[CAND] Ngày 7/5/1954, quân và dân Việt Nam lập nên kỳ tích "chấn động địa cầu" khi đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - "pháo đài bất khả xâm phạm", niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng này không chỉ là chiến thắng của sức mạnh trí tuệ và lòng dân, mà còn góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.
Đây là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà ngọn nguồn
chính là bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời
đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng "lừng lẫy năm châu" còn là thực tiễn
sinh động, minh chứng hùng hồn và bất tử về sức mạnh của lòng yêu nước, chủ
nghĩa anh hùng cách mạng; đồng thời, là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt
Nam trong thời đại mới.
Đỉnh cao của nghệ thuật
chiến tranh nhân dân
Chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc là nội dung đặc sắc
của nghệ thuật quân sự, là quy luật giành thắng lợi trong tiến hành chiến tranh
của dân tộc Việt Nam. Kế thừa truyền thống, quy luật đó, trong kháng chiến chống
thực dân Pháp nói chung và trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Đảng ta chủ
trương thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên cứ điểm đồi D1, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên về chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ảnh: CTV |
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn dân công tham
gia tải thương, gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến
trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa. Chưa bao giờ khí
thế lại trào dâng mãnh liệt đến như vậy. Đường lối chiến tranh nhân dân đó đã
quy tụ và tạo thành sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng. Diễn ra ở địa hình rừng
núi hiểm trở, xa hậu phương, giao thông liên lạc rất khó khăn, để đáp ứng một
khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho chiến dịch, Đảng đã phát huy cao
độ sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp
thời mọi yêu cầu của bộ đội trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.
Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị hạ quyết
tâm: "Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho
chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng
cho chiến dịch này". Theo đó, trên cả nước, đã diễn ra một cuộc tổng động
viên sức lực quy mô lớn chưa từng có; công nhân, nông dân, trí thức, học sinh,
nhà buôn rồi cả một số địa chủ, tư sản đã đóng công, góp của chi viện cho mặt
trận.
Tính chung trong chiến dịch, nhân dân ta đã "đóng góp
25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991
xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền".
Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn
nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ,
hy sinh.
Theo Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu
trưởng Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng), thực tiễn chiến dịch Điện Biên
Phủ cho thấy, truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã được phát huy cao
độ, hòa quyện với tinh thần quyết chiến, quyết thắng và khát vọng hòa bình; đường
lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, thực sự trở thành nguồn sức mạnh
tinh thần vô địch, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng.
Thế trận chiến tranh nhân dân là tổng thể các biện pháp tổ
chức, bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện nhằm tạo thế có lợi và phát huy
cao nhất sức mạnh để giành thắng lợi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thế trận
chiến tranh nhân dân được Bộ Tổng Tư lệnh chủ động hoạch định sớm, tổ chức tiến
hành bằng nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với từng chiến trường, từng giai đoạn.
Đặc biệt, thế trận chiến tranh nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ được xây
dựng rộng khắp, thực sự là "một trận đồ bát quái, đánh địch cả ở đằng trước
mặt và đằng sau địch, đánh địch ở các chiều, các hướng".
Từ nghiên cứu kỹ lưỡng về địch, cùng với chiến trường Điện
Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh triển khai lực lượng trên bốn chiến trường chủ yếu
khác là: chiến trường Tây Bắc, Thượng Lào; chiến trường đồng bằng Bắc Bộ; chiến
trường Trung, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và chiến trường Tây Nguyên. Từ thế bố
trí đó, ta đã tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, kìm giữ địch trên
các chiến trường trọng điểm; đồng thời, phá thế tập trung khối chủ lực địch, buộc
địch phân tán dàn mỏng lực lượng.
Thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp ở cả ba nước Đông
Dương, làm cho hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân chia, tạo ra
thế trận có lợi để ta tiêu diệt địch ở chiến trường Điện Biên Phủ. Đặc biệt, thế
trận chiến tranh nhân dân được tổ chức ngày càng chặt chẽ, tạo thế cài xen giữa
ta và địch trên một không gian rộng lớn; kết hợp bộ đội chủ lực, bộ đội địa
phương và dân quân du kích tạo nên một thế trận chiến lược hiểm hóc, vừa thực
hiện được bao vây, chia cắt, kìm hãm địch, vừa tạo ra thế chủ động tiến công địch.
Huy động sức mạnh
toàn dân tộc
Bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết
thắng của toàn thể dân tộc, nhất là các chiến sĩ xung kích ngoài mặt trận, trực
tiếp chiến đấu chống quân thù.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tổng giao chiến, trận lớn
nhất với những nỗ lực cao nhất về quân sự của cả ta và địch. Cho nên, ở đây đã
diễn cuộc chiến đấu vô vàn khó khăn, gian khổ với nhiều tổn thất, hy sinh. Song
dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khơi dậy và
phát huy cao nhất nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc, chủ nghĩa yêu
nước kết thành ý chí quyết chiến, quyết thắng, làm cho chủ nghĩa anh hùng cách
mạng Việt Nam được phát huy cao độ, lập nên những chiến công rực rỡ. Đó là tinh
thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng.
Mặc dù lần đầu tiên Quân đội ta đối đầu với một đội quân chủ
lực trong một trận đánh công kiên lớn, nhưng nhờ có sức mạnh chính trị, tinh thần,
kỷ luật và thế trận hợp lý đã phát huy được thế mạnh của ta, khắc chế được sức
mạnh của địch.
Đặc biệt, thông qua quán triệt các mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng
chiến dịch về tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện việc
chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang
"đánh chắc, tiến chắc" và tiến hành học tập, kiểm thảo, chỉnh quân
chính trị, phát động căm thù trong và sau mỗi đợt tiến công của chiến dịch đã
làm cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
được phát huy cao nhất trong cán bộ, chiến sĩ và thanh niên, dân công tham gia
chiến dịch.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đường lối kháng chiến đúng đắn,
sáng tạo mà mục tiêu tối cao, bao trùm nhất là giành độc lập dân tộc, thống nhất
Tổ quốc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, được cụ thể hóa vào mục tiêu, nhiệm
vụ, phương thức tác chiến chiến dịch đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến
tranh nhân dân, quy tụ, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên sự đồng
thuận, thực hiện thắng lợi mục tiêu.
Bên cạnh đó, thành công nổi bật trong xây dựng, củng cố,
phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch Điện Biên
Phủ là Đảng đã hoạch định được một cách đúng đắn đường lối, chính sách cụ thể
nhằm tập hợp lực lượng đoàn kết của toàn dân, thực hiện thắng lợi những mục
tiêu, nhiệm vụ chiến dịch đã đề ra. Khối đại đoàn kết dân tộc đã được xây dựng
trên cơ sở truyền thống yêu nước, đường lối kháng chiến của Đảng với mục tiêu
là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó là sợi chỉ đỏ, chất keo gắn kết mọi
tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân, toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh
để nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm chiến đấu, hy sinh để
bảo vệ độc lập dân tộc.
Sức mạnh chính trị, sức mạnh tinh thần của quân và dân ta
trong chiến thắng Điện Biên Phủ còn đến từ bản chất của cuộc chiến tranh chính
nghĩa, tinh thần yêu chuộng hoàn bình, sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp hòa bình
để kết thúc chiến tranh trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, được nhân dân tiến bộ và ưa chuộng hòa
bình trên thế giới đồng tình ủng hộ.
Trước trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ, giáng
đòn quyết định vào cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, thông điệp mong
muốn giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh của Việt Nam cũng đã tạo ra sự đồng
tình, ủng hộ, phối hợp và giúp đỡ mạnh mẽ hơn nữa của nhân dân thế giới cũng
như bạn bè quốc tế. Sự giúp đỡ to lớn của quốc tế, trước hết là của nhân dân
Lào, nhân dân Campuchia và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa về nhiều mặt
vừa là nguồn lực vật chất, vừa là nguồn sức mạnh chính trị, sức mạnh tinh thần,
góp phần tạo nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
70 năm sau ngày lịch sử ấy, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn để
lại những bài học quý, những kinh nghiệm vô giá. Trong đó có bài học về phát
huy sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; kết hợp
sức mạnh vật chất với sức mạnh chính trị, tinh thần; động viên cao nhất sức mạnh
tinh thần tại những thời điểm khó khăn hoặc mang tính bước ngoặt để thực hiện mục
tiêu, đưa cách mạng đến thắng lợi.
Hiền Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét