Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Ải Nam Quan và sự thật về cái gọi là ‘Cộng sản Việt Nam dâng đất cho Tàu’

Các nhân vật chống phá Việt Nam thường nhai đi nhai lại luận điệu: “Bộ Chính Trị Lê Khả Phiêu đã tùy tiện ký nhượng đất đai sông biển của tổ quốc…”.  Sự thật là thế nào?

Tác giả: Hoàng Nguyên Nhuận

Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP HCM số 452 / Sách Hiếm, 2008.

Người Miền Nam thuộc thế hệ của Hoàng tôi mấy ai chẳng một lần lắc lư hụt hẫng khi nghe Nguyễn Văn Đông hỏi “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu. Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?” Dù chẳng biết nhạc sĩ này hỏi ai và muốn nói đến biên giới nào, biên giới Việt-Miên, Việt-Lào, Việt-Hoa hay lằn ranh Nam-Bắc?


Biên Giới Nào?

Thiệt tình, với Hoàng tôi, biên giới nào thì cũng thế thôi. Bởi lý cho đến bây giờ Hoàng tôi chỉ thực sự thấy tận mắt hai cái-gọi-là-biên-giới. Thứ nhất, cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải do Hiệp định Genève 1954 chọn làm mốc tạm phân chia Nam-Bắc. Thứ hai, lằn mức sóng nước bao la vô hình trên Vịnh Thái Lan khi người tài công chiếc ghe vượt biên chặt cổ con gà thắp hương cúng trước mũi ghe rồi hân hoan bảo: Yên chí! ghe đã vào hải phận quốc tế! Hoàng tôi đâu biết “hải phận quốc tế” chính là lằn ranh của một thế giới mới trong đó Hoàng tôi rồi ra có thể chỉ là một “con thú hoang lạc đàn” như Nam Lộc nghẹn ngào thở than trong bản nhạc Sài Gòn Vĩnh Biệt.

Học trò Việt Nam ai mà chẳng “tụng”: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” và “Đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Chẳng đứa nào thèm băn khoăn biên giới phía Bắc của Nam quốc đó lên tận đâu? Thời khuyết sử biên giới đó hình như lên đến tận Triết Giang hay Hồ Nam có đúng không? Lý Thường Kiệt và Quang Trung dựa vào bản đồ nào mà chuẩn bị đòi lại Quảng Đông Quảng Tây?

Hoàng tôi lơ mơ về chuyện biên giới vì nhiều lý do. Thứ nhất, vì lơ mơ về lịch sử và công pháp quốc tế. Hiểu biết về biên giới chung quy đều do ký ức tập thể, lịch sử truyền miệng, sách báo rất lưa thưa mơ màng… Thứ hai, trong thời đại Internet, Star Wars, MAD (mutual assured destruction – bảo đảm chết chùm), WMD (weapons of mass destrucion – chết cả đám), Jihad-Mujaheddeen và toàn cầu hóa kinh tế tài chính này, biên giới trên bộ trên biển có thể đang trở thành lỗi thời lạc điệu. Thật vậy, biên giới nào – ngay cả một hàng rào điện tử kiểu hàng rào McNamara ngày trước, có thể ngăn chặn được những bom vi khuẩn phá computer, những tay cướp cạn toàn cầu trong đại công ty ENRON, hay những kẻ liều mạng gây ra vụ 11/9 ở Mỹ? Thứ ba, vì sơn hà quê hương vốn là chuyện có thể nhạy cảm, cục bộ, chủ quan, dễ đúng mà cũng dễ sai. Thảm kịch Miền Đất Hứa của Do Thái-Palestine hôm nay cho thấy một quan niệm quá đáng về đất đai lãnh thổ có thể gây ra những hậu quả kinh hoàng đến mức nào.

Khi phong trào tố khổ “Việt cộng dâng đất cho Trung cộng” xảy ra, Hoàng tôi mới lục lọi sách báo xem có thêm được hiểu biết nào không ngoài chuyện nói lui nói tới trên báo, trên đài, trên Internet vốn đã bị chính trị hóa méo mó đến độ không biết đâu mà phân biệt thực hư. Tài liệu coi như xưa nhất Hoàng tôi có sẵn trong tay là quyển État Actuel du Tunkin, de la Cochinchine et des Royaumes de Cambodge, Laos et Lac Tho của M. de la Bissachère, in năm 1812, tức 44 năm trước khi Pháp-Bồ Đào Nha tấn công Đà Nẵng và 72 năm sau khi Việt Nam phải khổ nhục ký văn kiện đầu hàng gọi là Hòa ước Giáp Thân. Về biên giới Việt-Hoa, de la Bissachère không cung cấp một bản đồ nào cả mà chỉ viết một câu: “… người ta có thể ước đoán rằng Tonkin (hay Đông Kinh) trải dài từ vĩ độ 17 lên đến vĩ độ 23, từ kinh tuyến 118 độ đến kinh tuyến 127 độ 30 phút” (1). So với thực tế biên giới Việt-Hoa hôm nay, ước tính đó hình như chỉ có một điểm khả dĩ chấp nhận đó là vĩ độ 23. Ngoài ra, quyển Vietnam – Places and History do Stewart, Tabori & Chang ấn hành ở New York năm 1998, có in lại ba bản đồ Việt Nam cổ. Bản đồ thứ nhất của anh em Van Langren phát họa năm 1595. Bản đồ thứ hai của P. du Val năm 1686. Và bản đồ thứ ba là của Giám Mục Alexandre de Rhodes (2). Càng xem ba bản đồ này Hoàng tôi càng mù mờ thêm nên đành chào thua. Mặt khác, Nguyễn Xuân Thọ kể rằng ngày 15.12.1883, Thủ Tướng Pháp Jules Ferry từng đề nghị với Đặc sứ nhà Thanh tại Paris hai bên nên thương thuyết về “một đường biên giới chắc chắn” giữa Việt Nam và Trung Quốc để đi đến một vùng trái độn trung lập (3). Không biết chuyện này đi đến đâu nhưng ít ra Hoàng tôi có thể nghĩ rằng cho đến 1883 thì giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có một đường biên giới rạch ròi nào cả.

Vì kinh nghiệm và hiểu biết về biên giới ăn đong như thế, Hoàng tôi không khỏi chới với khi nghe nói đến Hiệp ước Thiên Tân 1885 về phân ranh lãnh thổ và Hiệp ước Brévié 1887 về lãnh hải (4), hoặc khi nghe Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng nhắc đến là công ước 1887 và 1895 phân định toàn bộ biên giới Việt-Hoa từ Tây sang Đông trên chiều dài trên dưới 1.300km và đã cắm trên 300 cột mốc, cũng như nội dung hiệp định Việt-Hoa 30.12.1999 về biên giới và hiệp định 25.12.2000 về lãnh hải (5).

Hoàng tôi cứ lao đao vì những câu hỏi như biên giới Việt-Hoa nào, ai phân định biên giới đó, hồi nào? Ải Nam Quan của ai, nằm ở đâu? Thác Bản Giốc ở đâu, của ai? Hang Pác Bó ở đâu? Tại sao chuyện hiệp định biên giới và lãnh hải bây giờ mới đặt ra v.v… và v.v…?

Phát Súng Lệnh của Trần Khuê

Chiến dịch tố khổ “Việt cộng cắt đất dâng cho Trung cộng” hình như khởi sự từ trong nước với những danh tính “đối kháng” quen thuộc… Phát súng lệnh điển hình khởi sự chiến dịch là lá thư ngỏ gửi Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân của Trần Khuê. Trần Khuê viết thư ngày 20/2/2002 trong lúc nhà lãnh đạo Trung Quốc này dự tính đến Việt Nam ngày 27/2/2002 (6). Đã hẳn, Trần Khuê là người đang ở trong nước dễ thu lượm và kiểm chứng các nguồn tin tức tài liệu liên hệ, lại là một người làm công tác nghiên cứu văn hóa, nghĩa là người mà thiên chức trí thức buộc phải nghiêm túc nói có sách mách có chứng. Trần Khuê nghiêm túc đến mức nào?

Trần Khuê nhắc lại chuyện xưa rằng: “…Nếu chúng tôi nhớ không nhầm thì trong dịp tiếp một đoàn đại biểu cao cấp của Việt Nam do Hồ Chủ Tịch dẫn đầu, Mao Chủ Tịch đã thay mặt nhân dân Trung Quốc xin lỗi nhân dân Việt Nam về những lỗi lầm và tai họa mà các triều đại phong kiến đã gây ra cho nhân dân Việt Nam trong quá khứ. Người còn đề nghị và tự tay mình bút phê sửa lại tên cho cửa ải biên giới Việt-Hoa, đổi ba chữ “Trấn Nam Quan” thành “Mục Nam Quan” (7). Trần Khuê không nói hội nghị thượng đỉnh ấy xảy ra ở đâu, năm nào. Điều khiến Hoàng tôi phân vân là tại sao Mao Trạch Đông vừa xin lỗi Hồ Chí Minh về những tội ác phong kiến rồi lại tái phạm ngay lỗi lầm phong kiến đó khi tự tiện cầm bút sửa chữ Trấn thành chữ Mục trên ải Nam Quan mà không hề trao đổi hay lịch sự hỏi qua ý kiến Hồ Chí Minh, như thể Trung Quốc là chủ nhân của Trấn Nam Quan vậy?

Ải Nam Quan Nào?

Băn khoăn đó chưa được giải tỏa thì Hoàng tôi lại nhận được tờ Pháp Âm số 72, tháng 1/2002 phát hành từ Canada của Hòa Thượng Tâm Châu. Bìa sau của tờ báo đăng một bức hình với chú thích: “Cửa Ải Nam Quan. Biên giới Việt Nam & Trung Quốc từ nhiều đời. Nay tập đoàn Cộng sản Việt Nam nhượng cho Trung Cộng và còn nhượng thêm vào nội địa Việt Nam chừng 5 cây số”.

Hòa Thượng Tâm Châu cao tăng đức trọng, lời Hòa Thượng hẳn phải là “chân như” chứ không thể có chuyện “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, râu ông nọ cắm cằm bà kia, Hòa Thượng bảo cửa ải Nam Quan tức thị là cửa ải Nam Quan, mất thêm 5 km tức thị là mất thêm 5km. Biên giới Việt-Hoa dài ngót 1.300km, Hòa Thượng dạy mất 5km bề rộng tức là mất 1.300km x 5km = 6.500km2, nghĩa là mất một diện tích rộng hơn gấp ba lần diện tích Hà Nội. Thực hư thế nào?

Hoàng tôi ước mong có cơ duyên hầu Hòa Thượng để Hòa Thượng khai tâm cho chuyện đó. Cũng như để xin Hòa Thượng giải tỏa băn khoăn về hai chữ Nam Quan hay cửa Nam. Nếu người Việt tự ý xây một cửa ải địa đầu giữa mình và Trung Quốc thì ải đó phải là cửa Bắc, ải Bắc hay Bắc Quan chứ sao lại Nam Quan? Nói thế khác, nếu Việt Nam thực sự có một cửa ải gọi là Ải Nam Quan thì cửa ải đó phải ở Cà Mau, ở U Minh Hạ, hay ít ra thì cũng đâu đó ở khu Mõ Vẹt Tịnh Biên chẳng hạn chứ sao Nam Quan lại nằm về phía Bắc và nhìn về phương Nam?

Ải Nam Quan của Ai?

Trong khoảng 1.300km biên giới Việt-Hoa thì Cao Bằng có 314km và Lạng Sơn có 253km biên giới chung với tỉnh Quảng Tây (9). Lạng Sơn – cách Hà Nội 154km – là tỉnh địa đầu của Việt Nam theo nghĩa trong tất cả các tỉnh biên giới, Lạng Sơn là tỉnh gần nhất với thủ đô Hà Nội. Lạng Sơn nổi danh với hai cửa khẩu hay hai quan ải là Chi Lăng và Nam Quan.

Ải Chi Lăng, không phải cổng hay cửa mà là “một trận đồ hiểm ác… một thung lũng hẹp, hình bầu dục, chiều dài Bắc-Nam khoảng 4km. Có hai cửa, cửa phía Bắc gọi là Qủy Môn Quan, cửa phía Nam gọi là Ngõ Thề. Ải Chi Lăng cách Hà Nội chừng 110km và cách biên giới 60km” (10).

Trong tỉnh Lạng Sơn, thị trấn biên giới cực Bắc là Đồng Đăng. Từ Đồng Đăng người ta có thể đi lên Ải Nam Quan. Khoảng cách Lạng Sơn-Đồng Đăng theo Madrolle là 15km, theo Nguyễn Khắc Viện là 14km. Điều đó chẳng gây ra thắc mắc nào cả. Rắc rối là khoảng cánh Đồng Đăng-Ải Nam Quan. Khoảng cách đó, theo Madrolle là 4km (11), theo Nguyễn Khắc Viện là 3km (12), theo D. Robinson – R. Storey là 600m, theo Lê Công Phụng 200m. Sách Indochina của Madrolle viết năm 1930, nghĩa là trong lúc các hiệp ước giữa Pháp và nhà Thanh của Trung Quốc còn hiệu lực. Sách Đất Nước Việt Nam của Nguyễn Khắc Viện & al. viết năm 1989, quyển hướng dẫn du lịch Vietnam của D. Robinson – R. Storey viết năm 1993 (13), Lê Công Phụng lên tiếng mới đây và được phổ biến lại trên tờ Việt Luận ngày 8.2.2002 (14).

Như vậy, khoảng cách từ cột mốc 0km trên đường biên giới Việt-Hoa ngang Đồng Đăng đến Ải Nam Quan hoặc là 4km, hoặc là 3km, hoặc là 600m hay ít nữa cũng là 200m chứ không trùng với cột mốc 0km cũng không ở trước cột mốc 0km về phía Nam nghĩa là nằm lọ trong lãnh thổ Việt Nam. Nói thế khác, Ải Nam Quan, Trấn Nam Quan, Mục Nam Quan, Hữu Nghị Quan là một và xây trên phần đất của Trung Quốc chứ không phải trên phần đất Việt Nam. Hình ảnh của Ải Nam Quan đó chính là hình ảnh xuất hiện trên trang bìa sau tờ Pháp Âm của Hòa Thượng Tâm Châu như đã nói. Madrolle cũng còn kể một chi tiết khác đáng chú ý về Ải Nam Quan đó là “Vào ngày 24/2/1885, một ngày sau khi xảy ra trận chiến ở Đồng Đăng, Tướng de Négrier cho phá sập ải Nam Quan vào lúc 2h30 chiều và cho dựng lên gần đó một tấm biển ghi bằng chữ Hán: “Không phải vách đá bảo vệ được biên giới, mà là sự tôn trọng các hiệp định” (15). Như vậy là chính Pháp đã phá sập Ải Nam Quan, và phải chăng Ải Nam Quan hay Hữu Nghị Quan đang có hôm nay đã được Trung Quốc xây lại vào một lúc nào đó sau ngày 24/2/1885?

Học trò Việt Nam ngày trước đứa nào mà chẳng “tụng”: “Đất nước ta từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Chúng tôi ngu ngơ, dại khờ, cuồng tín, lười biếng đến độ chẳng đứa nào thèm thắc mắc: Một, ải Nam Quan không phải do Việt Nam xây dựng vì nếu của Việt Nam thì phải gọi là ải Bắc Quan. Hai, ải Nam Quan do Trung Quốc xây trên đất Trung Quốc. Ba, ải Nam Quan không nằm trên biên giới Việt Hoa trùng với cột mốc 0km hoặc trong địa phận Việt Nam. Bốn, ải Nam Quan nằm trong dịa phận Trung Quốc, cách cột mốc 0km từ 4km đến 200m về phía Bắc như đã nói trên. Nếu hồi đó lũ chúng tôi thắc mắc được như thế thì đâu đến nổi bây giờ cứ ngẩn tò te ra trước màn đấu tố “tội dâng đất” như xem ảo thuật hay làm xiếc thế này?!

Ai Lấn Đất của Ai?

Trở lại vấn đề khoảng cách giữa cột mốc 0km nằm trên ranh giới Việt-Hoa ở Đồng Đăng với Ải Nam Quan hay Hữu Nghị Quan nằm gọn trên đất Trung Quốc. Như đã nói, Madrolle, Nguyễn Khắc Viện, D. Robinson – R. Storey và Lê Công Phụng đều đưa ra những con số khác nhau về khoảng cách đó, chứng tỏ khoảng cách đó đã co dãn. Nhưng khoảng cách co dãn như vậy là vì Ải Nam Quan di chuyển về hướng Việt Nam, hay vì lằn ranh giới Việt-Hoa di chuyển về hướng Trung Quốc ? Nếu lằn ranh giới Việt-Hoa thực sự đã bò về hướng Hữu Nghị Quan trên đất Trung Quốc khiến cho khoảng cách từ cột mốc 0km đến Hữu Nghị Quan đã từ 4km năm 1930 đến 200m năm 2002 như vậy thì phải chăng Việt Nam đã lấn đất bằng cách nhích cột mốc 0km về phía Hữu Nghị Quan chứ không phải đã nhượng đất hay đã cắt đất dâng cho Trung Quốc? Và như vậy, nếu có tố cáo thì phải tố “Việt cộng lấn đất của Trung cộng” chứ sao lại tố ngược “Việt cộng dâng đất cho Trung cộng”?

Trần Khuê xác nhận là đã đi “khảo sát thực địa ở Lạng Sơn” (16) hồi tháng 8/2001, nghĩa là gần 20 tháng sau khi hiệp định về biên giới và lãnh hải được ký kết. Đã lặn lội lên Lạng Sơn như thế nhưng Trần Khuê lại không chịu khó chút nữa đến tận Đồng Đăng để xem Ải Nam Quan nằm ở chỗ nào? Trần Khuê chỉ ở lì tại tỉnh lỵ vểnh tai nghe nguyên văn “người thì nói (Ải Nam Quan) đã nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc 500m, người thì nói 2000m. Diện tích đất nhượng người thì bảo mất 500km2, người thì bảo mất hơn 700km2, có người lại nói mất hẳn 900km2. Riêng đồng chí Lê Thế Nghĩa nguyên trưởng ban biên giới của chính phủ thì cho chúng tôi biết Mục Nam Quan hiện nằm cách vạch biên giới là 800m và tổng số diện tích địa giới mà Việt Nam phải cắt nhượng cho Trung Quốc chỉ mất 232km2” (17).

Nhưng người mà Trần Khuê gọi là “đ/c Lê Thế Nghĩa nguyên trưởng ban biên giới của chính phủ” thực sự là Đại Tá Lê Minh Nghĩa, kẻ đã xác nhận hai bên Việt-Hoa đang tranh chấp về 227km2 dọc biên giới chứ không hề có chuyện “dâng” cho Trung Quốc 232km2 như Trần Khuê nghe nói (18). Lại nữa, về 227km2 hai bên tranh chấp Lê Công Phụng cho biết đó là tổng số diện tích của 164 điểm tranh chấp trải dài trên khoảng 400km biên giới. Tranh chấp này cuối cùng được giải quyết ngày 30/12/1999 theo thỏa thuận Việt Nam: 113km2 và Trung Quốc: 114km2 (19). Nghĩa là, nếu có mất thì Việt Nam đã chỉ mất 114km2 chứ không phải 232, 500, 700 hay 900km2 như Trần Khuê nghe nói?

Chuyện trên bộ của Trần Khuê là thế, chuyện trên biển thì sao? Trần Khuê quả quyết rằng “vùng hải giới theo một cán bộ trong ban biên giới thì tỷ lệ chia lại vùng Vịnh Bắc Bộ là: Việt Nam 53,23%, Trung Quốc 46,77%. Theo hiệp ước ký năm 1895 giữa triều Thanh Trung Quốc và chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam thì tỷ lệ là Việt Nam 64%, Trung Quốc 36%, như thế có người tính cụ thể Việt Nam mất (khoảng 10% hay) 112.000 km2 lãnh hải” (20). Trần Khuê không cho biết dựa vào đâu mà kết luận 10% = 112.000km2 vì thực tế toàn bộ diện tích Vịnh Bắc Bộ là khoảng 123.700km2 thì 10% số đó phải là 12.370km2 chứ làm sao lên đến 112.000km2 được (21)?

Dựa vào những kết quả nghe ngóng và tính toán như vậy, Trần Khuê thẳng tay tố cáo Bộ Chính Trị Lê Khả Phiêu và Nhà Nước Việt Nam “đã tùy tiện ký nhượng đất đai sông biển của tổ quốc, đã phản bội dân tộc và càng làm lộ rõ thêm bộ mặt bù nhìn của mình, đã gây ra những tội ác trời không dung đất không tha vì đã ký hai hiệp định bán nước Việt-Hoa (22)”. Đây chính là nội dung bản đại cáo mà những nhân vật đối kháng chuyên nghiệp trong ngoài nước đồng loạt lặp lại. Còn chuyện tại sao lại Bộ Chính Trị Lê Khả Phiêu mà không phải là Bộ Chính Trị Nông Đức Mạnh thì chỉ có Trần Khuê và đồng bạn biết.

Lời Thề của Trần Đại Sĩ

Người thứ hai theo chân – hoặc dẫn đường – Trần Khuê trong việc khảo sát thực địa vấn đề biên giới và tội ác mại quốc cầu vinh là Bác Sĩ Trần Đại Sỹ ở Paris (23).

Khác với Trần Khuê là trước khi phát hiện cái gọi là – nguyên văn của Trần Đại Sỹ – những “bí ẩn” về việc “Đảng CSVN lãnh đạo Nhà Nước CHXHCNVN nhượng lãnh thổ, lãnh hải cho THNDCHQ”, Trần Đại Sỹ đã long trọng tuyên bố: “Tuy tôi đã tuyên thệ tại đây hồi tháng Ba vừa qua. Nhưng hôm nay tôi xin tuyên thệ một lần nữa: “Tôi xin tuyên thệ với tất cả danh dự của tôi rằng: Tôi không thù, không ghét những người tại Việt Nam họ đã nộp lãnh thổ, lãnh hải cho Trung Quốc. Tôi cũng không vì lòng yêu nước mà oán ghét họ. Tôi không hận những người Việt chủ trương khủng bố tôi khi họ mời tôi về Việt Nam giúp đỡ họ. Những lời tôi trình bày hôm nay hoàn toàn vô tư.” Thề xong, Trần Đại Sỹ bật mí những điều được Trần Đại Sỹ coi là bí ẩn như sau…

Thứ nhất, số đất Việt Nam nhường cho Trung Quốc dọc theo biên giới hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng là 789km2 chứ không phải 720km2.

Thứ hai, cột cây số Zero (cột mốc 0km) bây giờ ở phía Nam chính là cột 5 cây số (cột mốc 5km) ngày trước.

Thứ ba, vùng Cao Bằng bị Trung Quốc lấn sát tới Hang Pak-bó vì hang này trước kia nằm rất xa biên giới (khoảng 50km) nay nằm sát biên giới.

Thư tư, hiệp định về lãnh hải ngày 25.12.2000 làm cho Việt Nam mất thêm 9%, nghĩa là theo hiệp ước Pháp-Hoa 1887 về Vịnh Bắc Bộ thì tỷ lệ là VN 62%, TQ 38%, bây giờ là VN 53% và TQ 47%.

Thứ năm, tất cả những “bí ẩn” đó là do hai ký giả Trung Quốc bạn của Trần Đại Sỹ cho biết ngày 9.1.2000.”

Trần Đại Sỹ thề với người đọc nhưng hai ký giả bạn Trần Đại Sỹ có thề – hoặc Trần Đại Sỹ có đòi họ phải thề – khi họ tiết lộ bí ẩn cho Trần Đại Sỹ không? Mặt khác, Trần Đại Sỹ bảo lấy danh dự cá nhân để thề, nhưng lại không cho biết lấy gì để bảo chứng danh dự cá nhân đó? Thế nên, Trần Đại Sỹ đã không thể giải tỏa hết những thắc mắc về những điều được bật mí…

Thứ nhất. Trần Đại Sỹ quả quyết Việt Nam mất 789km2 chứ không phải chỉ 720km2 thôi, nhưng Trần Đại Sỹ lại không viện dẫn tài liệu nào nói Việt Nam mất 720km2? Mặt khác, chiều dài biên giới Việt-Hoa thuộc tỉnh Lạng Sơn là 253km, thuộc Cao Bằng là 314km, tổng cộng là 567km. Trần Đại Sỹ tính chiều rộng của những chỗ bị mất như thế nào mà đưa ra đáp số 789km2 từ 567km chiều dài đó?

Thứ hai, Trần Đại Sỹ quả quyết cột mốc 0km hiện tại chính là cột mốc 5km ngày trước. Ở trên đã lược qua một số ý kiến khác nhau về đoạn đường từ Đồng Đăng – cụ thể là từ cột mốc 0km – lên đến Ải Nam Quan, theo Madrolle là 4km, Nguyễn Khắc Viện là 3km, D. Robinson và R. Storey là 600m và Lê Công Phụng là 200m. Dù xa gần có khác nhau như thế, nhưng không một người nào trong số đó dám bảo là cột mốc 0km trên đường biên giới Việt-Hoa băng quang vùng Đồng Đăng bây giờ chính là cột mốc 5km trong lãnh thổ Việt Nam ngày trước – nghĩa là cột mốc 0km đã bị đẩy lùi về phía Nam sâu vào nội địa Việt Nam 5km – như Trần Đại Sỹ thề quyết. Không ai dám nói, vì nếu sự thật quả như lời thề của Trần Đại Sỹ thì thị trấn Đồng Đăng – cụ thể là ga xe lửa Đồng Đăng – bây giờ đã là của Trung Quốc, đã lọt thỏm vào trong lãnh thổ Trung Quốc rồi. Điều này chỉ mới có trong mơ của Trần Đại Sỹ.

Thứ ba, về tỷ lệ bách phân trong việc phân chia lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc. Con số Trần Đại Sỹ đưa ra đại để cũng giống như con số của Trần Khuê. Chỉ khác hai điều. Một, Trần Đại Sỹ không dám quả quyết 9%-10% là bằng 112.000km2 như Trần Khuê. Hai, số liệu của Trần Đại Sỹ là do hai ký giả Trung Quốc tiết lộ trong khi số liệu của Trần Khuê là do “một cán bộ trong Ban Biên Giới” cho biết. Tất cả đều vô danh, đều khẩu thuyết vô bằng nhưng đều đáng tin vì một đàng do tài “nghe nói” của Trần Khuê, một đàng do “tất cả danh dự” của Trần Đại Sỹ.

Thứ tư, hang Pác Bó (Trần Đại Sỹ viết là Pak-bó) và thác Bản Giốc. Đây cũng là những địa điểm Trần Khuê-Trần Đại Sỹ và đồng bạn nâng cấp thành vùng đất thiêng để thêm bằng chứng cho cáo trạng “dâng đất”. Trần Đại Sỹ bật mí là Việt Nam đã “nhượng vùng Cao Bằng sát tới Hang Pak-bó. Trước kia nằm rất xa biên giới (khoảng 50km) nay nằm sát biên giới”. Nhưng Nguyễn Khắc Viện cho biết thực tế Pác Bó là “một xóm nhỏ nằm sát biên giới Việt-Hoa cách Cao Bằng 60km… nơi đây có một dòng suối, một ngọn núi và một cái hang gọi là hang Cóc Bó nơi đã che chở Hồ Chí Minh khi Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về năm 1941. Khu vực hang Pác Bó đó nằm ngay trên biên giới Việt-Hoa, cột biên giới 108 (24)”. Nguyễn Khắc Viện viết ra chi tiết đó năm 1989, mười năm sau cuộc chiến biên giới Việt-Hoa. Như vậy thì cái hang mà Trần Đại Sỹ gọi là “Trước kia nằm rất xa biên giới khoảng 50km đó nhưng nay lại nằm sát biên giới” – nghĩa là đường ranh giới đã bị dời xuống phía Nam, là cái hang tên gì, ở đâu? Phải chăng đây là cái hang mà Trần Đại Sỹ thề bán sống bán chết là đã tận mắt nhìn thấy từ… Paris?

Thác Bản Giốc. Theo Nguyễn Khắc Viện thì “Từ huyện Trùng Khánh đi chừng 20km về tới xã Đàm Thủy, từ xa có thể nghe thấy tiếng ầm ầm vang lại và một làn sương mờ tỏa ngang sườn núi vòng lấy một đoạn sông Quy Sơn nằm ngang biên giới Việt-Hoa, ở đây mặt nước sông Quy Sơn đột ngột hạ thấp hẳn xuống chừng 30m, làm cả khối nước khổng lồ ấy đổ xuống, tạo thành thác Bản Giốc… Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương” (25).

Nguyễn Khắc Viện xác nhận thác Bản Giốc nằm ngang biên giới Việt-Hoa. Cũng như hang Pác Bó, xác nhận đó được đưa ra năm 1989. Trần Khuê và đồng bạn có thể lắc đầu phủ nhận nại cớ là đường biên giới đó đã bị Trung Quốc ép buộc Việt Nam vẽ lại để hợp thức hóa việc chiếm đất của Trung Quốc. Hình như Thượng Tọa Như Điển ở Đức cũng đã nghĩ như thế. Tờ Viên Giác số 127 tháng 2/2002 của Thượng Tọa viết: “Đảng CSVN đã giao nộp 12 cây số chiều sâu vào đất liền thuộc biên giới 6 tỉnh miền Bắc, từ biên giới Lào Quốc đến Vịnh Bắc Việt”. Do đó “Thác Bản Giốc Cao Bằng nay thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc.” Như vậy, tố cáo của Thượng Tọa Như Điển trầm trọng hơn cáo trạng của Hòa Thượng Tâm Châu. Vì theo Thượng Tọa Như Điển thì Việt Nam mất 1.300km x 12km = 15.600km2 đất liền chứ không phải chỉ 6.500km2 như Hòa Thượng Tâm Châu dạy. Còn thác Bản Giốc thì mất đứt. Người Việt nào mà không ấm ức tiếc hận. Đó cũng là nhờ quý Hòa Thượng, Thượng Tọa khai tâm cho. Nhưng thực hư ra sao?

Không phải đến năm 1989 Nguyễn Khắc Viện mới xác nhận tình trạng thác Bản Giốc nằm ngang biên giới Việt-Hoa như thế mà 59 năm trước, Madrolle cũng từng nói nguyên văn: “Từ Cao Bằng đến Bản Giốc, 81km Đông-Bắc-Đông. Cuối dòng là thác Tu-Tong, cao 25m. Lòng sông tạo thành ranh giới giữa Tonkin và Trung Quốc (26).” Madrolle viết câu ấy năm 1930 nên không thể nghi ngờ Madrolle bị áp lực Trung Quốc mà quấy quá. Vì trong tình thế năm 1930, Pháp không chiếm đất của Trung Quốc thì thôi chứ không thể có chuyện ngược ngạo Trung Quốc ép Pháp dâng đất. Mặt khác, Madrolle nói đến thác “Tu-tong”, phải chăng đây là tiếng người Trung Quốc dùng để gọi phần thác Bản Giốc của họ? Lê Công Phụng cũng nhắc lại ý niệm “Lòng sông tạo thành ranh giới giữa Tonkin và Trung Quốc” của Madrolle bằng cách nói rõ: “Cột mốc đang tồn tại được cắm từ thời Thanh, xác định chỉ có chưa được một nửa thác Bản Giốc là ở bên phía ta. Theo quy định quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như một dòng sông, một dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất… Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%. Hiện nay cả hai bên đang tiến hành khai thác du lịch phía bên mình (27)”. Như vậy, nếu nói rằng thác Bản Giốc vốn là hoàn toàn của Việt Nam và bây giờ đã lọt 2/3 hay 1/2 vào tay Trung Quốc thì hóa ra kẻ đáng bị tố khổ chính là thực dân Pháp trước đây chứ không phải Việt Nam hôm nay?

Đấy là những điều Trần Đại Sĩ thề danh dự khi nói ra, và những người tham dự chiến dịch tố khổ “Việt cộng dâng đất cho Trung cộng” thề mà lặp lại. Thề là một quyết tâm chân thật và thề cũng là một hứa hẹn gian dối. Bởi lý, nếu biết chắc mình không nói dối thì cần gì phải thề nói thật. Phải chăng vì không muốn cho hai ông bạn ký giả của mình ở vào tình trạng khó xử đó nên Trần Đại Sỹ không bắt họ thề trước khi tiết lộ bí ẩn để Trần Đại Sỹ tiết lộ lại cho đồng bào mình nghe chăng?

Ông Tây Dăng Giây Thép Họa Địa Đồ Nước Nam

Hành động của Tướng de Négrier đánh sập Ải Nam Quan năm 1885 để dằn mặt Trung Quốc như Madrolle kể, gợi lại một thời đen tối tũi nhục mà cũng hào hùng của lịch sử Việt Nam. Pháp chiếm trọn Miền Bắc, quay vào tiến đánh kinh thành Huế, và hoàn thành nền đô hộ Việt Nam. Phong trào Văn Thân-Cần Vương nổi lên khắp nơi kéo dài trong ngót 20 năm khởi từ quyết định của vua Hàm Nghi rời bỏ đế đô lên rừng kháng chiến cho đến khi Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám hy sinh. Lồng trong phong trào này là phong trào Bình Tây Sát Tả vì sĩ phu toàn quốc và “phần đông người đương thời cho rằng “Tây là đạo”, “đạo là Tây” (28).”

Hồi nhỏ Hoàng tôi thường nghe Bà Nội hát ru: Kể từ ngày thất thủ kinh đô, ông Tây qua dăng dây thép họa địa đồ nước Nam. Như vậy, không có “ông Tây” thì cũng không có bản đồ nước Nam – ít nữa cũng như bản đồ mà Hoàng tôi thấy trong sách của Madrolle hay Gourdon (29)? Kinh đô thất thủ năm 1885. Năm 1885 có thể coi là cột mốc thời gian từ đó cái gọi là bản đồ Việt Nam và lãnh thổ-lãnh hải Việt-Hoa được chính thức thành hình. Công chiếm đất của Trung Quốc cho Việt Nam hay tội nhường đất Việt Nam cho Trung Quốc đều một tay do Pháp. Phải chăng cũng vì vậy mà khi nói đến chuyện ranh giới Việt-Hoa trên đất liền hay trên mặt biển thì luôn luôn phải bắt đầu bằng những thỏa hiệp giữa Pháp với nhà Thanh?

Trong giai đoạn Pháp thiết lập nền đô hộ trên đất Việt Nam, cụ thể là giai đoạn xâm chiếm và bình định Miền Bắc, cả Pháp và Trung Quốc đều lo ngại về vấn đề biên giới. Bởi vì “Bắc Kinh thì đinh ninh rằng Pháp sẽ mở cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của mình, có thể là vào Thiên Tân… Vì vậy nỗi lo lắng giờ đây của chính phủ Trung quốc không còn là vấn đề Bắc Kỳ nữa, mà là vấn đề quốc phòng của chính mình (30).” Trong khi người Pháp lại không muốn để cho Trung Quốc lợi dụng vấn đề biên giới để can thiệp vào Việt Nam. Cũng vì những lo sợ ngấm ngầm đó nên cả hai đều nghiêm túc đàm phán về biên giới trên căn bản Pháp không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc và Trung Quốc thì từ bỏ quyền bảo hộ Việt Nam và công nhận một vùng trung lập trái độn.

Trong khi thương lượng với Trung Quốc, nếu Pháp không chịu thiệt một tất đất của Việt Nam hoặc lấn thêm đất thêm biển của Trung Quốc, thì cũng chỉ vì Pháp nghĩ rằng Việt Nam đã là một thứ Pháp quốc hải ngoại của chính quốc rồi (31). Mặt khác, vùng trung lập trái độn Pháp âm mưu thiết lập không chỉ dọc biên giới Việt-Hoa mà chính là một vùng rộng lớn xuống tận Campuchia bao gồm các tỉnh biên giới từ Mong Cáy-Quảng Ninh phía Đông sang Lai Châu phía Tây, và từ Sơn La xuống đến tận Đắc Lắc-Đà Lạt. Vùng trái độn nầy sẽ là nước Việt Nam thứ tư – sau Bắc Kỳ quốc Tonkin, Trung Kỳ quốc Annam và Nam Kỳ quốc Cochinchine – mà Pháp dự định thành lập dưới cái tên Hoàng Triều Cương Thổ, với dân số chủ lực là người Tày-Nùng và người Thượng. Phong trào FULRO được thai nghén từ đó. Đến bây giờ, mưu định đó vẫn chưa hẳn đã chết trong đầu óc ngoại bang.

Tình Nghĩa Việt-Hoa

Năm 1876, Rheinart Đặc sứ Pháp bên cạnh triều đình Tự Đức gởi cho Thống Đốc Nam Kỳ Thomson một phúc trình trong đó có đoạn: “Triều đình Huế chắc cũng hối hận bị nội thuộc nước Tàu, nhưng tôi chắc rằng họ muốn trở thành một tỉnh của nước Tàu còn hơn là nhận ta bảo hộ… Người Tàu là chú hoặc anh, chúng ta là mọi rợ. Chế độ Tàu sẽ thay đổi rất ít đến tập tục của các quan, còn phụ thuộc là một điều nhục nhã còn khó chịu hơn là tự tử (32).” Nhận định của Rheinart có lẽ chỉ đúng một phần, đó là mất tự chủ tự quyết là “điều nhục nhã còn khó chịu hơn là tự tử”. Và đối với những người Việt có ý thức và ý chí tự chủ tự quyết thì Pháp hay Trung Quốc, Nga hay Mỹ, hay bất cứ nước nào khác đều như nhau thôi.

Vào giai đoạn chót của Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật chính thức mở mặt trận Thái Bình Dương và lấn chiếm Đông Dương. Vì Pháp không tự vệ được mà cũng không bảo vệ được cho Việt Nam nên chế độ bảo hộ mặc nhiên kết thúc. Pháp không chấp nhận thực tế lịch sử đó nên khi Nhật đầu hàng, chiến tranh kết thúc thì Pháp lại mon men trở lại Việt Nam. Năm 1949, trong lúc Pháp đang lủng ca lủng củng tái lập chế độ thực dân và Việt Minh đang vất vả cầm cự bằng du kích chiến thì ở Hoa lục, cuộc vạn lý trường chinh của Mao Trạch Đông hoàn thành. Quả thực, Trung Quốc có thể lợi dụng tình thế để rửa cái nhục biên giới cũ bằng cách tràn qua biên giới, buộc Pháp phải xóa bỏ tất cả những điều ước bất công ngày trước. Trung Quốc đã không làm hay chỉ làm nửa chừng đó là “dùng người Việt để chống Pháp” bằng cách thừa nhận ngoại giao Việt Minh và giúp cho Việt Minh đủ sức chống Pháp.

Cái Giá của Viện Trợ

Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan. Số vũ khí mà bại quân của Tưởng vứt lại giúp trang bị đầy đủ cho Việt Minh. Sư Đoàn 308 hay đại đoàn chủ lực đầu tiên được thành lập và Việt Minh bước từ giai đoạn cầm cự chiến lược sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Cuối tháng 12/1950, Việt Minh mở đầu Chiến Dịch Trần Hưng Đạo, tràn xuống trung du hay đồng bằng Bắc Bộ khởi sự tổng phản công (33) và kết thúc cuộc chiến ở Điện Biên Phủ năm 1954.

Điều bi hài lịch sử là kể từ khi Pháp đô hộ Việt Nam, triều đình Trung Quốc ba lần đổi chủ với nhà Thanh, Trung Quốc Dân Quốc và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nhưng chủ trương của Trung Quốc dùng Việt Nam như một trái độn thì vẫn không thay đổi – trước là với Pháp và sau với Mỹ. Vì chủ trương chiến lược đó nên khi cần, Trung Quốc chỉ giúp Việt Nam đủ sức cầm cự chiến đấu chứ không đủ sức chiến thắng. Trung Quốc cũng thừa biết vì thế kẹt “sanh dựa thần, thần dựa cây đa”, Việt Nam phải cam phận làm đòn kê trái độn. Cái giá của viện trợ này đã được chính Bộ Ngoại Giao Việt Nam CHXHCNVN xác nhận trong bạch thư nhan đề Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc Trong 30 Năm Qua, phổ biến hồi tháng 10/1979 (34).

Bằng chứng về chủ trương dùng viện trợ để làm áp lực đó đã lộ rõ trong hội nghị Genève 1954. Trong hội nghị này, “lập trường của Việt Nam là đi tới một giải pháp hoàn chỉnh: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia…” thì Trung Quốc lại chỉ muốn “một giải pháp theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị.” Nói thế khác, Trung Quốc chủ trương chia cắt Việt Nam, duy trì chế độ bảo hộ của Pháp ở Miền Nam với thâm ý dùng Pháp ngăn Mỹ nhảy vào Việt Nam, và giữ Miền Nam như một trái độn chặn Mỹ xâm nhập và hăm dọa Trung Quốc từ phía Nam (35).

Đối với cả Việt Minh và Trung Quốc, nếu Điện Biên Phủ là một toàn thắng quân sự thì Hội nghị Genève chỉ là một chiến thắng chính trị nửa vời. Việt Minh chỉ chiếm được nửa Việt Nam và trở thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Pháp đã bị Mỹ hất cẳng chứ không bám trụ ở Miền Nam như Trung Quốc mong ước. Sau này, khi bị Trung Quốc thúc ép phải nhượng bộ Mỹ, Miền Bắc nói thẳng là sẽ không nghe Trung Quốc nữa vì Trung Quốc đã sai lầm trong hội nghị Genève năm 1954 (36).

Khi Miền Nam biến thành nước Việt Nam Cộng Hòa như Miền Bắc và Mỹ thực sự thế chân Pháp, lo ngại vì Miền Bắc mà mình có thể trực tiếp đụng đầu với Mỹ nên Trung Quốc cố thuyết phục Miền Bắc đừng quấy động ở Miền Nam và duy trì nguyên trạng hai chế độ. Bằng chứng là năm 1964, vụ Vịnh Miền Bắc xảy ra thì Trung Quốc một mặt cho Mỹ biết “anh không đánh tôi thì tôi không đánh anh” và mặt khác chỉ viện trợ cho Việt Nam vũ khí nhẹ, đạn dược và trang bị hậu cần đủ để bảo trì một cái bẫy cho Mỹ sa vào (37). Cũng vì tránh đụng độ trực tiếp với Mỹ như thế nên Trung Quốc đã làm lơ một hiệp định quân sự bí mật giữa Việt-Hoa theo đó đến tháng 6.1965, Trung Quốc sẽ gửi phi công sang giúp (38).

Trung Quốc không muốn cho Miền Bắc thắng mà cũng không muốn chiến tranh sớm kết thúc. Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ và Hà Nội đồng ý thương thuyết thì Trung Quốc lại chống lấy lý do nhận thương thuyết là “nhân nhượng một cách vội vã”. Đây là điều mà Tướng Taylor gọi là âm mưu của Trung Quốc đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng. Đến khi không ngăn cản được Miền Bắc ngồi vào bàn hội nghị với Mỹ thì Trung Quốc làm áp lực bằng cách cắt viện trợ, cụ thể là giảm kim ngạch viện trợ năm 1970 hơn 50% so với năm 1968 (39).

Trung Quốc cũng lợi dụng tình hình Việt Nam để cãi thiện bang giao với Mỹ trên căn bản trao đổi: Trung Quốc giúp Mỹ giải quyết vấn đề Việt Nam thì Mỹ sẽ giải quyết vấn đề Đài Loan cho Trung Quốc. Để gia tăng áp lực với Miền Bắc, Trung Quốc lại dùng viện trợ. Năm 1971, 1972 Trung Quốc đã dành cho Miền Bắc viện trợ cao nhất so với những năm trước (40) để cố thuyết phục Miền Bắc chấp nhận đề nghị 4 điểm của Mỹ: – rút quân và thả tù binh trong vòng 12 tháng, – ngưng bắn kiểu Genève 1954, – nhận cho Mỹ để lại một số cố vấn kỹ thuật và – duy trì Nguyễn Văn Thiệu(41). Miền Bắc không chịu. Nixon đến Bắc Kinh tháng 3.1972 và cụ thể hóa những cam kết Hoa-Mỹ bằng Thông cáo Thượng Hải. Hai chỗ dựa chính của Miền Bắc là Trung Quốc và Nga Sô. “Đả thông” với Trung Quốc rồi thì Mỹ chỉ còn “thông cảm” với Moscow là tha hồ “nghiền nát Việt Nam” (42). Nixon và Kissinger lại lục tục đi Nga vào tháng 5. Liên minh Hoa-Mỹ thất bại trong việc ngăn Miền Bắc tiến công Miền Nam thông nhất đất nước năm 1975, nhưng quả thật đã phần nào giúp Mỹ rảnh tay thúc ép Nga đến chỗ phải giải thể chế độ Sô Viết và giải tỏa gọng kềm khống chế Đông Âu năm 1989 vậy.

Được sự mặc nhiên đồng thuận với Trung Quốc rồi, Nixon phát động chiến dịch “già đòn non nhẽ” thả mìn phong tỏa các hải cảng Miền Bắc, ồ ạt tấn công hai miền Nam Bắc (43) hầu như suốt cả năm 1972 mà vẫn không ép được Miền Bắc phải nhượng bộ thêm điều gì thiết thực trong khi Nixon đang bị Quốc Hội còng tay vì vụ Watergate. Nixon phải gánh trên vai hai thất bại Watergate và Đông Dương. Ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris được hai phe bốn phía ký kết với những điều cam kết: Mỹ rút quân, trao trả tù binh, Miền Nam có hai vùng, hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị, các lực lượng này sẽ thành lập một chính phủ liên hiệp ba thành phần.

Tháng 6/1973, tức nửa năm sau Hiệp định Paris, trong khi một mặt Mao Trạch Đông khuyên các nhà lãnh đạo Miền Bắc nên ngưng nghỉ một thời gian “nửa năm, một năm, một năm rưỡi, hai năm” càng tốt ở Miền Nam và Chu An Lai lại nhấn mạnh thêm là thời gian nghỉ ngơi đó chưa thể dứt khoát là 5 hay 10 năm để thực hiện “hòa bình, trung lập” (44) thì mặt khác Trung Quốc cũng khuyên Mỹ là “đừng thua ở Việt Nam và đừng rút lui khỏi Đông Nam Á như lời tiết lộ của A. Haig với tờ Christian Science Monitor ngày 20/6/1979 (45). Để tăng mức độ thuyết phục Miền Bắc, Trung Quốc hứa duy trì mức viện trợ của năm 1973 cho 5 năm tới, nhưng “sự thật là họ đã ngừng hoàn toàn viện trợ về quân sự, còn về viện trợ kinh tế họ nhận chủ yếu phục hồi các cơ sở do Trung Quốc giúp trước đây và đã bị Mỹ đánh phá, nhưng họ kéo dài việc thực hiện, có nơi không thực hiện (46). Đây cũng chính là thời gian Trung Quốc bất thần ra tay chiếm Hoàng Sa.

Hoàng Sa và Bài Học của Đặng Tiểu Bình

Năm 1958, ban chấp hành trung ương của hai Đảng đồng ý tôn trọng ranh giới do Pháp và nhà Thanh đã thỏa thuận trong thế kỷ trước (47). Ngày 26/12/1973 Hà Nội đề nghị Bắc Kinh nói chuyện về hải phận trong Vịnh Bắc Bộ. Gần một tháng sau, ngày 18/1/1974 Bắc Kinh mới thông báo chấp nhận đề nghị đó. Nhưng ngay ngày hôm sau – ngày 19/1/1974 – Trung Quốc bất thần tung hải và không quân đánh chiếm Hoàng Sa với sự đồng thuận của Mỹ. Bằng chứng là Mỹ không những làm ngơ lời cầu viện của Sài Gòn mà còn ra lệnh cho Hạm Đội 7 tránh xa vùng Hoàng Sa Trường Sa cho Trung Quốc rộng đường hành động. Từ tháng 8 đến tháng 11/1974, Hà Nội lại cố tái tục các cuộc thương thuyết về biên giới trên bộ và dưới biển nhưng chẳng đi đến đâu. Sau khi chiến tranh chấm dứt, đến tháng 10/1977, Việt Nam lại cố gắng nữa (48). Nhưng vấn đề trở thành trầm trọng hết thuốc chữa vì lần này Trung Quốc không những không muốn thương thuyết mà còn muốn lấy chuyện biên giới làm cái cớ để “dạy” cho Việt Nam một vài bài học về cái tội… cứng đầu.

Lịch sử có những điều lặp lại trớ trêu. Sau 1945, nhân loại bắt đầu hưởng hòa bình thì Việt Nam phải bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau 1975, chiến tranh Việt-Mỹ kết thúc thì xung đột Việt-Hoa bắt đầu. Có thể nói, việc Việt Nam ký hiệp ước an ninh Việt-Nga và gia nhập khối Comecon, cũng như chiến dịch cãi tạo công thương nghiệp hay đánh tư sản mại bản và chương trình Xuất Ngoại Bán Chính Thức ở Miền Nam và phong trào hồi hương Hoa Kiều ở Miền Bắc là những giọt nước làm cho ly nước xung khắc Hoa-Việt đầy tràn. Điều đáng nói là điểm nóng của cuộc xung đột này không phải chỉ biên giới Việt-Hoa, mà cả biên giới Việt-Miên.

Vì đã nghéo tay với Trung Quốc để thực hiện chiến dịch dương Tây kích Bắc nên Pol Pot không những chối từ đề nghị hai bên Miên-Việt ký một hiệp ước bất tương xâm và lập khu phi quân sự giữa hai nước, mà còn tập trung 19 sư đoàn bộ binh cơ hữu dọc biên giới Việt-Miên chuẩn bị gây hấn (49). Ngày 22/12/1978, Pol Pot phát động chiến dịch cáp- duồng mới đánh vào Bến Sỏi với ý định chiếm Tây Ninh mở đường tiến về Sài Gòn. Việt Nam chỉ còn một đường phải giải quyết gấp vấn đề Campuchia để còn ứng phó với tình hình nóng bỏng ở biên giới Việt-Hoa. Ngày 10/1/1979, Việt Nam tiến quân vào Nam Vang và chế độ Pol Pot cáo chung.

Để chuẩn bị dạy cho Việt Nam một bài học về tội cứng đầu, ngày 17/2/1979 Đặng Tiểu Bình đã “huy động 60 vạn quân, gồm nhiều quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập, nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật với gần 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo, hàng trăm máy bay các loại” (50) để phát động tấn công trên một mặt trận dài 1.000km (51). Bài học Đặng Tiểu Bình nhắm bốn mục tiêu rõ rệt: triệt hạ một phần quân lực, phá hoại tiềm lực kinh tế và quốc phòng của Việt Nam, lấn chiếm đất đai và kích động bạo loạn (52). Cuộc chiến biên giới chấm dứt sau hơn nửa tháng. Ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố đơn phương ngưng bắn, rút quân và chấp nhận đàm phán.

Hiểm Họa Biên Giới

Trong một liên hệ cơm không lành canh không ngọt giữa hai nước, biên giới là mối họa chính. Nước lớn bao giờ cũng khai thác điểm này để gây hấn với luận điệu đối phương quấy phá chiếm đất nên gia chủ phải ra tay tự vệ dành lại. Nhưng biên giới của Trung Quốc với Việt Nam xuống tận đâu?

Quyển Sơ Lược Lịch Sử Trung Quốc Hiện Đại, xuất bản ở Bắc Kinh năm 1954 cho rằng vùng Đông Nam Á – cụ thể là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan là những vùng đất của Trung Quốc bị nước ngoài chiếm mất. Thực tình, với quan niệm biên giới đó, Trung Quốc muốn phát động chiến tranh đòi lại đất đai bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào ở Đông Nam Á mà chẳng được. Thế nên, trước khi bùng nổ cuộc chiến Việt-Hoa ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã “đưa thêm quân ra vùng biên giới Việt-Hoa, tăng cường những vụ khiêu khích vũ trang chiếm lãnh thổ Việt Nam… tạo nên tình hình thường xuyên căng thẳng…” (cho nên) nếu vụ khiêu khích lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc năm 1975 là 234 vụ, gấp rưỡi năm 1974, thì năm 1978 tăng vọt lên 2.175 vụ, gấp mười lần (53). Nhưng mối nguy không phải chỉ ở đó thôi. Vì cũng theo lời than thở của Bộ Ngoại Giao Việt Nam thì cuộc chiến biên giới chính thức chấm dứt ngày 5.3.1979, nhưng mãi cho đến tháng 10.1979 – nghĩa là bảy tháng sau ngày ngưng chiến rút quân, Trung Quốc vẫn “tiếp tục chiếm đóng hơn mười điểm trên lãnh thổ Việt Nam, xây dựng thêm công sự ở các nơi đó, vi phạm trắng trợn đường biên giới do lịch sử để lại mà cả hai bên đã thỏa thuận tôn trọng. Suốt dọc biên giới Việt-Hoa, họ tiếp tục bố trí nhiều quân đoàn có pháo binh và thiết giáp yểm trợ, tăng cường các phương tiện chiến tranh, ra sức xây dựng các công trình quân sự, thường xuyên diễn tập quân sự, tung các đội thám báo, biệt kích xâm nhập nhiều khu vực của Việt Nam. Không ngày nào họ không gây những vụ khiêu khích vũ trang, nổ súng, gài mìn, bắn giết nhân dân địa phương. Có nơi họ cho bắn súng cối hạng nặng suốt ngày, có nơi họ cho một tiểu đoàn quân chính quy tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam hơn 4km, bắn giết dân thường, đốt phá nhà cửa và phá hoại hoa màu. Có nơi từng tốp máy bay Trung Quốc bay sâu vào vùng trời Việt Nam từ 8 đến 10km… nhiều lần đe dọa “cho Việt Nam một bài học thứ hai”, thậm chí “nhiều bài học nữa” (54).

Dọc ranh giới đất liền đã thế, còn lãnh hải thì sao? Tài liệu chính thức là quyển Bản Đồ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa do Bắc Kinh ấn hành năm 1973, xác định lãnh hải của Trung Quốc ở phía Nam chạy dọc bờ biển Việt Nam, vùng Bắc Calimantan của Mã Lai, và Phi Luật Tân (55). Việt Nam không thể không biết rằng vì quan điểm lãnh hải đó mà “Trung Quốc thường nhắc đến “chủ quyền” của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đầu năm 1974, với sự đồng tình của Mỹ, họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam, để từng bước kiểm soát biển Đông, khống chế Việt Nam và toàn bộ Đông Nam Á, đồng thời khai thác tài nguyên phong phú ở vùng biển Đông (56).”

Những điều vừa kể chứng tỏ cho đến bây giờ giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ có những đường biên giới do lịch sử để lại mà cả hai bên đã thỏa thuận tôn trọng, nghĩa là những quy định về ranh giới giữa nhà Thanh và Pháp như Bộ Ngoại giao Việt Nam nói (57). Những đường biên giới đó cả Trung Quốc và Việt Nam hôm nay đều có thể phớt lờ nếu thấy có lợi cho mình. Cho nên, Việt Nam thực sự cần có một ranh giới Việt-Hoa rạch ròi trên đất liền cũng như trên biển cả để chính thức thay thế “đường biên giới do lịch sử để lại” đó. Đạt đến những hiệp định về một đường biên giới mới trên bộ cũng như trên biển giữa hai quốc gia có chủ quyền, giữa hai chính quyền có tự quyết – chứ không phải như quan hệ Pháp-Hoa hồi cuối thế kỷ 19 – là điều cốt tử cho Việt Nam. Muốn đạt đến điều đó, Việt Nam không thể “cả vú lấp miệng em” như thực dân Pháp mà cũng không thể “nhũn như con chi chi” như triều đình nhà Thanh ngày trước. Nếu đã lấy lại đất nước từ tay Pháp Mỹ được, đã giữ được đất nước trong trận chiến biên giới Miên-Việt và Hoa-Việt được, thì đương nhiên cũng phải cố giữ và giữ được đất nước trên bàn hội nghị về biên giới.

Cho đến bây giờ Việt Nam chỉ mới đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về biên giới trên bộ bằng cách chia đôi 227km2 đang tranh chấp tại 164 điểm trải dài trên khoảng 400km biên giới, theo tỷ lệ Việt Nam: 113km2 và Trung Quốc: 114km2. Điều này được hai bên thỏa thuận ngày 30/12/1999 như chính quyền Việt Nam xác nhận (58).

Vấn đề lãnh hải thì vẫn còn lòng thòng. Hoàng tôi đã lầm khi trộm nghĩ vấn đề lãnh hải có thể được giải quyết trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Chủ Tịch Giang Trạch Dân hồi cuối tháng 2/2002. Sau khi Chủ Tịch Giang Trạch Dân ra về hơn tháng rưỡi thì Ngoại Trưởng Nguyễn Di Niên cho Quốc Hội biết là vấn đề vẫn chưa xong. Chủ Tịch Giang Trạch Dân phải ra về tay không như vậy cũng là một điều vừa bối rối vừa gay cấn cho cả Trung Quốc và Việt Nam. Và phải chăng vì gay go như vậy nên chính quyền Việt Nam mới cần đến một thứ tinh thần Diên Hồng mặc nhiên của dân chúng cả trong nước lẫn ngoài nước? Ngay cả số người chẳng thích gì Nhà Nước Việt Nam vì một lý do nào đó.

Thật vậy, chưa có một vấn đề nào đã vận dụng được thế nhất trí của người Việt bằng vấn đề bảo vệ lãnh thổ. Đề tài bảo vệ lãnh thổ là một quang phổ biểu hiện mọi màu sắc chính trị. Từ những cây viết nghiêm túc kẹt nhưng vẫn cố lách như Nguyễn ngọc Bích, Ngô Nhân Dụng, Phạm Xuân Đài, Trần Bình Nam đến những chính khách lẩm cẩm ham nói như Nguyễn Chí Thiện hay Tôn Thất Thiện, Lâm Lễ Trinh và công ty “Phù Chí sĩ”. Từ những bậc chân tu thượng thủ chuyện chuông mõ nhưng lơ là chuyện thế trị để cho sư tử trùng và những kẻ nằm vùng mượn tên mượn báo của mình làm chuyện mượn Sư cúng… Đấng Tạo Hóa đến những người từng chủ trương chia cắt đất nước vĩnh viễn, từng hô hào Mỹ oanh tạc Miền Bắc, từng to tiếng phản đối Mỹ ngưng oanh tạc. Từ những kẻ từng vổ tay hoan hô Mỹ siết chặt cấm vận đến những người từng vui mừng hồi hộp chuẩn bị chờ “đất nước sạch bóng quân thù” để trở về khi trận chiến biên giới Hoa-Việt bùng nổ. Từ những kẻ không còn muốn biết mình cắt rốn chôn nhau ở đâu đến những người từng hân hoan reo hò “Đó! thấy chưa!…” mỗi khi nghe tin thiên tai nhân họa giáng xuống trên đầu trên cổ đồng bào mình trong nước. Từ những người quyết làm chuyện đội đá vá trời ngót 20 năm không biết lãnh tụ của mình sống hay chết như Trần xuân Ninh (63) đến những người trước nay vẫn quen với lối suy nghĩ kiểu “thà mất nước không thà mất… Đấng Tối Cao” như Nguyễn Gia Kiểng (61), Nguyễn Văn Chức và đồng bạn (62)… Phải chăng ý thức bảo vệ lãnh thổ có tác dụng tổng động viên như thế nên tin Trung Quốc ép buộc Việt Nam nhượng đất nhượng biển được tung ra trước khi Chủ Tịch Giang Trạch Dân đến, và tại sao Trần Khuê và đồng bạn chỉ nhắm đến Bộ Chính Trị Lê Khả Phiêu chứ không trực tiếp tấn công những nhà lãnh đạo Việt Nam hiện tại?

Có dư luận cho rằng Trung Quốc đã dùng vấn đề mà Trung Quốc từng gọi là “nạn kiều” – hay vấn đề “đánh” tư sản mại bản Chợ Lớn và “đuổi” Hoa kiều ở ngoài Bắc về nước – để làm áp lực với Việt Nam trong các quan hệ với Việt Nam, kể cả thương lượng về biên giới. Nhưng chuyện Chủ Tịch Giang Trạch Dân ra về mà chưa giải quyết xong vấn đề lãnh hải phải chăng đã chứng tỏ lo như vậy là lo hơi… xa? Mặt khác, trước khi Chủ Tịch Giang Trạch Dân đến, Việt Nam đã nhắc đi nhắc lại sẽ không tái tục hợp đồng Cam Ranh với Nga mà cũng không cho Mỹ thuê Cam Ranh. Trung Quốc có muốn thuê Cam Ranh không? Không ai biết, nhưng một vài chi tiết tưởng cũng đáng ghi nhận. Thứ nhất, ngày nào Mỹ còn xử dụng con tẫy “bảo vệ Đài Loan” bằng Đệ Thất Hạm Đội thì ngày ấy cạnh sườn phía Đông và phía Nam của Trung Quốc vẫn còn bị hăm dọa, trầm trọng hơn nữa là nếu Mỹ được quyền xử dụng Cam Ranh hay các bến cảng khác của Việt Nam như Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng. Thứ hai, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Chủ Tịch Giang Trạch Dân đã ra thăm Hội An, đi tắm biển và tuyên bố ông cảm thấy “an toàn” ở đây. Hội An là một trong những trung tâm định cư đầu tiên của Hoa kiều, Hội An không xa Hoàng Sa và cũng không xa Chu Lai là nơi Mỹ từng đổ quân lên Việt Nam đầu tiên. Phải chăng Chủ Tịch Giang Trạch Dân muốn nhắn gởi rằng ông đã không muốn dùng chuyện nạn kiều để làm khó Việt Nam thì Việt Nam cũng đừng dùng Cam Ranh Hoàng Sa như những con bài tẩy trong ván bài “biên giới” để làm khó Trung Quốc?

Làm Sao Cắt Nghĩa Được Tình Yêu Nước?

Hoàng tôi đã trích dẫn khá nhiều những thông tin và nhận định về vụ xung đột biên giới theo quan điểm của Nhà Nước Việt Nam. Bởi vì Nhà Nước Việt Nam là người trong cuộc, có chuyện gì xảy ra thì Nhà Nước này – và đồng bào trong nước, phải trực tiếp đối phó và lảnh đủ trước tiên như trong trận chiến biên giới năm 1979 chẳng hạn. Những điều trích dẫn đó có bao nhiêu phần sự thật?

Vốn không có thái độ sô-vanh hay dân tộc quá khích đối với Trung Quốc, Hoàng tôi ước mong những điều Việt Nam than thở chỉ là quá khứ của “5 năm qua” – 1975-80 (58) như lời bạch thư xác nhận. Hoàng tôi cũng ước mong vụ biên giới năm 1979 chỉ là một quá khứ oan khiên giữa Đặng Tiểu Bình và Lê Duẫn. Rằng quá khứ đó đã theo hai nhân vật lịch sử này về bên kia thế giới. Tuy nhiên, vạn bất đắc dĩ quá khứ đó lại tái diễn cách này cách khác thì tất nhiên Hoàng tôi phải “thấy” người Việt đúng trước cái đã. Dù đó có thể là “thấy mù”. Ý thức dân tộc lắm khi nếu không là một bản năng thì ít ra cũng là một xung động hữu kiện, tương tự như ý thức tư hữu của con chó. Với ý thức tư hữu đó, con người thương gốc đa đầu làng thế nào thì con chó nhớ gốc cây mà nó đã đái vào để “đánh dấu” thế ấy, con người bảo vệ quê cha đất tổ thế nào thì con chó cũng sủa cắn người lạ để giữ nhà thế ấy. Ít ra là như thế…

Tình yêu nước không chỉ là lý trí, không phát xuất từ một nhận định khách quan khoa học. Cái lý của con tim thường phấn kích đam mê hoan lạc hay chịu đựng khổ đau hy sinh hơn là những chân lý hiển nhiên phổ biến. Galileo biết rõ trái đất quay nhưng khi bị Tòa Thánh dọa đem lên giàn hỏa là nói ngược ngay cái rụp! Trong những thời kỳ đất nước bị đọa đày ngoại thuộc, không thiếu gì trí thức khoa bảng Việt Nam lần lữa cả đời để chứng minh cho được tội ác của ngoại nhân là hiển nhiên khách quan khoa học như 2+2=4 rồi mới bắt đầu yêu nước – nghĩa là bắt đầu nghĩ đến chống lại ách ngoại thuộc… Những người này thường bình nhiên tọa thị khi nghĩ bàn đến những chuyện như Trung Quốc đô hộ Việt Nam, Pháp thống trị Việt Nam, Mỹ khống chế Miền Nam oanh tạc Miền Bắc… một cách khách quan lạnh lùng hay bàng quan khoa học như khi nói chuyện Hitler khởi động Đại Chiến thứ hai, hay Tần Thủy Hoàng xây vạn lý trường thành, các vua Ai Cập xây kim tự tháp. Thế nên, phần đông số đó đã trễ tàu yêu nước để vừa an nhiên với cuộc sống phúc lợi an toàn, hạnh phúc êm ấm, vừa được tiếng là khách quan, ôn hòa, đề huề, không cực đoan quá khích, vừa khỏi lao vào đường nhục nhằn tù tội đọa đày. Ai chết mặc ai, ai ngu ráng chịu. Những người lính VNCH phải xâm trên cánh tay mấy chữ TQLC Sát Cộng, ND Sát Cộng, BĐQ Sát Cộng… Có ông Úy, ông Tá, ông Tướng nào chỉ huy các binh chủng đó, có ông Tổng Thống, Thủ Tướng, Bộ Trưởng, Tổng Giám Đốc, Nghị Sĩ, Dân Biểu nào xâm mấy chữ đó trên cánh tay hay ngay cả nơi những… chỗ kín, để gọi là ta đây quyết sống chết như những người đang hạnh phúc vì yêu hay đang khổ đau vì dang dở?

Giả Dược Quốc Gia

Một số người tự nhận là “quốc gia” thường nhìn Nhà Nước Việt Nam như cái đòn kê, như tấm thớt để tỏ bày hờn giận hận thù. Vì trước tiên, ồn ào tỏ ra hận thù kiểu đó nhiều khi chẳng mất vốn mà lại rất nhiều lời. Vụ Trần Trường là một ví dụ. Thứ nữa, không ồn ào tỏ ra hận thù như vậy thì không đúng “mốt” Quốc Gia. Nhưng muốn cho đúng mốt thì lại trở thành càm ràm, bắng nhắng, lẩm cẩm. Chuyện biên giới là một ví dụ. Qua chiến tranh biên giới đã qua và cuộc thương lượng gay go về vùng trời vùng biển hôm nay, nếu những người Mác-xít thân Trung Quốc đã thấy rõ được điểm tương đồng giữa Đặng Tiểu Bình và chủ trương sô-vanh nước lớn của một số triều đình thời Hán, Nguyên, Minh, Thanh đối với Việt Nam thì tại sao một số người quốc gia Bốn Không lại không thấy được những điểm tương đồng lịch sử giữa Pháp và Mỹ đối với Việt Nam? Lại không thấy được rằng cái gọi là Ý Thức Hệ Quốc Gia chỉ là một giả dược – placebo – chính quyền Pháp dùng để phấn kích những người lính “lê dương” bản xứ trong chiến dịch tái chiếm Đông Dương sau năm 1945 và chính quyền Mỹ thế chân Pháp, lại tiếp tục xử dụng lại giả dược đó cho những chiến sĩ Tiền Đồn Thế Giới Tự Do mà thôi? Thật vậy…

Một, Pháp dùng giả dược đó 9 năm -1946-1954, Hoa Kỳ cũng thực sự dùng giả dược đó được 9 năm – 1964-1972.

Hai, lực lượng viễn chinh Pháp dùng những Giám Mục Pigneau de Béhaine, Puginier, Lê Hữu Từ, Linh Mục Trần Lục, Linh Mục kiêm Đô Đốc d’ Argenlieu… Mỹ dùng Giám Mục Phạm Ngọc Chi, Linh Mục Hoàng Quỳnh, Linh Mục Nguyễn Lạc Hóa… Hồng Y Spellman ban phép lành cho những người lính Mỹ sang diệt qủy đỏ ở Việt Nam, Giám Mục Pellerin là tuyên úy, cố vấn chính trị quân sự – nghĩa là một thứ chính ủy – cho hạm đội 14 chiến thuyền của Đô Đốc Rigaul de Genouilly tấn công Đà Nẵng (59).

Ba, Pháp khởi sự chiến dịch xâm lược Việt Nam bằng “Vụ Đà Nẵng” năm 1856 với chiến thuyền Catinat (60). Mỹ khởi sự chiến dịch Mỹ hóa chiến tranh bằng “Vụ Vịnh Bắc Việt” với chiếc Maddox năm 1964. Để phát động cuộc chiến, Pháp đổ bộ Đà Nẵng năm 1858, Mỹ đổ bộ Chu Lai-Đà Nẵng năm 1965.

Bốn, năm 1947, Pháp dùng chiến thuật Lùng-Diệt để khủng bố và trừng trị những ai theo “Việt Minh” và thanh lọc bạn thù bằng câu hỏi: “Việt Minh? Việt Nam?” Năm 1968 Mỹ dùng chiến dịch Phụng Hoàng để khủng bố và trừng trị những ai theo “Việt Cộng” và thanh lọc bạn thù bằng câu hỏi: “Việt Cộng? Quốc gia?” Khối người chết oan vì cái giọng Việt Nam lơ lớ của mấy ông ông Tây, ông Mỹ cũng như vì cái tật gật đầu nói “vâng dạ” trước khi lắc đầu nói “không” của chính người Việt!

Năm, Tướng Navarre của Pháp chủ trương dùng chính trị để chiến thắng, nghĩa là dùng người Việt trị người Việt. Đại Tá Lansdale của Mỹ là người đầu tiên thực hiện Việt hóa chiến tranh. Cuối cùng, cả Pháp và Mỹ đều từ bỏ chính trị, dùng Lùng-Diệt để Việt hóa chiến tranh và dọn đường tháo chạy.

Sáu, Pháp chủ trương dùng không lực – kể cả lực lượng Nhảy Dù – để chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Mỹ cũng chủ trương dùng phi pháo để bẻ gảy xương sống của đối phương.

Bảy, năm 1954, Việt Minh lấy đại pháo chống lại không lực của Pháp. Năm 1970, Miền Bắc dùng đại pháo và hỏa tiễn để chống lại phi pháo của Mỹ.

Tám, cả Pháp và Mỹ cuối cùng đã phải bỏ cuộc đầu hàng trong những trận Điện Biên Phủ chính trị ngay tại hậu phương của mình. Sau 9 năm tự tung tự tác (1946-1954) Pháp bỏ Miền Bắc, nhảy lên tàu há mồm vào Nam. Mỹ sau 9 năm tự tung tự tác (1964-1973) leo lên nóc nhà bỏ đi. Pháp dùng hải quân để di tản những người trung thành với mình vào Nam, Mỹ dùng Hạm Đội 7 để di tản những đồng minh nhỏ của mình đến bến bờ an toàn trước cơn đại hồng thủy 30.4.1975.

Trước những tái hồi lịch sử bi hài đó, một số nạn nhân của giả dược Quốc Gia hẳn phải tỉnh người ra. Đáng nói là tỉnh ra để đi tới, để thấy rằng điều cần thiết cho Việt Nam là ý thức hệ Dân Tộc thì đàng này những người đã ghiền giả dược này chỉ đi thụt lùi, biến ý thức hệ Quốc Gia trở thành ý thức hệ Tuyệt Vọng của những kẻ bị chứng loạn thị. Vì vậy, cuộc chiến biên giới năm 1979 và cuộc tranh chấp biên giới hiện nay lý đáng là cuộc chiến và tranh chấp Việt-Hoa thì lại trở thành cuộc chiến và tranh chấp Quốc-Cộng giữa người Việt với người Việt. Số người tự nhận là quốc gia này đã yêu nước bằng cách theo Pháp, theo Mỹ, bây giờ họ yêu nước bằng cách theo Trung Quốc, ước mong Trung Quốc “dạy” cho Việt Nam thêm vài bài học nữa.

Một điều bi hài nữa của chiến dịch tố khổ tội “dâng đất” là những chuyên viên đối kháng hải ngoại bảo rằng họ có được những người đối kháng trong nước tiết lộ những chi tiết dâng đất đó thì các chuyên viên đối kháng trong nước lại bảo là họ biết được những tin tức đó nhờ theo dõi các website của đồng bào hải ngoại. Trong khi một số người nước ngoài đối kháng như một nghề – cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh mới đây gọi là những kẻ làm nghề chống Cộng – thì một số người trong nước lại đối kháng như một thời trang. Trước sau họ sẽ thấy rằng mẫu số chung của cái nghề và cái thời trang này là ý thức vọng ngoại thỏa hiệp và ý hướng biện minh cho hành động bán nước từ hai trăm năm nay của một số người.

Tạm Thay Kết Luận

Dù đứng ở điểm nào đi nữa, cuối cùng cũng phải thấy rằng, đụng đến chuyện tự chủ tự quyết, ngoại quốc nào cũng là ngoại quốc thôi. Cảm nghĩ đó có vẻ ngược với ý thức đại đồng của Khổng, với quan điểm vô sản quốc tế của Marx, với ý niệm cứu rỗi toàn nhân loại của Jesus hay ý niệm Phật tính không có Nam có Bắc của Phật giáo, và với khuynh hướng thời thượng Toàn Cầu Hóa hôm nay. Nhưng một người Việt muốn làm đồ đệ chân chính của Khổng, của Marx, của Jesus, của Phật, của nhà băng thế giới IMF và quỹ tiền tệ quốc tế WTO thì trước tiên người đó phải là một người Việt “thật”, ít ra cũng “thật” như con chó ghếch chân tưới vào gốc cây để “giữ” gốc cây, hay sũa để “giữ” nhà?

Ừ nhỉ! cảm nghĩ đó khiến Hoàng tôi liên tưởng đến một sự cố có hể coi là “định phận”. Thật vậy, thời còn học Tiểu học trường Pellerin Huế, Hoàng tôi được bạn bè tặng cho hỗn danh Thằng-N-Chó-Đái chỉ vì một đôi lần tôi bị thầy giáo thân yêu là Frère Maurice “thương cho roi cho vọt” vì tội… viết chữ N như con chó đứng… tè từ sau nhìn tới! Ôi, chuyện nước non thường là nghiêm túc đứng đắn nhưng cũng có khi lẩm cẩm đứng… đái như thế đó!

Trong bang giao quốc tế, có nhiều thỏa thuận giữa hai nước có thể là những thỏa thuận mật với những điều kiện nào đó. Có phải lý do duy nhất khiến Việt Nam tạm thời giữ kín các thỏa hiệp về lãnh thổ và lãnh hải vì đã nhượng bộ quá nhiều nên sợ dân oán trách tố cáo? Nhưng nếu Việt Nam phải giữ kín những thỏa hiệp đó vì Việt Nam đã “triều cống” quá nhiều đất nhiều biển cho Trung Quốc, thế còn Trung Quốc được “triều cống” quá nhiều, sao Trung Quốc lại cũng dấu kín mà không đem ra khoe để lấy điểm? Hay Trung Quốc không làm vậy vì sợ Việt Nam nổi giận đòi lại, hay nhờ quốc tế đòi lại? Càng hỏi càng thấy băn khoăn. Băn khoăn đó họa may chỉ được giải tỏa khi các thỏa hiệp về lãnh thổ và lãnh hải được giải mật. Bao giờ đây? Cho nên, biết đâu nếu bị Nguyễn Văn Đông chận hỏi: Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Không khéo Hoàng tôi lại chỉ có thể cúi đầu thì thầm: Ôi, biết trả lời sao! như ca sĩ Thanh Tuyền hay Hoàng Oanh thường hát mà thôi?

———————–

Chú thích:

1 – M. de la Bissachère – État Actuel du Tunkin, de la Cochinchine et des Royaumes de Cambodge, Laos et Lac Tho, Galignani, Paris 1812, tr.21: ‘… on peut estimer que le Tunkin s’étend depuis le 17ème degré de latitude jusqu’au 23ème, et en longitude depuis le 118è jusqu’au 127è trente minutes’.
2 – Stewart, Tabori & Chang – Vietnam – Places and History, New York 1998, tr. 21, 23 và 24.
3 – Nguyễn Xuân Thọ – Bước Mở Đầu của Sự Thiết Lập Hệ Thống Thuộc Địa Pháp Ở Việt Nam (1858-1897), Mekong Printing, Santa Ana 1995, tr. 324.
4 – Nguyễn Hữu Thống – Lên Tiếng Về Việc CSVN Cắt Đất Cho Trung Cộng, Góp Gió, Washington 12.2.2002.
5 – Diệu Vân – Phỏng Vấn Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng, Việt Luận, Sydney 8.2.2002.
6 – Trần Khuê – Thư Ngỏ Gửi Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân, Việt Luận, Sydney 1.3.2002.
7 – Trần Khuê – sđd.
9 – Nguyễn Khắc Viện & al. – Đất Nước Việt Nam, Hà Nội 1989, tr. 285- 289.
10 – Nguyễn Khắc Viện & al. – sđd, tr.286-288.
11 – Madrolle – Indochina, Hachette, London-Paris 1930, tr.178: From Dong Dang, the road runs uphill to the Port de Chine, 4k. Nam-quan (Nan-Kuan; Chinese), the Southern Toll Gate of China. A wall about 370m. long rises among the chalk cliffs (forming the frontier) and bars the frontier.
12 – Nguyễn Khắc Viện & al. – sđd, tr.286: Phía Đông là biên giới Việt-Hoa chỉ cách Đồng Đăng 3km, nhìn thấy cửa Hữu nghị nằm trong đất Trung Quốc.
13 – D. Robinson – R. Storey – Vietnam, Lonely Planet, Victoria 1993, tr. 437 căn dặn du khách muốn quá giang xe để sang Trung Quốc bằng ngã Lạng Sơn: Make sure they take you to Huu Nghi Quan – there are a few other checkpoints but this is the only one where foreigners can cross… There is a walk of 600m from Vietnamese border post to ‘Friendship Gate’ on the Chinese side.
14 – Diệu Vân – sđd.
15 – Madrolle – sđd, tr. 177: On Feb. 24, 1885 the day after the fighting at Dong-dang, General de Négrier blew up the Gate at 2’30pm, while near by an inscription was posted in Chinese characters, reading: ‘It is not stone walls that protect frontiers, but the carrying out of treaties.’
16 – Trần Khuê – sđd.
17 – Trần Khuê – sđd.
18 – Web Giaodiem. com – Bàn Tân Định – Giữa Sự Thật và Tin Đồn – Vấn Đề Lũng Đoạn Thông Tin.
19 – Diệu Vân – sđd.
20 – Trần Khuê – sđd.
21 – Bàn Tân Định- sđd
22 – Trần Khuê – sđd.
23 – Trần Đại Sỹ – Bí Ẩn của việc Việt Nam hiến đất dâng biển cho Trung Quốc, cắt 789 km2 – lùi 5 km – Dân Việt, Sydney số ngày 24.1.2002. Một số người gặp tác giả bài này quả quyết họ không biết Bác sĩ Trần đại Sỹ là ai cả. Chỉ có Trần thế Tùng sống bằng nghề châm cứu và thuốc Nam. Trần thế Tùng ngày xưa là Thiếu sinh quân, lớn lên học Đại học Sư Phạm ban Việt Hán, nhập ngũ học sĩ quan, phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị đến cấp bậc Thiếu Tá. Trần thế Tùng có một người anh là Trần huy Phong tự Quyền, lãnh tụ Vovinam ở Melbourne, Úc Đại Lợi. Đời có thể có sự trùng hợp lạ lùng vậy sao?! Xin nhường cho Bác sĩ Trần đại Sỹ trả lời.
24 – Nguyễn Khắc Viện & al.- sđd. tr.291.
25 – Nguyễn Khắc Viện & al., sđd. tr.291-292.
26 – Madrolle, sđd. tr.179-180: Cao Bang to Ban Gioc, 81k. E.N.E – Downstream, cascade of Tu-tong, the height of which is 25m. The bed of the river here constitutes the frontier between Tonkin and China.
27 – Diệu Vân – sđd.
28 – Phan Khoang – Việt Nam Pháp Thuộc Sử 1884-1945, không ghi nơi tái bản, tr.366.
29 – H. Gourdon – L’Indochine, Larousse, Paris 1931.
30 – Nguyễn Xuân Thọ – sđd. tr.309.
31 – Pháp quốc hải ngoại: France d’Outre-mer.
32 – Phan Khoang – sđd. tr. 255.
33 – Viện Sử Học – Việt Nam Những Sự Kiện 1945-1986. KHXH, Hà Nội 1990, tr. 44-47 và 58.
34 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc Trong 30 Năm Qua, Sự Thật, Hà Nội 1979.
35 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr.26-27.
36 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr.62.
37 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 44-45.
38 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 46.
39 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 51.
40 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 59.
41 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 59.
42 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 60.
43 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 60.
44 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 69.
45 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 70.
46 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 69.
47 – Chris Ray – Vietnam Reconsruction and the Chinese Invasion, Australian Radical Publications, Sydney 1979, tr. 74.
48 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 71-72.
49 – Philippe Devillers – Nouvel Observateur ngày 14.1.1979 cho rằng Pol Pot có 22 sư đoàn và 20.000 quân nhân Trung Hoa ngụy trang dưới lốt chuyên viên kỹ thuật.
50 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 90-91.
51- Báo The Australian ngày 26.2.1979 ghi nhận: ‘Nguồn tin từ giới tình báo Mỹ cho biết là không dưới 17 sư đoàn Trung Hoa với 225.000 người đã được phát hiện dọc biên giới Việt-Hoa.
52 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 92.
53 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 88-89. Chris Ray trong sđd tr. 69 thì cho rằng: Trong năm 1978, Việt Nam loan báo rằng Trung Quốc đã vi phạm lãnh thổ Việt Nam 583 lần, không phận 100 lần và hải phận 481 lần.
54 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 92-93.
55 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd, tr. 13-14 và phụ lục 2 và 3.
56 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 18.
57 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. 92.
58 – Diệu Vân – sđd.
59 – Nguyễn Gia Kiểng – Hận Nam Quan ngày xưa, hận Nam Quan ngày nay (Việt Luận 18.1.2002), Lê Chí Quang một biểu tượng (Việt Luận 5.4.2002)
60 – Nguyễn Văn Chức – Sứ mạng của chúng ta, người Việt tỵ nạn – Hội Cao Niên VN Colorado, Đặc san xuân Nhâm Ngọ 2002.
61 – Trần Xuân Ninh – Phỏng vấn đặc biệt của VNN, Dân Việt, Sydney 18.4.2002.
62 – Bộ Ngoại Giao CHXHCNVN – sđd. tr. 99.
63 – Nguyễn Thế Anh – Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ, Lửa Thiêng, Chợ Lớn 1970, tr. 22.
64 – Phan Khoang – Việt-Nam Pháp Thuộc Sử, không ghi nơi tái bản, 1961, tr. 109.

Theo TUẦN BÁO VĂN NGHỆ TP HCM


Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...