(Baothanhhoa.vn) - Thông tin
“xấu”, “độc” trên mạng xã hội (MXH) gây tác động tiêu cực đến tình hình tư
tưởng, dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà
nước và chế độ; ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân,
cộng đồng và văn hóa dân tộc. Do vậy, nhận diện thông tin xấu, độc trên MXH, vạch
trần và đấu tranh phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn của những đối tượng đưa
thông tin xấu, độc trên MXH là việc làm cần thiết của mỗi người dân yêu nước...
Cũng như
nhiều bạn trẻ khác, chị Bùi Thị Lan (Thạch Thành) thường truy cập Internet để
đọc tin tức, xem hình ảnh trên trang youtube hay lướt facebook, zalo khi có
thời gian rảnh... Song nhiều khi chị Lan cũng thường xuyên bắt gặp những đoạn
video, bài viết, những thông tin thiếu xác thực với cách “giật tít” và những
nội dung mang “tính thời sự”, nhạy cảm cùng với lượng like (thích), share (chia
sẻ) chóng mặt đã đưa người đọc vào ma trận thông tin. Chị Lan dẫn chứng: “Ví
như gần đây, trên địa bàn huyện Thạch Thành xảy ra vụ việc mẹ con sản phụ tử
vong sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành. Trên các trang MXH rầm
rộ xuất hiện các tin giật gân, câu like của các “báo lá cải”, thậm chí nhiều
comment thổi phồng thành những sai phạm, tắc trách, trình độ chuyên môn yếu kém
của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện rồi cổ súy kiện tụng này nọ... Sau khi đọc được
thông tin trên các báo chính thống, tôi cũng chia sẻ trên trang cá nhân của
mình như facebook, zalo, twiter... để người thân, bạn bè, cộng đồng mạng biết
được thông tin chính xác, tránh để xảy ra tình trạng vô tình a dua, cổ súy cho
thông tin bịa đặt”.
Còn anh Nguyễn
Hoàng Việt Anh, TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Việc dùng MXH hoàn toàn không đơn giản
như ta tưởng, nếu như không làm chủ được nó. Bởi lấy ví dụ, tôi từng lần theo
một vài tài khoản facebook và rất ngạc nhiên về cái cách đưa thông tin của họ.
Họ chỉ cần lấy một cái ảnh vu vơ đâu đấy, rồi thả một câu: “Đây là cháu bé vừa
bị ba, mẹ bạo hành” hay “Các mom có con nhỏ chú ý nhé, vừa có vụ bắt cóc trẻ em
ở đây, may mà có người phát hiện và cứu bé”. Thế là dân mạng đua nhau thích,
chia sẻ ầm ầm, ào ào không cần kiểm chứng, hết sức vô trách nhiệm. Nhưng cũng
từ sự vô tư, hồn nhiên của cư dân mạng, một số đối tượng đã thổi phồng, ảnh
hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội”.
Theo các cơ quan
chức năng, ngoài những đối tượng người dùng Internet, MXH non kém về nhận thức,
lợi dụng việc sử dụng thông tin giật gân, câu khách để tăng lượng like, lượng
view nhằm tăng độ nổi tiếng, kiếm tiền trên mạng, thì các phần tử cơ hội chính
trị, thù địch đã lợi dụng triệt để truyền thông xã hội để thực hiện ý đồ chống
phá Nhà nước, chống phá cách mạng nước ta. Người dùng MXH cần tỉnh táo nhận
diện những thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng này để không bị mắc bẫy, lôi
kéo. Cách thức của chúng thường là lấy thông tin từ báo chí chính thống để cắt
ghép với những thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là đối với những vấn đề bức
xúc, nổi cộm, dư luận quan tâm để thổi phồng những yếu kém, hạn chế, khuyết
điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền;
nói xấu, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ở Trung ương, tỉnh
và cơ sở nhằm làm giảm sút niềm tin trong đảng viên, nhân dân; lợi dụng những
hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, tham
nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, đả kích, bôi
nhọ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước... Đó là những thủ
đoạn không mới, nhưng chính sự dễ dãi, cả tin, kém hiểu biết, cùng tâm lý đám
đông khi tham gia MXH của một bộ phận người tham gia, sử dụng đã vô tình cổ
súy, tiếp tay tạo nên tầm ảnh hưởng và tác hại ghê gớm từ tin giả, tin xấu, độc
trên MXH thời gian qua. Một trong những thủ đoạn khác các phần tử cơ hội chính
trị, cực đoan thường lợi dụng là hình thức “gửi thư”, “trao đổi”, “góp ý cho
đại hội” đã trở thành hoạt động mang tính “truyền thống” mỗi kỳ đại hội Đảng.
Nếu thiếu nhận thức chính trị, chỉ nhìn qua sẽ khiến nhầm lẫn là “sự góp ý tâm
huyết”. Song kỳ thực, vấn đề đã cũ từ nhiều kỳ đại hội trước được diễn đạt lại
với giọng điệu mới được che đậy tinh vi hơn. Mục đích của các phần tử thù địch
là nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam hòng phủ
định Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ nhận thành tựu,
đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đòi
đa đảng, đa chế độ...
Từ những thông
tin đã nêu, cho thấy giải pháp tuyên truyền, giáo dục nhận thức và kỹ năng, để
mỗi công dân trở thành một người dùng MXH thông thái, có “sức đề kháng” và khả
năng phân biệt thông tin chính thống với thông tin xấu, độc là giải pháp cơ
bản, quan trọng. Mỗi công dân hiện đang giữ một “chìa khóa” an ninh mạng của
quốc gia, vì chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc, bởi vậy cần thiết phải
kiên trì xây dựng mỗi công dân trở thành một chiến sĩ trên mặt trận bảo đảm an
ninh mạng, khi tiếp xúc với tin tức trên MXH, mỗi người cần kiểm chứng thông
tin qua những nguồn khác nhau, bảo đảm thông tin tiếp nhận là đúng sự thật.
Cuộc đấu tranh
chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là “cuộc chiến” không
khói súng, tính chất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh này cần
sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và toàn diện. Phát huy vai trò nòng cốt, “chủ
công” trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến
hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 94 tỉnh
(nay là Ban Chỉ đạo 35) không ngừng củng cố, hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất
lượng công tác đến từng thành viên. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc nâng cao
chất lượng công tác dự báo tình hình, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát
hiện, xử lý các vi phạm trong thông tin truyền thông, các hoạt động tuyên
truyền, phát tán các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin
xấu, độc hại của các thế lực thù địch. Đồng thời, xây dựng, huy động đội ngũ
cộng tác viên có trình độ, khả năng phục vụ viết bài đấu tranh phản bác, đẩy
mạnh tuyên truyền cho quần chúng nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, các ban,
sở, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đã kịp thời tuyên truyền, định hướng, quán
triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến
đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong xã
hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc
phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.
Đồng chí Quách
Thị Tươi, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thành, chia sẻ: Thời gian qua,
huyện đã thành lập các nhóm chuyên gia, tổ cộng tác viên để thực hiện chia sẻ
bài viết, comment đấu tranh, báo cáo sai phạm để ngăn chặn các trang thông tin
xấu, độc. Trên các trang thuộc hệ thống chính trị như huyện đoàn, hội liên hiệp
phụ nữ, MTTQ..., các trang cá nhân trên facebook của đảng viên, đoàn viên, hội
viên trên địa bàn huyện thường xuyên đăng tải, chia sẻ bài viết thông tin từ
các trang thông tin điện tử, các báo chính thống về quan điểm, đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các bài viết, bài nói của
các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng
- an ninh; bài viết về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, gương người
tốt, việc tốt... qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục
chính trị, tư tưởng, tăng “sức đề kháng” để cư dân mạng chống lại tác động từ
thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc trên MXH.
Nhằm tăng cường
giáo dục, bồi dưỡng, định hướng, nâng cao kỹ năng sử dụng MXH an toàn cho đoàn
viên, thanh niên, năm 2018, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo thành lập tổ cộng tác viên cấp
tỉnh, nhóm chuyên gia là những cán bộ, đoàn viên tiêu biểu từ các cấp bộ đoàn;
chỉ đạo các cơ sở đoàn thành lập trang facebook riêng và kết bạn với trang
facebook của Tỉnh đoàn Thanh Hóa. Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất, Phó Bí thư Tỉnh
đoàn cho biết: Đến nay, 100% đơn vị đã thành lập được trang facebook cấp huyện,
nhiều đơn vị đoàn xã đã xây dựng được trang facebook của đơn vị. Các tổ cộng
tác viên, nhóm chuyên gia đã làm tốt công tác định hướng, tuyên truyền, tăng
cường viết tin, bài, đăng ảnh hoạt động tuyên truyền về công tác đoàn và phong
trào thanh, thiếu nhi của các đơn vị trên mạng facebook nhận diện, phân tích
các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các
phần tử cơ hội, bất mãn với chế độ để đấu tranh phản bác, tạo hiệu ứng lan tỏa
đến đông đảo đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, các tổ cộng tác viên, nhóm
chuyên gia đã chia sẻ, bình luận về những gương người tốt, việc tốt, góp phần
nhân rộng, lan tỏa những hành động đẹp, những giá trị nhân văn trong cuộc sống
hàng ngày, củng cố niềm tin của đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân
vào Đảng, vào chế độ.
Mới đây, trong bài
viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” đồng
chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban
Tuyên giáo Trung ương đã xác định một số giải pháp liên quan đến truyền thông
xã hội rất đáng lưu ý. Đó là phải xác định rõ, truyền thông xã hội là môi
trường mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của
truyền thông truyền thống cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ những
giá trị tiến bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh với những nhận thức, tư
tưởng, quan điểm sai trái... Do đó, phải chủ động đánh giá, dự báo chính xác
tình hình; chú trọng giải quyết thấu đáo các vấn đề bức xúc của người dân; khắc
phục hiệu quả những hạn chế, bất cập, không để hình thành “điểm nóng”, những xu
hướng (trend) tiêu cực trên MXH. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin
cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các
vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, không để cho các thế lực thù địch
lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Trên hết, truyền thông xã hội khác
biệt vì nội dung do người dùng tạo ra và thông tin mang tính cá nhân hóa cao,
do đó sự quản lý của Nhà nước là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức
người dùng. Việc người dùng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp
luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản
biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên
truyền thông xã hội là rất quan trọng. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng MXH
mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, người dùng mới có thể bảo vệ những giá
trị của bản thân, của cộng đồng và dân tộc.
Nguồn: Lê Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét