Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử (Tiếp theo và hết)

Bài 3: Không thể phá được ngày hội của toàn dân

QĐND - Càng gần đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch càng đẩy mạnh việc xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, cổ xúy cho một số đối tượng tự xưng là “nhà dân chủ” tự ứng cử, nói xấu các nhân sự là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi “tẩy chay bầu cử”...

Thế nhưng những âm mưu thâm độc đó sẽ bị vạch trần và chắc chắn ngày bầu cử sẽ là ngày hội lớn.

Herostratus và những “kẻ đốt đền” thời nay

Vào đêm hè của năm 356 trước Công nguyên, một sự kiện đã gây chấn động toàn bộ thế giới văn minh thời điểm đó. Trong đêm khuya thanh vắng, ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở đền Artemis (kỳ quan thứ tư trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại). Trong chốc lát, ngôi đền đã biến thành những đống đổ nát, khói lửa mù mịt... Thủ phạm gây ra tai họa này là Herostratus. Tại phiên tòa xét xử Herostratus sau đó, Herostratus đã làm ngỡ ngàng các quan tòa khi thừa nhận việc mình đốt ngôi đền chỉ vì muốn được lưu danh muôn thuở. Herostratus bị treo cổ kèm theo hình phạt bổ sung là: Mãi mãi không ai được nhắc đến cái tên gắn liền với tội ác hủy diệt thế giới văn minh theo cách man rợ này! Thế nhưng, cái tên Herostratus với biệt danh “kẻ đốt đền” vẫn mãi mãi được lưu truyền với lời nguyền rủa của nhân loại.

Điều đáng buồn là gần 2.400 năm sau vẫn còn có những người có tư tưởng giống như “kẻ đốt đền" Herostratus. Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện hình ảnh một ông già tóc bạc phơ, để dài như tóc phụ nữ, kêu gọi mọi người hãy ủng hộ ông vào Quốc hội. Theo như lời giới thiệu trên trang Facebook cá nhân thì vị này đã 84 tuổi, từng là giáo sư của một trường đại học lớn, từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng do “bất đồng chính kiến” nên đã làm đơn xin ra khỏi Đảng. Ông này hùng hồn tuyên bố trên trang Facebook cá nhân: “Nếu vào được Quốc hội, tôi sẽ không chịu bị biến thành nghị gật”.

Ảnh minh họa/tuyengiaoangiang.vn

Trả lời phỏng vấn một tờ báo nước ngoài, vị này nói: “Tôi năm nay ngoài 80 tuổi nhưng tôi thấy vẫn còn sức khỏe tốt, quan trọng nhất là tôi có nhiều tư tưởng, ý nghĩ, mong muốn đóng góp để xây dựng đất nước... Tôi thực sự mong đất nước có một Quốc hội đúng nghĩa Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân. Muốn như vậy, Quốc hội phải có nhiều người giỏi để làm luật, thực hiện vai trò là cơ quan lập pháp... Mong ước đầu tiên của tôi khi vào Quốc hội là tôi sẽ cải cách, đổi mới cách làm luật...”. 

Thoáng nghe thì có người khen vì ông đã già rồi mà vẫn “mong muốn đóng góp để xây dựng đất nước” và nghĩ rằng chắc ông ta sẽ giỏi luật lắm, nhưng đọc kỹ lại thấy vị này chẳng hiểu luật bởi lẽ pháp luật của ta cũng như của tất cả các quốc gia trên thế giới chẳng có điều khoản nào cấm đoán người dân đóng góp để xây dựng đất nước. Mặt khác, quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam hiện nay đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là phù hợp với thực tiễn. Hệ thống luật pháp do Quốc hội xây dựng trong thời gian qua đã bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và có chất lượng cao. Chất lượng luật pháp được thể hiện rõ nét nhất qua thực tế vận hành trong cuộc sống. Nếu chất lượng pháp luật không tốt thì không thể mang lại sự quản lý tốt, thực thi tốt và nền kinh tế-xã hội không thể phát triển tốt như nhiệm kỳ vừa qua.

Ông cho rằng trong Quốc hội Việt Nam “có nhiều nghị gật” là ý kiến rất hồ đồ. Thực tế, hoạt động tranh luận đã diễn ra rất sôi nổi ở tất cả các phiên họp của Quốc hội, kể cả những phiên được tường thuật trực tiếp lẫn những phiên không tường thuật trực tiếp trên truyền hình. Các đại biểu hiện đang thực hiện tranh luận, phản biện theo hình thức giơ bảng để tranh luận trực tiếp không chỉ với thành viên Chính phủ, người đứng đầu các lĩnh vực trong các buổi chất vấn hay giải trình mà còn tranh luận với chính các ĐBQH khác khi thảo luận về những vấn đề trong các phiên họp.

Ngoài vị cao niên nói trên còn có một số người “bất đồng chính kiến”, dù không đủ uy tín trong cử tri nơi cư trú vẫn cứ hô hào các cử tri phải ủng hộ mình với những lời nói hoa mỹ trên mạng xã hội, rằng nếu được làm ĐBQH, đại biểu HĐND thì sẽ thế này, thế nọ, như thể họ là “siêu nhân”, thực ra không ít người trong số họ là những “kẻ đốt đền”, muốn được nhiều người biết mà thôi.

Vận động cử tri không đi bầu cử là vi phạm pháp luật

Trên mạng xã hội hiện nay đã xuất hiện những “lời vận động” cử tri không đi bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Họ không biết rằng hoặc cố tình không biết đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân. Để có quyền bầu cử, cả dân tộc, toàn thể nhân dân ta phải đấu tranh hàng nghìn năm, phải đổ biết bao xương máu, chúng ta mới có được.

Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực của nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn của công dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Trước năm 1945, Việt Nam chưa bao giờ có Hiến pháp, chưa có bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã mang lại cho nhân dân ta nhiều quyền lợi mà trước kia họ chưa bao giờ có, trong đó có quyền bầu cử và quyền ứng cử. Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 đã khẳng định quyền ứng cử và bầu cử của công dân tại Điều 18, được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I thông qua ngày 9-11-1946 nêu rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Trải qua 3 bản Hiến pháp sau đó (các năm: 1959, 1980 và 1992), quyền bầu cử và ứng cử vẫn tiếp tục được khẳng định. Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 2013) tại Điều 27 hiến định: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Như vậy, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền quan trọng của công dân, đi đôi với quyền là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Vận động cử tri không đi bầu cử là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân.

Cũng có người phát biểu trên mạng xã hội hoặc trả lời báo chí nước ngoài rằng, việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ở nước ta là “áp đặt, thiếu dân chủ”. Xin thưa với các vị, trên thế giới này, khi nói đến bầu cử, ứng cử ở một quốc gia có dân chủ, công bằng hay không, người ta phải xem xét toàn bộ hệ thống bầu cử, ứng cử và nhất là kết quả của hệ thống đó được áp dụng vào bối cảnh đặc thù về lịch sử, văn hóa chính trị của một quốc gia-dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại như thế nào, chứ không thể chỉ nhìn vào một yếu tố nào đó để khái quát, đánh giá. Hệ thống pháp luật về bầu cử của Việt Nam ra đời từ khi ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay đều có quy định cử tri bầu ĐBQH và HĐND các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nguyên tắc này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bảo đảm số lượng đại biểu của mỗi địa phương tỷ lệ với số cử tri của địa phương đó. Các cử tri được bầu cử trực tiếp các đại diện của mình ở các cơ quan dân cử từ cấp cơ sở đến Quốc hội.

Là một quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến điều này. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành (Luật số 85/2015/QH13) quy định: “Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số". Thực tế trong nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ đại biểu thuộc dân tộc thiểu số luôn luôn cao hơn tỷ lệ dân số. Nhiệm kỳ khóa XI, số đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 17,2%; nhiệm kỳ khóa XIV, chiếm 17,3%; trong khi đó, tỷ lệ 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 13% dân số Việt Nam.

Phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội, nâng cao vai trò của phụ nữ, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành quy định: “Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”. Theo báo cáo của Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM), tỷ lệ nữ ĐBQH của Việt Nam trong những nhiệm kỳ gần đây cao hơn nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Không thể xuyên tạc sự thật, phá hoại ngày hội lớn của nhân dân

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước vào ngày 23-5-2021. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Qua đó đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp luôn là ngày hội của toàn dân, toàn Đảng và toàn quân ta. Để chuẩn bị cho ngày hội lớn diễn ra vào tháng 5 tới, ngay từ giữa năm trước (ngày 20-6-2020), Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra.
Tính đến hết ngày 19-3-2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tại nhiều hội nghị hiệp thương đã thể hiện không khí thực sự dân chủ trong việc đóng góp các ý kiến đối với bản dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Thường trực HĐND; về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất và điều kiện tham gia của ĐBQH, đại biểu HĐND trong giai đoạn hiện nay.

Ngay sau hội nghị hiệp thương lần hai, theo quy định, Ủy ban MTTQ các địa phương đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử. Thông qua hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người được giới thiệu ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại hội nghị hiệp thương lần ba. Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú sẽ không được đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần ba, trừ trường hợp đặc biệt sẽ được báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương lần ba xem xét, quyết định.

Theo kế hoạch bầu cử, hội nghị hiệp thương lần ba sẽ được tổ chức trước 17 giờ ngày 19-4-2021.
Nhân dân cả nước đang hy vọng và mong muốn những kẻ tham nhũng, cơ hội chính trị, “kẻ đốt đền” sẽ được các cử tri nơi cư trú phát hiện để đưa ra khỏi danh sách ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Đông đảo cử tri của chúng ta đã hiểu rõ điều này. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan báo chí cần phải tiếp tục tuyên truyền, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu thâm độc “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch để ngày bầu cử của chúng ta tới đây - ngày 23-5-2021 - thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.

ĐỖ PHÚ THỌ - HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG 

Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử (tiếp theo)

Bài 2: Thủ đoạn “ăn vạ” phía sau chiêu trò tự ứng cử

QĐND - Từ chủ trương, chính sách của Đảng đến Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đều khuyến khích người có đức, có tài tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) để góp sức xây dựng đất nước.

Thực tế đã có những người hội tụ đủ phẩm chất, tiêu chuẩn đã tự ứng cử thành công, được cử tri bầu làm đại biểu và có đóng góp tích cực cho nước nhà. Bên cạnh đó, cứ mỗi dịp bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND, các phần tử chống phá đều ráo riết thực hiện chiêu trò tự ứng cử. Khi biết chắc không đạt được mục đích, họ dùng thủ đoạn bôi nhọ, xuyên tạc công tác bầu cử, qua đó làm giảm niềm tin của cử tri, nhân dân và tiến tới phá hoại bầu cử. Cuộc bầu cử ĐHQB khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng vậy. Những phần tử chống phá bịa đặt, xuyên tạc rằng hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ là “nơi đấu tố”. Trong khi họ tung ra những bảng thu thập chữ ký ảo trên mạng xã hội thì lại rất sợ đứng trước hội nghị cử tri nơi cư trú-nơi tập hợp những cử tri thật, gần họ nhất, hiểu họ nhất và có những nhận xét cực kỳ chính xác về họ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN


Ứng cử là quyền Hiến định

Từ Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 cho đến tất cả những bản Hiến pháp sau này đều quy định rất rõ: Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (Điều 18, Hiến pháp năm 1946; Điều 23, Hiến pháp năm 1959; Điều 57, Hiến pháp năm 1980; Điều 54, Hiến pháp năm 1992; Điều 27, Hiến pháp năm 2013).

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Luật quy định rõ: “Người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên” (điểm b, khoản 1, Điều 36, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND). Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng nêu rõ: “Bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”.

Mới đây, trao đổi với các phóng viên báo chí, Phó chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Hầu A Lềnh đã khẳng định: Tất cả các đợt bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp từ trước tới nay đều không có cản trở vì ứng cử là quyền của công dân. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền ứng cử. Người tự ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử đều cùng chung thủ tục về hồ sơ, quy trình.

Thực tế đã có rất nhiều người tự ứng cử được cử tri nơi cư trú tín nhiệm cao, vượt qua các vòng hiệp thương để vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và được cử tri nơi ứng cử tín nhiệm bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Danh sách cụ thể những người tự ứng cử đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và danh sách những người tự ứng cử được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND các nhiệm kỳ đều rất dễ tìm thấy trên mạng internet.

Như vậy, từ chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp, pháp luật đến thực tiễn đều không có bất cứ hạn chế nào về quyền ứng cử của công dân, ngoại trừ những trường hợp không được ứng cử quy định tại Điều 37, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND (người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can; người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án tích; người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn).

Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, người ứng cử ĐBQH phải đáp ứng tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội; người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do vậy, chỉ những người ứng cử đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới có tên trên danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Theo quy định, cử tri nơi cư trú hoặc cử tri nơi công tác sẽ nhận xét người ứng cử có đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không và trực tiếp biểu quyết nhất trí hay không nhất trí để người đó ứng cử ĐBQH/đại biểu HĐND. Kết quả của hội nghị cử tri là một trong những căn cứ quan trọng để MTTQ Việt Nam hiệp thương và quyết định điền tên người ứng cử vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không. Đây là quy trình rất chặt chẽ nhằm sàng lọc và loại bỏ những người ứng cử không đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH, đại biểu HĐND từ trước khi bầu cử.

Những chiêu “rạch mặt ăn vạ”

Những phần tử chống đối, phá hoại bầu cử biết rất rõ mình không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND, đặc biệt là các tiêu chuẩn trung thành với Hiến pháp; gương mẫu chấp hành pháp luật. Ngay những hành vi chống phá Đảng, không công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước mà họ thực hiện đã thể hiện rất rõ họ không trung thành với Hiến pháp và không chấp hành pháp luật. Vì thế, họ rất sợ các quy trình về hiệp thương, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, nguyên tắc nghị sĩ/đại biểu Quốc hội phải trung thành với Hiến pháp là nguyên tắc được áp dụng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Ngay tại Mỹ, các nghị sĩ khi đắc cử cũng phải thực hiện thủ tục tuyên thệ, thề trung thành với Hiến pháp. Nghị sĩ/đại biểu Quốc hội làm việc tại cơ quan lập pháp, nên chắc chắn không có nước nào ủng hộ nghị sĩ nước mình không tôn trọng luật pháp, không tuân thủ pháp luật.

Hơn ai hết, cử tri nơi người ứng cử cư trú/công tác là những người hiểu rõ về người ứng cử đó nhất. Nếu người ứng cử thực sự là người có đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật thì không có lý do gì phải e ngại việc lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Quy định về tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri cũng thể hiện rõ tính khách quan. Cụ thể, theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự đạt ít nhất 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất 55 cử tri tham dự hội nghị. Quy định như vậy để loại trừ trường hợp lựa chọn cử tri đi dự hội nghị, giúp hội nghị cử tri nơi cư trú cho ý kiến khách quan nhất, toàn diện nhất về người ứng cử.

Ấy vậy mà những phần tử chống phá đội lốt “người tự ứng cử” lên tiếng rêu rao trên mạng xã hội và một số trang thông tin nước ngoài rằng, hội nghị cử tri nơi cư trú là nơi để đấu tố, lên án, loại bỏ người tự ứng cử. Điều rất hài hước là những kẻ đội lốt “người tự ứng cử” để chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, phá hoại bầu cử rất tự tin trưng ra những bản tập hợp chữ ký ảo trên mạng để giới thiệu ứng cử, nhưng đứng trước cử tri thật ở chính nơi họ cư trú thì họ lại tỏ ra run sợ. Riêng điều này đã thể hiện rõ sự lòe bịp của họ về những bản “tập hợp chữ ký” và thể hiện rõ uy tín của họ ở nơi cư trú thảm hại đến mức nào. Đến cử tri nơi họ cư trú còn không muốn để họ lọt vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử, mà họ còn muốn ra oai đại diện cho cử tri cả nước được sao? Khi không vượt qua được hội nghị cử tri nơi cư trú, họ bèn sử dụng chiêu “rạch mặt ăn vạ” khi rêu rao rằng hội nghị cử tri chỉ là nơi đấu tố, lên án họ để loại họ ngay từ vòng đầu!

Cũng vì nhận thức rõ với sự quay lưng của cử tri nơi cư trú và với lý lịch bất hảo về chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, họ chắc chắn không thể vượt qua được các vòng hiệp thương do MTTQ Việt Nam tổ chức, nên họ rêu rao rằng, tổ chức hội nghị hiệp thương là vi hiến vì Hiến pháp không có quy định về hiệp thương hay về cơ cấu, thành phần ĐBQH. Chiêu “rạch mặt” này lại làm lòi ra cái dốt khác của họ về kiến thức pháp luật. Ai am hiểu về luật pháp cũng hiểu một điều rất đơn giản: Hiến pháp là đạo luật gốc, là đạo luật cơ bản nên chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất, quan trọng nhất. Không có một bản hiến pháp nào trên thế giới quy định đầy đủ mọi quy phạm để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội. Chẳng hạn, không thể nói rằng Hiến pháp không quy định về hợp đồng nên mọi quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp... là vi hiến. Thực tế, quy định về hiệp thương và các bước tiến hành hiệp thương được thể hiện rất rõ trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND nên việc MTTQ Việt Nam tổ chức hiệp thương là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và không vi hiến. Kiến thức sơ đẳng về pháp luật như vậy mà còn không hiểu,  thì những thành phần đó sao đủ tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn, năng lực để trở thành ĐBQH-người sẽ hoạt động ở cơ quan có chức năng rất quan trọng là lập pháp?

Vậy, đằng sau chiêu trò “tự ứng cử” của các phần tử chống đối, phá hoại là gì? Họ “tự ứng cử” với hy vọng hão huyền nếu trúng cử sẽ biến Quốc hội, HĐND trở thành diễn đàn cho họ thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây rối hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và của Nhà nước nói chung, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ngay trong cơ quan dân cử của nước ta. Khi không thực hiện được mục tiêu của mình, họ quay ra bịa đặt, xuyên tạc để phá hoại bầu cử. Tuy nhiên, dù dùng âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nham hiểm, ngụy quân tử đến mức nào, họ cũng không thể đánh lừa được cử tri. Bằng chứng là dù đợt bầu cử nào họ cũng ra sức hoạt động, ra sức “tự ứng cử” nhưng đều bị cử tri nơi cư trú vạch mặt thẳng thừng. Vì cử tri cực kỳ sáng suốt, nên họ chưa và sẽ không bao giờ thực hiện được mưu đồ thiếu tử tế của mình.

(Còn nữa)

ĐỖ PHÚ THỌ - HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG

 

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử

Bài 1: Mưu đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội

QĐND - LTS: Trong lúc Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng đang gấp rút tiến hành những bước cần thiết theo quy định của pháp luật để chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thì trên mạng xã hội xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, sai trái hòng làm suy giảm niềm tin của cử tri và nhân dân, phá hoại cuộc bầu cử.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN.


Vệt bài “Vạch trần chiêu trò đòi “dân chủ” vô nguyên tắc trong bầu cử” nhằm chỉ ra những mưu đồ, luận điệu sai trái chống phá bầu cử để từ đó, cử tri và nhân dân nhận diện rõ, hoàn toàn vững tin, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình trong “ngày hội của toàn dân”.

Bài 1: Mưu đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội

Một số đối tượng đòi mở rộng dân chủ trong hoạt động bầu cử và hoạt động của Quốc hội để từ đó đưa ra những yêu sách, luận điệu hoàn toàn sai trái như: Đòi Quốc hội phải độc lập với Đảng; cho rằng Đảng lãnh đạo Quốc hội là đứng ngoài và đứng trên luật pháp; rằng Đảng lãnh đạo Quốc hội là biểu hiện của mất dân chủ; đòi phải cân bằng quyền lực giữa Quốc hội và Đảng nên cần có ít nhất 50% đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên, vì chỉ có đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên mới đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, còn đại biểu Quốc hội là đảng viên chỉ bảo vệ ý chí của Đảng... Vậy những luận điệu trên sai trái và nguy hiểm như thế nào?

Đảng lãnh đạo Quốc hội đã được Hiến định

Đầu tiên cần phải khẳng định rằng, Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; do đó, mọi hoạt động đều phải thượng tôn pháp luật, không chấp nhận bất cứ một hoạt động nào trái pháp luật. Pháp luật nước ta đã quy định, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như thế, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước trong đó có Quốc hội-một cơ quan của Nhà nước-đã được khẳng định trong Hiến pháp. Cho nên, không thể có việc Quốc hội độc lập hoặc thậm chí đối lập với Đảng như yêu sách của các thế lực thù địch bên ngoài, một số phần tử chống đối hoặc một số người không am hiểu pháp luật. Và như vậy, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử Quốc hội, HĐND là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Phương thức lãnh đạo của Đảng với Quốc hội, trước tiên bằng nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho cử tri, toàn thể nhân dân nên việc Đảng lãnh đạo Quốc hội chính là để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, từ đó đưa vào thực tiễn cuộc sống.

Đảng lãnh đạo Quốc hội trực tiếp, toàn diện nhưng không làm thay, mà Đảng lãnh đạo Quốc hội là để phát huy vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, phát huy trí tuệ của Đảng Đoàn Quốc hội, các đoàn ĐBQH, từng ĐBQH và thực hiện ý nguyện của nhân dân. Thông qua hoạt động của Quốc hội (lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước) tác động lại sự lãnh đạo của Đảng trong việc đưa ra các chủ trương, chính sách mới để đưa đất nước ngày càng phát triển.

Đảng viên trong Quốc hội thể hiện bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Ý kiến đòi ĐBQH không phải là đảng viên phải chiếm 50% Quốc hội là không phù hợp. Đó là vì, Đảng lãnh đạo Quốc hội thông qua Đảng Đoàn Quốc hội và thông qua các đảng viên tại Quốc hội. Trong Quốc hội, số lượng đảng viên chiếm đa số, thuộc nhiều giai cấp, tầng lớp, thành phần trong xã hội. Có thể nói, số lượng đảng viên trong Quốc hội cũng chính là một đặc trưng, thể hiện bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng viên được bầu làm ĐBQH nhìn chung đều có trình độ, có tri thức, có đạo đức, có vị trí, vai trò nhất định trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước cũng như thực hiện đường lối chính sách của Đảng. Thông qua hoạt động của mình, các đảng viên giữ các vị trí quan trọng trong xã hội tham gia giải quyết những vấn đề của Quốc hội và cũng chính là thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua các đảng viên. Muốn nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cần định hướng, xây dựng các ĐBQH, đội ngũ cán bộ hoạt động tại Quốc hội có nhận thức chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có tri thức và chuyên môn sâu.

Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý đối với đội ngũ đại biểu; tạo nền tảng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Quan điểm cho rằng, chỉ có người ngoài đảng mới đại diện tốt cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, còn ĐBQH là đảng viên không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân là hoàn toàn xằng bậy. Bởi vì, bản chất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là cầm quyền vì lợi ích của nhân dân, đại diện cho lợi ích của nhân dân, cầm quyền theo pháp luật, cầm quyền một cách dân chủ và khoa học. Đảng cầm quyền không có mục đích nào khác vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tới nay thì mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mọi thành tựu của đất nước Việt Nam, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam đều có vai trò lãnh đạo của Đảng. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” xác định là phương thức vận hành tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam. Cơ chế này là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân, đồng thời xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới. Vì thế, các đảng viên là ĐBQH không chỉ để giữ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước mà còn là đại diện chân chính cho tiếng nói, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Có thể thấy, trong những năm qua, Quốc hội với đại đa số đại biểu là đảng viên đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực về trí tuệ, công sức vào công cuộc phát triển đất nước, thực hiện tốt vai trò là đại diện, bảo vệ cho quyền, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp của cử tri và nhân dân. Những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong phòng, chống dịch bệnh; trong việc bảo đảm và từng bước nâng cao đời sống nhân dân đã thể hiện rõ hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có Quốc hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, với các hoạt động chất vấn, tranh luận rất sôi nổi, hiệu quả tại nghị trường, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, các ĐBQH không phải là đảng viên cũng đã tham gia tích cực, hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội. Bởi vậy, việc những người ngoài Đảng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là hoàn toàn hợp pháp. Nếu hội đủ các tiêu chuẩn, được sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân theo các quy định trong hiệp thương, bầu cử thì người không phải đảng viên đều có thể trở thành ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Cánh cửa Quốc hội và HĐND các cấp luôn rộng mở đối với những người ngoài Đảng. 

Cần một lần nữa nhấn mạnh rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng đã được Hiến định, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đã mang lại những thành tựu cho đất nước trong những năm qua. Tất nhiên, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội vẫn cần phải được đổi mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới theo hướng ngày càng dân chủ hơn. Thế nhưng, dù cho đổi mới thế nào thì những thành tựu, hiệu quả cần được khẳng định, những vấn đề có tính nguyên tắc trong mối quan hệ giữa Đảng và Quốc hội, những vấn đề thuộc bản chất của chế độ chính trị vẫn cần được giữ vững. Những ý kiến, nhận xét thiếu tính xây dựng, mang động cơ chính trị đen tối, mưu đồ cá nhân không đàng hoàng cần phải được nhìn nhận rõ. Các luận điệu sai trái đòi đặt hoạt động của Quốc hội ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng, đòi ĐBQH không phải là đảng viên phải chiếm đa số, rồi Quốc hội phải hoạt động theo mô hình của các nước tư bản... thực chất chính là muốn thúc đẩy sự chuyển hóa của Quốc hội nước ta, muốn cài cắm một lực lượng đối lập trong Quốc hội, để biến nghị trường Quốc hội thành diễn đàn để chống phá chế độ chính trị-xã hội ở nước ta. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân cần nhận thức đúng, tránh mắc mưu của những đối tượng xấu.   

 (còn nữa)

ĐỖ PHÚ THỌ - HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG (Báo quân đội Nhân dân Việt Nam)

 

 

Quốc hội bắt đầu kiện toàn nhân sự chủ chốt

Ngày 30/3, Quốc hội bắt đầu tiến hành quy trình nhân sự kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ.



Khoảng 11h, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này.

Trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Trong các ngày làm việc tiếp theo, sáng 31/3, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ vào chiều cùng ngày.

Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng, Chủ tịch nước vào ngày 2/4. Trong ngày 5/4, Quốc hội lần lượt bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức vào sáng 5/4 và chiều cùng ngày, tân Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

A.Quỳnh - Báo điện tử CAND

 

Tuổi trẻ CAND xung kích đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Ngày 29/3, Đoàn Thanh niên Học viện An ninh nhân dân (ANND) phối hợp với Khoa An ninh xã hội tổ chức Tọa đàm “Tuổi trẻ CAND xung kích đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐNĐ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”.
Buổi Tọa đàm là cơ hội cho đoàn viên, thanh niên CAND tăng cường nhận thức cũng như kỹ năng phản bác các quan điểm sai trái thù địch.

Tại buổi Toạ đàm, đại biểu đại diện cho tuổi trẻ các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã đóng góp tham luận về hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái mà đơn vị mình đã và đang tiến hành, cũng như trao đổi nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao. Từ đó, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Các đại biểu tham luận tại tọa đàm

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Toạ đàm, đồng chí Đại tá PGS.TS Hoàng Minh Tuấn – Trưởng Khoa ANXH đánh giá cao và biểu dương sáng kiến của chi đoàn Khoa ANXH và Đoàn Thanh niên Học viện, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, đặc biệt là trên mạng xã hội trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng và công tác bảo vệ ANQG, đảm bảo TTATXH nói chung.

Thời gian qua, lợi dụng cả nước đang tập trung tổ chức và chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 các thế lực thù địch tăng cường hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, tung các thông tin xấu, độc nhằm hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bóp méo, phủ nhận sự thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những thành tựu mà đất nước đạt được trong thời gian qua.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trước tình hình đó, tuổi trẻ CAND phải là lá cờ đầu trong công tác đấu tranh phản bác, bẻ gãy các luận điệu sai trái, xuyên tạc đó, đồng thới đưa nhưng thông tin đúng, tích cực đến với đông đảo quần chúng nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

TN - Báo điện tử Công an nhân dân

“Cách mạng màu online” và thủ đoạn dựng hình mẫu ngược!

Thời gian qua, lợi dụng tình hình bất ổn diễn ra tại Myanmar, các thế lực thù địch, phản động đã đánh võng, bẻ lái thông tin, xuyên tạc bản chất vụ việc để tạo cớ chống phá Việt Nam. Các đối tượng này ra sức kích động, cổ suý, hô hào tiến hành các hoạt động chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong nước, hiện thực hóa mưu đồ tiến hành bạo loạn lật đổ theo hướng “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”. 

Từ “cách mạng màu online” đến “cách mạng đường phố”

Ảnh minh họa

Trên các trang mạng xã hội do các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn điều hành đưa ra hàng loạt bài viết sai trái, tiêu cực với nội dung liên hệ tình hình tại Myanmar với Việt Nam. Các đối tượng đang tích cực tiến hành “cách mạng màu online” để làm nền tảng hiện thực hóa “cách mạng đường phố”. Trong đó, các mũi nhọn chống phá mà các đối tượng đang thực hiện là:

Thứ nhất, xuyên tạc, bôi đen tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền và bức tranh chính trị - xã hội tại Việt Nam. Từ lâu, các “mõ làng dân chủ” vẫn cố tình xuyên tạc một cách hết sức trắng trợn rằng Việt Nam đang đặt dưới “chế độ độc tài toàn trị” nên không có tự do, dân chủ, nhân quyền.

Thông qua vấn đề Myanmar, họ rêu rao các luận điệu sai trái, độc hại như: “Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã thành công tạo ra một xã hội con người không còn đề cao những giá trị tinh thần và quyền con người, chỉ biết hưởng thụ vật chất”, “bài toán của Miến Điện sẽ được giải quyết trong vài tháng nhưng bài toán dân chủ của Việt Nam thì chưa biết chừng nào mới có giải đáp”, “Đảng Cộng sản chỉ chăm lo bảo vệ quyền lợi của bản thân mà không chú ý tới đời sống của nhân dân”…

Từ đây, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị rêu rao rằng “những gì đang diễn ra tại Myanmar sẽ tạo ra một thông điệp dân chủ cho Việt Nam”, “Myanmar là hình mẫu mà Việt Nam phải học tập”, kích động người dân Việt Nam phải “học theo Myanmar”, phải “xuống đường đấu tranh vì dân chủ”, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập…

Đáng chú ý, sau khi xảy ra việc nhiều người dân đập phá nhà máy, công ty của nước ngoài tại Myanmar để phản đối đảo chính khiến những đối tượng lợi dụng vấn đề dân chủ, tìm cách “diễn xiếc” trên mạng xã hội. Chẳng hạn như facebooker M.V đã phát tán nhiều bài ca thán về các cuộc biểu tình tại Myanmar kèm những luận điệu xuyên tạc để gieo rắc tâm lý tiêu cực đến với cộng đồng mạng.

Mới đây, sau khi xảy ra việc đốt đường ống dẫn dầu, cắt dây cáp quang mạng, đốt phá các nhà máy may mặc ở khu ngoại ô Hlaingthaya của thành phố Yangon, Myanmar do những người quá khích gây ra, ngay lập tức facebooker M.V đã chia sẻ bài viết với “Khi tiền không phải là mục đích sống của họ”, trong đó anh ta cổ súy rằng: “Người dân Việt Nam có thể giàu hơn người Myanmar về kinh tế, nhưng về trí tuệ và tâm hồn thì chưa chắc là đã hơn? Vì với họ, tự do, dân chủ mới là chân lý để họ sống, tiền không có, nghèo vẫn được nhưng miễn sao họ sống được hưởng không khí tự do”…

Một số người giở trò “mượn gió bẻ măng”, cố tình liên hệ về những câu chuyện vốn không liên quan để thêu dệt, suy diễn, qua đó tung hô, cổ vũ, coi vấn đề biểu tình tại đất nước Myanmar là “hình mẫu lý tưởng” để Việt Nam học theo.

Do đó, từ khi chính biến bắt đầu bùng phát tại Myanmar, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, số đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng vỏ bọc đấu tranh đòi “dân chủ, nhân quyền” để gieo rắc các quan điểm, tư tưởng, nhận thức sai lệch về tình hình trong nước bằng cách so sánh một cách khập khiễng tình hình tại Việt Nam với vấn đề nội bộ đất nước Myanmar. Họ đồng nhất vấn đề “dân chủ” và “chống độc tài”, tìm mọi lý do để nói xấu Đảng, Nhà nước ta, từ đó kích động người dân xuống đường biểu tình đòi yêu sách, chống đối chính quyền nhân dân. 

Thứ hai, các đối tượng đẩy mạnh việc thần tượng hóa các chiêu trò mà họ tung hô là “hình mẫu dân chủ”. Đối tượng được lựa chọn để “thần tượng hóa” thường là những người ở độ tuổi trẻ, đứng đầu các hội nhóm dân sự hoặc những người trẻ bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát tại quốc gia này. Trên một số diễn đàn, họ tung ra các bài viết với câu chữ hoa mỹ như: “Cảm phục những chiến binh trẻ tuổi của Myanmar trong những cuộc biểu tình tại Miến Điện”, “Lịch sử tại Myanmar sẽ ghi ơn những người đã hi sinh cho đất nước”…

Họ cố tình so sánh một cách khập khiễng, vô căn cứ vấn đề tại Myanmar với tình hình Việt Nam và kích động rằng giới trẻ Việt Nam không có tinh thần đấu tranh “vì dân chủ”, còn thờ ơ, vô cảm trước thời cuộc. Thực chất, đây là thủ đoạn kích động tâm lý để lôi kéo, dụ dỗ giới trẻ tham gia vào hoạt động chống phá.

Thứ ba, bôi nhọ lực lượng vũ trang nhân dân, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Lợi dụng việc lực lượng quân đội tiến hành đảo chính tại Myanmar, các đối tượng chống phá gia tăng hoạt động xuyên tạc về vị trí, vai trò của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với lực lượng vũ trang tại Việt Nam.

Nhiều bài viết có nội dung sai trái, bôi nhọ lực lượng vũ trang Việt Nam được tung ra như: “Chính biến thành Naypyidaw và bài học phi chính trị hóa lực lượng vũ trang cho Việt Nam”, “Chính trị hóa quân đội, mối nguy khôn lường cho đất nước”… Luận điệu xuyên suốt được các đối tượng xấu rêu rao là đòi lực lượng vũ trang phải “phi chính trị hóa”, phải “trung lập”, cho rằng lực lượng vũ trang “chỉ cần trung thành với Tổ quốc”… 

Thứ tư, gia tăng việc thực hiện các cuộc “cách mạng màu” trên mạng xã hội. Lợi dụng vấn đề Myanmar, có thể thấy các đối tượng chống đối đang tích cực sử dụng mạng xã hội để lan truyền những thông tin, luận điệu, quan điểm độc hại, hô hào tiến hành các “chiến dịch” mang màu sắc “cách mạng màu” trên mạng xã hội như: thực hiện chiến dịch “mùa xuân Đông Á” thông qua việc gắn hashtag #EastAsianSpring (hashtag là một loại thẻ, gồm một từ hoặc chuỗi các ký tự liên tiếp nhau đặt sau dấu #, được sử dụng để mô tả các chủ đề trên các trang web mạng xã hội); chiến dịch uống trà sữa, chống độc tài, tranh đấu cho tự do bằng việc gắn hashtag #MilkTeaAlliance”. Bắt đầu từ việc sử dụng hashtag để làm nóng những vấn đề, sự kiện được quan tâm, các đối tượng tiến hành chia sẻ, lan truyền những thông tin sai trái, tập hợp lực lượng, châm ngòi các cuộc bạo loạn.

Tỉnh táo để không bị lợi dụng

Đằng sau những luận điệu tưởng chừng như đầy “thương cảm” cho Myanmar, thực chất lại là những bộ mặt xảo trá. Núp dưới vỏ bọc “yêu nước”, đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã gieo rắc những quan điểm, nhận thức, đánh giá phiến diện, chủ quan, sai lệch nhằm đánh lạc hướng dư luận, từ đó lôi kéo, dụ dỗ, hướng lái những người nhẹ dạ, cả tin tham gia vào các hoạt động chống phá.

Câu chuyện bất ổn, biểu tình tại Myanmar hay trước đó là Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan hay biểu tình tại Mỹ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc lấy những gì đã và đang diễn ra tại các nước này để so sánh với Việt Nam là hoàn toàn sai lệch. Đặc biệt, việc cho rằng biểu tình, chống đối với Nhà nước là thước đo cho sự “dũng cảm” trong đấu tranh dân chủ, nhân quyền như luận điệu các “nhà dân chủ mạng” đang rêu rao là không thể chấp nhận được.

Những thành tựu phát triển về mọi mặt của Việt Nam là minh chứng tiêu biểu, rõ ràng nhất cho thấy sự nghiệp cách mạng của nước ta đang đi đúng hướng. Đặc biệt, môi trường hòa bình, ổn định, tình hình an ninh, chính trị được giữ vững là nền tảng, cơ sở quan trọng, tiên quyết để thúc đẩy phát triển, đảm bảo tự do, dân chủ, nhân quyền. Do đó, việc “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng tình hình bất ổn tại Myanmar cũng như tại một số quốc gia, vùng, lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới để rêu rao, lan truyền các luận điệu kích động biểu tình, bạo loạn là hoàn toàn sai trái, cần nhận diện để đấu tranh.

Nguồn: Trần Anh Tú – Phạm Duy (Báo điện tử CAND)

 

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Đằng sau lệnh trừng phạt của phương Tây với Trung Quốc

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada ngày 22/3 đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, một động thái phối hợp của phương Tây chống lại Bắc Kinh dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chính phủ phương Tây đang tìm cách buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở khu vực tây bắc Trung Quốc, nơi Mỹ cáo buộc rằng Trung Quốc đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trung Quốc nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc.

Ảnh minh họa Reuters 

Nhiều tờ báo phương Tây đưa tin, các nhà hoạt động và các chuyên gia về quyền của Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản. Trung Quốc cho biết các trại của họ đào tạo nghề và có vai trò quan trọng để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Đòn tập thể này dường như đã sớm đạt được kết quả trong một nỗ lực ngoại giao phối hợp của Mỹ nhằm đối đầu với Trung Quốc với sự hỗ trợ từ các đồng minh, yếu tố cốt lõi trong chính sách Trung Quốc vẫn đang phát triển của ông Biden.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết họ vẫn có các cuộc tiếp xúc hàng ngày với các chính phủ ở Châu Âu về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

EU là khối các nước đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt vào ngày 22/3 đối với 4 quan chức Trung Quốc, bao gồm một giám đốc an ninh hàng đầu và một tổ chức, quyết định này sau đó được Anh và Canada đưa ra.

Năm ngoái, Mỹ đã chỉ định trừng phạt quan chức hàng đầu ở Tân Cương, Chen Quanguo, người không bị các đồng minh phương Tây khác nhắm vào trong các lệnh trừng phạt ngày 22/3, để tránh một tranh chấp ngoại giao lớn hơn, theo các chuyên gia.

Ngoại trưởng Canada và Anh đã đưa ra một tuyên bố chung cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, nhấn mạnh rằng ba nước đã thống nhất trong việc yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt “các hoạt động đàn áp” ở Tân Cương.

Các ngoại trưởng cho biết bằng chứng về các vụ lạm dụng rất “khủng khiếp”, bao gồm hình ảnh vệ tinh, lời khai của nhân chứng và các tài liệu của chính phủ Trung Quốc.

Ngoài ra, các Ngoại trưởng của Australia và New Zealand đã ra một tuyên bố bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về việc ngày càng có nhiều báo cáo đáng tin cậy về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương” và hoan nghênh các biện pháp do Canada, EU, Anh và Mỹ đưa ra.

Động thái của Mỹ và các đồng minh được đưa ra sau cuộc đàm phán kéo dài hai ngày giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc vào tuần trước, vốn làm dấy lên căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

EU đã tránh đối đầu với Bắc Kinh và các biện pháp trừng phạt hôm 22/3 là biện pháp đáng chú ý đầu tiên kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989, mặc dù hồi năm 2020, Brussels từng nhắm mục tiêu trừng phạt vào hai tin tặc máy tính và một công ty công nghệ của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ ngợi khen động thái từ phía bên kia Đại Tây Dương, cho biết điều này có thể gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến bất kỳ ai “vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền”.

Mặc dù chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng các lệnh trừng phạt của EU đánh dấu sự cứng rắn đối với Trung Quốc, nước mà Brussels coi là một đối tác thương mại lành tính nhưng hiện coi là kẻ lạm dụng quyền và tự do một cách có hệ thống.

Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả với các biện pháp trừng phạt chống lại các nhà lập pháp, nhà ngoại giao EU và gia đình châu Âu, đồng thời cấm các doanh nghiệp của EU buôn bán với Trung Quốc.

Duy Tiến (Theo Reuters)

 

Truy vết tội phạm trên không gian mạng

Để đánh cắp thông tin khách hàng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như hack mật khẩu để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội hoặc giả danh cán bộ ngân hàng, bưu điện, soi lô đề qua thế giới ảo….

Tội phạm trong lĩnh vực này ngày càng manh động, liều lĩnh khiến nhiều nạn nhân sập bẫy với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Giao dịch trên thế giới ảo, mất tiền thật

Chiều 10-3-2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phối hợp với Công an TP Vinh và Công an huyện Diễn Châu, phá thành công chuyên án bắt giữ 8 đối tượng sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tang vật thu giữ gồm 6 dàn máy vi tính, 20 thẻ tín dụng, 110 triệu đồng tiền mặt, 15 tỷ đồng trong tài khoản cùng 4 chiếc xe ô tô và một số đồ vật, tài liệu có liên quan. 

Trước đó, trinh sát trên không gian mạng của Công an huyện Nghi Lộc phát hiện một số đối tượng có biểu hiện lừa đảo bằng việc tạo hoặc thuê kênh YouTube, nhận mình có khả năng "soi cầu", phán đoán kết quả lô, đề để từ đó chiếm đoạt tiền của những người ham mê cờ bạc, đỏ đen.

Vào cuộc điều tra, nhận thấy đây là hoạt động có tổ chức của một nhóm đối tượng với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, chuyên nghiệp; lừa đảo chiếm đoạt của bị hại khắp cả nước với lượng tiền lên đến hàng chục tỉ đồng nên đã xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt xóa. Sau gần 100 ngày tích cực vào cuộc điều tra, với hơn 30 cán bộ, chiến sĩ tỏa đi khắp các địa phương trong cả nước, đến đầu tháng 3-2021, Ban chuyên án đã có đủ căn cứ để phá án.

Khoảng 15h ngày 10-3, xác định nhóm đối tượng này đang có mặt tại một khách sạn ở TP Vinh để thực hiện hành vi lừa đảo nên đã tiến hành bắt giữ. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ 6 dàn máy vi tính cùng các công cụ để làm kênh YouTube, 13 chiếc điện thoại di động, 15 thẻ tín dụng có số tiền trong tài khoản xấp xỉ 11 tỷ đồng cùng 35 triệu đồng tiền mặt. 

Nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để đánh bạc, "soi" lô đề bị bắt giữ


7 đối tượng bị bắt giữ được xác định gồm Trần Văn Thảo (SN 1993), Trần Văn Hiếu (SN 1994), Trần Văn Trọng (SN 1998), Phan Văn Bắc (SN 1990), Phan Văn Tuấn (SN 1993), Trần Văn Định (SN 1996) và Trần Văn Việt (SN 1998), cùng trú xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mở rộng điều tra, cùng ngày Ban chuyên án đã bắt giữ thành công Trương Thị Ngọc (SN 1994), trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu khi đối tượng này đang trên đường di chuyển về TP Vinh, thu giữ thêm 5 thẻ tín dụng có số tiền trong tài khoản khoảng 4 tỷ đồng và 75 triệu đồng tiền mặt.

Tại cơ quan điều tra, ổ nhóm này khai nhận từ đầu năm 2019, các đối tượng tự tạo hoặc thuê kênh YouTube, sau đó đăng video "soi cầu" để khách hàng theo dõi. Sau khi có kết quả quay thưởng xổ số miền Bắc, các đối tượng sử dụng máy tính, micro làm video có nội dung nhận xét kết quả xổ số ngày hôm đó, dự đoán các số trúng giải của ngày hôm sau kèm theo số điện thoại để "khách hàng" liên lạc, mua số trúng thưởng. 

Với những người có nhu cầu, sau khi liên lạc sẽ được các đối tượng yêu cầu thanh toán tiền vào tài khoản ngân hàng. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt của hàng trăm bị hại khắp cả nước với tổng số tiền khoảng 15 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An  tiếp nhận, điều tra vụ việc liên quan đến trình báo của chị Nguyễn Thị T. (SN 1981), giáo viên một trường trung học trên địa bàn huyện Diễn Châu. 

Theo trình báo của nạn nhân, cuối năm 2020, chị nhận được một cuộc điện thoại lạ, tự xưng là nhân viên bưu cục, thông báo chị có bưu phẩm đã lâu không nhận. Người này yêu cầu chị cung cấp số CMND, họ tên để tra cứu rồi thông báo chị có vướng mắc về vấn đề pháp lý với công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng. Chị T. được nối máy đến đến một người tự xưng là "cán bộ điều tra Bộ Công an". 

Người này cho biết, cơ quan Công an phát hiện bọn tội phạm buôn ma túy và rửa tiền đang sử dụng CMND của chị để lập tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội. Công an đã có bằng chứng việc chị nhận tiền của bọn tội phạm, sẽ bắt giữ chị để phục vụ điều tra. 

Để giúp chị T. thoát tội, người này hướng dẫn nạn nhân nộp số tiền 1 tỷ đồng vào tài khoản và chị này đã làm theo. Đến lúc tỉnh ngộ thì số tiền tích cóp bấy lâu nay đã bị kẻ xấu chiếm đoạt nên chị làm đơn trình báo đến cơ quan điều tra. 

Trung tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, tội phạm trên không gian mạng ngày càng phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hoạt động vô cùng tinh vi, xảo quyệt để đạt được mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. 

Trước đây, tội phạm công nghệ cao chủ yếu hoạt động dưới hình thức giả danh cán bộ, người thừa hành công vụ để gọi điện thoại, bày ra ma trận nạn nhân có liên đới đến tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia để phong tỏa tài khoản, từ đó chiếm đoạt tiền của nạn nhân. 

Ngay sau khi hình thức lừa đảo này bị phanh phui, tội phạm trong lĩnh vực này chuyển sang các hình thức khác tinh vi và đa dạng hơn, như hack Facebook, zalo để chiếm quyền truy cập; nộp thẻ cào điện thoại và gần đây là sử dụng công nghệ cao để đánh bạc bằng hình thức ghi lô đề qua mạng, hoạt động tín dụng đen… 

Nạn nhân, phần vì do thiếu hiểu biết pháp luật, phần nữa là do tâm lý hoang mang, lo sợ bị liên đới trách nhiệm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự gia đình nên đã răm rắp làm theo hướng dẫn của bọn tội phạm. Thậm chí, có nhiều người khi đến cơ quan công an trình báo, họ cho rằng bản thân lúc ấy như bị thôi miên, làm theo sự chỉ dẫn qua điện thoại của người lạ như một cái máy.

Tang vật thu giữ trong chuyên án đấu tranh với tội phạm công nghệ cao

Gian nan truy vết tội phạm trên không gian mạng

Theo Trung tá Hà Huy Đức, hình thức phổ biến nhất được tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao sử dụng hiện nay vẫn là hack mật khẩu để chiếm quyền sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo… sau đó nhắn tin cho người thân, người quen để nhờ chuyển tiền. 

Chiến công đáng kể nhất trong lĩnh vực này, không thể không nhắc đến thành tích của Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã triệt xóa thành công băng nhóm gồm 5 đối tượng, đều trú tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook của nhiều nạn nhân trên khắp cả nước với tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng. 

Ổ nhóm này do Đỗ Thiên Hưng (SN 1998) cầm đầu, với phương thức là trực tiếp tạo các Facebook ảo rồi gửi lời kết bạn đến nhiều tài khoản, trong đó nạn nhân mà chúng tập trung hướng tới là những người có người thân đi xuất khẩu lao động ở các nước như Nhật, Đài Loan.

Tiếp đó, chúng tiếp tục gửi đường link nhờ bình chọn được tạo sẵn trước đó qua tin nhắn mesenger để ăn cắp mật khẩu. Có được mật khẩu đăng nhập Facebook của nạn nhân, các đối tượng lập tức thay đổi mật khẩu rồi chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook và tiến hành nhắn tin mượn tiền, nhờ gửi tiền. 

Với thủ đoạn như trên, ổ nhóm này đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 20 tỉ đồng của nhiều nạn nhân trên khắp cả nước. Trong đó, nạn nhân bị lừa ít nhất là 12 triệu đồng, còn người bị lừa nhiều nhất lên tới hơn 130 triệu đồng. 

Trong số các nạn nhân, có một người là Phó phòng của một chi nhánh ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi chiếm quyền sử dụng facebook của người này, nhóm đối tượng nhắn tin cho nhân viên yêu cầu chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản và ngay lập tức, số tiền đó đã được chuyển vào tài khoản, sau đó bị các đối tượng chiếm đoạt.

Đặc biệt, thời gian gần đây, trước sự truy quét quyết liệt của cơ quan chức năng, tội phạm tín dụng đen và đánh bạc đã chuyển từ công khai sang sử dụng công nghệ cao để hoạt động, mọi giao dịch, trao đổi đều diễn ra trên không gian mạng, số tiền giao dịch có thời điểm lên đến hàng chục tỉ đồng. 

Điển hình trong chuyên đề này là chiến công của Công an TP Vinh trong việc triệt xóa thành công đường dây đánh bạc do 2 đối tượng Vương Quang Hùng (SN 1990) và  Bùi Văn Vinh (SN 1974), cùng trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh cầm đầu. 

Đường dây đánh bạc này có quy mô rất lớn, được các đối tượng thiết lập và hoạt động theo mô hình đa cấp, trong đó Hùng và Vinh giữ vai trò là đại lý cấp 1 và cấp 2, các đối tượng khác phân cấp theo thứ tự cấp dưới. 

Để qua mặt cơ quan công an, hằng ngày tất cả các đối tượng đều ngồi trong nhà thực hiện hành vi đánh bạc bằng cách sử dụng mạng xã hội và các phần mềm ứng dụng để chuyển bảng đánh lô, đề; sau đó thanh toán số tiền đánh bạc với nhau qua tài khoản ngân hàng. Quá trình điều tra, xác định số tiền các đối tượng sử dụng để đánh bạc hơn 60 tỷ đồng.

Phần mềm gián điệp với hình ảnh hiển thị là hình hiệu Công an để lừa đảo

Thượng tá Cao Ánh Hồng, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Tội phạm liên quan đến công nghệ cao có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, từ môi giới mại dâm, lừa đảo, rửa tiền, đánh bạc… trong đó phổ biến nhất vẫn là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Trong đó, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, mạo danh là cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát lừa nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp, liên quan đến các băng nhóm tội phạm vẫn là "chiêu thức" được tội phạm trong lĩnh vực này ưa dùng. 

Theo Thượng tá Hồng, yếu tố chính tiếp tay cho tội phạm công nghệ cao hoạt động là vấn nạn sim rác. Các đối tượng chỉ cần mất 1 khoản tiền nhỏ mua sim rác đã được kích hoạt sẵn, khi đạt được mục đích thì hủy bỏ nên việc truy tìm chủ thuê bao những số điện thoại này gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã tiếp nhận hơn 20 tin báo từ thủ đoạn này, số tiền bị các đối tượng chiếm đoạt lên đến hàng chục tỉ đồng. Lũy kế số liệu trong 3 năm gần đây, tính từ khi Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài được thành lập, đơn vị này đã điều tra, khám phá hơn 50 vụ án, khởi tố 170 bị can, với số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới hơn 10 tỉ đồng.

Cuối năm 2020, Bộ Công an phát đi cảnh báo, khuyến cáo người dân về thủ đoạn phần mềm gián điệp ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại (App) mang tên "Bộ Công an", được các đối tượng sử dụng nhằm lừa đảo, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của người dùng điện thoại hệ điều hành Android. Người dùng cài đặt ứng dụng này trên điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, bị đánh cắp thông tin bảo mật. Qua điều tra, phát hiện đã có hàng chục bị hại tại các tỉnh, thành trên khắp cả nước bị các đối tượng trộm cắp, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Nguồn: Thiện Thành - Báo CAND

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...