QĐND Online – Gần đây, có một số người chỉ dựa vào thư của Nguyễn Tất Thành viết ngày 15-9-1911 gửi Tổng thống Pháp xin vào học Trường Thuộc địa (École Coloniale) ở Paris và sự từ chối của giám đốc trường này để rồi quy chụp rằng “Nguyễn Tất Thành, bỏ nước ra đi chỉ với mục đích tìm đường làm quan, để giải quyết chuyện cơm ăn áo mặc của riêng mình, chứ không hề có ý định cứu nước giúp dân…”.
Đó
là lập luận với ý đồ xấu nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. Là một nhà nghiên
cứu lịch sử, PGS, TS Vũ Quang Hiển (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có bài viết gửi
Báo Quân đội nhân dân Điện tử phản bác quan điểm sai trái trên.
Do thiếu
phương pháp luận khoa học, nhất là quan điểm lịch sử cụ thể và quan điểm toàn
diện, họ đã lấy cái cá biệt thay cho cái toàn thể, lấy một hiện tượng thay cho
bản chất. Đó là thuật ngụy biện, dẫn đến những kết luận sai lầm và mang nặng
tính chủ quan. Nhưng điều tệ hại hơn, những kết luận đó được không ít những
người khác lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc, gây hoài nghi về tấm lòng giúp
dân, cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, nhằm “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”,
làm lung lạc niềm tin của nhân dân Việt Nam đối với lãnh tụ của mình.
Đã có nhiều bài
viết phản bác luận điểm trên, thiết nghĩ không cần phải bàn thêm. Nhưng khảo
cứu lại điều kiện lịch sử lúc đó, tôi muốn làm sáng tỏ thêm một vấn đề căn cơ
hơn: Vì sao Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước? Xin tóm tắt như sau:
Trước hết, xuất
phát từ yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Bến Nhà Rồng trong một bưu thiếp thời thuộc địa. Ảnh tư liệu
Từ khi
Pháp xâm lược Việt Nam, phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam
đã diễn ra liên tục và anh dũng, với tinh thần “người trước ngã, người sau đứng
dậy”. Nhiều phong trào yêu nước và con đường cứu nước theo các khuynh hướng
phong kiến và tư sản diễn ra liên tiếp cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhưng
đều không thành công. Sự nghiệp cứu nước lâm vào một “tình hình đen tối tưởng
như không có đường ra”, đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tìm một con đường cứu
nước mới.
Đất nước mất độc
lập, nhân dân mất tự do. Độc lập tự do là khát vọng cháy bỏng của mọi người
Việt Nam yêu nước, thôi thúc nhiều người ra đi tìm đường cứu nước, trong đó có
Nguyễn Tất Thành.
Thứ hai, do sự
hấp dẫn của văn minh nhân loại, nhất là khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”
của cách mạng Pháp.
Sinh ra và lớn
lên trong một nhà Nho giàu lòng yêu nước, Nguyễn Tất Thành sớm chịu ảnh hưởng
của gia đình và truyền thống văn hoá của quê hương xứ Nghệ, có sự am hiểu về
Nho giáo. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá phương Đông, nhưng ở Nguyễn Tất
Thành không có sự chối bỏ, hay mâu thuẫn với văn hoá phương Tây. Với tư duy văn
hoá mở, Nguyễn Tất Thành cảm nhận được sự phong phú của các nền văn hóa, hướng
tới một thế giới năng động và sáng tạo, nhất là nơi có khoa học, kỹ thuật phát
triển và những tư tưởng mới.
Tháng 9-1905,
vào tuổi 13, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được thân phụ Nguyễn Sinh Huy
xin cho theo học lớp dự bị (préparatoire) Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở Vinh.
Tại đây, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với khẩu hiệu TỰ DO – BÌNH ĐẲNG – BÁC
ÁI và “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng
sau những chữ ấy”[1]. Trong thời gian làm thầy giáo ở Trường Dục Thanh, Phan
Thiết (1910), Nguyễn Tất Thành được đọc Tân thư trong gia đình cụ Nguyễn Thông,
tiếp cận với các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái do
những triết gia và văn hào Pháp khởi xướng như J.J. Rousseau, Ch. De
Montesquieu, Fr. Voltaire… Nguyễn Tất Thành được đọc một số tờ báo phát hành
sang Việt Nam, nên “nảy ra ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao”[2].
Ý tưởng đi sang
phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân
loại từng bước lớn lên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành, thể hiện sự mong muốn
tiếp thu giá trị văn hoá nhân loại, là bước khởi động để đưa Việt Nam hội nhập
vào các trào lưu tiến bộ của thời đại.
Thứ ba, nhờ trí
tuệ và sự nhạy cảm về chính trị chính trị, Nguyễn Tất Thành nhận thấy sự cần
thiết phải tìm một con đường mới.
Nguyễn Tất Thành
nhận thấy hạn chế trong phong trào cứu nước của các vị tiền bối. Phong trào
Đông Du tan rã, chứng tỏ không thể dựa vào Nhật để đánh Pháp, điều đó chẳng
khác gì “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Thất bại của phong trào Duy tân
cũng cho thấy việc trông chờ vào thiện chí cuả người Pháp để được trao trả nền
độc lập cũng chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”. Khởi nghĩa của Hoàng Hoa
Thám tuy có phần thực tế hơn, “nhưng vẫn mang nặng cốt cách phong kiến".
Chính vì thế, mặc dù rất khâm phục tinh thần cứu nước của các vị tiền bối,
nhưng Nguyễn Tất Thành không theo con đường của họ.
Được theo phụ
thân đi nhiều nơi gặp những người cùng chí hướng để bàn luận về thời cuộc,
Nguyễn Tất Thành có điều kiện mở rộng tầm nhìn, tầm suy nghĩ, thấy rõ sự thống
khổ của nhân dân, nên “sớm có chí đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào”
và không khỏi băn khoăn khi thấy nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân không thành
công. Làm thế nào để cứu nước là câu hỏi sớm được đặt ra trong tâm trí người
thiếu niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Năm học
1908-1909, Nguyễn Tất Thành vào học Trường Quốc học Huế, tận mắt chứng kiến
cảnh thực dân Pháp khinh rẻ, bóc lột, hành hạ người Việt Nam, được nghe kể về
những hành động của những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những bàn
luận của những sĩ phu yêu nước về con đường cứu nước.
Ngày 4-12-1908,
Nguyễn Tất Thành tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên. Họ
đi tay không, chỉ đòi giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc
ngắn và gọi nhau là “đồng bào”. Vì những hoạt động yêu nước, Nguyễn Tất
Thành bị người Pháp để ý theo dõi. Ông Nguyễn Sinh Sắc cũng bị chính quyền
thuộc địa khiển trách vì để con trai có những hoạt động bài Pháp. Nguyễn Tất
Thành được chứng kiến thực dân Pháp khinh rẻ, bóc lột, hành hạ người Việt Nam,
nhà trường ca ngợi chế độ thực dân phong kiến; được nghe kể về hành động của
những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những bàn luận về con đường
cứu nước trong các sĩ phu yêu nước…
Một lần trả lời
nhà văn Mỹ Anna Luyxơtơrông, Nguyễn Ái Quốc nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó
có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình
thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là
Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra
sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[3].
Thứ tư, một
quyết định lịch sử của cá nhân Nguyễn Tất Thành
Được chứng kiến
thất bại của các phong trào yêu nước chống Pháp, từ lòng yêu nước và khát vọng
giải phóng dân tộc, năm 1911 Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu
nước.
Trước khi đi,
Tất Thành bàn với một người bạn thân: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và
các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào
chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau
ốm… Anh muốn đi với tôi không?”. Khi người bạn hỏi “lấy đâu ra tiền mà đi?”,
Nguyễn Tất Thành vừa nói, vừa giơ hai bàn tay một cách tự tin và kiên quyết:
“Đây, tiền đây… chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và
để đi”[4].
Ngày 3-6-1911,
Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba được một thuỷ thủ dẫn lên tàu Đô đốc
Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), một con tàu lớn của hãng Sácgiơ
Rêuyni (Charge Réuni), vừa chở khách, vừa chở hàng, gặp thuyền trưởng Maixen
(Maisen) và được nhận làm phụ bếp trên tàu. Chuyến đi được xác định.
Ngày 5-6-1911,
con tàu Amiral Latouche Tréville nhổ neo, rời bến cảng Sài Gòn đi Marseille.
Với hành trang là chủ nghĩa yêu nước, cuộc hành trình đi tìm chân lý của Nguyễn
Ái Quốc bắt đầu. Đó là chuyến đi một mình, không theo một tổ chức nào, cũng
không có nguồn tài trợ của bất cứ ai. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc vượt qua các đại
dương đầy sóng gió, tự lao động để kiếm sống, đến với nhân loại cần lao đang
tranh đấu ở nhiều châu lục và quốc gia trên thế giới, ở cả phương Đông và phương
Tây, cả các nước tư bản và thuộc địa.
Một thời kỳ mới
trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - thời kỳ khảo nghiệm và tìm kiếm
chân lý cứu nước bắt đầu.
Sự kiện Nguyễn
Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911) không phải là một hiện tượng ngẫu
nhiên, mà là một quyết định lịch sử, khởi đầu từ ý tưởng “làm quen với nền văn
minh Pháp” xuất hiện từ thuở thiếu thời, khi được nghe các vị tiền bối luận bàn
về phương thức cứu nước, cứu dân; được thôi thúc bởi thực tiễn phong trào yêu
nước của nhân dân và sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp. Sự kiện đó thể hiện
thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén của Nguyễn Ái Quốc trước những
thử thách khắc nghiệt của vận nước và sự biến chuyển của thời đại. Đó là quyết
định mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm vươn tới một chân trời mới, đưa đất nước
hội nhập vào trào lưu tiến hoá của nhân loại, hướng tới giải phóng triệt để con
người khỏi sự áp bức về mặt dân tộc, sự bóc lột về mặt giai cấp và sự nô dịch
về mặt tinh thần.
Bản lĩnh Nguyễn
Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ngay từ quá trình tìm đường cứu nước, đã khởi đầu một
hướng đi mới cho dân tộc Việt Nam, mà Ô. Manđenxtam cảm nhận “như nghe thấy
ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”[5].
PGS, TS VŨ QUANG HIỂN, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1] Đây là lời kể với nhà văn Liên Xô Ôlíp
Manđenxtam vào năm 1923 (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2000, tr. 477).
[2] Đây là lời Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng
vấn của phóng viên Giôvanni Giécmanéttô (báo L’UNITÀ của Đảng Cộng sản Italia
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t. 1, tr. 465).
[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời
hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 25-26.
[4] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời
hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb, Chính trị quốc gia và Nxb. Trẻ, Hà Nội, 2005,
tr. 13-14.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdđ, t. 1, tr. 463.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét