[CAND] Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (Khóa XIII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh các phương hướng, giải pháp chiến lược trong thời gian tới, trong đó trọng tâm là tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc ta tiến lên.
1. Gợi ý để Trung ương thảo luận về phương hướng, giải pháp
chiến lược, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý việc tập trung hoàn thiện
quan hệ sản xuất, trọng tâm là tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội,
các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương
thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc ta tiến lên. Đồng thời, đẩy mạnh
phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa
phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn
thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời,
cải cách triệt để thủ tục hành chính. Khơi dậy động lực, tinh thần cống hiến vì
đất nước, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nhân dân...
Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết
"Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu
cấp bách của giai đoạn cách mạng mới". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương pháp, cách thức cầm quyền dân
chủ, khoa học, thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời
kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp đổi mới nói riêng đã lập
nhiều kỳ tích, đạt được thành tựu vĩ đại. Đã hình thành thể chế chính trị ổn định
với cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".
Hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng qua nhiều lần kiện toàn, từng
bước định hình, đang tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại. Hệ thống chính trị, nòng cốt
là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được xây dựng,
hoàn thiện, khẳng định vai trò quản lý, điều hành mọi hoạt động của đời sống xã
hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thật sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội...
"Thể chế đó ngày càng khẳng định sự phù hợp và tính ưu
việt, được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tin tưởng, ủng
hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng
định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (Khóa XIII). Ảnh: TTXVN. |
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ ra
những hạn chế trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Vẫn còn tình trạng
ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm
bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được
thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Mô hình
tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ;
phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị
vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định,
dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Cải
cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm, hội họp
vẫn nhiều.
Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao
năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại,
đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ một số
công tác trọng tâm. Trong đó, cần thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm
phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện,
làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống
chính trị mà Đảng là hạt nhân; lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính sách và
sự tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng
viên; bằng thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật
của Nhà nước; sự vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, chính sách
của Đảng, giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy nhà nước và thông qua công tác
kiểm tra - giám sát. Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp
và pháp luật, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng
cầm quyền lãnh đạo Nhà nước; quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính
trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý
xã hội trên cơ sở pháp luật...
2. Vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là đòi hỏi tất
yếu, gắn liền với quá trình ra đời, phát triển của Đảng. Trong Di chúc, Bác căn
dặn: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự
thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người
đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo
cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo đối với
hệ thống chính trị, coi đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài,
phải tiến hành thường xuyên để bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền. Ngay từ Đại
hội III (tháng 9/1960), Đảng ta đã xác định cải tiến công tác lãnh đạo, các cấp
ủy phải nắm vững tình hình để đề ra chủ trương công tác đúng, kịp thời; tổ chức
thực hiện thiết thực, hiệu quả, có kế hoạch từng bước, giải thích kỹ chủ
trương, đánh thông tư tưởng cho cấp dưới. Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng
khẳng định: "Quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần
cách mạng và khoa học".
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH
năm 1991 đã xác định: "Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược,
các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền,
thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng
viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt
động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm
thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị". Đại hội X
(tháng 4/2006) tiếp tục nêu rõ: "Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ
quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền, làm cơ sở để đổi mới phương thức
lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện".
Đại hội XIII (tháng 1/2021) xác định mục tiêu tổng quát
trong nhiệm kỳ tới là "nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức
chiến đấu của Đảng", coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tại Hội
nghị Trung ương 6 (Khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị
quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Như vậy, thực tiễn cho thấy, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm
quyền gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu, đòi hỏi khách quan, không ngừng
được bổ sung, phát triển cho phù hợp từng thời kỳ cách mạng. Để nâng cao vai
trò cầm quyền của Đảng thì điều tiên quyết là Đảng không ngừng nâng cao sức mạnh,
uy tín của mình, không ngừng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Con đường đi
lên CNXH mà dân tộc Việt Nam lựa chọn là đúng đắn nhưng rất gian nan, không có
tiền lệ, đó là quá trình vừa xây dựng vừa đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để từng
bước hoàn thiện, tiến lên.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Công
việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là
một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới
mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải
động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của
toàn dân".
Phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có tầm quan
trọng đặc biệt. Đường lối đúng là điều kiện cần nhưng để đường lối đó đi vào cuộc
sống và phát huy hiệu quả đòi hỏi phải có phương thức lãnh đạo phù hợp, khoa học.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay phải đặt trọng
tâm vào đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đồng thời tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính
trị - xã hội khác. Thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là
đảm bảo vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, không để diễn ra tình trạng chồng
lấn, đồng thời Nhà nước phải thực hành nghiêm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hai
yêu cầu đó phải song song như đôi cánh của một con chim, phải đảm bảo tính thống
nhất, khoa học.
Quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề
ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội
trên cơ sở pháp luật. Để khắc phục những bất cập trong thực tiễn, cần thực hiện
đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy định
của Đảng về cơ chế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bằng pháp luật và thông qua
pháp luật. Quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan,
tổ chức, cá nhân của hệ thống tổ chức của Đảng và hệ thống chính quyền nhà nước
và cả hệ thống chính trị.
An Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét