[QĐND] Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, kiên quyết, kiên trì của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng yếu của các cơ quan báo chí chính thống trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, lực lượng báo chí Công an nhân dân đóng vai trò quan trọng, chủ động, tích cực, có nhiều thành tích nổi bật.
Khi Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị
khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản
bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” ra đời, lực lượng báo
chí của cả nước nói chung và các cơ quan báo chí của Đảng đã phát huy mạnh mẽ
vai trò nòng cốt, tiên phong trên mặt trận thông tin, tuyên truyền; trực diện đấu
tranh phê phán, phản bác các luận điệu phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc chống phá quan điểm, chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời
những kết quả, thành tựu trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội trong
công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, kết quả đạt được trong xây dựng,
chỉnh đốn Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
![]() |
Các đại biểu tham dự tọa đàm phát huy vai trò báo chí, truyền thông Công an nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. |
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung
ương và Bộ Công an, lực lượng báo chí Công an nhân dân đã tăng cường phối hợp,
thống nhất trong tuyên truyền, xây dựng một mặt trận chung, có kế hoạch tổ chức,
triển khai nhiệm vụ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm với từng giai đoạn, có đối
sách, biện pháp đúng đắn, sắc bén trong phản bác chống quan điểm sai trái, thù
địch.
Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng trên báo chí Công
an nhân dân luôn đổi mới, phát triển, đa dạng hóa hình thức, điển hình là
chuyên mục “Phòng, chống diễn biến hòa bình” trên Báo Công an nhân dân báo in
và báo điện tử (trên cả 3 phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung); các
chuyên mục “Góc nhìn sự thật”, “Xây dựng Đảng”, “Đối thoại trường quay”, “Chuyển
động cuộc sống” trên kênh truyền hình ANTV; Phát thanh Công an nhân dân có
chuyên mục “Tiêu điểm an ninh, trật tự”; Tạp chí Công an nhân dân cả ấn phẩm in
và điện tử đã thường xuyên tổ chức, xây dựng chuyên mục, tuyến bài về chủ đề “Bảo
vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, “Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù
địch”, “Chống diễn biến hòa bình”…
Tuy nhiên, báo chí Công an nhân dân chưa thực sự thể hiện được
vị trí và sức mạnh để chiếm thế chủ đạo trong định hướng dư luận. Số lượng bài
viết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch nhìn chung còn ít hơn so với
các chủ đề khác trên cùng một ấn phẩm, trong khi những thông tin sai trái, thù
địch, xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch phát tán trên internet, trên
mạng xã hội diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Thiếu những bài viết có sức lay động,
thuyết phục về những tấm gương đảng viên, tổ chức đảng tiêu biểu, “người tốt,
việc tốt”, “người thật, việc thật” có thái độ, hành động góp phần bảo vệ nền tảng
tư tưởng của Đảng để lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Dạng bài phản ánh có nội
dung đấu tranh trên báo chí Công an nhân dân tuy được khai thác nhiều nhưng vẫn
thiếu đi những điểm sáng ở thể loại phóng sự, điều tra - một thế mạnh của báo
chí ngành Công an…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do công tác
chỉ đạo, định hướng nhiều khi còn chậm, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thẳng
thắn đánh giá: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc,
quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính
chiến đấu chưa cao”; còn tình trạng chậm trễ, đặc biệt là trong công tác tuyên
truyền, phản bác các thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Bên cạnh đó còn tồn
tại quan điểm đánh đồng nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với đấu
tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tức là mới chú trọng phần “chống”, chưa
quan tâm phần “xây”.
Về cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, TS Nhị
Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: “Vấn đề tư tưởng phải
được giải quyết bắt đầu từ tư tưởng, trước khi bằng con đường tổ chức, pháp luật…
Trước hết, chúng ta phải có một cương lĩnh về hành động một cách có tư tưởng.
Cương lĩnh hành động hiện nay chính là, khi tình hình đã khác trước, cần nhận
diện đúng, phân định trúng và có đối sách phù hợp và hiệu quả”[1].
Thực tế cho thấy, cuộc chiến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
thực chất là cuộc chiến trên mặt trận lý luận, chính trị, do đó, mũi nhọn phải
chĩa vào các thế lực thù địch, dù núp bóng hay công khai lộ diện. Báo chí Công
an nhân dân cần chủ động phát huy những lợi thế sẵn có, thông tin kịp thời, có
hệ thống, thường xuyên, liên tục nhằm định hướng cho lực lượng Công an, các lực
lượng khác và nhân dân nắm rõ bản chất, ý nghĩa, tác động của những sự kiện, vấn
đề nảy sinh trong và ngoài nước. Báo chí Công an nhân dân cần xác định bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng gắn liền với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không
thể thiếu và tách rời nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
![]() |
Đại diện nhóm tác giả Truyền hình Công an
nhân dân (thứ hai từ phải sang) nhận giải A cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4, năm 2024. |
Trong bối cảnh an ninh chính trị thế giới, khu vực diễn biến
ngày càng phức tạp, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, phá hoại nền tảng tư
tưởng của Đảng do các thế lực thù địch tiến hành ngày càng tinh vi, thâm độc,
chúng ta không được phép chủ quan về sự phân hóa, diễn biến tư tưởng ngay trong
đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải coi trọng công tác xây dựng Đảng,
xây dựng bản lĩnh chính trị đối với cơ quan báo chí và người làm báo Công an
nhân dân, trong đó bao gồm cả vai trò của tổ chức đảng, cấp ủy, đặc biệt là người
đứng đầu. Cùng với đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý báo chí, cần
tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và
chính sách của Nhà nước đối với cơ quan báo chí và nhà báo.
Đặc biệt, đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa các cơ quan báo
chí, bảo đảm cho báo chí trở thành “binh chủng tinh nhuệ” trên mặt trận đấu
tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Trong bối cảnh Đảng ta quyết liệt
đẩy nhanh và mạnh tiến trình cải cách, tinh gọn bộ máy, hệ thống chính trị, báo
chí Công an nhân dân nói riêng và báo chí, truyền thông nói chung cũng không thể
đứng ngoài dòng cháy ấy. Do đó, cần thiết nghiên cứu kỹ lưỡng từ yêu cầu nhiệm
vụ và thực tiễn để thống nhất đưa ra một mô hình tổ chức cơ quan báo chí chuẩn
mực, bảo đảm tính đặc thù, hoạt động có hiệu quả phù hợp với hoạt động báo chí
ngành Công an.
Người làm báo nói chung, lực lượng báo chí Công an
nhân dân cần nhận thức rõ nhiệm vụ không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nắm
vững Luật Báo chí, 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, quy
tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo cũng như mọi yêu cầu, quy định riêng
của ngành Công an.
Cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên báo chí Công an
nhân dân muốn làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng, cần thường xuyên
rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, suy nghĩ, hành động và làm theo tấm
gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn vững vàng trước sự tấn công của các thế lực
thù địch; không “uốn cong ngòi bút” trước những cám dỗ tiêu cực của mặt trái
kinh tế thị trường; luôn say mê, tìm tòi, sáng tạo, nhạy bén về chính trị và
nghiệp vụ công tác; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, gương mẫu trong
lối sống, cẩn trọng trong lao động nghề nghiệp trên nguyên tắc tôn trọng và
nhìn thẳng vào sự thật, không ngừng hoàn thiện bản thân hướng tới các sản phẩm
báo chí vừa bảo đảm tính chiến đấu nhưng vẫn mang đậm giá trị nhân văn, xứng
đáng là lực lượng tiên phong, nòng cốt trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.
NGÔ CHÂU GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét