[CAND] Tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, giảm sâu cả 3 tiêu chí - là những kết quả nổi bật mà tỉnh Bắc Ninh đạt được sau 1 năm xây dựng “Tỉnh An toàn giao thông” (ATGT). Như vậy, đã có hàng trăm gia đình không có người chết vì TNGT, hàng trăm trẻ em không phải chịu mất cha, mẹ; cha mẹ không mất con; hàng trăm người không phải vào tù do gây TNGT…
Nhiều nội dung, cách thức, giải pháp trong thí điểm xây dựng
“Tỉnh ATGT” đã được Bộ Công an, các Cục nghiệp vụ ghi nhận, phục vụ công tác chỉ
đạo, điều hành, hướng dẫn nhân rộng và tham mưu cho Chính phủ trong công tác đảm
bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên toàn quốc.
Đến Bắc Ninh dễ thấy nhất đó là những đường phố gọn gàng,
thoáng tầm nhìn, không có mái che, mái vẩy. Từng hàng ôtô đỗ ngay ngắn bên
trong vạch kẻ dành cho xe đỗ. Khác với một số nơi khác, cứ "kẻ vạch là thu
tiền", ở Bắc Ninh, tất cả các phương tiện giao thông đều được bố trí nơi đỗ
phù hợp, không thu tiền. Chị bạn đi cùng tôi ngạc nhiên bởi Bắc Ninh là tỉnh
kinh tế phát triển, dân số đông, phương tiện giao thông nhiều nhưng không tổ chức
trông giữ phương tiện để tăng thu ngân sách.
CSGT Bắc Ninh kiểm tra nồng độ cồn lái đò ngang. |
Thấy chúng tôi nói chuyện với nhau, anh Nguyễn Tiến Mạnh,
lái xe BKS 30G - 198.21 từ Hà Nội chở khách về Bắc Ninh đang đợi khách về góp
chuyện: "Em rất thích đưa khách lên Bắc Ninh vì được đỗ thoải mái, không
phải chạy lòng vòng khắp nơi, cũng không lo chủ cửa hàng đuổi. Đi các tỉnh
khác, đặc biệt là ở Hà Nội, tiền đỗ xe tính theo giờ, muốn dừng nghỉ một chút
cũng không có chỗ. Tranh thủ tấp vào lề thì chủ cửa hàng ra yêu cầu lái xe đánh
ra nơi khác".
Thấy xe của anh Mạnh đỗ trước cửa hàng nội thất Minh Hằng,
tôi hơi lăn tăn nên hỏi chị Hằng chủ cửa hàng: "Đỗ xe như này có ảnh hưởng
đến việc làm ăn của chị không?". Chị Hằng nói: "Không chị ơi, cả dãy
phố được đỗ xe mà, đường của nhà nước chứ có phải của mình đâu. Trước đây, ai đỗ
xe trước nhà, em cũng yêu cầu họ lái xe đi, từ ngày thành phố cho phép ôtô đỗ,
lúc đầu em cũng khó chịu, xong thấy cũng không ảnh hưởng gì đến việc làm ăn của
mình, khách vẫn đến bình thường, thậm chí đỗ xe dễ dàng nên nhiều người mua
hàng hơn", chị Hằng cho biết. Quả thật, ở Bắc Ninh, chỉ một việc đơn giản
là kẻ vạch cho phương tiện dừng đỗ cũng đã gây được thiện cảm cho người dân, đặc
biệt là khách ở các nơi khác đến làm việc, du lịch.
Phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh là một trong những đơn vị cấp
xã được UBND tỉnh Bắc Ninh chọn để xây dựng mô hình điểm xã, phường, thị trấn
ATGT bởi đây được coi là phường "trung tâm của trung tâm", với nhiều
cơ quan, doanh nghiệp, trường học, người dân kinh doanh, buôn bán tấp nập được
đánh giá là đơn vị trọng điểm an ninh, quốc phòng. Để thực hiện xã, phường, thị
trấn ATGT, phường Suối Hoa đã chọn lĩnh vực xây dựng trật tự công cộng, trật tự
đô thị là điểm nhấn trong xây dựng "Tỉnh ATGT".
Với hệ thống hạ tầng được quy hoạch tương đối đồng bộ, phường
Suối Hoa khá thuận lợi trong giao lưu, kết nối với các địa bàn. Cái khó nhất của
phường trong đảm bảo TTATGT đó là trên địa bàn dân cư đông đúc, người dân kinh
doanh sầm uất, lại có đến 7 trường học các cấp từ mầm non đến dạy nghề nên lưu
lượng phương tiện tham gia giao thông đông. Người dân kinh doanh lại thường sử
dụng mái che, mái vẩy, phương tiện dừng đỗ gây mất trật tự giao thông, trật tự
đô thị.
Trung tá Trần Văn Giáp, Trưởng Công an phường Suối Hoa cho
biết, căn cứ nghị quyết của Thành uỷ, kế hoạch của Công an thành phố, Công an
phường đã tham mưu cho phường xây dựng nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện
đến chi bộ, khu phố. Theo đó, UBND phường Suối Hoa đã xây dựng và triển khai bộ
tiêu chí ATGT; Công an phường chủ trì phối hợp với các lực lượng tuyên truyền,
nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; in pano áp phích, phát thông
tin trên loa truyền thanh; tổ chức cho các hộ dân dọc đường ký cam kết không vi
phạm….; lập nhóm Zalo, fanpage Facebook của Công an phường, fanpage của UBND… để
tuyên truyền. Từ đó, ý thức người dân được nâng lên rõ rệt.
Được biết, trên địa bàn toàn thành phố, UBND TP Bắc Ninh chỉ
đạo lực lượng chức năng rà soát, lập danh sách các "điểm đen", điểm
tiềm ẩn tai nạn giao thông và có nhiều kiến nghị xử lý bất cập trong tổ chức
giao thông trên địa bàn thành phố; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án "sơn
vạch kẻ đường, biển báo giao thông, lắp gờ, gồ giảm tốc trên địa bàn thành phố",
đã lắp đặt bổ sung gồ giảm tốc cao su tại hàng trăm vị trí, bố trí làn dừng, đỗ
xe tại nhiều tuyến phố...
Tuyên truyền, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. |
Thị xã Quế Võ - đơn vị được chọn làm điểm xây dựng "huyện
ATGT", với 21 xã, phường; có nhiều quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, nhiều khu công
nghiệp nên lưu lượng giao thông rất lớn. Đây cũng là địa bàn đô thị hoá nhanh,
bà con buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Công an thị xã đã tham mưu cho
UBND ban hành nghị quyết và kế hoạch thực hiện; tổ chức tuần tra kép kín địa
bàn; nhắc nhở, xử lý các trường hợp lấn chiếm các trường hợp cố tình lấn chiếm.
Thượng tá Phạm Xuân Ngư, Trưởng Công an thị xã Quế Võ cho biết,
Công an thị xã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức tuần tra khép kín 24/24h
theo cụm 3 xã, tập trung ở các khu vực đường gom, khu công nghiệp; tăng cường
kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn kết hợp với tuyên truyền tại các trường học,
doanh nghiệp; khảo sát các điểm đen về TNGT để kiến nghị cơ quan chức năng lắp
gờ giảm tốc.
"Do địa bàn nhiều khu công nghiệp, công nhân từ nhiều địa
phương đến, trình độ hạn chế nên ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Mỗi khi
có lương, họ lại hay tụ tập uống rượu sau đó tham gia giao thông, rất dễ gây
tai nạn. Chính vì vậy, chúng tôi triển khai đồng bộ các giải pháp, tham mưu cho
thị ủy, UBND thị xã chỉ đạo các xã triển khai lực lượng để tham gia với Công an
để tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, khi xảy ra TNGT, chúng
tôi đánh giá nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục. Chúng tôi sẽ nỗ lực kéo
dài, nhiều tháng, nhiều năm để người dân thay đổi tư duy, nhận thức về chấp
hành pháp luật về ATGT" - Thượng tá Nguyễn Xuân Ngư cho biết.
Phương Thuỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét