Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

Làm rõ vụ con em cán bộ, giáo viên "đi lạc" vào trường dân tộc nội trú huyện Mường Lát

[CAND] Ngày 24/6, nguồn tin của phóng viên cho hay, Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có Quyết định kiểm tra đối với tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc tuyển sinh sai đối tượng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Trung học cơ sở (THCS) Mường Lát và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Lát.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh ở huyện Mường Lát phản ánh, Trường PTDTNT THCS Mường Lát tuyển sinh nhiều học sinh vào lớp 6 không đúng đối tượng. Đó là những học sinh có người thân, người quen đang công tác tại các ban, ngành, phòng… trên địa bàn huyện Mường Lát.

Kết quả kiểm tra của UBND huyện Mường Lát xác định, từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2023 - 2024, có 7 học sinh là con của cán bộ, công chức, giáo viên được xét tuyển vào Trường PTDTNT THCS Mường Lát không đúng quy định. Cụ thể, cháu L.M.Q. (SN 2008, dân tộc Thái), con ông Lò Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Mường Lát; hộ khẩu thường trú và định cư tại Khu 2, thị trấn Mường Lát, học và tốt nghiệp tại Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát; xét tuyển theo chỉ tiêu của Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 năm học 2020 - 2021.

Cháu H.Đ.D. (SN 2009, dân tộc Thái) con ông Hà Văn Tế, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Lát; hộ khẩu thường trú Bản Pùng, xã Quang Chiểu, học và tốt nghiệp tại Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát; xét tuyển theo chỉ tiêu của Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 năm học 2020 - 2021.

Cháu P.Đ.A. (SN 2010, dân tộc Mường) con ông Phạm Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường TPDT bán trú THCS Tam Chun; hộ khẩu thường trú Bản Lát, xã Tam Chung, định cư tại Khu 3, thị trấn Mường Lát, học và tốt nghiệp tại Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát; xét tuyển theo chỉ tiêu của Trường Tiểu học Tam Chung năm học 2021 - 2022.

Cháu L.M.H. (SN 2011, dân tộc Thái), con ông Lò Văn Toàn; hộ khẩu thường trú Bản Pùng, xã Quang Chiểu, học và tốt nghiệp tại Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát; xét tuyển theo chỉ tiêu của Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 năm học 2022 - 2023.

Cháu T.G.B. (SN 2011, dân tộc Mường), con ông Tống Minh Tấn, giáo viên Trường Tiểu học Pù Nhi; hộ khẩu thường trú Bản Na Tao, xã Pù Nhi, định cư tại Khu 3, thị trấn Mường Lát, học và tốt nghiệp tại Trường TH&THCS Thị trấn Mường Lát; xét tuyển theo chỉ tiêu của Trường Tiểu học Pù Nhi năm học 2022 - 2023.

Cháu N.Q.B.A. (SN 2010, dân tộc Kinh), con ông Nguyễn Quốc Văn, Giáo viên Trường Tiểu học Pù Nhi; hộ khẩu thường trú Bản Na Tao, xã Pù Nhi, định cư tại Khu 3, thị trấn Mường Lát, học và tốt nghiệp tại Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát; xét theo 5% chỉ tiêu người Kinh năm học 2021 - 2022, đã chuyển trường về TP Thanh Hoá.

Cháu L.Q.M.Q. (SN 2012, dân tộc Mường) con ông Lê Quang Tân; hộ khẩu thường trú Khu 2, thị trấn Mường Lát; xét tuyển vào lớp 6, Trường PTDTNT THCS Mường Lát năm 2023 là chưa đủ thời gian có hộ khẩu thường trú và định cư 3 năm trở lên tính đến ngày tuyển sinh ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định.

Học sinh học tập tại Trường PTDTNT THCS Mường Lát sẽ được thụ hưởng một số chính sách của Nhà nước về đào tạo đối với học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ kết quả xác minh trên, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát yêu cầu Trường PTDTNT THCS Mường Lát tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với Ban Giám hiệu và các cá nhân có liên quan trong việc chỉ đạo, điều hành nhà trường dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên; đồng thời, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy để lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xét tuyển sinh vào lớp 6 trường PTDTNT THCS Mường Lát chưa đảm bảo quy định.

UBND huyện Mường Lát cũng giao Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án xử lý đối với các học sinh được xét tuyển vào học tại Trường PTNDNT THCS Mường Lát chưa đảm bảo quy định.

Trần Thắng


Đề xuất tăng 15% lương hưu, trợ cấp từ ngày 1/7/2024

[CAND] Trước việc lương cơ sở đang được dự kiến sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tương ứng tăng 30%), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đề xuất Chính phủ ban hành nghị định tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, căn cứ của việc điều chỉnh này là Nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 quy định từ ngày 1/7 tới đây, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Ảnh minh họa

Như vậy, việc tăng lương hưu nhằm giảm tác động của việc điều chỉnh tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Các đối tượng có mức lương thấp là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng trước 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng 15% mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm bằng 3,5 triệu đồng mỗi tháng.

Với phương án như trên, năm 2024, quỹ bảo hiểm xã hội dự tính phải chi tăng thêm khoảng 12.567 tỉ đồng, ngân sách Nhà nước tăng thêm 3.760 tỉ đồng.

P.H

Tuần này, Quốc hội xem xét, thông qua 9 luật, 8 nghị quyết

[CAND] Từ 24 - 29/6, Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV; trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, xem xét, biểu quyết thông qua 3 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Thứ Hai (24/6), buổi sáng Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Thứ Ba (25/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Từ 11h đến hết buổi chiều, Quốc hội họp riêng, xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền.

Quang cảnh hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Thứ Tư (26/6), Quốc hội biểu quyết thông qua 2 nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; sau đó thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Thứ Năm (27/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.

Thứ Sáu (28/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Buổi chiều Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Từ 16h45, Quốc hội họp riêng biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ Bảy (29/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31, Luật Nhà ở số 27, Luật Kinh doanh bất động sản số 29, Luật Các tổ chức tín dụng số 32; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia  đến hết năm 2023".

Tiếp đó, Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (trong đó có nội dung về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và giảm thuế giá trị gia tăng)...

Q.Vinh

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc, bắt đầu tham dự Hội nghị WEF Đại Liên

[CAND] Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tới dự và phát biểu tại các phiên của hội nghị; cùng nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, ông Klaus Schwab, chủ trì phiên đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn lớn.

Sau hơn 3 giờ bay, vào lúc 11h35’ theo giờ địa phương ngày 24/6 (10h35’ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Chu Thủy Tử, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) để dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc).

Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam tại sân bay Chu Thủy Tử có Phó Tỉnh trưởng Liêu Ninh Cận Quốc Vệ; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba; Phó Thị trưởng thành phố Đại Liên Lãnh Tuyết Phong.

Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.

Dự kiến trong khuôn khổ Hội nghị WEF Đại Liên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu tại các phiên của Hội nghị; cùng nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, ông Klaus Schwab, chủ trì phiên đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF; chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp đối mới sáng tạo; đồng thời có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp WEF.

Đối với hoạt động song phương với Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc; làm việc với một số tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc và gặp gỡ cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và WEF.

Theo TTXVN

Vinh dự của những sĩ quan Công an Việt Nam làm nhiệm vụ tại phái bộ UNISFA

[CAND] UNISFA (khu vực Abyei) là phái bộ mới, lần đầu tiên Bộ Công an cử sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình. Đảm nhận nhiệm vụ quốc tế tại một địa bàn hoàn toàn mới, hai sĩ quan Công an Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách… Song xác định đây vừa là vinh dự, tự hào nhưng cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an giao phó, mỗi cán bộ đều tự hứa với lòng mình, không ngừng nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tiếp nối truyền thống anh hùng, vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Những trải nghiệm ở miền đất mới

Ngày 2/6/2024, Tổ công tác số 3 gồm Thiếu tá Vũ Trần Thắng và Đại uý Nguyễn Lan Anh rời Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei). Sau bốn chặng bay, trong đó hai chặng cuối phải chờ Liên hợp quốc (LHQ) bố trí chuyến bay mất hai ngày do không có đường bay thương mại tới Abyei… khoảng 11h30 giờ địa phương, họ đã có mặt tại phái bộ mới. Dù đã có sự chuẩn bị trước về tâm lý nhưng Thiếu tá Trần Thắng và Đại uý Lan Anh đều không tránh khỏi sự lo âu, xen lẫn hồi hộp.

Abyei bước vào mùa mưa, thời tiết không còn quá khắc nghiệt nhưng nhiệt độ vẫn duy trì ở mức từ 38 đến 41 độ vào ban ngày, ban đêm giảm xuống còn dưới 35 độ… Những con đường đất với đầy những ổ trâu, ổ gà vào ngày nắng ráo bụi bay mù mịt thì sau những cơn mưa bùn lầy quấn chặt lấy bánh xe, việc di chuyển vô cùng khó khăn. Song ám ảnh nhất có lẽ vẫn là muỗi và côn trùng, bước vào mùa mưa cũng là thời điểm sinh sôi, nảy nở. Ngoài ra, hạ tầng liên lạc tại phái bộ hiện nay còn hạn chế, tốc độ mạng Internet (chỉ khoảng 80Kbs), thường xuyên mất tín hiệu, mất điện nên việc duy trì liên lạc về nhà còn khó khăn. Thực phẩm có thể mua được tại phái bộ đều là đồ đông lạnh, rất thiếu rau xanh, trái cây do chỉ có thể nhập khẩu thực phẩm và vận chuyển bằng máy bay trực thăng… Đây cũng là khó khăn chung mà cả Tổ công tác Bộ Quốc phòng và Đội công binh số 2 phải đối mặt.

Tổ công tác số 3 Bộ Công an Việt Nam tham gia công tác dân vận cùng Đội công binh số 2 và Tổ công tác cá nhân tại Phái bộ Abyei.

Ngay khi đặt chân đến Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), hai cán bộ của Tổ công tác số 3 đã được Bộ phận Cảnh sát bố trí hỗ trợ các thủ tục ban đầu, tổ chức đào tạo đầu vào bắt buộc dành cho sĩ quan Cảnh sát tại phái bộ. Đồng thời, được phổ biến về tình hình địa bàn, việc triển khai lực lượng của phái bộ và bộ máy tổ chức, quy trình công tác, quy chế, chế độ làm việc của sĩ quan Cảnh sát Phái bộ… Trong quá trình này, Tổ công tác số 3 đã chủ động có các buổi làm việc, trao đổi với Tổ công tác của Bộ Quốc phòng và Đội công binh số 2 để nắm tình hình địa bàn và triển khai công tác phối hợp. Từ ngày 9 - 13/6, Tổ công tác số 3 đã tích cực phối hợp với các đồng chí của Bộ Quốc phòng đón tiếp đoàn của Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam làm Trưởng đoàn sang thăm và làm việc tại Phái bộ; tháp tùng Đại tá Nguyễn Ngọc Thọ - thành viên đoàn, tham dự một số chương trình làm việc của đoàn.

Bước đầu, Tổ công tác số 3 đã phối hợp các bộ phận của Cảnh sát Phái bộ để triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ trong xung đột; trao tặng máy khâu cho phụ nữ địa phương, tạo sinh kế, việc làm; kiểm tra cơ sở vật chất các cơ sở giam giữ, nhằm cải thiện môi trường giam giữ, mở các lớp học cho trẻ vị thành niên phạm tội, bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ có con nhỏ bị giam giữ…

Thiếu tá Trần Thắng cho biết, khu vực Abyei hiện không có lực lượng Cảnh sát riêng, việc duy trì trật tự được tiến hành thông qua lực lượng tình nguyện trong cộng đồng. Cảnh sát LHQ có nhiệm vụ xây dựng năng lực, giám sát, tư vấn cho lực lượng an ninh địa phương trong triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, quản lý người bị tạm giữ. Tình hình an ninh, tội phạm tại Abyei có xu hướng phức tạp hơn vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5) do thời gian này đi lại thuận tiện hơn mùa mưa, dân du mục di chuyển tự do để chăn, thả gia súc. Vào thời điểm trước tháng 4/2024 vẫn còn xảy ra tình trạng mất an ninh tại phía Nam và các tuyến đường giao thông chính của Abyei. Tình hình tội phạm còn phức tạp, tính chất vũ trang, có tổ chức.

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình huấn luyện để rồi vinh dự trở thành một trong hai sĩ quan CAND đầu tiên thực hiện nhiệm vụ GGHB LHP tại Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Thiếu tá Trần Thắng cho biết: Trước đó, trong năm 2022 và 2023, Bộ Công an đã cử 2 Tổ công tác đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan. Kinh nghiệm quý báu từ các sĩ quan tiền nhiệm đã giúp đỡ anh và Đại uý Lan Anh đáp ứng những tiêu chuẩn, yêu cầu về làm việc trong môi trường quốc tế, cách thức vận hành của các phái bộ GGHB LHQ, cũng như dễ dàng tiếp cận thông tin về các địa bàn, làm quen với sinh hoạt tại nước ngoài.

Trên cơ sở kết quả triển khai của các tổ công tác, Ban Chỉ đạo Đề án số 05, lãnh đạo Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời; có sự định hướng về chủ trương đào tạo, huấn luyện, xây dựng nguồn dự tuyển bảo đảm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của LHQ. Cũng vì thế, Thiếu tá Trần Thắng và Đại uý Nguyễn Lan Anh đã được trải qua quá trình huấn luyện chuyên sâu về GGHB trong và ngoài nước và đạt được kết quả rất cao trong kỳ đánh giá năng lực do LHQ trực tiếp sát hạch. Ngoài ra, họ cũng nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ từ phía Cục GGHB, Bộ Quốc phòng trong huấn luyện tiền triển khai, kỹ năng sinh tồn, sơ cứu thương; cũng như các kinh nghiệm thực tế tại địa bàn Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei do các sĩ quan QĐND Việt Nam và Đội Công binh số 2 đang thực hiện nhiệm vụ tại đây chia sẻ.

“Đây là lần đầu tiên Bộ Công an triển khai lực lượng GGHB tại địa bàn Abyei, nơi vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, xung đột. Do vậy, tôi đã có sự chủ động, chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt trước khi lên đường. Với sự ủng hộ, động viên và giúp đỡ từ gia đình, người thân, bạn bè và đồng đội, tôi sẽ nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, Thiếu tá Trần Thắng khẳng định.

Thiếu tá Trần Thắng đã có nền tảng nghiên cứu về luật pháp, chính trị quốc tế và có nhiều năm làm việc về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế. Vì thế, sau khi Bộ Công an có chủ trương triển khai sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ; đặc biệt là sau khi Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ chính thức thành lập vào năm 2021, các cấp lãnh đạo đã tạo nhiều điều kiện cho anh tham gia vào các công tác liên quan đến lĩnh vực GGHB. Ngoài việc tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước, anh còn tự trau dồi kiến thức, tìm hiểu thông tin về LHQ, hoạt động GGHB; tình hình địa bàn tại các phái bộ thông qua thư viện, tài nguyên số của LHQ và của đồng nghiệp… Sau khi hoàn thành các khoá huấn luyện trong nước và quốc tế, Thiếu tá Thắng đã tham dự và vượt qua đợt đánh giá sát hạch của LHQ dành cho sĩ quan cá nhân tham gia GGHB LHQ. Vào thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất có 100% sĩ quan đạt yêu cầu.

Ấn tượng của nữ sĩ quan CAND đầu tiên ở khu vực Abyei

“Mẹ cứ đi công tác, con ở nhà với bố chờ mẹ”… Những chia sẻ của cậu con trai chuẩn bị bước vào lớp 1, giai đoạn rất cần sự quan tâm của người mẹ khiến Đại uý Nguyễn Lan Anh không giấu được xúc động.

Được trở thành nữ sĩ quan Công an đầu tiên làm nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA, cùng với niềm vinh dự, tự hào, Đại uý Lan Anh cũng không khỏi lo âu…  May mắn đối với Lan Anh là chị được tiếp cận sớm với lực lượng GGHB từ thời điểm Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ mở những lớp đầu tiên cùng Bộ Quốc phòng huấn luyện các sĩ quan của Tổ công tác số 1 đến lớp tự huấn luyện tiền triển khai đầu tiên của Bộ Công an. Rồi sau đó là việc cử cán bộ tham gia các lớp huấn luyện tại nước ngoài… Trong quá trình ấy, Đại uý Lan Anh luôn hứng khởi, tò mò, khao khát khám phá lĩnh vực mới đầy thử thách. Với chị, mỗi khoá huấn luyện được gặp gỡ với nhiều bạn bè, thầy cô đến từ các nơi khác nhau đã để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm công tác chuyên môn.

“Mặc dù chúng ta đi sau các nước nhưng lại có những bước đi rất chắc chắn. Điều này đã được phản ánh rõ thông qua kết quả công tác, nỗ lực của các sĩ quan CAND tại các phái bộ, trụ sở chính được LHQ đánh giá cao và kết quả sát hạch đánh giá năng lực được LHQ chứng nhận, tôi hoàn toàn tự tin rằng có thể tiếp tục làm tốt và đóng góp nhiều hơn nữa vào sứ mệnh GGHB” - Đại uý Lan Anh cho biết. Nhận nhiệm vụ tại địa bàn mới, lạ lẫm và bỡ ngỡ… Phía trước là những khó khăn, thử thách không nhỏ đối với người chiến sĩ. Song với sự đồng hành của lãnh đạo Văn phòng trong quá trình học tập; sự ủng hộ của bố mẹ, hai bên, cùng với đó là sự yêu thương, thấu hiểu và động viên của người chồng cũng là một sĩ quan CAND, Đại uý Lan Anh cùng đồng đội đã nhanh chóng bắt nhịp được với công việc…

Chặng đường phía trước còn nhiều gian nan và vất vả nhưng chắc chắn rằng, hai sĩ quan của Bộ Công an đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, tạo dấu ấn về người chiến sĩ CAND bản lĩnh, trách nhiệm, kỷ luật trong môi trường làm việc đa quốc gia; nâng cao hơn nữa hình ảnh con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, ham học hỏi và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế…

Xuân Mai

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Phát triển truyền thông đối ngoại, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc

[CAND] Ngày nay, với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, truyền thông đối ngoại đang được các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh, tạo sự lan toả và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Việc đẩy mạnh truyền thông đối ngoại còn góp phần phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động lưu vong từ ngoài biên giới.

Truyền thông đối ngoại, xu thế toàn cầu về thông tin, báo chí

Thông tin đối ngoại là nội dung rất quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, là cầu nối và phương tiện để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa Việt Nam và các nước. Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ giúp bạn bè quốc tế tiếp cận tình hình về Việt Nam một cách chính xác, qua đó hiểu đúng về đất nước, con người Việt Nam. Điều này giúp thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút sự quan tâm của các nước trên thế giới, các nhà đầu tư kinh doanh, tổ chức tài chính, tiền tệ... Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại còn góp phần hạn chế những thông tin sai lệch, bịa đặt về Việt Nam và ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng như các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia của các phần tử chống đối.

Truyền thông đối ngoại hiện nay có thể được hiểu là đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực ra thế giới. Thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam là thông tin về đất nước, con người, lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời đưa thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xu thế chung của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nước lớn, trong đó chủ yếu xuất phát từ thiếu lòng tin chiến lược và nhu cầu đối với vấn đề an ninh quốc gia khiến cho quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đồng thời tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của các nước. Trong bối cảnh các lực lượng thù địch đang ra sức tuyên truyền cho các giá trị phương Tây, bôi xấu, xuyên tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại càng đóng vai trò quan trọng nhằm đem lại cho nhân dân nhận thức đúng đắn nhất về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là các vấn đề về dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận…

Quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác truyền thông đối ngoại

Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác truyền thông đối ngoại sẽ giúp thế giới hiểu hơn về đất nước, con người, về những giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam; nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... Thực hiện tốt công tác truyền thông đối ngoại còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.

Ngay từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng công tác truyền thông đối ngoại. Điều đó đã được thể hiện qua Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 10/5/1962 của Bộ Chính trị, về công tác tuyên truyền đối ngoại đã xác định công tác tuyên truyền đối ngoại là một bộ phận của cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của nước ta trên phạm vi toàn thế giới. Tiếp đó, nhiều văn bản quan trọng khác của Đảng và Nhà nước đã được ban hành, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về hoạt động thông tin truyền thông đối ngoại qua các thời kỳ như: Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/6/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại; Chỉ thị số 10/2000/-CT/TTg, ngày 26/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại. Ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 26-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, xác định thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”.

Ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị khóa XI ra Kết luận số 16-KL/TW về chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, trong đó nêu rõ: “Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài”. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 28/2/2013, phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ, về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020. Các văn bản trên là minh chứng cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc khẳng định tầm quan trọng của truyền thông đối ngoại trong giai đoạn mới. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại với nội dung, hình thức phong phú và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới, đề ra định hướng bao trùm của công tác đối ngoại trong giai đoạn phát triển của đất nước là triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đại hội đã khẳng định “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Thành tựu trong hoạt động truyền thông đối ngoại của Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện nói trên. Ngoài ra có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Trong 72 đài phát thanh - truyền hình, có 3 đơn vị là VTV, Vnews và HTV được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài.

Đến nay, hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam đã có trên nền tảng mạng internet. Một số cơ quan báo chí đã tiên phong và khá thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như: Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data... Trước làn sóng “di dân” từ báo in sang báo điện tử, hàng trăm cơ quan báo chí cũng xây dựng các kênh truyền thông của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… Nhân sự làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp thẻ nhà báo.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí được tăng cường. Hiện nay, nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc trao đổi thông tin với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua chương trình truyền hình ASEAN, hệ thống các cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân... ở nước ngoài cũng như phiên bản tiếng nước ngoài của các báo điện tử đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông đối ngoại; thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hợp tác, phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa nước ta với các nước trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông tin kịp thời về các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là tình hình ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, và những vấn đề quốc tế khác mới nổi lên như: vấn đề lao động, việc làm, di cư, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố, an ninh tiền tệ, ngân hàng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Trong một thế giới bất ổn, bất an, Việt Nam được bạn bè quốc tế tin cậy khi là điểm đến an ninh, an toàn, chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Cùng với đó, Việt Nam cũng là một hình mẫu đang trên đà vươn lên mạnh mẽ, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng vai trò chủ động và tích cực trong các công việc chung của khu vực và thế giới. Hoạt động đối ngoại của đất nước, trong đó có các hoạt động cấp cao diễn ra sôi động, liên tục đã khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán, quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đóng góp vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, công tác truyền thông đối ngoại được triển khai đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước, với đa dạng hình thức để kịp thời thông tin cho nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam; lan tỏa mạnh mẽ lịch sử, truyền thống, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, thành tựu công cuộc đổi mới của đất nước. Những minh chứng trên một lần nữa khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tế đó bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Liêm Chính - Bình Nguyên 

Phản bác luận điệu “việc xử lý cán bộ tạo ra những bất ổn chính trị”

(TG) - Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì xử lý những cán bộ vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điều đó cho thấy sự nghiêm minh, không có vùng cấm, đồng thời thể hiện rõ tính nhân văn, “thấu lý đạt tình” xem xét, cân nhắc trên nhiều mặt... Tuy nhiên, trên mạng xã hội lại có những ý kiến “phản biện” rằng, việc xử lý cả những cán bộ cấp cao như vừa qua là một biểu hiện của “những bất ổn chính trị”. Sự thật có phải như vậy?

Phiên tòa xét xử vụ án AIC, ngày 22/12/2022. (Ảnh; TTXVN)

VỮNG KỶ CƯƠNG CỦA ĐẢNG, NGHIÊM PHÉP NƯỚC

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến đầu tháng 5/2024, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có một số cán bộ đã bị xử lý hình sự(1).

Từ đầu năm 2024 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tích cực, khẩn trương hoàn thành 7/8 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 7 tổ chức đảng liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) theo dõi, chỉ đạo. Qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật đối với 68 tổ chức đảng, 104 đảng viên, trong đó có 20 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Chỉ đạo, đôn đốc 68 cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành kiểm tra 830 dự án, gói thầu liên quan đến Công ty AIC...(2).

Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại một số ngành, lĩnh vực, một số cán bộ, trong đó có lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao cũng đã bị thôi các chức vụ. Theo cơ quan kiểm tra của Đảng, những cán bộ này phải chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc đã có vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...

Từ những kết quả đạt được vừa qua, có thể khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng và Nhà nước ta tiến hành bài bản, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thận trọng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai; bảo đảm thực hiện nghiêm những kết luận của Ban Chỉ đạo như kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5/2023(3).

Việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật cũng cho thấy tính hiệu quả của việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; là biện pháp nhằm sàng lọc, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Qua đó nhằm giữ vững kỷ cương của Đảng và thực hiện nghiêm minh pháp luật của Nhà nước.

XỬ LÝ CÁN BỘ VI PHẠM CÓ TẠO NÊN “BẤT ỔN CHÍNH TRỊ”?

Thay vì ủng hộ những động thái tích cực, mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta, một số đối tượng, trong đó có cả những cá nhân là công dân Việt Nam đã cố tình bôi nhọ, suy diễn, bóp méo và gán ghép “hiện tượng” thành “bản chất” từ một số vụ việc đơn lẻ nhằm quy chụp, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những “nhà ngụy lý luận” trên không gian mạng còn lớn tiếng về cái gọi là “những sai lầm” trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công tác chuẩn bị nhân sự tại Đại hội Đảng. Một số “nhà dân chủ mạng” thì lu loa về cái gọi là “khủng hoảng nhân sự cấp cao” khi một số lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước xin thôi chức và được Trung ương chấp nhận. Không ít những nội dung trên các mạng xã hội xuyên biên giới còn “lên tiếng yêu cầu” lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước “phải chịu trách nhiệm” cho các vi phạm khuyết điểm của cán bộ, đảng viên...(!).

Để phản bác lại những giọng điệu nêu trên, xin nêu ra một sự thật hiển nhiên, đó là, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong quá trình thực thi trách nhiệm quyền lực, việc thay đổi nhân sự, kể cả nhân sự cấp cao nhất cũng là điều rất bình thường, không có gì lạ.

Chẳng hạn như ở Mỹ - quốc gia mà những “nhà dân chủ mạng” thường lấy “làm ví dụ” và tự hào về “nền chính trị, dân chủ bậc nhất”, việc những chính khách cấp cao bất ngờ “ra đi khỏi chính trường” cũng không phải hiếm. Đơn cử, ngày 3/10/2023, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (nhân vật quan trọng thứ ba, sau Tổng thống và Phó Tổng thống) phải “rời ghế” do bị bất tín nhiệm. Trước đó, tháng Giêng năm 2023, vị Hạ nghị sĩ của bang California này đã phải vượt qua 15 vòng bỏ phiếu mới trúng cử chức Chủ tịch Hạ viện, tuy nhiên sau khi trúng cử, ông chỉ giữ được chiếc ghế quyền lực trong 9 tháng. Sau nhiều cuộc đàm phán trong 3 tuần, các Hạ nghị sĩ Mỹ đã bầu ông Mike Johnson (Đảng Cộng hòa) làm tân Chủ tịch Hạ viện. Ông Johnson vượt qua 2 Hạ nghị sĩ là Steve Scalise và Jim Jordan để nhận được sự đề cử của Đảng Cộng hòa chỉ vì đảng này đã “không còn sự lựa chọn nào khác”.

Một ví dụ khác, nước Anh cũng từng trải qua giai đoạn 2 tháng 3 Thủ tướng. Cụ thể, tháng 7/2022, Thủ tướng Boris Johnson từ chức. Ngày 5/9/2022, Ngoại trưởng Liz Truss, 47 tuổi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo của Đảng Bảo thủ và trở thành Thủ tướng tiếp theo nước Anh. Tuy nhiên, “nhiệm kỳ” của Thủ tướng Liz Truss lại kết thúc vào ngày 20/10/2022 khi nữ thủ tướng này tuyên bố từ chức. Năm ngày sau, ngày 25/10/2022, ông Rishi Sunak chính thức trở thành Thủ tướng mới của Anh.

Nêu lại một số sự việc như trên để thấy rằng, việc một quan chức cấp cao thôi chức “giữa chừng” là chuyện bình thường trong đời sống chính trị - xã hội, điều này có thể diễn ra với bất cứ quốc gia nào, bất cứ hệ thống, thể chế chính trị nào.

Vì thế, trong bối cảnh mới, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, khi các thiết chế chính trị tương đối hoàn chỉnh, việc thôi chức vụ và “ra đi” của những nhân sự cấp cao khó có thể gây ra “khủng hoảng” hay “bất ổn chính trị” được. Nhất là khi hệ thống chính trị, pháp lý được thiết kế bài bản, vững chắc, có nhiều tầng nấc, quy định ràng buộc.

Do đó, những “ý kiến phản biện” và “đóng góp” của những một số “nhà hoạt động”, “nhà dân chủ” từ hải ngoại hoặc trên “diễn đàn mạng” về công tác cán bộ, công tác nhân sự và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, xuất phát từ mấy lý do: hoặc là họ chưa hiểu hết về sự vận hành của hệ thống chính trị Việt Nam, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, non kém về nhận thức; hoặc là chiêu trò “bổn cũ soạn lại” để bẻ cong sự thật, thổi phồng, bóp méo, xuyên tác nhằm mục đích chống phá; hoặc chỉ đơn giản là để rêu rao nhãn hiệu “nhà dân chủ” tự xưng nhằm “câu like”, thu hút những đối tượng hiếu kỳ, bồng bột...

Cần khẳng định lại, việc xử lý những cán bộ có khuyết điểm ở nước ta trong thời gian qua là sự thể hiện ý chí, quyết tâm lớn cũng như như năng lực, bản lĩnh của Đảng và Nhà nước trong phát hiện, xử lý những sai phạm của cán bộ, đảng viên, kể cả nhân sự cấp cao trong hệ thống chính trị. Thay vì xuê xoa, bao che, Đảng, Nhà nước đã có những hành động quyết liệt, nghiêm khắc trong xử lý; nghiêm túc trong phê bình và tự phê bình; công khai, minh bạch trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những cán bộ trót “nhúng tràm”. Đây cũng là một cách để khẳng định tính chính danh của Đảng cầm quyền, để giữ vững niềm tin cho các đảng viên và quần chúng nhân dân. Việc làm này không chỉ góp phần quan trọng làm trong sạch đội ngũ mà còn tạo thêm xung lực mới cổ vũ, động viên khích lệ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh mới.

ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC KHÔNG ẢNH HƯỚNG TỚI MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ

Luận điệu cho rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước ta đang tích cực thực hiện “sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, giảm thu hút đầu tư nước ngoài” cũng chỉ là những suy diễn không có cơ sở hoặc cố tình “hướng lái” vì mục đích phản động, chống phá.

Trước tiên, cần phải nhìn nhận, tham nhũng, tiêu cực tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển mọi mặt của đời sống xã hội. Hành vi này gây ra những hậu quả, tác hại to lớn trên các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, tình trạng tham nhũng gây thất thoát nghiêm trọng tài sản công, bào mòn ngân sách nhà nước để làm lợi cho một số cá nhân và “nhóm lợi ích”. Tham nhũng, tiêu cực còn đe dọa sự ổn định chính trị , an ninh xã hội, xâm hại thể chế và giá trị dân chủ, “gặm nhấm” và dần hủy hoại những giá trị đạo đức, công lý... Nếu không kịp thời ngăn chặn, nạn tham nhũng sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là một trong những nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ.

Thời gian qua, nếu như chúng ta không kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mạnh mẽ trong đấu tranh xử lý tội phạm thì những con “bạch tuộc” như AIC, Phúc Sơn, Xuyên Việt Oil, Thuận An… sẽ tiếp tục âm thầm gặm nhấm nền kinh tế, những hậu quả và hệ lụy về nhiều mặt sẽ còn nặng nề và to lớn hơn rất nhiều. Hoạt động phi pháp của những doanh nghiệp này cùng với sự tiếp tay của một số cán bộ, đảng viên có chức quyền không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế mà còn làm tác động tiêu cực đến tính liêm chính của hệ thống chính trị, tạo nên sự bất bình đẳng rất lớn giữa các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế.

Ngược lại với những “lo ngại” của các “nhà dân chủ cuội” về “làn sóng rời bỏ thị trường Việt Nam”, thì, theo số liệu mới được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong quý I/2024, đã có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số này, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần giảm, thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ và tăng khá cao. Tương tự, vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt dự án trong các lĩnh vực sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, linh kiện - sản phẩm điện tử cùng các sản phẩm nhiều giá trị gia tăng khác đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2024 như: Dự án 120 triệu USD của Boviet Hải Dương, chuyên sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời; dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên; dự án 275 triệu USD của Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh…

Ngân hàng Thế giới trong báo cáo (cập nhật ngày 19/4/2024) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ mức 5% năm 2023 dự kiến sẽ đạt 5,5% vào năm 2024, nhờ nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được khôi phục. Tăng trưởng GDP thực tế dự kiến sẽ tăng trong 3 năm tới và vào năm 2026 sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình trước đại dịch COVID-19(4).

Trong bài báo có tựa đề “Đánh thức con hổ: Sự trỗi dậy của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”, tác giả nhận định: Việt Nam đang vận hành một cách hiệu quả để định vị mình là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. Cách tiếp cận chủ động của chính phủ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và đưa ra các chính sách thương mại thuận lợi đã thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể và tạo ra một môi trường kinh doanh năng động. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đóng vai trò ngày càng quan trọng...(5).

James Borton (nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins/SAIS) viết trên Asian Times: Những nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam đã dẫn đến sự thôi chức của một số lãnh đạo cấp cao, thúc đẩy sự đổi mới trong các quan chức của Đảng và cuối cùng là xây dựng niềm tin vào Đảng và môi trường kinh doanh mở rộng của Việt Nam...(6).

CỦNG CỐ, TĂNG CƯỜNG NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN

Ngày 20/5/2024, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Trong đó có nội dung: Cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước(7).

Đại đa số cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng (ngày 13/3/2024). Tổng Bí thư đã chỉ rõ tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cấp cao, đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi, hiện tượng cán bộ “Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”. Tổng Bí thư chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cử tri và nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này.

Ở đây có hai mệnh đề: Đảng, Nhà nước ta đã “dũng cảm chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ” và nhân dân thì “rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước”.

Rõ ràng là không hề có sự “khủng hoảng niềm tin” hay “khủng hoảng nhân sự lãnh đạo” ở Việt Nam như những giọng điệu suy diễn, xuyên tạc của các thành phần chống phá, bất mãn hoặc thiếu hiểu biết rêu rao trên không gian mạng. Việc một số cán bộ lãnh đạo vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng bị xử lý là hoàn toàn bình thường thậm chí rất đáng hoan nghênh. Điều đó cho thấy hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ, nghiêm minh. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam đang đi đúng hướng, vừa nhân văn, vừa nghiêm khắc, vừa chặt chẽ, vừa bao dung. Việc “mạnh tay” xử lý cán bộ kể cả cán bộ cấp chiến lược, thay đổi cán bộ tuyệt nhiên không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước.

Quốc hội Việt Nam đang họp tại Ba Đình Thủ đô Hà Nội sau khi những vị trí lãnh đạo cấp cao chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã được kiện toàn, bổ sung theo quy trình chặt chẽ. Không có sự xáo trộn chính trị nào như mong đợi của những kẻ mượn danh nghĩa “dân chủ” vẫn lu loa. Một thể chế chính trị khoẻ mạnh vẫn đang được vận hành theo đúng tinh thần của một Đảng cầm quyền, một Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi liền với việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm không chỉ khẳng định quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quyết tâm xử lý nghiêm những vi phạm với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mà còn góp phần quan trọng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng cầm quyền; không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam./.

TRẦN ANH TÚ

_________________

(1) (7) Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, http://mattran.org.vn/giam-sat-phan-bien-xa-hoi/toan-van-bao-cao-tong-hop-y-kien-kien-nghi-cua-cu-tri-va-nhan-dan-gui-den-ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-55424.html, truy cập 21/5/2024.

(2) https://www.vietnamplus.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-tiep-tuc-duoc-day-manh-quyet-liet-post956298.vnp, truy cập 31/5/2024.

(3) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/827344/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong--khong-co-vung-cam%2C-ngoai-le-trong-phong-chong-tham-nhung.aspx, truy cập 20/5/2024.

(4) https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/overview, truy cập lúc 16h19 ngày 21/5/2024.

(5) https://kcsgroup.com/awakening-the-tiger-vietnams-surge-in-the-global-economy/, truy cập 21/5/2024

(6) https://asiatimes.com/2024/05/burning-furnace-purge-stoking-new-faith-in-vietnam/, truy cập 19/5/2024.

Nhầm cương vị

[TG] “Danh chính ngôn thuận” hay “Danh có chính thì ngôn mới thuận” là câu thành ngữ để khuyên răn việc nói năng phải đúng vị trí, danh phận của mình. Vậy nhưng, trên thực tế, có những người thường xuyên nhầm cương vị, hay cố tình nhầm cương vị để đưa ra những phát ngôn "văng mạng" nhằm đạt được mục đích; trong nhiều trường hợp, đó còn là sự vi phạm kỷ luật, pháp luật trong phát ngôn.

Hình minh họa. Tuoitre.vn

1. Cương vị được hiểu là vị trí trong một hệ thống tổ chức, quy định quyền hạn và trách nhiệm cụ thể. Người khác chỉ chấp hành (làm theo, nghe theo) người nói khi họ trên cương vị được tổ chức giao, có chức trách, quyền hạn về lĩnh vực đó, là sự “đúng vai”. Và người nói cũng chỉ nên hoặc được phép nói, yêu cầu ai đó bằng đúng cương vị, chức trách của mình. Những người nhầm cương vị, phần lớn là do tự cao tự đại, không hiểu vị trí của mình nên có những phát ngôn rất bừa bãi, lộng ngôn, nhất là trên mạng xã hội. Thậm chí có người tự cho mình có quyền phán xét như quan tòa, nhiều nhất là những phát ngôn, bình phẩm, ra lệnh cho người khác từ các sự việc cụ thể trong cuộc sống cho đến cả những việc ở tầm quốc gia đại sự.

Trên thực tế, có những người phát ngôn không đúng cương vị chỉ đơn giản là sự bột phát của cảm xúc, không mang hàm ý xấu, không gây tổn hại đến ai nên sự bột phát ấy thường được cảm thông. Ví như chúng ta thường được nghe một vài ý kiến, nhất là của những nhân chứng lịch sử kể về hồi ức, hồi ký khi họ được tham gia hoặc chứng kiến sự việc có tính lịch sử. Thời điểm họ được tham gia hay chứng kiến ở vài chục năm trước, khi họ chỉ là một người bình thường, một nhân viên, một chiến sĩ liên lạc, một binh nhì... nhưng khi kể lại câu chuyện đó, họ lại kể với vai trò như một quản đốc, một người chỉ huy, người có thể tham gia vào việc ra quyết định.

Nhưng có những người hoàn toàn có chủ đích khi phát ngôn không chính danh, không đúng cương vị của mình. Họ biết danh phận, biết mình không có cương vị đó nhưng lại lợi dụng điều này để đánh giá, nhận xét, phán xét bừa bãi trong các sự việc. Như chuyện một nữ doanh nhân lên mạng xã hội phát ngôn bới móc đời tư, kết tội nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, doanh nhân khác... thời gian qua. Mới đây nhất, cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam một cá nhân khi người này thường xuyên có những phát ngôn trên mạng xã hội vượt rất xa quyền hạn được phép. Ông ta tự cho mình có quyền phê phán cả thể chế chính trị của đất nước. Ông ta nhiều lần lớn tiếng cho rằng cần giải tán tổ chức này, thành lập tổ chức kia; phê phán cơ quan này, tổ chức nọ là cồng kềnh, thiếu hiệu quả... Nhiều cá nhân khác cũng sa vào tình trạng này. Đương nhiên, họ không phải là “ông trời” nên khi đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì họ sẽ bị pháp luật xử lý.

Thời gian qua, lợi dụng các sự việc, nhất là những sự việc ở tầm quốc gia đại sự, một số cá nhân rất lộng ngôn trên mạng xã hội. Họ tự cho mình có quyền sinh quyền sát, yêu cầu người khác phải làm theo ý mình. Họ lên giọng chỉ đạo, định hướng, thậm chí dạy bảo cả cơ quan chức năng phải làm thế này, làm thế kia... như chỗ hàng tôm hàng cá. Trong số đó có không ít cán bộ, đảng viên, những người đáng ra phải chấp hành tôn chỉ, mục đích khi tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, chấp hành điều lệ, quy định của Đảng, nhất là quy định về những điều đảng viên không được làm. Những phát ngôn bừa bãi này hoàn toàn khác với ý kiến góp ý, phản biện bởi nó không chỉ không đúng lúc, đúng chỗ mà còn nhằm mục đích làm mất uy tín, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

2. Ngạn ngữ có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Việc nhầm cương vị hiểu sâu xa thì rất tai hại. Thứ nhất, khi người không có cương vị lại nhầm mình có thể đưa ra quyết định, lên tiếng chỉ đạo... thì điều đó là vô nghĩa, là sự khoác lác, "ngáo chữ", "ngáo lời". Thứ hai, việc nhầm cương vị sẽ dẫn đến hiện tượng “nói cho sướng mồm”, ai cũng có thể phát ngôn như ở nơi vô cương vô pháp. Nay anh ba hoa khoác lác được việc này thì mai anh lại ba hoa khoác lác việc khác. Trong khi đó, xã hội luôn có kỷ cương, trật tự; pháp luật điều chỉnh hành vi của mọi cá nhân, tổ chức. Thứ ba, phát ngôn bừa bãi lâu dần rất dễ hình thành ảo tưởng quyền lực, tự huyễn hoặc mình có quyền lực. Nguy hiểm hơn, có nhiều đối tượng nhầm cương vị theo kiểu cố tình. Thực chất là họ tìm mọi cách để đạt được lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đằng sau đó bằng sự tác động vào dư luận. Đây là hiện tượng không mới nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp.

Những cá nhân phát ngôn nhầm cương vị tạo ra dư luận xã hội rất xấu, gây mất trật tự an ninh xã hội. Nếu họ là những người nổi tiếng như nghệ sĩ, ca sĩ thì dễ khiến lớp trẻ trong xã hội bị ảnh hưởng theo những trào lưu nói năng, suy nghĩ, hành động lệch chuẩn ấy. Nếu họ là những người có sự ảnh hưởng về chính trị như nhà văn, nhà báo, luật sư, cán bộ, đảng viên, người hoạt động chính trị... thì rất dễ bị các thế lực phản động lôi kéo, mua chuộc dẫn đến sa ngã. Những phát ngôn của họ còn là cơ hội để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiêm minh của luật pháp.

3. Dưới góc độ pháp lý, mọi công dân đều phải nói và làm trong khuôn khổ pháp luật. Công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của cá nhân đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, pháp luật cũng bảo vệ quyền, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mọi công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân.

Điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm...”. Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rõ: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ". Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đương nhiên sẽ bị pháp luật điều chỉnh. Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, trong đó có: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Bộ luật Hình sự hiện hành quy định, hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... hình phạt có thể tới 7 năm tù.

Đối với việc phát ngôn của cán bộ, đảng viên, Đảng đã có đầy đủ các quy định yêu cầu mọi đảng viên chấp hành, đó cũng là kỷ luật đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã quy định rất rõ điều này, cũng nhằm ngăn ngừa tình trạng đảng viên suy thoái, rơi vào "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”.

Ở nhiều văn bản như Quy định số 37-QÐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; mới đây nhất là Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vừa được Bộ Chính trị ban hành đều quy định rất rõ việc phát ngôn của đảng viên. Tinh thần chung của các văn bản ấy đối với việc phát ngôn của đảng viên, đó là đảng viên không được nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; không nói, viết, làm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không làm những việc mà pháp luật không cho phép. Sở dĩ việc này được Đảng quy định rất chặt chẽ với đảng viên bởi đảng viên là người ưu tú so với quần chúng. Đảng viên phải gương mẫu trong lời nói, việc làm, có như vậy mới lãnh đạo, mới tập hợp được quần chúng.

Chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật, trong đó có kỷ luật, pháp luật về phát ngôn là yêu cầu nghiêm túc và cần thiết trong xã hội. Để làm tốt điều này, mỗi người nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng phải tự rèn mình, tự soi mình, sửa mình. Nếu không đặt mình trong tổ chức, trong khuôn khổ chung, không được tổ chức kiểm tra, giám sát, giúp đỡ, thường xuyên chấn chỉnh thì không thể thực hiện tốt việc tự soi, tự sửa mình../.

NGUYỄN HÀ MY (qdnd.vn)

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Cán bộ liêm khiết tạo nên môi trường làm việc tích cực

[TG] Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định 144) là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố, nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, đảm bảo sự lãnh đạo hiệu quả và uy tín của Đảng trong thời kỳ mới. Đây là đánh giá chung của nhiều chuyên gia, học giả, đảng viên, trí thức Thủ đô ngay sau khi Quy định 144 được ban hành.

Tạo hiệu quả trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, việc quán triệt và triển khai Quy định 144 không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên để đạt được hiệu quả trong nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Các đảng bộ, chi bộ, đảng viên cần kiên định, nghiêm túc và sáng tạo trong triển khai Quy định 144 để thực sự thấm nhuần và áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống, từ đó xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong thực tiễn công tác, những cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của Đảng đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một môi trường làm việc minh bạch, công bằng và hiệu quả. Tiến sỹ Khoát chia sẻ, nhiều cán bộ đã thể hiện rõ sự kiệm ước và tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống cá nhân. Họ luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, không ngại khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những cán bộ liêm khiết và chính trực không chỉ là những tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo mà còn là điểm tựa vững chắc cho tổ chức Đảng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và nhạy cảm.

Để thực hiện hiệu quả Quy định 144, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát đề xuất một số biện pháp cụ thể cần được triển khai thời gian tới như: Tăng cường các chương trình giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, đặc biệt là cho các cán bộ trẻ; khuyến khích học tập suốt đời và đào tạo liên tục để nâng cao trình độ và kỹ năng; thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ, minh bạch và công khai về việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức; đánh giá thường xuyên và có biện pháp xử lý kịp thời các vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng; tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ, đảng viên đề xuất sáng kiến, áp dụng công nghệ mới trong công việc; khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có sáng kiến xuất sắc, nhằm thúc đẩy sự đổi mới liên tục.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát cũng cho rằng, lãnh đạo các cấp cần phải là những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, qua đó tạo ảnh hưởng tích cực và lan tỏa giá trị đạo đức đến toàn bộ hệ thống cán bộ, đảng viên; đồng thời phát triển một văn hóa tổ chức dựa trên các giá trị đạo đức, tôn trọng và công bằng. Điều này, giúp tạo môi trường làm việc tích cực và thúc đẩy sự gắn kết nội bộ, từ đó nâng cao hiệu quả công việc.

Tăng sức mạnh cho Đảng từ gần dân, sát dân

Theo đảng viên Phạm Tiến Vinh, 68 tuổi, 35 năm tuổi Đảng, Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư số 3, phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đạo đức cách mạng bởi cán bộ là gốc của mọi công việc, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Để làm tốt vai trò này đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải đủ đức, đủ tài, đặc biệt là phải thực sự gương mẫu để quần chúng nhân dân noi theo. Quy định 144 là kim chỉ nam để cán bộ, đảng viên noi theo, thực hiện; từ đó, ngày càng giữ gìn đạo đức cách mạng với tinh thần: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như các yêu cầu điều 3 của Quy định 144 nêu rõ: “Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Đảng viên Phạm Tiến Vinh cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải gần dân, sát dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân. “Nhân dân là nhân tố quyết định góp phần tạo nên sức mạnh của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải biết gần dân, sát dân, làm để dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải biết yêu dân, kính dân, hiểu dân, phải gắn bó với cơ sở, với thực tiễn, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần kiệm, liêm chính, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đảng viên Nguyễn Tiến Vĩnh nói.

Bà Đặng Thị Huệ, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy trường Trung học cơ sở Thanh Lương (Hà Nội) cho rằng, Quy định 144 ra đời đặt ra những tiêu chuẩn cao về đạo đức và trách nhiệm; yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn tự giác rèn luyện, phấn đấu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Đảng. Đặc biệt, Quy định nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, công bằng và trách nhiệm trong công tác và đời sống hàng ngày.

Để nâng cao phẩm chất đạo đức cán bộ, đảng viên, đảm bảo sự lãnh đạo hiệu quả và uy tín của Đảng trong thời kỳ mới, theo bà Đặng Thị Huệ, cần tập trung vào ba khía cạnh chính: Giáo dục tư tưởng; tăng cường giám sát, kỷ luật; nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Theo đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, giám sát và công tác cán bộ sẽ giúp nâng cao phẩm chất đạo đức, góp phần đảm bảo sự lãnh đạo hiệu quả và uy tín của Đảng.

“Việc đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị và đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên giúp chúng tôi nắm vững tư tưởng, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, có lối sống gương mẫu và thực sự là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo; tăng cường giám sát và kỷ luật, xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên. Quy định 144 với việc thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng sẽ góp phần giữ vững kỷ cương, tăng cường sự nghiêm minh và uy tín của Đảng; nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đảm bảo quy trình tuyển chọn, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ phải minh bạch, công khai dựa trên tiêu chí về phẩm chất đạo đức, năng lực và uy tín”, đảng viên Đặng Thị Huệ nói.

Đề xuất giải pháp triển khai Quy định 144 hiệu quả, nhiều đảng viên cho rằng, các cấp ủy đảng cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong việc thực hiện quy định, cũng như xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Quy định số 144-QĐ/TW không chỉ góp phần xây dựng một Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo hiệu quả và uy tín của Đảng trong thời kỳ mới. Việc thực hiện tốt Quy định này sẽ củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đất nước tiếp tục phát triển bền vững và phồn vinh. Đây chính là bước đi cần thiết và kịp thời để Đảng đáp ứng được những thách thức và yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh./.

Theo TTXVN

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

“Có vào, có ra”, “có lên, có xuống” không phải là “khủng hoảng thượng tầng”

(TG) - Những thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam đều xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ cách mạng; từ yêu cầu về tiêu chuẩn của từng chức danh và sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong thực hiện Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, các Kết luận, Quy định của Đảng, gần nhất là Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới…

Ngày 16/5/2024, tại Hội nghị Trung ương 9 khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định giới thiệu nhân sự nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và Chủ tịch Quốc hội khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu bổ sung 4 Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIII.

CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CÀNG CAO TRỌNG TRÁCH VÀ SỰ NÊU GƯƠNG CÀNG PHẢI LỚN

 Từ thời dựng Đảng cho đến nay, thấm nhuần sâu sắc chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(1) và “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(2)... Đảng ta luôn kiên định những nguyên tắc và yêu cầu cao trong công tác cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị nói riêng.

Những nguyên tắc và yêu cầu đó không ngoài mục tiêu giữ vững lý tưởng, con đường cách mạng; thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng theo 23 điều răn về “Tư cách một người cách mệnh” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”(3); rèn luyện bản lĩnh chính trị; trau dồi tri thức chuyên môn, nghiệp vụ… Đó là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa xuyên suốt và nhất quán trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm của từng cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và của từng cán bộ, đảng viên.

Theo đó, công tác cán bộ, công tác nhân sự được chuẩn bị, được xây dựng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng được coi trọng và triển khai đồng bộ theo Văn kiện Đại hội Đảng, theo các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, chuyên đề...

Những nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, việc đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, thông qua việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với những nội dung: Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương gắn với thực hiện; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030… đã góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động, trong việc tự soi, tự sửa từ sớm, từ xa của mỗi cán bộ, đảng viên.

Đảng Cộng sản Việt Nam có Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, có những quy định, kết luận, chỉ thị, nghị quyết rất rõ ràng về công tác cán bộ, công tác nhân sự; có các nguyên tắc xây dựng, hoạt động của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có Hiến pháp, hệ thống pháp luật đồng bộ, nên cán bộ, đảng viên được giao trọng trách càng cao thì trách nhiệm và sự nêu gương càng phải lớn. Trong công tác cán bộ luôn có việc thay đổi, luân chuyển để đáp ứng đúng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Nói khác đi là công tác cán bộ, công tác nhân sự của Đảng, luôn “có lên, có xuống”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu. Các cá nhân vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng thì phải chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm và những việc liên quan đến mình, tức là phải thượng tôn pháp luật; đồng thời, những người xứng đáng, đáp ứng đủ tiêu chuẩn sẽ được bổ nhiệm, trao trọng trách. Vì thế, việc bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII mới đây cũng như việc Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch nước Tô Lâm; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, bầu Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh… cho thấy sự ổn định chính trị ở Việt Nam theo đúng Hiến pháp, pháp luật, chứ không phải “khủng hoảng thượng tầng” như các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, ngày 22/5/2024. (Ảnh: TTXVN)

Hơn nữa, công tác cán bộ và công tác nhân sự của Đảng đều có quy trình chặt chẽ ở tất cả các cấp. Theo đó, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược khi được quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đều phải tuân thủ đầy đủ mọi điều kiện thuộc về tiêu chuẩn của từng chức danh theo Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khi không còn đủ uy tín để đảm nhiệm trọng trách được giao, thì việc xin thôi giữ các chức vụ cũng phải tuân thủ theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Điều đó cho thấy, là một cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao, thì mỗi người tất yếu phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân khi được giao phó nhiệm vụ. Mỗi sự thay đổi trong công tác cán bộ và công tác nhân sự đều xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi. Đó là sự thật và sự thật đó không phải là kết quả của việc “đấu đá nội bộ”, lại càng không phải là “sự khủng hoảng thượng tầng chính trị” như các thế lực thù địch cố tình bẻ cong sự thật.

CHỐNG THAM NHŨNG QUYẾT LIỆT LÀ ĐỂ LÀM TRONG SẠCH ĐỘI NGŨ

Khi Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì cần phải khẳng định chắc chắn rằng, không có “trò chơi vương quyền” nào cả, cũng không có ai “một tay che trời”, mà chỉ có một sự thật - đó là cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao phải luôn mẫu mực trong thực thi công vụ. Mỗi người đều phải nỗ lực phấn đấu về mọi mặt, đều phải bản lĩnh và nêu gương suốt đời trên tinh thần “giàu sang không thể quyến rũ, Nghèo khó không thể chuyển lay, Uy lực không thể khuất phục”(4) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Chắc chắn, đấu tranh chống tham nhũng và việc xử lý kỷ luật những người liên quan, vi phạm (bằng hình thức này hay hình thức khác) là để “trị bệnh cứu người”; là kỷ luật một vài người để cứu muôn người; là truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, qua đó cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chứ không phải là “tìm mọi cách để hạ bệ nhau” như những giọng điệu xuyên tạc, chống phá. Vì thế, trong Đảng Cộng sản Việt Nam không có “khủng khoảng thượng tầng”, cũng không có “cuộc sát phạt nhằm vào các đối thủ chính trị của mình”, mà chỉ có sự tự chỉnh đốn trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao; trong các địa phương, cơ quan, đơn vị để từng cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mình, xứng đáng với vai trò tiền phong, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xứng đáng là người lãnh đạo - người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Chủ trương đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được Đảng, Nhà nước ta thực hiện một cách quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai/dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu, nếu vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật thì đều bị xử lý nghiêm minh là để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị. Đó là đấu tranh chống tham nhũng gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chứ không phải là “thanh trừng phe phái”, vì thế sự thay đổi nhân sự cấp cao không phải “phe này thắng, phe kia thua” hay do “một ai đó chi phối cả chính trường” Việt Nam như giọng điệu bịa đặt của những kẻ xấu. Thực tế, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng/“đốt lò”, “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là người đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao. Mục đích quyết liệt đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng là để loại bỏ những con sâu mọt nhằm “cứu cả một rừng cây xanh tốt”, nên Tổng Bí thư đã nhiều lần không chỉ khẳng định quyết tâm đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, mà còn nhấn mạnh tính chất gian nan, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh này; đồng thời tin tưởng rằng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân sẽ góp phần ngăn chặn và từng bước kiểm soát được tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ngày 30/6/2022. (Ảnh: VGP)

Lịch sử thế giới đương đại cho thấy, hầu hết các thể chế chính trị chưa “triệt tiêu hoàn toàn” được tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, thể chế chính trị nào cũng cần phải chú trọng công tác phòng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để các cơ quan công quyền được tổ chức, hoạt động thực sự trong sạch, vững mạnh, liêm khiết. Việc xét xử các vụ án tham nhũng trước đó cũng như các cơ quan chức năng đang tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Cục Đăng kiểm, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB, FLC, Tân Hoàng Minh, Phúc Sơn, Thuận An… thời gian gần đây đã chứng minh và khẳng định, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam được thực hiện một cách kiên quyết, kiên trì và đồng bộ các biện pháp; lấy ngăn chặn, phòng ngừa là chính chứ không chỉ nhằm mục đích trừng trị; là nhằm đưa ra khỏi Đảng những người đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để làm trong sạch bộ máy. Chủ trương, cách làm và biện pháp xử lý tham nhũng cho thấy “công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào””(5) như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Việc công khai kết luận kiểm tra, giám sát hay thông tin về quyết định kỷ luật/đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật những cá nhân, tổ chức vi phạm một cách minh bạch không chỉ khẳng định rõ thêm quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn góp phần định hướng đúng dư luận xã hội; thiết thực phản bác luận điệu phản động của các thế lực, phần tử thù địch, bất mãn...

*

Một lần nữa, cần khẳng định lại, việc thay đổi nhân sự cấp cao (trong đó có người từ chức, có người mới được bổ nhiệm) chính là siết chặt đội ngũ hơn nữa để tiếp tục kiên định con đường đã chọn, chứ chắc chắn không thể làm cho “thượng tầng chính trị” của Đảng Cộng sản Việt Nam tan rã hay khủng hoảng, tê liệt. Đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam không phải vì “tham vọng quyền lực cá nhân” của riêng ai, cũng không phải do “các phe cánh tiến hành”, mà là chủ trương, quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cho nên, dù các thế lực thù địch có suy diễn, xuyên tạc và bôi nhọ thế nào thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được đẩy mạnh, quyết liệt, không ngừng, không nghỉ. Đó cũng chính là Đảng tiếp tục xây dựng và tự chỉnh đốn một cách quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân vào vai trò tiền phong của Đảng.

Hơn nữa, trong công tác cán bộ và công tác nhân sự của Đảng nói chung, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng nói riêng, thì việc đưa vào hay ra khỏi quy hoạch cán bộ; việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm, từ chức một đồng chí nào đó cũng là bình thường, chứ không phải “bị hạ bệ”; càng không thể là “đấu đá nội bộ”. Xử lý thuyết phục những cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng, tiêu cực vừa nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật vừa nhân văn, thấu tình đạt lý và việc bổ sung cho đầy đủ các chức danh trong bộ máy của Đảng, Nhà nước không đồng nghĩa với cái gọi là có người thăng tiến, có kẻ bị trừng phạt “vì mâu thuẫn nội tại” như các thế lực thù địch cố tình giật tít câu like trên mạng xã hội.

Vì không có cái gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam đang “khủng hoảng từ bên trong”, nên mọi sự suy diễn, bẻ cong sự thật việc thay đổi nhân sự cấp cao ở Việt Nam của các thế lực thù địch đều là những giọng điệu phản động, chống phá nhằm kích động, chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chia rẽ sự gắn bó, tin tưởng của Nhân dân với Đảng, Nhà nước./.

TS. VĂN THỊ THANH MAI

____________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.280.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,, t.2, tr.280-281.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,, t.7, tr.50.

(5) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2023, tr.117.

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...