[QĐND] Không gian mạng là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm internet, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, là môi trường đặc biệt mà con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, những năm
qua, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng thế mạnh của không gian mạng để
triển khai các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) nước ta.
Chúng triệt để lợi dụng các kênh truyền hình trên internet,
trang web và mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc, bóp méo thực tế những hạn chế, yếu kém
trong quản lý xã hội, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp
luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm vu cáo
Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo, tạo cớ để
bên ngoài can thiệp nội bộ nước ta.
Chúng còn lợi dụng công nghệ để cắt dán, trích dẫn sai lệch
các hình ảnh, tài liệu nhằm làm cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu không
đúng về chính sách, pháp luật của Nhà nước ta và các thành tựu đã đạt được
trong việc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, qua đó hòng xuyên tạc tình hình
thực tế trong nước. Điển hình như năm 2022, tổ chức phản động Ủy ban cứu người
vượt biển (BPSOS) đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Hội luận về Thiên
Chúa giáo ở vùng Tây Nguyên-thách đố và triển vọng” nhằm xuyên tạc tình hình tự
do tôn giáo ở Việt Nam, kích động hận thù, vận động người dân trong nước tham
gia diễn đàn, kêu gọi quốc tế gây sức ép yêu cầu Nhà nước Việt Nam “cải thiện tự
do tôn giáo, tín ngưỡng”.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 3.000
trang web, blog, tài khoản mạng xã hội và gần 100 hội, nhóm trên mạng xã hội
Facebook thường xuyên đăng tải thông tin chống Đảng, Nhà nước Việt Nam, kích động
gây rối an ninh, trật tự, kích động biểu tình, bạo loạn, thực hiện “cách mạng
màu”,“cách mạng đường phố”...
Bên cạnh đó, các tổ chức và lực lượng phản động, thù địch lợi
dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động gián điệp, thu thập tin tức chống
Việt Nam thông qua việc tung ra những phần mềm chứa các mã độc, phần mềm gián
điệp được cài sẵn, các ứng dụng miễn phí trên điện thoại. Chúng sử dụng kỹ thuật
hiện đại lợi dụng lỗ hổng bảo mật để xâm nhập chiếm đoạt bí mật nhà nước, lấy cắp
phát minh, sáng chế nhằm gây thiệt hại cho kinh tế nước ta.
Ảnh minh họa/ TTXVN |
Chúng còn lợi dụng internet, mạng xã hội để chia sẻ công cụ,
cách thức, thủ đoạn phạm tội hoặc làm lây nhiễm virus, phần mềm gián điệp, mã
tin học độc hại... nhằm phá hoại kinh tế, cản trở hoạt động bình thường của các
cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn của nước ta. Theo cơ quan chức năng,
tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống
thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố nghiêm trọng. Riêng trong quý I-2024, các
cơ quan chức năng đã phát hiện 32.265 nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các mạng
công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Chính phủ và các doanh nghiệp
nhà nước, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Nghiêm trọng hơn, chúng lợi dụng internet, mạng xã hội để
kích động, lôi kéo người dân tham gia hoạt động chống phá an ninh chính trị, trật
tự, an toàn xã hội ở nước ta; đồng thời, móc nối, cấu kết với cán bộ, đảng viên
có biểu hiện tha hóa, biến chất, số có tư tưởng "cấp tiến" là lãnh đạo
các cơ quan, ban, ngành để mua chuộc, lôi kéo hình thành tổ chức phản động.
Dưới chiêu bài “bảo vệ dân chủ, nhân quyền”, “yêu nước”,
chúng âm mưu hình thành, phát triển “xã hội dân sự” và các tổ chức chính trị-xã
hội, hội nhóm bất hợp pháp như: “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Nhóm công dân tự do”,
“Nhóm tuổi trẻ yêu nước”... Thông qua internet, mạng xã hội, các đối tượng bên
ngoài và trong nước cấu kết, móc nối với nhau để lôi kéo, mua chuộc người tham
gia tổ chức phản động. Trong đó, bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt động;
số đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thành lập tổ chức, hội
nhóm, thu thập tin tức để cung cấp cho bên ngoài xuyên tạc; điển hình như các tổ
chức phản động: "Việt Tân", "Tuổi trẻ yêu nước"...
Cùng với đó, cũng phải thấy một thực tế là, bên cạnh những
thành tựu đã đạt được trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động
xâm phạm ANQG trên không gian mạng, thời gian qua, công tác này còn tồn tại những
khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là công tác quản lý công nghệ viễn thông, bảo mật
thông tin nội bộ của không ít cơ quan nhà nước, cá nhân tại Việt Nam còn sơ hở,
chưa được bảo mật tốt. Hệ thống pháp luật của nước ta trong lĩnh vực quản lý mạng
xã hội, internet và đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao đang trong
quá trình đồng bộ để đáp ứng tình hình thực tế. Công tác tuyên truyền, định hướng
thông tin và đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù
địch vẫn có lúc thụ động, thiếu sắc bén.
Lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm lợi dụng
internet, mạng xã hội còn mỏng; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật còn khó
khăn. Trong khi đó, tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội là những đối tượng
có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và liên tục thay đổi phương thức hoạt động
trên phạm vi hoạt động rộng, đặc biệt là từ nước ngoài, gây khó khăn trong phát
hiện, đấu tranh, ngăn chặn.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn
chặn hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm ANQG nước ta trong thời
gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục chủ động tăng cường công tác nắm tình hình,
nghiên cứu dự báo, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, đặc biệt là phương thức
hoạt động mới của các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để chống phá nước
ta; chú trọng nắm tình hình từ xa, nắm tình hình ngay từ trung tâm phá hoại tư
tưởng ở bên ngoài để triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Chủ
động xây dựng hệ thống thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng có khả
năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý sớm các thông tin
gây hại tới không gian mạng quốc gia.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của
các cấp ủy đảng, chính quyền về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu
tranh chống hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm ANQG nước ta, coi
đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Làm cho cán bộ,
đảng viên và người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên thấy rõ tính hai mặt của
không gian mạng; có khả năng nhận diện và “miễn dịch” với các nội dung thông
tin xấu, độc, nguy hại đối với xã hội; kịp thời tố giác hành vi lôi kéo người
dân vào các hoạt động vi phạm pháp luật thông qua không gian mạng.
Xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội,
internet; không đăng tải hoặc để lộ, lọt thông tin, tài liệu liên quan đến bí mật
nhà nước. Phát huy hơn nữa lợi thế của internet, mạng xã hội trong việc cập nhật
thường xuyên các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước và những thành tựu đã đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội
của đất nước.
Ba là, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo An toàn, an ninh mạng
quốc gia, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia trong việc tham mưu với Đảng, Nhà nước
chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn cán bộ, đảng viên và người dân cùng
tham gia công tác bảo vệ an toàn, an ninh mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp
chung trong công tác phòng, chống hoạt động xâm phạm ANQG trên không gian mạng.
Bốn là, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội
ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động
lợi dụng không gian mạng để xâm phạm ANQG có phẩm chất đạo đức cách mạng, bản
lĩnh chính trị vững vàng, tinh nhuệ, hiện đại, có trình độ chuyên môn sắc bén
trong điều tra, khám phá âm mưu, hoạt động lợi dụng không gian mạng để chống
phá nước ta. Tiếp tục đầu tư, trang bị các trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng
và áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả công
tác đấu tranh phòng, chống hoạt động này. Đầu tư trọng điểm xây dựng các đơn vị
an ninh mạng, tác chiến điện tử đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ quốc
gia trên không gian mạng.
Năm là, tăng cường, mở rộng hợp tác với các quốc gia, tổ chức
quốc tế có trình độ phát triển cao về công nghệ thông tin và an ninh mạng để
trao đổi kinh nghiệm trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống
hoạt động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này; tranh thủ tiếp thu công nghệ mới
và hợp tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng làm công tác
phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm an
ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nước ta.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về viễn thông,
truyền thông, internet, bảo vệ bí mật nhà nước và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi
phạm trên lĩnh vực này. Nghiên cứu sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin để
ngăn chặn triệt để những tin tức xấu, độc trên các trang mạng, vô hiệu hóa hoặc
ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung độc hại.
TÂN LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét