Vai trò của báo chí truyền thông trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được phát huy, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, tạo sự đồng tình cao trong đảng viên và nhân dân…
Chiều 28/2, Ban Tuyên giáo Thành uỷ phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
1.200 thông tin phản ánh từ báo chí
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, Quy định số 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (viết tắt là Quy định số 1374) đã hình thành cơ chế yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm việc giải quyết thông tin báo chí phản ánh, làm rõ đúng sai và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm. Qua tổng hợp kết quả thực hiện Quy định số 1374, TP đã tiếp nhận gần 9.900 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm 12,15% (1.200 thông tin).
Thông tin phản ánh hằng ngày của báo chí đóng vai trò rất quan trọng, trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp. Phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Qua phản ánh thông tin, các cơ quan báo chí còn đề xuất các giải pháp để các cơ quan ra quy chế phối hợp kịp thời, hạn chế khuyết điểm…
“Qua thông tin phản ánh của báo chí, phần nào đã giúp các địa phương, đơn vị nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết các vi phạm, nhất là những vi phạm diễn biến kéo dài gây bức xúc trong dư luận; giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm bắt các sự việc, vấn đề liên quan đến cơ quan, đơn vị mình một cách kịp thời, nhanh chóng”, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.
Cần làm tốt hơn nữa công tác cung cấp thông tin
Tại buổi toạ đàm, đại diện các sở, ngành, đơn vị của TP cũng khẳng định, Quy định 1374 đã được triển khai nghiêm túc, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, đưa ra kết luận, đánh giá khách quan, nghiêm minh. Qua đó đã kịp thời chỉ rõ các hạn chế thiếu sót, khuyết điểm, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục…
Cụ thể, từ tháng 12/2017 đến nay, Công an TP đã tiếp nhận 129 thông tin, trong đó thông tin có cơ sở giải quyết là 33 (tỷ lệ 25,58%), từ báo chí là 9 (27%)…Từ kết quả giải quyết các thông tin phản ánh, Đảng uỷ Công an TP đã xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức kỷ luật đảng 12 trường hợp; cảnh cáo 5 trường hợp; khai trừ 2 trường hợp, xử lý kỷ luật chính quyền 11 trường hợp…
Trong khi đó, Tổ Công tác 1374 của Sở Y tế đã tiếp nhận 74 đơn, 16 thông tin phản ánh từ báo chí…qua đó đã xử lý về mặt đảng 1 trường hợp, 2 trường hợp bị Công an bắt giam và khởi tố…
Sở Giao thông vận tải xử lý 10 thông tin theo quy trình 1374 (50% là qua báo chí); qua đó đã xử lý về mặt đảng 7 trường hợp, xử lý kỷ luật về mặt chính quyền 11 người…
Các cơ quan báo chí Trung ương và TP cũng có nhiều ý kiến về công tác triển khai Quy định 1374, qua đó đều khẳng định việc tuyên truyền về Quy định 1374 cũng là để nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí đã dành thời lượng đáng kể để tuyên truyền với nhiều tuyến bài, vệt bài, chuyển tải đầy đủ toàn diện những những thông tin về các vấn đề dư luận, người dân quan tâm, phản ánh…
Để làm tốt hơn Quy định 1374, các cơ quan truyền thông đề nghị cần hoàn thiện quy trình giải quyết thông tin tiếp nhận, chú trọng công tác phối hợp trong công tác xác minh, cơ chế xử lý đơn vị xử lý chậm trễ. Cần tăng cường hơn nữa công tác trao đổi, phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan của Thành uỷ với các cơ quan báo chí trong triển khai quy định; làm tốt khâu giao ban báo chí định kỳ…
“Làm sao có cơ chế, kênh trao đổi 2 chiều giữa các cơ quan báo chí và các đơn vị phụ trách được giao thực hiện Quy định 1374 như Uỷ ban Kiểm tra, các cấp uỷ để làm sao có sự chia sẻ thông tin phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong việc nắm bắt các thông tin liên quan các hành vi vi phạm. Qua đó việc định hướng phản ánh thông tin chính xác hơn, đảm bảo đúng định hướng và hạn chế sai sót; gây mất uy tin cho cá nhân, đơn vị liên quan và chính các cơ quan báo chí truyền thông nếu có trường hợp nào chưa rõ ràng”, ông Hoàng Anh Tuấn, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam chia sẻ.
Kết luận Toạ đàm, Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá các cơ quan báo chí đã phản ánh khách quan, trung thực các sai phạm của các tập thể và cá nhân. Vai trò của báo chí truyền thông trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được phát huy, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, tạo sự đồng tình cao trong đảng viên và nhân dân… Qua thông tin phản ánh của báo chí đã giúp các cơ quan đơn vị kịp thời, nắm bắt, xử lý…Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn có cơ quan báo chí đưa thông tin chưa kiểm chứng gây ảnh hưởng đến các cơ quan, đơn vị.
Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị các cấp uỷ cần tăng cường tuyên truyền về vai trò của báo chí; chỉ đạo việc phát ngôn và chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đúng quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong khi đó, các cơ quan báo chí cũng cần quán triệt đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nhất là về ý nghĩa, nội dung và hiệu quả của việc thực hiện Quy định này.
“Các cơ quan báo chí cần phải hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, chặt chẽ kiểm soát kỹ nội dung, không để những thông tin chưa kiểm chứng hoặc phản ánh chưa đúng sự thật xuất hiện trên mặt báo, bảo đảm mỗi bài báo là một công cụ tăng cường nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, truyền cảm hứng để Nhân dân tích cực tham gia, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét