[QĐND] Sự việc một trường quốc tế ở phía Nam cho học sinh đọc tài liệu tham khảo bằng truyện khiêu dâm đã gây xôn xao dư luận những ngày qua. Hồi chuông báo động về tình trạng lệch chuẩn trong giáo dục có yếu tố quốc tế lại tiếp tục được gióng lên. Trên thực tế, tư duy và lối sống kiểu sính ngoại, bài nội đã gây ra nhiều hệ lụy, nhưng không phải ai cũng nhận ra...
Xin kể chuyện này...
17 năm trước, khi vừa chuyển công tác từ Cần Thơ về TP Hồ
Chí Minh, tôi được một người anh trong nghề mời đến nhà chơi. Lúc bấy giờ, gia
đình anh là một mẫu hình lý tưởng đối với chúng tôi. Anh chị có địa vị xã hội,
kinh tế vững, hai con đều học trường quốc tế. Trong bữa cơm gia đình, anh chị
khuyên chúng tôi nên cho con đi học trường quốc tế để các cháu có tương lai
tươi sáng. “Ở đó họ dạy toàn bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc
tế.
Học sinh bước vào cổng trường là không được nói tiếng Việt.
Em nào vi phạm sẽ bị thầy cô giáo nhắc nhở, kiểm điểm ngay. Nhờ đó mà kỹ năng
tiếng Anh của các cháu phát triển rất nhanh. Về nhà, anh chị cũng khuyến khích
các cháu giao tiếp bằng tiếng Anh. Mình học theo con nên kỹ năng sử dụng tiếng
Anh của anh vào loại tốt nhất ở cơ quan đấy”-anh nói, đầy tự hào và hãnh diện!
Tư duy và lối sống kiểu sính ngoại, bài nội đã gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa: anninhthudo.vn |
Hai con của anh chị khi lớn lên lại tiếp tục được đầu tư cho
đi du học, rồi ở lại nước ngoài làm việc, định cư, lấy vợ Tây, chồng Tây. Đến
nay, anh chị đã có 4 cháu, cả nội lẫn ngoại. Mới đây, anh bị bệnh phải điều trị
dài ngày ở bệnh viện. Chúng tôi vào thăm, anh chị buồn bã dốc bầu tâm sự rằng,
đến bây giờ anh chị mới thấm thía và trả giá đắt cho lối suy nghĩ sính ngoại,
bài nội của mình. Tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, anh chị phải tự lo cho nhau.
Thuê người giúp việc thì cũng chỉ đỡ được phần nào. Con cháu định cư ở nước ngoài, vài ba năm mới lần lượt về quê thăm cha mẹ, ông bà được một lần. Mỗi lần về, chúng đều ở khách sạn. Tiếp cận với môi trường giáo dục bằng tiếng Anh từ nhỏ, nếp nghĩ và lối sống của các con, các cháu của anh chị đã “quốc tế hóa” hoàn toàn. Chúng xa lạ với phong tục, nền nếp gia phong, thậm chí 4 đứa cháu dù đã lớn nhưng không đứa nào nói được tiếng Việt.
Ông bà ngồi bên cháu mà như hai thế giới xa lạ, từ hình dáng
bề ngoài đến bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa. Tình cảm máu mủ ruột rà, vì
thế, thật khó để gắn kết thân mật. Cái sự “mất gốc” của văn hóa do sính ngoại,
bài nội đến từ rất sớm và hệ lụy của nó cứ âm ỉ, kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đến
lúc nhận ra thì đã quá muộn, không còn cơ hội cứu vãn được nữa. “Tiền nhiều để
làm gì? Con cái thành đạt để làm gì? Bây giờ tôi chỉ ước ao có được những khoảnh
khắc bình yên, ấm áp bên con cháu, sum vầy không khí gia đình. Nhưng ước ao ấy
giờ là xa xỉ rồi. Chú cứ lấy câu chuyện của nhà tôi ra mà viết, để giúp những
người còn có tư tưởng sính ngoại, bài nội sớm tỉnh ngộ. Chú đừng bêu tên anh chị
lên mặt báo là được!”. Lời tâm sự đẫm nước mắt của người ở tuổi ngấp nghé “cổ
lai hy” khiến chúng tôi bùi ngùi...
Giáo dục “khai phóng”
và bài học từ gia đình, nhà trường đến xã hội
Chuyện sính ngoại dẫn đến “mất gốc” nền nếp gia phong, truyền
thống tiên tổ xảy ra không hiếm trong thời đại ngày nay. Nhưng vì nó thuộc yếu
tố cảm tính nên một bộ phận không nhỏ trong đời sống xã hội cứ coi đó là chuyện
của mỗi nhà. Sự chia sẻ, nếu có, cũng chỉ mang tính riêng tư. Tuy nhiên, trong
mối quan hệ gia đình-nhà trường-xã hội, bất cứ một biểu hiện lệch chuẩn nào
cũng đều có tác động qua lại lẫn nhau.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Đảng ta đã nhấn mạnh,
cảnh báo về tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, người làm công tác văn
hóa chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ, phát
huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc. Nhiều khi bắt chước nước
ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc... Đó cũng chính là những
biểu hiện của lối sống sính ngoại, bài nội. Nó xuất phát từ chiếc nôi gia đình,
ảnh hưởng từ môi trường giáo dục (đặc biệt là giáo dục ngoài công lập, hợp tác
giáo dục có yếu tố nước ngoài).
Với việc hô hào những thứ được xưng tụng, khoa trương như là
những “triết lý giáo dục”, kiểu: “Khai phóng”, “tự do”, “không giới hạn”...
không ít đơn vị giáo dục quốc tế đã tuyệt đối hóa yếu tố quốc tế, coi nhẹ, sao
nhãng, thậm chí là bỏ qua các tiêu chí, nội dung giáo dục quốc nội. Đơn cử như
lễ khai giảng, tổng kết, bế giảng... nhiều trường không tổ chức cho giáo viên,
học sinh hát Quốc ca; trang trí khánh tiết không có Quốc kỳ, tượng Bác Hồ; thay
vào đó là những hình ảnh, biểu trưng của cái gọi là “khai phóng”, “tự do”,
“không giới hạn”... theo văn hóa phương Tây.
Khi con em của chúng ta được giáo dục ngay trên chính quê
hương mình mà lại khước từ tinh túy, tinh hoa của văn hóa truyền thống, thì hệ
lụy đối với tương lai là rất khó lường. Nó không chỉ khiến cha mẹ “mất” con,
gia đình mất nền nếp gia phong, mà vốn quý của đất nước, bản sắc văn hóa của
dân tộc... cũng bị phai nhạt. Như vậy, sính ngoại, bài nội cũng là một dạng biểu
hiện suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống. Nếu chúng ta không tỉnh ngộ, cứ để
nó “mưa dầm thấm lâu” thì nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một bước
ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hại cho Đảng, cho đất nước.
Thời gian gần đây, trên một số nền tảng mạng xã hội lan truyền
video clip của một người trẻ tự xưng là du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Trong
video clip này, cô gái tự nhận mình là người đã được “mở mang” đầu óc, tầm nhìn
khi ra nước ngoài du học, nghiên cứu. Bên cạnh ca ngợi hết lời cái hay, cái đẹp
nơi xứ người, cô quay sang chỉ trích người Việt, chê bai văn hóa Việt, xuyên tạc
chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước; phủ nhận công lao của thế hệ ông
cha trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước...
Những gì cô gái nói đều là những luận điệu xuyên tạc cũ rích
của các thế lực thù địch ở hải ngoại. Tuy nhiên, khi được thốt ra từ miệng của
một người trẻ đi du học, tính chất của nó đã khác đi nhiều. Nhận thức chính trị
mơ hồ, yếu bản lĩnh, dễ dao động, ngả nghiêng... là những biểu hiện của suy
thoái trong một bộ phận người trẻ. Nó xuất phát từ kiểu sính ngoại, bài nội
trong công tác giáo dục và tự giáo dục, từ gia đình đến nhà trường và xã hội...
Ngăn ngừa bằng cách
nào?
Ở đâu, môi trường nào dễ xuất hiện mầm mống suy thoái thì phải
có các hình thức, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ngay ở nơi đó. Trước hết, cần
phải khẳng định, việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục, trong đó có mô hình các trường
quốc tế, là một tất yếu trong xu thế hội nhập. Giáo dục quốc tế không có lỗi. Lỗi
là ở những hạn chế, bất cập trong phương thức quản lý, điều hành.
Câu chuyện ở một trường quốc tế cấp cho học sinh tài liệu
tham khảo là truyện khiêu dâm khiến dư luận xôn xao, phụ huynh bất bình vừa qua
là một ví dụ. Nó thể hiện những “khoảng trắng”, “khoảng trống” trong công tác
quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền và tư duy giáo dục của hội đồng quản
trị, ban giám hiệu, đội ngũ giáo viên của đơn vị giáo dục đó. Nếu chúng ta tiếp
tục coi nhẹ, buông lỏng trong quản lý, giám sát, chấn chỉnh... thì cái “sảy” sẽ
nảy cái “ung”. Mầm mống suy thoái trong môi trường giáo dục sẽ nảy nở, phát sinh
từ những “việc nhỏ”, tích tụ dần thành hệ lụy khó lường.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ chiến lược
phát triển giáo dục, đào tạo là: Chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo
và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân
tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Như vậy, cho
dù là giáo dục công lập hay ngoài công lập, các nhà quản lý và các đơn vị giáo
dục đều phải có trách nhiệm, bổn phận thấm nhuần phương châm, định hướng giáo dục.
Đặc biệt, cái gốc của vấn đề vẫn là từ gia đình. Tại Hội nghị
văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu chỉ
đạo hội nghị đã nhấn mạnh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải giữ lấy “nếp nhà”, giữ
lấy “chân quê”! Đó là cách tu từ để nói về tầm quan trọng của việc giữ gìn nền
nếp gia phong, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong giáo dục, bồi dưỡng
thế hệ cách mạng cho đời sau. Khi một bộ phận phụ huynh, nhất là những gia đình
có điều kiện về kinh tế vẫn cứ sính ngoại, bài nội trong định hướng, giáo dục
con cái, thì những câu chuyện buồn như trên vẫn còn phổ biến. Mầm mống suy
thoái cũng từ đó mà ra...
PHAN NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét