Bài viết của Tiến sĩ Luật Lê Thị Thiên Hương.
Tôi
có cô con gái 5 tuổi. Như mọi đứa trẻ, có lúc bạn ấy rất quấy mẹ. Mỗi khi con
bé mèo nheo mà tôi quá bận rộn để dàn xếp, tôi đành đưa ra con bài mua chuộc:
“Nếu con ngoan, cuối tuần chúng ta sẽ đi mua quà nhé”.
“Viên
đường” hiệu quả. Con tôi ngay lập tức cố gắng “thật ngoan”, để cuối tuần có
được món quà yêu thích.
Nếu
bạn đã từng là cha mẹ, hãy thành thực, bạn có “hối lộ” con để chúng thuận theo
điều bạn muốn? Nếu con đạt kết quả thi tốt, bố mẹ sẽ thưởng cho cái này, cái
kia. Không ít người quen tôi thừa nhận đã sử dụng câu nói này.
Đây
không phải ví dụ tốt về giáo dục. Tôi biết điều đó, rằng việc dùng lợi thế của
cha mẹ: có tiền để mua quà, có quyền đưa con ra khỏi nhà, tới cửa hàng, có
quyền ban phát cho đứa con nào mình chọn, hay thậm chí có cả quyền rút lại lời
hứa đó… Tất cả có thể làm hư con trẻ, khiến chúng sử dụng vũ khí của chúng
thường xuyên hơn; làm “tha hóa” chính bản thân những phụ huynh đang có đặc
quyền giám hộ với đứa trẻ.
Tuy
nhiên, về bản chất, cách giáo dục này không xa hiện tượng mà chúng ta vẫn gọi
là “lạm dụng quyền lực” và “mua chuộc sự ưu tiên”. Nó không chỉ đang diễn ra
trong mỗi ngôi nhà.
Nhiều
nghiên cứu đã chỉ ra rằng, “tham nhũng” là một đặc tính của con người và xuất
hiện từ rất sớm trong lịch sử loài người. Nhiều học giả thống nhất rằng tham
nhũng chính là lí do dẫn đến sự diệt vong của đế chế La Mã. Giáo sư Ramsay
Mcmullen, tác giả cuốn “Tham nhũng và sự sụp đổ của đế chế La Mã” còn cho rằng,
việc giáo dục đạo đức chỉ là điều thứ yếu để hạn chế tham nhũng, hạn chế lạm
dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân.
Những
tuyên bố về ý chí chống thoái hóa, biến chất trong Đảng đang liên tục được đưa
ra bởi những người đứng đầu. Việc liên tiếp các cán bộ cao cấp bị kỷ luật,
nhiều người trong bộ máy thực thi và kiểm soát quyền lực bị bắt vì cáo buộc lợi
dụng chức vụ quyền hạn có thể coi là một ví dụ chứng minh cho ý chí này.
Mahatma
Gandhi từng nói: “Trái đất này đủ để thỏa mãn nhu cầu của mọi người, nhưng
không đủ để thỏa mãn lòng tham của họ”. Quyền lực không dẫn đến lòng tham.
Ngược lại, chính lòng tham tiền bạc, vật chất mới dẫn người ta bon chen để vươn
tới quyền lực. Khi quyền lực càng lớn, thì cám dỗ càng nhiều, và lúc đó lòng
tham dẫn lối cho hành vi lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân.
Chính
vì thế, tôi cho rằng việc Ban bí thư Trung ương Đảng yêu cầu mỗi cá nhân cán
bộ, Đảng viên phải “công khai bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức,
lối sống, không suy thoái” cần đi đôi với việc tiếp tục xây dựng môi trường
pháp lý minh bạch. Cơ chế thiếu minh mạch, thiếu khả năng kiểm soát chính là
môi trường lí tưởng cho tham nhũng sinh sôi.
Chúng
ta đã có Luật phòng chống tham nhũng 2005 và các quy định nằm trong Bộ luật
hình sự hiện hành. Tuy thế, cơ chế này vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ như Luật
phòng chống tham nhũng lại không áp dụng cho khu vực ngoài nhà nước.
Hơn
nữa, vấn đề thực thi luật còn hoàn toàn là một câu chuyện khác. Việc tố cáo
tham nhũng, cho dù luật quy định rằng người tố cáo “được bảo vệ trước pháp”
luật nhưng trên thực tế nó vẫn là một nguyên tắc chung chung chứ chưa có một cơ
chế cụ thể để bảo vệ người tố cáo. Chính vì thế, nhiều người tố cáo trở thành
nạn nhân của trả đũa, trù rập, quấy rối. Khảo sát của Phong vũ biểu tham nhũng
toàn cầu năm 2013 cho thấy ở Việt Nam “chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố
cáo tham nhũng, 51% người dân sợ rằng tố cáo tham nhũng không thay đổi được gì
và 28% sợ gánh chịu hậu quả”.
Trong
cuộc chiến chống lạm dụng quyền lực, tham nhũng, thì vai trò kiểm soát của
người dân là thiết yếu. Nó có thể hiệu quả khi đi kèm hai yếu tố: sự minh bạch
trong hoạt động quản lí và quyền tự do lập hội được đảm bảo. Nếu như Luật tiếp
cận thông tin đã được ban hành thì hiện chúng ta vẫn đang chờ Luật về hội được
khai sinh.
Chừng
nào chúng ta chưa có cơ chế hợp lý để kiểm soát quyền lực người lãnh đạo cũng
như thực thi hiệu quả quyền này, thì ta vẫn còn phải chấp nhận rằng tham nhũng
sẽ là một phần trong cuộc sống, giống như việc các bậc cha mẹ vẫn phải “mua
chuộc” con cái để thoát thật mau khỏi những giờ căng thẳng.
Trong
cả hai trường hợp, chấp nhận nó là một phần trong cuộc sống hay có giải pháp
thay đổi, chính chúng ta là người lựa chọn.
Theo VNEXPRESS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét