Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Nhầm cương vị

[TG] “Danh chính ngôn thuận” hay “Danh có chính thì ngôn mới thuận” là câu thành ngữ để khuyên răn việc nói năng phải đúng vị trí, danh phận của mình. Vậy nhưng, trên thực tế, có những người thường xuyên nhầm cương vị, hay cố tình nhầm cương vị để đưa ra những phát ngôn "văng mạng" nhằm đạt được mục đích; trong nhiều trường hợp, đó còn là sự vi phạm kỷ luật, pháp luật trong phát ngôn.

Hình minh họa. Tuoitre.vn

1. Cương vị được hiểu là vị trí trong một hệ thống tổ chức, quy định quyền hạn và trách nhiệm cụ thể. Người khác chỉ chấp hành (làm theo, nghe theo) người nói khi họ trên cương vị được tổ chức giao, có chức trách, quyền hạn về lĩnh vực đó, là sự “đúng vai”. Và người nói cũng chỉ nên hoặc được phép nói, yêu cầu ai đó bằng đúng cương vị, chức trách của mình. Những người nhầm cương vị, phần lớn là do tự cao tự đại, không hiểu vị trí của mình nên có những phát ngôn rất bừa bãi, lộng ngôn, nhất là trên mạng xã hội. Thậm chí có người tự cho mình có quyền phán xét như quan tòa, nhiều nhất là những phát ngôn, bình phẩm, ra lệnh cho người khác từ các sự việc cụ thể trong cuộc sống cho đến cả những việc ở tầm quốc gia đại sự.

Trên thực tế, có những người phát ngôn không đúng cương vị chỉ đơn giản là sự bột phát của cảm xúc, không mang hàm ý xấu, không gây tổn hại đến ai nên sự bột phát ấy thường được cảm thông. Ví như chúng ta thường được nghe một vài ý kiến, nhất là của những nhân chứng lịch sử kể về hồi ức, hồi ký khi họ được tham gia hoặc chứng kiến sự việc có tính lịch sử. Thời điểm họ được tham gia hay chứng kiến ở vài chục năm trước, khi họ chỉ là một người bình thường, một nhân viên, một chiến sĩ liên lạc, một binh nhì... nhưng khi kể lại câu chuyện đó, họ lại kể với vai trò như một quản đốc, một người chỉ huy, người có thể tham gia vào việc ra quyết định.

Nhưng có những người hoàn toàn có chủ đích khi phát ngôn không chính danh, không đúng cương vị của mình. Họ biết danh phận, biết mình không có cương vị đó nhưng lại lợi dụng điều này để đánh giá, nhận xét, phán xét bừa bãi trong các sự việc. Như chuyện một nữ doanh nhân lên mạng xã hội phát ngôn bới móc đời tư, kết tội nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, doanh nhân khác... thời gian qua. Mới đây nhất, cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam một cá nhân khi người này thường xuyên có những phát ngôn trên mạng xã hội vượt rất xa quyền hạn được phép. Ông ta tự cho mình có quyền phê phán cả thể chế chính trị của đất nước. Ông ta nhiều lần lớn tiếng cho rằng cần giải tán tổ chức này, thành lập tổ chức kia; phê phán cơ quan này, tổ chức nọ là cồng kềnh, thiếu hiệu quả... Nhiều cá nhân khác cũng sa vào tình trạng này. Đương nhiên, họ không phải là “ông trời” nên khi đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì họ sẽ bị pháp luật xử lý.

Thời gian qua, lợi dụng các sự việc, nhất là những sự việc ở tầm quốc gia đại sự, một số cá nhân rất lộng ngôn trên mạng xã hội. Họ tự cho mình có quyền sinh quyền sát, yêu cầu người khác phải làm theo ý mình. Họ lên giọng chỉ đạo, định hướng, thậm chí dạy bảo cả cơ quan chức năng phải làm thế này, làm thế kia... như chỗ hàng tôm hàng cá. Trong số đó có không ít cán bộ, đảng viên, những người đáng ra phải chấp hành tôn chỉ, mục đích khi tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, chấp hành điều lệ, quy định của Đảng, nhất là quy định về những điều đảng viên không được làm. Những phát ngôn bừa bãi này hoàn toàn khác với ý kiến góp ý, phản biện bởi nó không chỉ không đúng lúc, đúng chỗ mà còn nhằm mục đích làm mất uy tín, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

2. Ngạn ngữ có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Việc nhầm cương vị hiểu sâu xa thì rất tai hại. Thứ nhất, khi người không có cương vị lại nhầm mình có thể đưa ra quyết định, lên tiếng chỉ đạo... thì điều đó là vô nghĩa, là sự khoác lác, "ngáo chữ", "ngáo lời". Thứ hai, việc nhầm cương vị sẽ dẫn đến hiện tượng “nói cho sướng mồm”, ai cũng có thể phát ngôn như ở nơi vô cương vô pháp. Nay anh ba hoa khoác lác được việc này thì mai anh lại ba hoa khoác lác việc khác. Trong khi đó, xã hội luôn có kỷ cương, trật tự; pháp luật điều chỉnh hành vi của mọi cá nhân, tổ chức. Thứ ba, phát ngôn bừa bãi lâu dần rất dễ hình thành ảo tưởng quyền lực, tự huyễn hoặc mình có quyền lực. Nguy hiểm hơn, có nhiều đối tượng nhầm cương vị theo kiểu cố tình. Thực chất là họ tìm mọi cách để đạt được lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đằng sau đó bằng sự tác động vào dư luận. Đây là hiện tượng không mới nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp.

Những cá nhân phát ngôn nhầm cương vị tạo ra dư luận xã hội rất xấu, gây mất trật tự an ninh xã hội. Nếu họ là những người nổi tiếng như nghệ sĩ, ca sĩ thì dễ khiến lớp trẻ trong xã hội bị ảnh hưởng theo những trào lưu nói năng, suy nghĩ, hành động lệch chuẩn ấy. Nếu họ là những người có sự ảnh hưởng về chính trị như nhà văn, nhà báo, luật sư, cán bộ, đảng viên, người hoạt động chính trị... thì rất dễ bị các thế lực phản động lôi kéo, mua chuộc dẫn đến sa ngã. Những phát ngôn của họ còn là cơ hội để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiêm minh của luật pháp.

3. Dưới góc độ pháp lý, mọi công dân đều phải nói và làm trong khuôn khổ pháp luật. Công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của cá nhân đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, pháp luật cũng bảo vệ quyền, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mọi công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân.

Điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm...”. Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rõ: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ". Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đương nhiên sẽ bị pháp luật điều chỉnh. Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, trong đó có: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Bộ luật Hình sự hiện hành quy định, hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... hình phạt có thể tới 7 năm tù.

Đối với việc phát ngôn của cán bộ, đảng viên, Đảng đã có đầy đủ các quy định yêu cầu mọi đảng viên chấp hành, đó cũng là kỷ luật đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã quy định rất rõ điều này, cũng nhằm ngăn ngừa tình trạng đảng viên suy thoái, rơi vào "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”.

Ở nhiều văn bản như Quy định số 37-QÐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; mới đây nhất là Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vừa được Bộ Chính trị ban hành đều quy định rất rõ việc phát ngôn của đảng viên. Tinh thần chung của các văn bản ấy đối với việc phát ngôn của đảng viên, đó là đảng viên không được nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; không nói, viết, làm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không làm những việc mà pháp luật không cho phép. Sở dĩ việc này được Đảng quy định rất chặt chẽ với đảng viên bởi đảng viên là người ưu tú so với quần chúng. Đảng viên phải gương mẫu trong lời nói, việc làm, có như vậy mới lãnh đạo, mới tập hợp được quần chúng.

Chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật, trong đó có kỷ luật, pháp luật về phát ngôn là yêu cầu nghiêm túc và cần thiết trong xã hội. Để làm tốt điều này, mỗi người nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng phải tự rèn mình, tự soi mình, sửa mình. Nếu không đặt mình trong tổ chức, trong khuôn khổ chung, không được tổ chức kiểm tra, giám sát, giúp đỡ, thường xuyên chấn chỉnh thì không thể thực hiện tốt việc tự soi, tự sửa mình../.

NGUYỄN HÀ MY (qdnd.vn)

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...