[QĐND] Trải qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian, mối quan hệ giữa Việt Nam với 3 quốc gia láng giềng là Lào, Campuchia và Trung Quốc đã chứng minh sự bền chặt và trở thành tài sản quý giá, niềm tự hào của người dân mỗi nước.
Nhưng thử thách chưa hẳn đã hết khi các thế lực thù địch, phản
động vẫn đang âm thầm thực hiện ý đồ xuyên tạc, nhằm tạo ra bầu không khí nghi
kỵ, hòng chia rẽ các mối quan hệ này.
Thực tiễn đã chứng minh các mối quan hệ Việt Nam-Lào, Việt
Nam-Campuchia, Việt Nam-Trung Quốc đã vượt ra ngoài phạm vi của các mối quan hệ
thông thường và được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách
đối ngoại của mỗi nước. Thực tế đó trước hết bắt nguồn và được nuôi dưỡng từ
truyền thống ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau của Việt Nam và 3 quốc gia láng giềng
trong từng giai đoạn lịch sử, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập,
giải phóng dân tộc của mỗi nước trước đây. Cùng với đó, trong thế giới đầy biến
động hiện nay, việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị càng đóng vai trò quan
trọng đối với an ninh và phát triển của các quốc gia có chung đường biên giới.
Nói cách khác, việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng không
chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan mà còn từ thực tế khách quan của cả Việt Nam,
Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Ảnh minh họa: qdnd.vn |
Cũng có thể khẳng định, cùng với đà thay đổi hết sức nhanh
chóng của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, việc củng cố và phát triển môi
trường hợp tác hữu nghị xuyên biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc là chủ
trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phù hợp với truyền thống giữ nước
của ông cha ta. Khi nhiều nơi trên thế giới đang khốn khổ vì chiến tranh và
xung đột, có lẽ người dân các nước thấm thía rằng, việc duy trì hiện trạng hòa
bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển trên mỗi tuyến biên giới là điều hết sức
đáng quý.
Dĩ nhiên, quan hệ láng giềng cũng giống như bất kỳ mối quan
hệ quốc tế nào khác, bên cạnh những điểm tương đồng thì vẫn tồn tại những vấn đề
vướng mắc, tồn đọng, mà đối với Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung Quốc điển
hình là vấn đề biên giới, lãnh thổ. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, với
tinh thần cầu thị, Việt Nam cùng 3 quốc gia láng giềng đã kiên trì, bền bỉ giải
quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ và đạt được những kết quả quan trọng trong hoạch
định biên giới trên đất liền. Bằng chứng là sau khi Việt Nam và Trung Quốc
chính thức ký Hiệp ước hoạch định biên giới vào tháng 12-1999 và được Quốc hội
hai nước phê chuẩn vào năm 2000, hai bên đã tiến hành phân giới, cắm mốc và đến
cuối năm 2008, công tác phân giới, cắm mốc cơ bản hoàn thành. Trong khi đó, với
biên giới Việt Nam-Campuchia, tháng 10-2019, hai nước đã ký chính thức hai văn
kiện nhằm ghi nhận thành quả 84% chiều dài đường biên giới trên đất liền được
phân giới, cắm mốc. Với biên giới Việt Nam-Lào, tháng 6-1981, hai bên đã phân
giới trên thực địa và cắm mốc xong 95% đường biên giới; đến tháng 10-1987, hai
bên ký Nghị định thư bổ sung ghi nhận toàn bộ kết quả công tác phân giới, cắm mốc
theo Hiệp ước bổ sung, kết thúc quá trình phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên
giới Việt Nam-Lào.
Thế nhưng, biên giới, lãnh thổ quốc gia luôn là vấn đề nhạy
cảm, phức tạp nên thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để
chống phá đường lối, chính sách đối ngoại, phá hoại sự ổn định về chính trị-xã
hội của Việt Nam cũng như chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam và 3 quốc gia láng
giềng. Không chỉ phủ nhận hoặc cố tình xuyên tạc những thành quả của quá trình
giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền nói trên, đến nay, một số đối tượng vẫn
tiếp tục sử dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ cùng với các vấn đề tôn giáo, sắc tộc,
nhân quyền để kích động, cổ vũ cho các hành vi vi phạm pháp luật và gây bất ổn ở
biên giới, từ đó thực hiện mưu đồ chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước
láng giềng.
Cùng với đó, không thể không nhắc đến âm mưu thực hiện chiến
lược “mưa dầm thấm lâu” nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Việt
Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập
ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng vào đời sống chính trị, kinh tế quốc tế
và các quốc gia láng giềng cũng có nhiều hoạt động mở rộng, tăng cường quan hệ
đối ngoại. Ví dụ có nhiều, song có lẽ điển hình nhất là trước, trong và sau
chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng 9-2023. Lợi dụng
việc Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, một số đối tượng liên tục
"phân tích bừa" rằng Việt Nam đã quay lưng lại với chính sách đối ngoại
độc lập, tự chủ để “đi với nước này chống nước kia”, hoặc Việt Nam đang triển
khai chính sách “đi dây” trong quan hệ với các cường quốc... Không khó để thấy
rằng, mưu đồ cốt lõi phía sau những luận điệu xuyên tạc này là gây nghi kỵ
trong dư luận nhân dân và tiếp tục “tập hợp lực lượng” để chống phá, chia rẽ
quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Phải thừa nhận, mặc dù những luận điệu xuyên tạc kết hợp với
hành động phá bĩnh nói trên không thể làm suy chuyển đường lối, chính sách đối
ngoại của Việt Nam nhưng cũng tạo dư luận xấu trong một bộ phận quần chúng ít
tiếp cận với nguồn thông tin chính xác, gây khó khăn cho hoạt động đối ngoại và
xử lý các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, trong đó có quan hệ với Lào,
Campuchia,Trung Quốc.
Song song với công cuộc đổi mới toàn diện và mở rộng hợp tác
quốc tế trên nhiều lĩnh vực, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân
dân Việt Nam luôn coi trọng và chăm lo gìn giữ, phát triển mối quan hệ với Lào,
Campuchia, Trung Quốc. Trong đó, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng
định tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là với
các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác quan trọng
và bạn bè truyền thống.
Thực sự đáng mừng là các mối quan hệ ấy đã và đang phát triển
tốt đẹp, góp phần rất quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định
ở các khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực phát triển kinh tế,
nâng cao đời sống nhân dân mỗi nước. Trên cơ sở xác định quan hệ chính trị là nền
tảng, quan hệ giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc đang được mở rộng và
hướng tới các hoạt động hợp tác thực chất trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh
tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng-an ninh, giao lưu nhân dân, hợp tác ứng phó
với thiên tai, môi trường...
Những kết quả hợp tác, nhất là ở khu vực biên giới, chính là
lời phản bác đầy sức nặng đối với mưu đồ chia rẽ quan hệ Việt Nam-Lào, Việt
Nam-Campuchia và Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh với một
bộ phận xã hội-những người xuất phát từ mong muốn đất nước tốt hơn song lại dễ
bị mê hoặc bởi những luận điệu gây chia rẽ, kích động dư luận trên mạng xã hội.
Đâu cần gì cao xa, chỉ cần hiểu đúng về nỗ lực củng cố, bồi
đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng là đã góp phần
không nhỏ cho hòa bình, ổn định và quá trình đi lên của đất nước.
NINH GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét