Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Hiệu quả chuyển đổi số nhìn từ 44 mô hình điểm

[CAND] Từ 21 mô hình điểm ban đầu, quá trình triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực nên Công an Hà Tĩnh tiếp tục đăng ký với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an để triển khai, nhân rộng lên 44 mô hình điểm, tương ứng với 44 nhóm nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn.

Cuối tháng 2/2024, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và Công ty FPT triển khai thực hiện mô hình “thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chíp điện tử”. Mô hình được thực hiện đồng thời tại 3 cơ sở giáo dục là Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà; Trường THPT Thành Sen, TP Hà Tĩnh và Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Đức Thọ. Môn thi được lựa chọn thực hiện là môn Toán, với tổng số 221 học sinh tham gia 2 ca thi. Tất cả các em học sinh đã thực hành thi online tập trung với đầy đủ các bước kiểm tra xác thực thí sinh thông qua thẻ CCCD gắn chip điện tử và tiến hành làm bài trắc nghiệm trong thời gian 45 phút. Tại điểm cầu trung tâm là Trường THPT Lý Tự Trọng, Sở GD&ĐT kiểm soát tình hình làm bài thi của thí sinh các điểm cầu khác.

Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) hỗ trợ học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tham gia thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Ngay sau khi thời gian kết thúc, hệ thống sẽ tự động đóng và chấm điểm các bài thi. Qua đó, hệ thống sẽ phân tích dựa trên kết quả cũng như số lượng câu để giúp giáo viên có góc nhìn khách quan đối với đề thi để điều chỉnh phù hợp với năng lực học sinh. Kết quả thi được lưu trữ trên hệ thống máy chủ, giúp giảm thủ tục lưu trữ giấy tờ, tạo thuận tiện cho quá trình thanh tra, xác minh sau kì thi.

Mô hình được thực hiện với hi vọng sẽ là giải pháp hiệu quả giúp đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo giấy tờ, nhờ người thi hộ. Đồng thời, việc sử dụng mô hình sẽ giúp các nhà trường kiểm tra đánh giá được học sinh theo đúng Thông tư số 22 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh THCS, THPT; qua đó giúp quản lý được ngân hàng câu hỏi và xây dựng được kế hoạch tổ chức thi.

Việc thí điểm mô hình “thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chíp điện tử” được thực hiện theo Kế hoạch phối hợp giữa Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ với Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Hà Tĩnh về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài mô hình này, hiện tỉnh Hà Tĩnh đang duy trì, nhân rộng 43 mô hình khác nhau để làm điểm, nhằm đẩy mạnh hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Điển hình là mô hình xác thực sinh trắc được triển khai thí điểm tại Phòng công chứng số 1 - Sở Tư pháp Hà Tĩnh từ tháng 12/2023. Đến nay, sau 6 tháng đã có hơn 500 lượt xác thực đảm bảo khách quan, chính xác và nhanh gọn.

Ông Bùi Minh Thu - Trưởng phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp Hà Tĩnh cho biết, khi công dân đến Phòng công chứng để làm thủ tục, nhân viên sẽ sử dụng máy xác thực sinh trắc quét chip điện tử ở mặt phía sau CCCD, toàn bộ thông tin cá nhân, hình ảnh khuôn mặt của công dân sẽ hiện ra. Sau khi xác định chủ thể đúng là người trên CCCD, cán bộ tiếp nhận sẽ tiếp tục các bước hoàn thiện hồ sơ. Với việc làm này, việc sử dụng thiết bị xác thực sinh trắc đã giúp công chứng viên nhận diện được chính xác thẻ CCCD của người yêu cầu; từ đó đảm bảo an toàn pháp lý cho văn bản công chứng, phòng ngừa rủi ro. Từ hiệu quả của việc thí điểm này, hiện nay đã có nhiều cơ quan, tổ chức trên địa bàn như Sở GTVT, Sở GD&ĐT nhân rộng, áp dụng.

Ngoài ra, có thể kể đến là mô hình thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ. Được triển khai từ tháng 8/2023 và cũng là mô hình đầu tiên trong 21 mô hình điểm theo Đề án 06/CP trên địa bàn Hà Tĩnh, sau một thời gian thí điểm tại cơ sở lưu trú, nhận thấy những tiện ích mà ứng dụng này mang lại nên đã nhân rộng sang các lĩnh vực khác như cơ sở khám, chữa bệnh; nhà ở trong khu công nghiệp, khu chế xuất với 100% cơ sở tham gia thực hiện, hơn 100.000 nghìn lượt thông báo kể từ tháng 8/2023 đến nay.

Từ tháng 12/2023, Công an Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thí điểm mô hình thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM trên xe khách đường dài. Ngoài ra, tiêu biểu còn có mô hình khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD với 100% cơ sở tham gia, thực hiện hơn 2 triệu lượt tra cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh; mô hình công dân số hoàn thành cấp thẻ CCCD đối với 100% công dân trên địa bàn, cài đặt tài khoản định danh điện tử đạt 80% so với số công dân đã được cấp thẻ CCCD, cài đặt chữ ký số công cộng...

Tính đến thời điểm này, Hà Tĩnh đang thực hiện 44 mô hình điểm về triển khai Đề án 06. Trong đó, đã hoàn thành triển khai 24 mô hình, tạo được nhiều giá trị lợi ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn và triển khai thí điểm 5 mô hình, đang trong quá trình đánh giá hiệu quả để phát triển, nhân rộng. Cùng với đó, 4 mô hình sẽ được triển khai sau khi hoàn thành hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC); 6 mô hình đang phối hợp Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ hướng dẫn và xây dựng lộ trình thực hiện và 5 mô hình cần đề xuất kinh phí để thực hiện. Số liệu thống kê cho thấy, đến ngày 15/4/2024, trên toàn tỉnh đã thu nhận 1.169.102 hồ sơ cấp CCCD/1.215.771 công dân thường trú trên 14 tuổi, đạt tỷ lệ 96%; hướng dẫn cài đặt, kích hoạt, sử dụng 925.176 tài khoản định danh điện tử 2 mức.

Thời gian tới, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", duy trì thường xuyên việc cấp thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử VneID. Thực hiện hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; duy trì việc đối soát, làm sạch các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.

Đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm các “điểm nghẽn” liên quan đến dịch vụ công; tăng cường ứng dụng các tiện ích của thẻ CCCD, ứng dụng VNeID. Triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án 06 đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra. Đảm bảo 100% dịch vụ công đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức trực tuyến toàn trình, khi toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng.

Thiên Thảo

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...