo chí, ngôn luận để có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam, đã hoặc đang bị điều tra, xét xử. Một số tổ chức quốc tế đứng ra kêu gọi, bảo vệ, bẻ lái vụ việc nói trên, núp bóng “tự do báo chí”, “bảo vệ nhân quyền”… để bóp méo, xuyên tạc làm sai lệch bản chất vụ việc nhằm chống phá, chính trị hóa các vụ việc hình sự nói trên.

Tự do báo chí phải đặt trong khuôn khổ pháp luật

Trước hết cần thấy, tự do báo chí là quyền tự do cơ bản, thiêng liêng, biểu hiện cho sự tiến bộ, phát triển của xã hội. Mặt khác cũng cần hiểu tự do báo chí không phải là tự do chung chung, tự do vô bờ bến, tự do không có giới hạn mà bao giờ nó cũng phải gắn và nằm trong khuôn khổ pháp luật.Vấn đề có tính nguyên tắc trong tư tưởng lập pháp được mọi quốc gia thừa nhận, vận dụng, thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật là tự do luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ.

Mối quan hệ phổ biến này nhằm mục tiêu chính đáng, khoa học, khách quan, bảo đảm cho tự do của mỗi người không làm mất đi hay ảnh hưởng tiêu cực đến tự do của người khác và của cộng đồng, xã hội. Do vậy, tự do báo chí phải đặt trong khuôn khổ pháp luật và bao gồm cả những quy tắc đạo đức xã hội. Trong khuôn khổ, quy tắc ấy, tự do báo chí được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ; báo chí sẽ thực hiện tốt vai trò của mình, tạo môi trường thông tin lành mạnh, là phương tiện hữu hiệu thúc đẩy phát triển xã hội, phục vụ mục tiêu tốt đẹp cho con người.

Nằm ngoài điều đó, báo chí sẽ trở thành tự do vô chính phủ, trở thành công cụ chính trị chống phá lẫn nhau giữa các đảng phái, giai cấp, nhà nước, giữa các quốc gia, dân tộc, tác động tiêu cực đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Như vậy, tự do báo chí không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật.

Thực tế,tự do báo chí ở phương Tây mà một số người ca ngợi, cổ súy có phải là thứ tự do không giới hạn, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật? Theo Hiến pháp Hoa Kỳ (năm 1791) thì Quốc hội Mỹ không được phép ban hành bất cứ văn bản nào hạn chế tự do ngôn luận và báo chí. Nhưng theo nhiều văn bản pháp luật khác, ví dụ đạo luật năm 1798 thì sẽ là tội phạm nếu viết, in, phát biểu và phổ biến những văn bản sai sự thật, cố ý xúc phạm hay chống lại chính quyền.

Ngay trong Bộ luật Hình sự Mỹ ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực”.

Hay như ở Ðức, các quy định cụ thể về tự do báo chí thuộc thẩm quyền của các tiểu bang. Thí dụ, Luật Báo chí ở tiểu bang Bavaria ghi rõ: “Chống lại các loại văn chương bẩn thỉu và độc hại là nhiệm vụ của Nhà nước và các cơ quan địa phương. Sự hưởng thụ tự do cho mỗi người đều phụ thuộc vào việc tất cả mọi người thực hiện nghĩa vụ trung thành với nhân dân, Hiến pháp, Nhà nước và luật pháp”.

Ðức còn có lực lượng của các cơ quan nhà nước theo dõi sách báo, tin tức do các cá nhân và tổ chức phát tán trên mạng để thu thập tin tức và bằng chứng, khi cần thiết sẽ phục vụ cho các thủ tục xét xử hình sự… Như vậy, tự do báo chí ở phương Tây hay bất cứ quốc gia nào cũng không nằm ngoài khuôn khổ pháp luật. Hiểu tự do ngôn luận, tự do báo chí như vậy sẽ giúp nhìn nhận, đánh giá khách quan về tự do báo chí ở Việt Nam.

Thực tiễnđược cộng đồng quốc tế đánh giá cao là tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung, tự do ngôn luận, báo chí nói riêng đã liên tục phát triển. Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch, phản động vẫn coi đây là một chiêu bài để chống phá Việt Nam.

Thủ đoạn của quan điểm, luận điệu này thể hiện ở chỗ: (1). Lợi dụng vào vấn đề tự do báo chí, những điểm khác nhau trong quy định của luật pháp Việt Nam và các nước để xuyên tạc.Từ đó nhằmlàm mất niềm tin vào nền báo chí, những thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà báo chí chuyển tải.

(2). Cố tình đánh đồng hiện tượng để quy kết thành bản chất. Lấy sự việc số đối tượng tự xưng là “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do”, blocger… vi phạm pháp luật hình sự để quy kết thành bản chất là Việt Nam không có tự do báo chí.

(3). Kích động, cổ súy, bảo trợ cho những đối tượng lợi dụng tự do báo chí nói trên để chống phá Việt Nam. (4). Lợi dụng vấn đề tự do báo chí để công kích, lấy đó như một cái cớ để tổ chức phản động và tổ chức khác vốn có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Việt Nam báo cáo, suy diễn, xuyên tạc, làm méo mó hình ảnh đất nước, con người, tình hình Việt Nam, từ đó gây sức ép lên nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao của Việt Nam.

Đằng sau quan điểm, luận điệu xuyên tạc Việt Nam không có tự do báo chí là ý đồ sâu xa cố tình phê phán thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hệ thống chính trị trong đời sống xã hội ở Việt Nam; cố tình ca ngợi, cổ súy, hướng lái, thúc đẩy cái gọi là giá trị “tự do, dân chủ, nhân quyền” phương Tây. Do đó, vấn đề “tự do báo chí” cần được hiểu đúng và nhận diện rõ âm mưu, ý đồ xấu để lên án, đấu tranh.

Lê Thế Cương – Báo CAND

Trương Châu Hữu Danh và nhóm “Báo Sạch”: “Day dứt về việc làm đã xảy ra”

Bị cáo tỏ ra day dứt về hành vi đã xảy ra, thừa nhận sai phạm liên quan đến các bài viết đã được cơ quan điều tra chứng minh. Bị cáo cũng thừa nhận có bài viết công kích cá nhân và mong muốn xin lỗi người liên quan.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Trương Châu Hữu Danh (SN 1982, ngụ tỉnh Long An) thừa nhận hành vi vi phạm đối với các bài viết đã được cơ quan điều tra chứng minh, đã đăng trên Facebook cá nhân và Fanpage “Báo Sạch”.

Danh chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm, tỏ ra day dứt và thành khẩn nhận lỗi. Bị cáo thừa nhận khi lập Fanpage “Báo Sạch”, các bị cáo cùng mục đích giải trí và phản biện xã hội nhưng với những vi phạm đã xảy ra thì phải chịu trách nhiệm.

“Những bài viết đã được xác định là sai, bị cáo nhận lỗi, chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm chính”, bị cáo Danh nói. Danh cũng nhận là người chủ trương thành lập nhóm. 

Ban đầu nhóm “Báo Sạch” có 7 người nhưng sau này chỉ còn 5 người, là các bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại tòa. Các bị cáo có sự thống nhất về việc đăng hoặc gỡ bài viết và có trao đổi, thống nhất qua các nhóm chát nội bộ, điều đó đã được cơ quan điều tra chứng minh.

Bị cáo Trương Châu Hữu Danh tại phiên tòa.

“Những bài viết cơ quan điều tra đã chứng minh, bị cáo nhận thấy sai phạm của mình và những người khác là suy diễn chủ quan. Bị cáo có công kích cá nhân”. Tại phiên tòa, bị cáo Danh nói vẫn còn day dứt vì đã không xem xét hết hoàn cảnh sự việc, tìm hiểu không kỹ khi đăng và viết sai. Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm bài viết bị cáo đã công kích cá nhân nhưng bị cáo Danh vẫn mong muốn xin lỗi người có liên quan.

Danh khai bản thân và nhóm “Báo Sạch” có tư vấn truyền thông, để nhận hợp đồng quảng cáo. Tuy nhiên bị cáo cho rằng việc tư vấn truyền thông và hợp đồng quảng cáo, không liên quan đến hành vi vi phạm của bị cáo và các thành viên trong nhóm.

Các bị cáo Danh, Nhã, Bảo và Trung.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Phước Trung Bảo (SN 1982) thừa nhận hành vi vi phạm, đồng thời bày tỏ sự day dứt về hành vi vi phạm đã được cơ quan điều tra chứng minh. Bị cáo cũng giải thích việc làm, tư vấn và nhận hợp đồng truyền thông là làm bên ngoài, chứ không viết trên Fanpage “Báo Sạch”, nếu có thì chỉ một vài bài để cho “đối tác” vui lòng.

“Bị cáo tư vấn truyền thông, thực hiện bài viết. Các bị cáo chỉ là người tư vấn truyền thông, đứng phía sau”, bị cáo Bảo nói và thừa nhận trong các bài viết đã thể hiện, có một số bài bình luận sai sót, đưa ý kiến cá nhân, duy ý chí và đó là lý do bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các hợp đồng truyền thông, tùy theo công việc được giao, sau khi ký hợp đồng thì được chia theo công sức của từng người.

Bị cáo Đoàn Kiên Giang (SN 1985), thừa nhận dùng từ ngữ gây hiểu nhầm, không kiểm soát được bình luận tiêu cực và chịu trách nhiệm về việc này.

Bị cáo Nguyễn Thanh Nhã (SN 1980, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh) thừa nhận hành vi sai phạm, đồng thời giải thích đã lấy thông tin trên báo, đài chính thống và một số nguồn để viết lại đăng trên Fanpage “Báo Sạch”, trong đó một số bài được cơ quan điều tra xác định sai phạm…

Bị cáo Danh và Nhã tại phiên tòa.

Sáng cùng ngày 26/10, TAND huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) mở phiên tòa xét xử các bị cáo nêu trên cùng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bị cáo Danh, Bảo, Giang và Nhã được lực lượng làm nhiệm vụ đưa đến phiên tòa.

Sau phần thẩm tra lý lịch, bị cáo Nhã đề nghị hoãn phiên tòa vì vắng mặt luật sư bảo vệ quyền lợi. Luật sư bào chữa cho bị cáo Danh, đề nghị tạm dừng phiên tòa và áp giải Lê Thế Thắng (SN 1982, ngụ TP Hà Nội). Sau khi hội ý, HĐXX đã bác yêu cầu của bị cáo Nhã, bởi việc luật sư vắng mặt không thuộc trường hợp bất khả kháng.

Về yêu cầu dẫn giải bị cáo Thắng, chủ tọa giải thích do tình hình dịch bệnh nên điều này không khả thi. “Bị cáo đã có đơn xin xét xử vắng mặt, ở cuối đơn ghi rõ hiểu quyền và lợi ích của mình. Bị cáo có luật sư bảo vệ quyền lợi tại phiên tòa nên việc vắng mặt sẽ không làm ảnh hưởng”, chủ tọa nói.

Như Anh – Báo CAND

Thủ đoạn “ném lửa”, “bẻ lái” phiên toà xét xử Trương Châu Hữu Danh

Một phiên toà hình sự xét xử công khai với chứng lý rõ ràng, tranh tụng dân chủ, các bị cáo đã thừa nhận và hối lỗi về hành vi phạm tội do mình gây ra. Vậy nhưng các “nhà quan sát” từ hải ngoại vẫn “ném lửa từ xa” hòng gây sức ép, “bẻ lái” dư luận…

“Bẻ lái” dư luận

Ngay sau khi phiên toà xét xử bị cáo Trương Châu Hữu Danh và đồng phạm kết thúc, trang BBC giật tít: “Vụ xử “Báo Sạch”: Việt Nam đừng nên coi truyền thông là kẻ thù”. Bài báo dẫn lời Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch), ông Phil Robertson nói rằng “Việt Nam không nên coi truyền thông là kẻ thù của nhà nước, việc bỏ tù thêm nhiều nhà báo công dân sẽ không ngăn được người dân lên tiếng, hoặc yêu cầu cải cách ở Việt Nam”. Từ đó kêu gọi “Chính phủ nên công nhận các nhà báo công dân và truyền thông độc lập là đồng minh của công tác quản trị nhà nước tốt”.

Các bị cáo Danh, Nhã, Bảo và Giang tại phiên tòa hôm 27/10.

Cũng trong ngày 29/10, trang“Tiếng Dân” dẫn bài viết mỉa mai phiên toà của TAND Thới Lai “giống trò đùa”. Bài viết phớt lờ sự thật, từ việc bóp méo bản chất vụ án đến vu cáo Nhà nước Việt Nam: “Dập tắt “Báo Sạch” không cốt nhằm vào mấy cá nhân hăng hái mà chính để dập lụi ngay những mầm mống của tự do dân chủ, của tự do báo chí, dập luôn cả tinh thần ngay thẳng chống tham nhũng tiêu cực trong dân chúng bởi sự chống này có hại cho “lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Báo Sạch chỉ là nhúm cỏ khô phải đốt đi cho khéo kẻo lây lan ra cả cánh đồng. Đó là lý do của phiên toà Thới Lai”.

Còn trang VOA thì đăng tải “Thông cáo” của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF). Thông cáo của RSF giở giọng“bất bình” về bản án tổng cộng gần 15 năm tù đối với 5 thành viên nhóm “Báo Sạch”, lấy cớ lên án Việt Nam “gia tăng đàn áp truyền thông độc lập”. Là một tổ chức chuyên đánh tráo bản chất các vụ án hình sự để xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam, lần này, RSF vẫn giở lại điệp khúc cũ: “RSF bất bình về các bản án, trong đó có người bị tuyên đến 4,5 năm tù mà một toà án ở TP Cần Thơ, miền Nam Việt Nam vừa tuyên đối với 5 nhà báo vì điều hành một trang báo mạng chuyên đưa tin về tham nhũng và các vấn đề liên quan”.

Ông Daniel Bastard, Trưởng bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của RSF vu cáo: “Việc tuyên án tù dài như vậy đối với 5 nhà báo của nhóm “Báo Sạch” cho thấy chính quyền Việt Nam đã đưa ra bằng chứng mới về quyết tâm ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào trong việc làm báo và đưa tin một cách tự do…

Tệ hơn nữa, bằng cách cấm hoàn toàn những thành viên này hành nghề báo chí, các thẩm phán ở toà án huyện Thới Lai chỉ ra rằng, các nhà lãnh đạo của Việt Nam xem nhẹ hoạt động báo chí đến mức nào. Năm nhà báo này lẽ ra không phải bị ở tù”! Là một tổ chức lấy cớ “bảo vệ nhà báo”, RSF luôn tìm cách bóp méo sự thật, “bẻ lái” dư luận để chỉ trích, gây sức ép đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với quan điểm, ý đồ chống phá đó, năm 2021, RSF biến tấu những vụ án hình sự có liên quan đến báo chí để đánh tráo, chính trị hoá, từ đó đưa ra bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thế giới, đặt Việt Nam thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia!

Tổ chức Sáng kiến pháp lý Việt Nam (có trụ sở tại Mỹ) hôm 25/10 ra tuyên bố lên án việc chính quyền Việt Nam hình sự hoá các hoạt động của nhóm “Báo Sạch” và 5 thành viên của nhóm. Hai đồng giám đốc của tổ chức này là Trịnh Hữu Long và Trần Quỳnh Vi viết trong tuyên bố, nói rằng việc điều tra, bắt giam và truy tố, xét xử đối với các thành viên nhóm “Báo Sạch” là vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do kinh doanh.

Tuyên bố chỉ trích Điều 331 BLHS, xem đó là điều phi lý khi coi việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân là tội phạm mà “không định nghĩa rõ hành vi, dẫn đến áp dụng tuỳ tiện”.

Tổ chức này nói rằng vụ án “Báo Sạch” hiện nay và các vụ khác trong quá khứ bị truy tố, xét xử theo Điều 331 của BLHS hiện hành hoặc Điều 258 của BLHS cũ cho thấy “các cơ quan tố tụng Việt Nam đã hình sự hoá hành vi của các cá nhân một cách bất hợp lý mà không xem xét các hành vi này theo pháp luật dân sự”.

Tổ chức Sáng kiến pháp lý Viêt Nam có trụ sở tại California, là cơ quan chủ quản của Luật khoa tạp chí và The Vietnamese Magazine. Đây là tổ chức thường xuyên có các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để vu cáo, lấy cớ chống phá Việt Nam.

Cũng liên quan vụ án Trương Châu Hữu Danh, trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng “bày tỏ quan ngại đối với vụ bắt giữ các thành viên của nhóm “Báo Sạch” và kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả những ai đang bị giam giữ bất công cũng như tuân thủ các điều luật quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam cam kết”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói: “Việc bắt giữ các nhà báo này là những vụ bắt giữ mới nhất trong một xu hướng đáng lo ngại về việc giam giữ và kết án các công dân Việt Nam thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam”.

Liên quan vấn đề này, thiết nghĩ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần có cách tiếp cận khách quan, đầy đủ hơn, tránh việc nhìn nhận không đúng từ các nguồn tin bị sai lệch, đánh tráo như nêu trên. Cũng cần thấy rằng, quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng được tăng cường, hợp tác và hai bên đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại về nhân quyền.

Về quan điểm trong đối thoại nhân quyền, hai bên chủ trương nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng và những sự hiểu biết khác nhau giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế, đồng thời đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia, dân tộc, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng về dân chủ, nhân quyền để làm sai lệch nội dung, bản chất, can thiệp vào công việc nội bộ. Với tinh thần đó, thiết nghĩ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần có cách tiếp cận, đánh giá khách quan, đúng đắn, không chỉ trong vụ án Trương Châu Hữu Danh mà nhiều vụ án, vụ việc khác.

Phải hiểu đúng sự thật, đánh giá khách quan

Nếu một người chỉ tiếp cận những thông tin như trên, rất dễ dẫn tới cách nhìn sai lệch về vụ án. Trong khi đó, nguyên tắc trong xét xử một vụ án là phải căn cứ tài liệu, hồ sơ, chứng cứ theo tội danh được quy định trong BLHS và phải tuân theo quy trình, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong vụ án này, TAND huyện Thới Lai (Cần Thơ) đã tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm “Báo Sạch” tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331 BLHS.

Cáo trạng của VKSND huyện Thới Lai xác định, Trương Châu Hữu Danh và các đối tượng trong vụ án này đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng bài, video, sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều để đăng tải, phát tán công khai trên Facebook, Youtube.

Hành vi của các đối tượng nhằm hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tạo điều kiện cho các phần tử lợi dụng tham gia bình luận tiêu cực, kích động, lôi kéo một bộ phận người dân có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hành vi nói trên đã trực tiếp xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến vai trò quản lý đất nước, quản lý nhà nước tại các địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định về lòng tin trong nhân dân, tạo ra sự bất ổn trong xã hội…

Quá trình xét xử, tranh tụng công khai, dân chủ, các luật sư đề nghị HĐXX cần xem xét, làm rõ kỹ lưỡng việc thẩm định bài viết của các bị cáo mà hội đồng thẩm định Sở Thông tin - Truyền thông TP Cần Thơ thực hiện. Các luật sư cũng cho rằng, việc truy tố các bị cáo là không oan sai vì có nhiều bài viết đã xâm phạm đến các cá nhân, tổ chức, đồng thời nêu những quan điểm bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo.

Các bị cáo cũng đã nhận tội và tích cực hợp tác cùng cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, quá trình truy tố đã xem xét toàn diện các yếu tố có lợi nhất cho bị cáo, ngoài những bài viết có căn cứ xác định đã xâm hại lợi ích cá nhân, tổ chức thì đồng thời cũng đã xem xét bỏ qua nhiều bài viết mà các luật sư và bị cáo cho rằng không vi phạm pháp luật, từ đó giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo như cáo trạng nêu.

Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Trương Châu Hữu Danh cho rằng mục đích ban đầu của bị cáo thành lập nhóm “Báo Sạch” là để giải trí, muốn phản biện xã hội trên Facebook. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận đã có những bài sai phạm và xin chịu trách nhiệm về những bài viết đó. Bị cáo đã xóa những bình luận sai nhưng xóa không hết.

Bị cáo Danh cũng gửi lời xin lỗi đến những cá nhân, cơ quan tổ chức mà bị cáo đã xâm phạm, xin lỗi các bị cáo khác vì hoạt động theo Danh mà vướng vào lao lý. Các bị cáo còn lại cũng đều tỏ ra ân hận với việc làm của mình. Trong đó, bị cáo Trung Bảo mong muốn HĐXX xem xét tuyên phạt mức án vừa đủ răn đe để tạo điều kiện cho bị cáo sớm quay trở về với gia đình và xã hội.

Như vậy, diễn tiến phiên toà cho thấy tính dân chủ, công khai, HĐXX xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ, nhất là các bào chữa của luật sư cũng như những điểm mà bị cáo cho rằng chưa hợp lý. Từ đó có đánh giá khách quan, toàn diện. Bản thân các bị cáo đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình và bày tỏ sự hối lỗi, xin giảm nhẹ hình phạt.

Và HĐXX đã cân nhắc, tính đến các yếu tố giảm nhẹ để tuyên mức án như trên là hợp lý, hợp tình, vừa có tính răn đe nhưng cũng thể hiện rõ sự khoan hồng. Điều này được báo chí phản ánh khách quan, rõ ràng. Vậy mà một số cá nhân, tổ chức ở xa, ở hải ngoại đã không chịu tiếp cận thông tin thực tế từ vụ án, từ quá trình xét xử mà lại tìm cách “ném lửa từ xa”, lấy cớ châm ngòi “bẻ lái” dư luận, gây áp lực để chống phá Việt Nam.

Một lần nữa, chúng tôi cho rằng, việc nhìn nhận các vụ án phải đúng với bản chất cấu thành tội phạm được xác định trong quá trình điều tra, truy tố, nhất là quá trình xét xử, tranh tụng tại toà. Không có một khái niệm tự do báo chí nào ngoài khuôn khổ pháp luật và càng không thể nhân danh quyền tự do báo chí để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nhà nước.

Chúng tôi xin kết lại bài viết này bằng đánh giá của ông Hồ Ngọc Thắng, một người Đức gốc Việt, người có nhiều năm hoạt động báo chí tại châu Âu, có sự hiểu biết, tiếp cận góc nhìn đa chiều từ pháp lý đến thực tiễn về tự do báo chí tại nhiều nước trên thế giới. Theo ông Thắng, vấn đề mà lâu nay người ta vẫn tranh luận sôi nổi khi nói về tự do báo chí ở phương Tây là sự đánh lừa dư luận bằng phương tiện truyền thông.

Cho đến nay đã có nhiều bằng chứng cụ thể về hiện tượng này, như đánh lừa bằng cách không đưa tin hoặc đưa tin sai sự thật. Sự hiểu biết về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở phương Tây sẽ giúp chúng ta nhìn nhận và đánh giá khách quan về tự do báo chí ở Việt Nam.

“Một sự thật không thể phủ nhận là tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung, tự do ngôn luận, báo chí nói riêng, đã liên tục được cải thiện, phát triển trong các thập niên vừa qua. Trên cơ sở đó, không thể chấp nhận hiện tượng một số cá nhân tự cho mình là “nhà báo độc lập” rồi đưa ra ý kiến thiếu xây dựng. Bởi không thể coi là nhà báo, dù là “nhà báo độc lập” khi chỉ đưa ra các tin tức và bình luận sai sự thật theo kiểu “bới bèo ra bọ” để nói xấu chính quyền, phủ nhận những thành tựu mà chính họ đang được thụ hưởng” - ông Thắng khẳng định.

Đăng Minh - Báo CAND

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

Cựu Kế toán trưởng “nhũng nhiễu” để chiếm đoạt hơn 5,4 tỷ đồng

Sinh biết ông Sơn đang cần thanh toán nhanh tiền mua vật liệu, trả công thuê máy móc nên yêu cầu ông Sơn nộp lại từ 30 đến 40% giá trị được tạm ứng nếu không sẽ gây khó khăn. Sợ công trình bị chậm tiến độ và bị phạt theo hợp đồng nên ông Sơn buộc phải chấp nhận yêu cầu của Sinh.

Ngày 25/10, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Lê Văn Sinh (SN 1980, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội), cựu Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính- Kế toán Công ty cổ phần Sông Đà 6; Phạm Thị Thúy Hà (SN 1979, trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), cựu Thủ quỹ Công ty cổ phần Sông Đà 6 và Nguyễn Văn Quang (SN 1992, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông), cựu Kế toán Công ty cổ phần Sông Đà 6 bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, trong thời gian từ ngày 9/8/2015 đến 1/4/2016, Công ty cổ phần Sông Đà 6 (viết tắt là Công ty Sông Đà 6) do ông Đặng Quốc Bảo làm Tổng Giám đốc ký 5 hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Nam Tín (viết tắt là Công ty Nam Tín) về việc thực hiện hoàn thiện một số hạng mục sơn Epoxy tại Công trình thủy điện Huội Quảng (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) với tổng giá trị của 5 hợp đồng là hơn 19,6 tỷ đồng.

Bị cáo Sinh và đồng phạm tại phiên tòa

Sau khi ký hợp đồng, Công ty Nam Tín đã tập kết vật liệu, nhân công, máy móc và tiến hành thi công từ ngày 2/9/2015 đến 25/1/2017 thì xong. Quá trình thực hiện, ông Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Nam Tín có đến gặp Lê Văn Sinh xin tạm ứng và thanh toán theo hợp đồng đã ký. Do tình hình tài chính của Công ty Sông Đà 6 gặp khó khăn, quỹ của công ty sử dụng trong đối ngoại, tiếp khách không đủ chi nên Sinh nảy sinh ý định thu tiền phần trăm trên số tiền tạm ứng, thanh toán của Công ty Nam Tín.

Ngoài ra, Sinh biết ông Sơn đang cần thanh toán nhanh tiền mua vật liệu, trả công thuê máy móc để thi công nên đã yêu cầu ông Sơn nộp lại từ 30 đến 40% giá trị được tạm ứng, thanh toán từng đợt theo hợp đồng thì sẽ được thanh toán nhanh. Nếu không, Sinh sẽ gây khó khăn cho ông Sơn trong quá trình nghiệm thu và việc thanh toán sẽ bị chậm.

Do đã tập kết hết vật liệu, máy móc và đang thi công dang dở, nếu không thi công nữa sẽ bị chậm tiến độ và bị phạt theo hợp đồng nên ông Sơn buộc phải chấp nhận theo yêu cầu của Sinh.

Sau khi gây áp lực cho ông Sơn và đạt được yêu cầu cá nhân, Sinh đã chỉ đạo Quang lập bảng kê số tiền yêu cầu Công ty Nam Tín phải nộp lại trên số tiền được tạm ứng thanh toán thi công xây dựng một số hạng mục sơn tại Công trình thủy điện Huội Quảng. Đồng thời, Sinh chỉ đạo Hà cùng Quang thu tiền phần trăm và ký xác nhận, nhận tiền của Công ty Nam Tín theo bảng kê do Quang lập.

Với hành vi trên, trong thời gian từ ngày 27/5/2016 đến ngày 17/11/2017, Sinh đã yêu cầu ông Sơn nộp tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Số tiền này, Sinh giao cho Hà lập sổ theo dõi và đã sử dụng vào các mục đích chung của công ty như: Ngoại giao, tiếp khách, thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỉ… và đến tháng 7/2019 thì công ty tiêu hết số tiền trên.

Trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo Sinh đã tự nguyện bồi thường toàn bộ số tiền hơn 5,4 tỷ đồng cho Công ty Nam Tín nên công ty không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường.

Liên quan tới vụ án này, quá trình điều tra, ông Đặng Quốc Bảo (cựu Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà 6) và ông Đào Xuân Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà 6, thay ông Bảo từ tháng 5/2017 đến nay) đều không thừa nhận đã đồng ý cho Sinh thu phần trăm số tiền đã được thanh toán của Công ty Nam Tín. Hai ông Bảo và Tuấn cho biết, không được ai báo cáo về việc thu tiền của Công y Nam Tín, cũng không chỉ đạo Sinh thu tiền phần trăm đã thanh toán của Công ty Nam Tín để chi vào các hoạt động chung của Công ty Sông Đà 6. Do đó, cơ quan điều tra không đủ cơ sở kết luận ông Bảo và ông Tuấn vi phạm và không xem xét xử lý về hình sự đối với hai ông.

Tại phiên toà, bị cáo Sinh và hai bị cáo đồng phạm thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Sau khi đánh giá hành vi phạm tội của từng bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Sinh 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng tội danh trên, bị cáo Hà bị tuyên phạt 30 tháng tù và bị cáo Quang bị tuyên phạt 30 tháng tù.

Nguyễn Hưng – Báo điện tử CAND

Nhận diện những “con rối” lưu vong chống phá đất nước

Thời gian gần đây, một số đối tượng là công dân Việt nhưng vì quyền lợi vị kỷ, bị kẻ xấu, các tổ chức phản động lôi kéo dẫn đến bất chấp đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bất chấp pháp luật, sử dụng không gian mạng phát tán nhiều thông tin sai lệch, công khai công kích, chống phá Việt Nam, tiếp tay cho kẻ xấu gây tâm lý hoang mang, ngờ vực, chia rẽ nội bộ, làm hại đất nước.

Ảnh minh họa

Ban đầu, các đối tượng đều là những công dân bình thường nhưng rồi sa ngã dần, trượt dài trên con đường tội lỗi khi bị mê muội trước sự lôi kéo của kẻ xấu. Khi phát hiện có nguy cơ nhận sự trừng trị ở trong nước, các đối tượng đã tìm cách chạy ra nước ngoài để bám gót các thế lực thù địch làm hại đất nước, dân tộc. Dưới đây là một số người nằm trong những kẻ đó.

Lê Văn Thương - từ kẻ vô kỷ luật đến con đường chống phá đất nước

Lê Văn Thương, sinh năm 1988 tại vùng đất Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng với biết bao tấm gương hy sinh vì đất nước. Là người từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, được quan tâm tạo điều kiện đào tạo thành sỹ quan nhưng do không chịu rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu trở thành người có ích cho đất nước, cho quân đội và gia đình mà sa ngã, trượt dài trên con đường tội lỗi. Sau nhiều lần vi phạm kỷ luật, mặc dù đã được động viên, giáo dục, Thương vẫn tính nào tật ấy, do đó đã bị kỷ luật và được giải quyết cho xuất ngũ.

Thiết tưởng, sau khi trở về địa phương, Thương sẽ vượt qua lầm lỗi, chí thú làm ăn chăm lo cho gia đình, trở thành công dân tốt, nhưng y lại tiếp tục trượt dài, bộc lộ bản chất của một kẻ phá hoại, bắt tay với các đối tượng xấu có nhiều hoạt động chống phá đất nước và tuyên bố “tự nguyện ra quân và rời bỏ Đảng” để thành lập lực lượng hòng thay đổi chế độ. Một kẻ ảo tưởng mới chỉ được đào tạo những kiến thức ở cấp phân đội về quân sự nhưng Thương lại lừa bịp, tuyên bố rất hùng hồn có năng lực, khả năng chỉ huy những đội quân lớn có thể làm thay đổi được tình hình đất nước.

Trước những hoạt động chống phá đất nước, có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, Lê Văn Thương đã bị khởi tố về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, đồng thời đã bị truy nã sau khi bỏ trốn khỏi địa phương vào năm 2018. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần có văn bản gửi gia đình, vận động, kêu gọi Thương ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Biết không thể có nơi dung thân ở trong nước, Lê Văn Thương đã tìm cách đào tẩu ra nước ngoài. Để được các thế lực ngoại bang sử dụng và có tiền sinh sống, Thương đã bất chấp sự khoan dung của đất nước và tiếp tục lún sâu hơn vào con đường tội lỗi khi sử dụng không gian mạng tạo lập các tài khoản để bịa đặt, nói xấu tình hình đất nước, chống phá Việt Nam. Trên tài khoản facebook cá nhân và tài khoản youtube “Tiếng nói Dân chủ Việt”, đối tượng đã công khai bộc lộ là một kẻ phản bội lại quê hương, đất nước khi liên tục phát tán những thông tin sai trái, bịa đặt. Chính y đã tự bôi xấu bản thân, làm ảnh hưởng đến những người thân và tự chặn lại con đường trở về quê hương mà một số kẻ đã sai lầm mắc phải trước đây.

Trương Quốc Huy – “con rối” trong tay các thế lực bên ngoài

Trương Quốc Huy, sinh năm 1981 tại TP Hồ Chí Minh. Huy chỉ học hết lớp 7 rồi bỏ giữa chừng, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự đã vi phạm kỷ luật và bị loại ngũ. Do kém hiểu biết, trong giai đoạn 2004, 2005, Huy và Hàng Tấn Phát - một kẻ đồng tính, đã bị các tổ chức phản động dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào tổ chức phản động“Hội đồng Dân quân cứu quốc” do đối tượng khủng bố Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu.

Sau đó, được sự hà hơi, tiếp sức, chỉ đạo của các đối tượng phản động Bùi Quang Vinh, Nguyễn Hoàng Huy Đức và Lisa Phạm, Trương Quốc Huy đã thu thập, phát tán các tài liệu trên các trang web phản động có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam và phát tán tờ rơi có nội dung xuyên tạc chính quyền “đàn áp tôn giáo”, do đó đã được tổ chức khủng bố của Nguyễn Hữu Chánh chuyển cho 600 USD.

Do có hoạt động vi phạm pháp luật, năm 2005, Trương Quốc Huy và Lisa Phạm đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam bắt để điều tra làm rõ. Trong thời gian bị tạm giam, hai đối tượng đều tỏ ra ăn năn hối lỗi, viết nhiều lá đơn xin khoan hồng, nội dung rất thống thiết như “Đơn xin cam kết từ bỏ hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam; tôi nhận thấy hành vi của mình vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đi ngược lại mục tiêu chung của dân tộc…

Tôi xin cam kết từ bỏ tất cả để trở thành công dân lương thiện…”. Với mục đích nhân đạo, mở cho kẻ lầm đường lạc lối trở lại thành công dân lương thiện, Trương Quốc Huy được trả tự do sau 9 tháng giam giữ mà không bị truy tố và Lisa Phạm bị trục xuất về Mỹ.

Tuy nhiên, với bản chất phá hoại khó thay đổi, sau khi được trả tự do, Trương Quốc Huy đã tiếp tục có hoạt động vi phạm pháp luật, gia nhập các tổ chức phản động. Năm 2006, Trương Quốc Huy và anh trai là Trương Quốc Tuấn bị bắt về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Năm 2008, Trương Quốc Huy bị tòa án xét xử, tuyên phạt 6 năm tù giam và 3 năm quản chế. Năm 2012, sau khi mãn hạn tù, Trương Quốc Huy cùng Trương Quốc Tuấn trốn sang Thái Lan và bị bắt giữ vì hành vi nhập cảnh trái phép; sau đó đã được tỵ nạn tại Mỹ dưới sự bảo trợ, bảo lãnh của tổ chức, cá nhân phản động đã từng hà hơi, tiếp sức cho đối tượng hoạt động chống phá Việt Nam.

Sau khi được tỵ nạn tại Mỹ, Trương Quốc Huy tiếp tục “ngựa quen đường cũ” và để có tiền trang trải cho cuộc sống, y đã tuyên bố gia nhập các tổ chức phản động và tạo lập các tài khoản mạng xã hội, trang mạng phản động, trong đó có N10Tv để phát tán tài liệu sằng bậy, bịa đặt chống phá Việt Nam.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người Việt Nam yêu chuộng hòa bình đã đăng trên các tài khoản mạng xã hội gọi Trương Quốc Huy là loại “tâm thần chính trị”; những quân nhân có thời gian nhập ngũ cùng đã tẩy chay, bóc mẽ, chỉ ra những việc làm vi phạm đạo đức, vi phạm kỷ luật quân đội của Trương Quốc Huy.

Trần Minh Nhật - kẻ bôi nhọ Thiên Chúa, tay sai của tổ chức khủng bố Việt Tân

Trần Minh Nhật sinh năm 1988, trong một gia đình Thiên Chúa giáo quê Nghệ An. Là một sinh viên được đào tạo cơ bản ở TP Hồ Chí Minh, có tri thức, cứ tưởng Trần Minh Nhật sẽ trở thành người có ích. Tuy nhiên, Nhật đã bị các đối tượng xấu móc nối, lôi kéo tham gia tổ chức khủng bố Việt Tân, có nhiều hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, do đó đã bị bắt, bị xử lý về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Trần Minh Nhật đã quan hệ với một số đối tượng phản động cùng quê Nghệ An, như Nguyễn Xuân Kim, Đặng Xuân Diệu và đặc biệt là các đối tượng trong nhóm Hồ Đức Hòa, thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân.

Năm 2011, Trần Minh Nhật xuất cảnh đi Thái Lan tham gia khóa huấn luyện cách thức chống phá Việt Nam do tổ chức khủng bố Việt Tân tổ chức, sau đó được chúng cung cấp tài chính, tung trở lại Việt Nam để phá hoại.

Tuy nhiên, hoạt động phạm tội của chúng đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ và điều tra làm rõ. Năm 2013, Hồ Đức Hòa cùng đồng bọn đã bị tòa án xét xử về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; trong đó, Trần Minh Nhật bị tuyên phạt 4 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Tháng 8/2015, ra tù, Trần Minh Nhật chuyển vào cư trú tại tỉnh Lâm Đồng. Trong thời gian chấp hành hình phạt quản chế, y vẫn tiếp tục “ngựa quen đường cũ” có nhiều hoạt động chống phá đất nước. Năm 2016, Trần Minh Nhật trốn ra Nghệ An và đã có nhiều hoạt động gây rối an ninh trật tự, lôi kéo tụ tập đông người chặn Quốc lộ 1, đập phá trụ sở chính quyền địa phương. Trần Minh Nhật đã bị khởi tố, rồi bị truy nã về hành vi không chấp hành án theo quy định tại Điều 304 BLHS. Biết sẽ bị bắt nếu còn ẩn trốn ở trong nước, y đã cùng vợ chạy trốn ra nước ngoài.

Để hoạt động chống phá đất nước và mong nhận được sự bố thí của các thế lực ngoại bang, Trần Minh Nhật đã tạo lập, sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội, trong đó có tài khoản youtube VoteTV để phát tán thông tin bịa đặt, sai sự thật về tình hình đất nước, đi ngược lại những điều tốt đẹp của người Công giáo và những điều răn của Chúa.

Phạm Minh Vũ – từ một sinh viên vô kỷ luật đến trượt dài trên hành trình phạm tội

Phạm Minh Vũ sinh năm 1992 tại Quảng Trị, từng là sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình 1 tại tỉnh Hà Nam. Không như những sinh viên khác luôn nỗ lực học tập để thành tài, Phạm Minh Vũ lại dành thời gian quý báu để truy cập vào những trang phản động và bị tiêm nhiễm những tư tưởng chống đối, rồi tham gia vào những hoạt động tội lỗi, đi ngược lại những quy định của nhà trường và bị đuổi học.

Được sự lôi kéo của các đối tượng thuộc tổ chức phản động “Hội anh em dân chủ của Nguyễn Văn Đài, Phạm Minh Vũ đã tham gia điều hành trang phản động của tổ chức này và liên kết với các đối tượng Đỗ Nam Trung, Lê Thị Phương Anh tham gia vào các hoạt động tụ tập đông người, tuần hành gây rối an ninh trật tự.

Thông qua đối tượng Nguyễn Thái Học, thành viên tổ chức khủng bố Việt Tân, chúng đã chuyển cho Phạm Minh Vũ tiền để thu thập tài liệu, biên soạn bịa đặt, kích động và kêu gọi công nhân trong các khu công nghiệp nghỉ việc, tụ tập biểu tình phá rối an ninh trật tự tại các tỉnh phía Nam.

Tối ngày 14/5/2014, trong khi Phạm Minh Vũ cùng đồng bọn đến Bình Dương quay phim, chụp ảnh các hoạt động gây rối của những kẻ quá khích trà trộn vào giới công nhân thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Phạm Minh Vũ, Đỗ Nam Trung và Lê Thị Phương Anh đã bị khởi tố, điều tra theo Điều 258, Bộ luật Hình sự. Sau đó, Phạm Minh Vũ đã bị tòa tuyên phạt 18 tháng tù giam về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước.

Trong quá trình chống phá đất nước, Phạm Minh Vũ đã được các tổ chức phản động nhiều lần chuyển tiền, điện thoại và máy ảnh làm phương tiện phục vụ cho việc thu thập, phát tán tin tức, tài liệu xuyên tạc tình hình đất nước, thông qua các đối tượng chống đối như Nguyễn Thái Học, Trần Bửu Thọ, Ngô Duy Quyền.

Đáp lại, Phạm Minh Vũ đã sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook “Sep Pham” và địa chỉ hộp thư điện tử “vuemail” để phát tán 174 trang tài liệu có nội dung đả kích chế độ, kích động biểu tình, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Sau khi ra tù, không chịu hoàn lương trở thành người có ích, Phạm Minh Vũ tiếp tục có nhiều hoạt động chống phá Việt Nam thông qua việc sử dụng tài khoản trên mạng xã hội để phát tán nhiều thông tin xuyên tạc, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ chủ chốt các cấp và lực lượng vũ trang; xuyên tạc tình hình chính trị, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tự do báo chí và tự do ngôn luận, công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam. Lo sợ bị bắt, bị xử lý, Phạm Minh Vũ đã chạy trốn ra nước ngoài và tiếp tục hành trình xuyên tạc, bịa đặt nói xấu quê hương, đất nước trên các trang mạng xã hội.

Đường Văn Thái - không đỗ công chức, tự huyễn hoặc bản thân, bất mãn tự đề cao bản thân rồi thành kẻ chống phá đất nước

Đường Văn Thái, còn gọi là Thái Văn Đường, sinh năm 1982 tại Đông Anh, Hà Nội. Đường Văn Thái được đào tạo cơ bản ở trong nước, có thời gian tham gia hoạt động đoàn và làm hợp đồng tại Phòng Quản lý đất đai & Giải phóng mặt bằng huyện Đông Anh. Năm 2013, thi công chức nhưng không đỗ và nảy sinh bất mãn, Thái xin nghỉ việc.

Sau đó đi học về chuyên ngành quản lý đất đai tại Hàn Quốc theo dạng tự túc. Từ khi có tư tưởng tiêu cực, bất mãn và nhất là sau khi sang Hàn Quốc du học, Đường Văn Thái đã giao du với nhiều đối tượng xấu, có hoạt động chống Việt Nam, tham gia kích động tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội. Y đã móc nối tham gia vào các hội, nhóm chống đối như Hội Nhà báo độc lập, Hội Anh em dân chủ….

Đường Văn Thái đã tạo lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội để phát tán những bài viết, hình ảnh chứa đựng những thông tin không đúng sự thật trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam, tập trung bóp méo, thổi phồng, bôi đen hiện tình đất nước và kích động người dân tham gia vào các hoạt động gây rối.

Năm 2017, sau khi về nước, Đường Văn Thái đã chuyển vào sống tại TP Hồ Chí Minh và tiếp tục có các hoạt động chống phá Việt Nam ngày một manh động. Khi một số đồng bọn bị bắt, biết rất khó tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật, năm 2019, y đã tìm cách trốn ra nước ngoài với mục đích xin tỵ nạn chính trị.

Cuộc sống tỵ nạn của Đường Văn Thái ở Thái Lan cùng với một số trường hợp khác đang rất khó khăn, khổ sở. Để được các thế lực thù địch chú ý, quan tâm và có tiền sinh sống, y thường xuyên tạo lập và phát tán trên youtube nhiều tin tức bịa đặt, thông tin giả xuyên tạc tình hình ở trong nước. Rất nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng đã phản đối hành vi sai trái của Đường Văn Thái và gọi y là kẻ “tiểu nhân, kẻ bán nước cầu vinh”.

Từ Đường Văn Thái cho đến Lê Văn Thương, Phạm Minh Vũ, Trương Quốc Huy và Trần Minh Nhật cùng một số kẻ khác đều có quá trình sa ngã, dần trượt dài từ một công dân thành những kẻ phá hoại đất nước.

Lo sợ trước sự phản ứng của người dân trong nước và sợ bị pháp luật trừng trị, các đối tượng đã tìm cách đào tẩu ra nước ngoài, bám gót các thế lực chống đối và lợi dụng không gian mạng để phát tán tin giả, thông tin bịa đặt chống phá, bôi nhọ hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.

Hồng Phú - Báo CAND

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

Tô vẽ hình tượng, tung tin giả để bẻ lái vụ án, kêu oan cho các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia khi bị xử lý trước pháp luật đã trở thành chiêu trò quen thuộc của các “nhà dân chủ” giả hiệu và số đài, báo thiếu thiện chí với Việt Nam. Đây cũng là thời cơ để các đối tượng “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng quá trình xét xử nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ ngành tư pháp và chế độ.


Màn “dọn đường” kêu oan trước khi diễn ra phiên tòa xét xử

Thủ đoạn này được các đối tượng xưng danh dân chủ diễn đi diễn lại nhiều lần giống như một cái máy rập khuôn cùng chung kịch bản. Thế nhưng, dù các đối tượng đã giở đủ trò, rêu rao khắp các trang mạng xã hội để chính trị hóa vụ án với hy vọng vớt vát, tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận, song không đem lại kết quả, rốt cuộc chỉ là những màn tấu hài, tung hứng kệch cỡm.

Điển hình như vừa qua, trước thông tin TAND TP Hà Nội quyết định ngày 4/11 tới sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, các đối tượng lại gây nhiễu thông tin với hàng loạt bài viết bóp méo sự thật. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, Trang đã tán phát các tài liệu có nội dung tuyên truyền với luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền, thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam.

Quá trình làm việc với cơ quan Công an, Phạm Thị Đoan Trang xác nhận, mình là tác giả của báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo. Trang cùng nhóm tác giả viết báo cáo này bằng Tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên trang điện tử do mình lập ra… Tuy nhiên, những thông tin mà các mạng chống phá đưa ra lại coi Phạm Thị Đoan Trang như “nhà báo tiêu biểu” đấu tranh cho tiến bộ, dân chủ!

Trước đó, TAND cấp cao lên kế hoạch đưa ra xét xử phiên phúc thẩm về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước” đối với Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư thì như một phản xạ, các đối tượng chống đối và những tờ báo thiếu thiện chí đã lập tức có những động thái nhằm “kêu oan” cho hai bị cáo, đồng thời tìm mọi lý do để phá hoại phiên tòa xét xử.

Để “dọn đường” màn kêu oan cho hai đối tượng trên, trước mỗi phiên tòa xét xử, các đối tượng chống phá đồng loạt chia sẻ, lặp đi lặp lại các bài viết nhằm ca ngợi, tung hô, cổ súy hành động phạm tội của bị cáo và “tô vẽ hình tượng” khi dùng những lời lẽ có cánh để ca ngợi, suy tôn bị cáo như những người “anh hùng” dám xả thân đấu tranh đòi công lý. Họ xâu chuỗi một loạt thành tích bất hảo của Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư để xây dựng nên hình mẫu một người “dân oan” ở khu vực Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) với những lời ví von rất mĩ miều. Trang fanpage của Việt Tân tô vẽ: “Cô Cấn Thị Thêu, người hùng dân oan bất khuất” và cho rằng “họ là nạn nhân của chế độ”...

Đúng là một trò hề mà các đối tượng thêu dệt trên mạng xã hội. Thực tế, các hành động của Cấn Thị Thêu suốt nhiều năm qua đã cho thấy rõ bản chất của một kẻ chống phá Nhà nước. Chỉ vì lợi ích vật chất mà các đối tượng xấu dụ dỗ với những lời hứa hẹn trên mây nên Cấn Thị Thêu từ người nông dân đã trở thành “con rối” dưới vỏ bọc của một người “dân oan”.

Với vai trò là “ngọn cờ” trong một hội tự xưng là nhóm “dân oan”, Cấn Thị Thêu không chỉ kích động nhiều người dân Dương Nội mà bà ta còn lôi léo cả hai người con trai tham gia các hoạt động gây rối ANTT trên địa bàn Hà Nội. Với những hành động đó, hậu quả là cả ba mẹ con đều sa vào vòng lao lý. Thế nhưng, qua ngòi bút của những kẻ “miệng lưỡi không xương”, đối tượng đã được “phù phép” bởi những ngôn từ có cánh rồi trở thành một “người hùng”, là “biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam” như cách đối tượng tung hứng, ca ngợi. 

Màn “tẩy trắng” tội danh cho hai bị can

Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên án 8 năm tù và 3 năm quản chế đối với hai bị cáo Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, BLHS. Đây là một bản án thích đáng dành cho hai mẹ con lấy nghề “dân oan” làm công cụ kiếm tiền. Thế nhưng, sau khi tòa tuyên án, một chiến dịch “hậu xét xử” được các đối tượng triển khai nhanh chóng.

Từ facebook cá nhân, các trang fanpage, youtube của các tổ chức phản động như “Việt Tân” và các trang báo thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, RFI, VOA… rầm rộ chia sẻ các bài viết xuyên tạc, “tẩy trắng” tội danh cho hai bị cáo. Luận điệu của các đối tượng tập trung vào những lời tung hô có cánh ca ngợi hai bị cáo, qua đó nhằm đánh bóng tên tuổi, tạo thương hiệu và gắn cho hai đối tượng cái mác “mẹ con Cấn Thị Thêu hiên ngang giữa phiên tòa”, hay “tinh thần của một người nông dân”...

Không những vậy, để “mượn gió bẻ măng”, bôi nhọ chế độ và ngành tư pháp Việt Nam, trang RFA đã đăng bài dẫn lời của vị luật sư để phụ họa luận điệu xuyên tạc khi khẳng định hai bị cáo vô tội, đồng thời xuyên tạc luật pháp Việt Nam khi cho rằng “Điều 117 đi ngược Hiến pháp”, hay “đây là điều luật mơ hồ, tùy tiện, nhằm bỏ tù những người bất đồng chính kiến”...

Gần đây, trước thông tin TAND Cấp cao tại Hà Nội lên lịch mở phiên xét xử phúc thẩm đối với Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, các “nhà dân chủ” giả hiệu lại tiếp tục tái diễn thủ đoạn bôi nhọ ngành tư pháp Việt Nam, phỉ báng chế độ. Thậm chí các đối tượng còn “dọa” khi áp đặt quan điểm kệch cỡm của tổ chức nhân quyền quốc tế nhằm vu cáo Việt Nam.

Thủ đoạn nhằm chính trị hóa vụ án

Để tìm cách chính trị hóa các vụ án xét xử đối tượng phạm tội nêu trên, số chống đối luôn có xu hướng tìm kiếm sự can thiệp của quốc tế. Do đó, sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, fanpage của Việt Tân đã chia sẻ thông báo của tổ chức “Ân xá quốc tế” khi cho rằng: “bản kết án bất công với bà mẹ và người con là một trò đùa công lý”, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam phải ngay lập tức hủy bỏ bản án và trả tự do vô điều kiện cho các đối tượng.

Đây là chiêu trò quen thuộc của tổ chức Ân xá quốc tế thể hiện sự lố bịch khi một mực tô vẽ các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia ở Việt Nam, coi các bị cáo như “nhà hoạt động cải cách” để bao biện, kêu oan. Thực tiễn ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào, những đối tượng phạm tội chống phá Nhà nước đều phải được xử lý nghiêm minh. Hoàn toàn không thể chấp nhận việc bắt, xử lý những đối tượng phạm pháp lại bị coi là “gia tăng đàn áp nhân quyền” như những luận điệu mà các cá nhân, tổ chức trên đưa ra. Chính vì vậy, sau những ngôn từ mĩ miều để tung hô, ca ngợi trong các chiến dịch kêu oan cho các đối tượng chống đối, trong đó có Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư dường như chỉ thấy ở đó một phản ứng gượng gạo nhằm cố tạo ra sự kiện pháp lý để hướng lái dư luận.

Sự thật là dù các đối tượng có tìm mọi cách để ngụy tạo chứng cứ nhưng không thể che phủ các hành động phạm tội của Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư suốt nhiều năm qua. Theo hồ sơ vụ án, do có tư tưởng tiêu cực, bất mãn nên trong khoảng thời gian từ ngày 9/1/2020 đến 14/1/2020, Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân phát trực tiếp 8 video có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Các video vi phạm của Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu phát, đăng tải đã được nhiều đối tượng có tư tưởng chống chế độ, chống Nhà nước theo dõi, bình luận bôi nhọ, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bịa đặt gây tư tưởng hoang mang trong nhân dân.

Đáng nói, các đối tượng này còn đăng, phát cả những video chứa nội dung kêu gọi, kích động nhân dân chống chính quyền, đưa thông tin xuyên tạc về vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức - Hà Nội), vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, các ngành, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Phạm Duy – Nguyễn Thành – Báo CAND

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

Bảo vệ nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta

[QĐND] Nguyễn Ái Quốc là nhà yêu nước Việt Nam đầu tiên đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Cùng với việc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân quốc tế và phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin và gieo “hạt giống cộng sản” ở Việt Nam; trực tiếp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản vô cùng quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, trở thành nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng.

Người đặt nền móng cho Chủ nghĩa Mác-Lênin bén rễ vào cách mạng Việt Nam

Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, lại tận mắt chứng kiến cảnh thất bại của phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tuy rất khâm phục các bậc tiền bối, song anh quyết định ra đi tìm con đường cứu nước mới. Anh đã sang châu Âu, đến các nước Pháp, Anh, nơi chủ nghĩa tư bản tự cho mình là trung tâm kinh tế, văn hóa thế giới, có sứ mệnh “khai hóa cho các nước chậm phát triển”, để xem các nước ấy “làm ăn” như thế nào, cái gì ẩn chứa đằng sau khẩu hiệu “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” rồi trở về giúp đồng bào ta đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trải qua gần 10 năm bôn ba, nhờ tắm mình trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, tận mắt chứng kiến những biến động xảy ra ở trời Âu và tội ác của giai cấp bóc lột ở nhiều nước trên thế giới; với sự cầu thị, ham học hỏi, vốn sống, kinh nghiệm đã tích lũy và trình độ ngoại ngữ ngày càng thông thạo, Nguyễn Ái Quốc đã có thêm những nhận thức mới.

Nguyễn Ái Quốc đã rút ra những nhận xét, kết luận hữu ích, tìm thấy những tinh hoa tốt đẹp cần tiếp thu và cả những gì là hạn chế, bất cập cần phải khắc phục. Vì thế, tình yêu quê hương, ý thức dân tộc và giai cấp ở Nguyễn Ái Quốc từng bước phát triển; các mối quan hệ được mở rộng; ý thức đoàn kết, hợp tác quốc tế được nâng cao.

Đó là hành trang cần thiết để Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành người cộng sản chân chính. Năm 1920, Người đã đọc được Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đăng trên báo L'Humanité (Nhân đạo).

Bản Luận cương là lời giải đáp đầy đủ, sâu sắc và thuyết phục nhất đối với Người về những câu hỏi mà bấy lâu trăn trở, tìm tòi, khát vọng tìm kiếm. Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(1).

Ảnh minh họa . TTXVN

Tiếp nhận thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp khoa học của bản Luận cương Lê-nin là luồng sinh khí mới, lại tích cực tham gia hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản.

Đó là bước nhảy vọt về chất trong nhận thức của Người, là một sự kiện đặc biệt trọng đại, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, quyết định tầm nhìn, quan điểm, lập trường; sự lựa chọn con đường cứu nước, cứu dân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây là sự hội tụ, kết tinh ý chí, khát vọng và là tinh thần của cả một dân tộc; phản ánh tâm nguyện của nhiều bậc tiền bối, các sĩ phu yêu nước nhưng chưa có điều kiện thực hiện.

Ngoài việc công khai phát biểu ý kiến khẳng định vai trò tiên phong của lý luận khoa học và sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và quần chúng nhân dân lao động, Nguyễn Ái Quốc còn kêu gọi Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề thuộc địa. Để vạch mặt và tố cáo tội ác của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và xuất bản Tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) do Người trực tiếp làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Với sự ra đời của tờ báo ấy, việc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và các dân tộc thuộc địa ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Từ đây, tư tưởng giải phóng con người, nhất là giải phóng nhân dân các nước thuộc địa ở Hồ Chí Minh đã hình thành rõ nét và không ngừng phát triển; được truyền bá ngày càng sâu rộng vào các nước thuộc địa, được dân chúng đón nhận và đi theo.

Tiếp cận và hiểu đầy đủ, sâu sắc bản chất khoa học, cách mạng Chủ nghĩa Mác-Lênin, giá trị và ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười Nga diễn ra trong thời gian Nguyễn Ái Quốc công tác, học tập ở Liên Xô (1923-1924), tham dự Hội nghị Quốc tế Công hội đỏ.

Sau đó, Nguyễn Ái Quốc vào học lớp bồi dưỡng lý luận tại Trường Đại học Phương Đông. Tại quê hương của Lê-nin vĩ đại, Người đã nhiều lần phát biểu ý kiến ca ngợi Lê-nin, ca ngợi thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và kết quả xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.

Người đã nghiên cứu bộ sách "Tư bản" của C.Mác và "Chính sách kinh tế mới" của Lê-nin, cùng với đó, tham khảo những bài học kinh nghiệm về cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước xô viết và viết tác phẩm "Nhật ký chìm tàu" để tuyên truyền giá trị, ý nghĩa của Chủ nghĩa Mác-Lênin, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Người đã rút ra kết luận: Việt Nam muốn giành độc lập dân tộc không có con đường nào khác là phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo Lênin.

Nguyễn Ái Quốc đã tới Quảng Châu (Trung Quốc), ở đó, Người đã sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ra Báo Thanh niên và mở lớp đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Người khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu, học tập lý luận khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(2). Đồng thời, chỉ ra nhiệm vụ cấp bách của người cách mạng là đấu tranh giải phóng dân tộc.

Có thể nói rằng, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận Mác-Lênin đã giúp Người phân tích, tổng kết kinh nghiệm cách mạng thế giới, tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Vì vậy, trong các văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định những nội dung cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin và nhấn mạnh sự cần thiết phải học tập, nghiên cứu và truyền bá sâu rộng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và quảng đại quần chúng nhân dân. Các văn kiện đó đã trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta.

Tổng kết kinh nghiệm, thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ, thắng lợi của chúng ta, trước hết là nhờ có vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người coi Chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là “cái cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam cho hành động, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vì lẽ đó, Người đánh giá rất cao cống hiến vĩ đại của Lê-nin đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa.

Bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin

Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp quyết định bước phát triển mới về chất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu không có Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng chỉ là một nhà yêu nước như bao nhà yêu nước khác ở Việt Nam đầu thế kỷ 20: Chung một khát vọng giải phóng dân tộc, mong muốn giành lấy tự do, độc lập nhờ vào sự giúp đỡ của nước ngoài.

Nếu không đọc Luận cương của Lê-nin, chưa đến được với Chủ nghĩa Lê-nin, chưa trở thành người cộng sản chân chính thì quan điểm, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chưa thể tạo ra bước ngoặt cách mạng, không có điều kiện để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và do đó, Người không thể đặt nền móng cho tư tưởng mác-xít đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa kết trái trên quê hương Tổ quốc Việt Nam.

Chính Chủ nghĩa Mác-Lênin đã trang bị cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng để Người tìm ra con đường cứu nước mới, đưa Người vượt lên phía trước mọi thiên kiến hẹp hòi, khắc phục căn bản sự khủng hoảng về chính trị, sự bế tắc về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, “gieo mầm cộng sản” trên quê hương Việt Nam.

Sự phát triển tư tưởng mác-xít ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là kết quả tất yếu của quá trình xâm nhập, thẩm thấu Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam, gắn liền với công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; nhờ đó mà tư tưởng yêu nước gắn liền với tư tưởng quốc tế vô sản.

Mục tiêu cứu nước, cứu dân ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 được dẫn dắt bởi một lý luận khoa học, cách mạng soi sáng, dẫn đường. Vì lẽ đó, Chủ nghĩa Mác-Lênin đóng vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, vũ trang lý luận cho con đường đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, giúp họ thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Rõ ràng, với việc trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin cho đội ngũ cán bộ cốt cán ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, Hồ Chí Minh đã giúp họ hòa nhập vào cách mạng thế giới, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam-Đảng mácxít-lêninnít kiểu mới, đội tiên phong của giai cấp công nhân, bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

Từ đây, tinh thần “biện chứng pháp” của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã thể hiện sâu sắc trong các văn kiện, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng. Các văn kiện thành lập Đảng như Chính cương vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh khởi thảo và các nghị quyết của Đảng ta soạn thảo từ năm 1930 đến nay đều thể hiện tinh thần sống động của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thấm nhuần sâu sắc giá trị khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Những điều nêu trên đã giải nghĩa sâu sắc lý do vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một, nhất quán với lập trường, quan điểm lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; vì sao chúng ta phải kiên định, trung thành và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin trong bối cảnh mới; không được mắc sai lầm trong nhận thức, vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam sao cho phù hợp.

Đó cũng là điều giải thích rõ ràng vì sao bên cạnh Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nội dung đặc biệt quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Vì sao Bộ Chính trị khóa XII lại ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, với mục tiêu và ý nghĩa là phải bảo vệ bằng được thành trì lý luận chính trị của Đảng, bảo đảm cho kim chỉ nam của Đảng luôn chỉ đúng hướng và ngày càng chi phối, thấm sâu vào tư tưởng của mọi cán bộ, đảng viên và đời sống tinh thần xã hội.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 562.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 289.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Cái giá phải trả cho kẻ ảo vọng chính trị, chống Đảng và Nhà nước

Thấu cảm được những thiệt thòi của Đinh Văn Hải (SN 1974, ngụ xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) trong cuộc sống, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng địa phương luôn dành cho Hải sự quan tâm với đầy đủ những chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho người khuyết tật.

Thế nhưng, Hải lại ngày càng lún sâu vào ảo vọng và trở thành “con buôn chính trị” dưới sự hậu thuẫn, giật dây của những đối tượng bất hảo, chống Đảng và Nhà nước.

Theo Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng lên 5 tuổi, Đinh Văn Hải bị tàn tật do di chứng từ căn bệnh sốt bại liệt. Học hết lớp 9, đối tượng bỏ học và sống khép kín, một phần vì mặc cảm tự ti do bản thân bị tàn tật, phần do bản tính ngông cuồng, luôn tự cho mình là tài giỏi, có hiểu biết hơn người nên ít ai có thiện cảm khi tiếp xúc với Đinh Văn Hải, kể cả người thân trong gia đình.

Cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt tạm giam Đinh Văn Hải.

Những năm gần đây, Hải ngày càng lún sâu vào con đường vi phạm pháp luật bằng việc làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Đảng và Nhà nước. Thấy con trai có suy nghĩ tiêu cực, hành vi lệch lạc, thường xuyên liên hệ với các đối tượng phản động, cực đoan, đi ngược lại với kỳ vọng, mong muốn chung của nhân dân, gia đình, ông Đinh Văn Lắm (SN 1943), là bố của Hải cùng người thân trong gia đình vô cùng đau lòng.

Càng buồn hơn, ông Đinh Văn Lắm từng là tù nhân chính trị, bị địch bắt tù đày ra Côn Đảo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cả đời ông đã không tiếc tính mạng, xương máu, chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhưng nay Đinh Văn Hải lại có những việc làm đi ngược với truyền thống Cách mạng vẻ vang của gia đình, phủ nhận thành quả mà chính cha mình đã không tiếc tính mạng, xương máu, đóng góp công sức bảo vệ, xây dựng.

Từ năm 2014 tới nay, Đinh Văn Hải đã sa vào vòng xoáy của những thông tin xấu, độc, chống Đảng, Nhà nước do các đối tượng chống đối chính trị đăng tải. Đối tượng này nhanh chóng lợi dụng mạng xã hội làm công cụ để hùa theo, câu kết với những kẻ phản động trong và ngoài nước đăng tải những bài viết, video có nội dung xuyên tạc sự thật trên nhiều lĩnh vực. Đinh Văn Hải còn liên kết với số đối tượng chống đối cực đoan trong tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện phức tạp, số bất mãn chính trị trong các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phản động nhằm đánh bóng tên tuổi của mình.

Sau vài lần tham gia tụ tập đông người, kích động nhân dân với vỏ bọc biểu tình phản đối Formosa, Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng… Đinh Văn Hải được một số đối tượng chống đối quan tâm, rủ rê tham gia vào những hoạt động phi pháp của chúng. Tháng 7/2017, Đinh Văn Hải tụ tập nhiều người gây mất trật tự ở nơi công cộng, bị Công an TP Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, được sự tâng bốc, giật dây của những kẻ phản động, Hải vẫn chứng nào tật ấy, thậm chí cố tình chống phá nhiều hơn để gây tiếng vang. Đinh Văn Hải còn thường xuyên liên lạc, trao đổi với số đối tượng chống đối, phản động khác ở trong và ngoài nước để xin kinh phí tài trợ, như Emily Page-Le (đối tượng của tổ chức khủng bố “Việt Tân”, cư trú ở Mỹ), Nguyễn Thuý Hạnh (Hà Nội), Võ Hồng Ly (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Đức Lão (tu sĩ “dỏm” ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), Ngô Thị Thứ (TP Hồ Chí Minh)… Ngoài ra, Hải còn móc nối, quan hệ với các cá nhân trong tổ chức khủng bố “Triều Đại Việt”.

Đinh Văn Hải cũng dần lộ nguyên hình khi chuyển sang bài xin tiền thông qua hình thức “trình bày hoàn cảnh”, từ việc bị tàn tật không có tiền chữa bệnh, làm ăn thất bại đến việc giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn mà không thể nói ra…

Cũng từ đây, đối tượng tự biến mình thành con rối để đám “dân chủ cuội” giật dây kiếm lời, dấn sâu vào con đường tội lỗi, báng bổ, xúc phạm sự hy sinh của cha mẹ, người thân của mình. Đinh Văn Hải cũng chính là một trong những đối tượng quản trị nhóm “Lều của đầy tớ”, nơi tập hợp các bài viết, video, hình ảnh chống Đảng, Nhà nước của các đối tượng phản động trên facebook.

Để chứng minh năng lực của bản thân cho các “nhà dân chủ cuội”, Hải còn lập Facebook “Đinh Văn Hải - Tiếng vọng hành tinh” ra sức làm, đăng tải các bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận địa phương.

Đại tá Trần Hữu Nghĩa, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, với phương châm đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, ngay khi phát hiện những hành vi lệch lạc của Đinh Văn Hải, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã nhiều lần phối hợp với gia đình, tổ chức các buổi nói chuyện, phân tích, chỉ rõ hành vi sai trái để khuyên răn Hải cải tà quy chính.

Dù vậy, đối tượng vẫn bỏ mọi chuyện ngoài tai, một mực đi theo “tiếng gọi” của những nhà “dân chủ cuội”. Các video, bài viết với nội dung chống Đảng, Nhà nước của Đinh Văn Hải xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều. Tính chất vụ việc cực đoan, xuyên tạc nguy hiểm, có quan hệ gắn bó mật thiết, móc nối với số đối tượng, các tổ chức phản động trong và ngoài nước.

Tháng 5/2021, Đinh Văn Hải đã sử dụng mạng xã hội kích động người dân địa phương xuống đường biểu tình, không đi bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Dĩ nhiên, chẳng ai nghe và làm theo lời xúi giục vi phạm pháp luật của đối tượng này. Khi được chính quyền địa phương đưa thùng phiếu tới nhà để Hải thực hiện quyền công dân, bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đối tượng chống đối ra mặt, không chịu bỏ phiếu bầu mà chụp ảnh đưa lên mạng xã hội xuyên tạc sự thật. Sau sự kiện này, Đinh Văn Hải càng bị các thành viên trong gia đình lên án, hàng xóm tẩy chay. Không còn “đất sống”, đối tượng lặng lẽ bỏ đi khỏi địa phương.

Qua thống kê sơ bộ trên tài khoản facebook cá nhân, Đinh Văn Hải đã phát trực tiếp 13 video, đăng tải 79 bài viết trên mạng xã hội. Ngày 22/6/2021, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng có kết luận về nội dung các bài viết, video trên facebook của Đinh Văn Hải đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Cụ thể: Đả kích công cuộc xây dựng CNXH, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả Cách mạng; nói sai sự thật, bóp méo tình hình thực tế, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; nói xấu, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh; bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước...

Với những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Đinh Văn Hải, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Hải để điều tra về tội: “Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Thời điểm bị bắt, Đinh Văn Hải đang lẩn trốn tại một ngôi chùa ở xã Phước Thiện, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dưới sự hậu thuẫn của một số đối tượng cốt cán có hành vi chống Đảng và Nhà nước. 

Khắc Lịch - Báo CAND

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Truy tố Phạm Thị Đoan Trang về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước

Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978), trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo cáo trạng, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Phạm Thị Đoan Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước cũng như "phỉ báng chính quyền nhân dân".

Cụ thể, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam"; "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam"; "Báo cáo đánh giá về Luật Tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở  Việt Nam"...

Bị can Phạm Thị Đoan Trang (Ảnh:Vietnamnet)

Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền với luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền, thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Quá trình làm việc với Cơ quan Công an, Phạm Thị Đoan Trang xác nhận, mình là tác giả của báo cáo nghiên cứu về luật tín ngưỡng, tôn giáo. Bị can cùng nhóm tác giả viết báo cáo này bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên trang điện tử do mình lập ra.

VKSND TP Hà Nội xác định bị can này đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA), trong đó phát ngôn "tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước". Do đó, Phạm Thị Đoan Trang phải chịu trách nhiệm hình sự vì nhiều lần thực hiện hành vi làm ra, tàng trữ và lưu hành các tài liệu có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Phạm Thị Đoan Trang từng là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội. Từ năm 2000-2002 là phóng viên Báo Điện tử Vnexpress; từ 2002-2004 là nhân viên Công ty quảng cáo HAKI Lê; từ 2002-2006 là nhân viên Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC; 2006-2008 là cộng tác viên Báo Vietnamnet.

Tháng 3/2010 đến tháng 1/2013, Phạm Thị Đoan Trang là phóng viên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Đến tháng 1/2013, đối tượng xuất cảnh đi Philippines không xin phép nên bị kỷ luật buộc thôi việc.

A.Quỳnh – Báo CAND

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...