Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Người dân có quyền kiểm tra thiết bị đo nồng độ cồn và giám sát CSGT?

VOV.VN - Người dân có quyền được giám sát, khiếu nại thiết bị đo nồng độ cồn và lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn theo quy trình như thế nào?

Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng CSGT trên toàn quốc đẩy mạnh xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Quá trình tuần tra, xử lý, lực lượng chức năng gặp không ít vụ việc như các đối tượng chống đối, có hành vi ngăn cản quá trình xử lý vi phạm... Ngoài ra, nhiều người dân cũng có các thắc mắc xoay quanh việc kiểm tra nồng độ cồn.

“Quy trình kiểm tra nồng độ cồn đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên cách thức tiến hành kiểm tra còn tùy thuộc vào đặc điểm tình hình, tùy thuộc vào điều kiện tuần tra. Hiện nay có 2 dạng kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đó là kiểm soát, kiểm tra tại một điểm và tuần tra, kiểm soát lưu động. Tuy nhiên việc này còn phải phụ thuộc vào việc lựa chọn tuyến đường, sự bố trí của lực lượng CSGT...”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, ở dạng kiểm tra, kiểm soát tại một điểm thì CSGT sẽ tiến hành kiểm tra định tính trước, và nếu phát hiện người tham gia giao thông có nồng độ cồn thì sẽ tiếp tục kiểm tra về định lượng. Cụ thể, ở dạng kiểm soát tại một điểm, sẽ chọn đối tượng để kiểm tra và CSGT sẽ tạo dải phân cách để tạo luồng cưỡng bức, sau đó sẽ đưa các phương tiện bị kiểm tra vào luồng này. Ở luồng cưỡng bức thì CSGT sẽ sử dụng máy kiểm tra nồng độ cồn.

CSGT sẽ tiến hành đo định tính trước, tức là người được kiểm tra chỉ cần nói hoặc thổi nhẹ vào thiết bị đo, thì khi đó thiết bị sẽ báo là có cồn hoặc không có cồn. Nếu không có cồn thì người tham gia giao thông sẽ được mời đi tiếp, còn nếu máy phát hiện có cồn thì người này sẽ được tách ra riêng để kiểm tra định lượng. Lúc đó tài xế sẽ được yêu cầu thổi vào ống thổi để kiểm tra lượng cồn trong khí thở là bao nhiêu, rồi CSGT căn cứ vào đó để ra quyết định xử lý.

Thứ 2 là tuần tra lưu động, hoặc qua quá trình kiểm soát giao thông, CSGT phát hiện có đối tượng nghi vấn sử dụng rượu bia, hoặc trong điều tra giải quyết tai nạn giao thông, thì CSGT sẽ kiểm tra trực tiếp luôn bằng chế độ đo định lượng để xem lượng cồn của người vi phạm là bao nhiêu.

“Ngoài ra, trong một số trường hợp, CSGT có thể yêu cầu lấy máu tài xế để kiểm tra. Như trường hợp người đó không thể thổi vào máy đo nồng độ cồn bởi sức khỏe yếu như bị thương, tai nạn... thì cán bộ điều tra sẽ yêu cầu việc lấy máu để đo kết quả nồng độ cồn, ma túy trong máu của tài xế. Ngoài ra, quá trình kiểm tra lưu động sẽ không cần kiểm tra định tính nữa”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nêu ví dụ.

Người dân có quyền giám sát việc kiểm tra nồng độ cồn của CSGT? 

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông khẳng định: “Người dân có quyền giám sát lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu sự khác nhau giữa giám sát và kiểm soát. Ở đây có thể hiểu giám sát là quan sát, nắm bắt tất cả mọi thứ diễn ra, biểu hiện ra bên ngoài; còn kiểm soát, kiểm tra thì phải là lực lượng chức năng có thẩm quyền thì mới được kiểm tra”.

Theo quy định, người dân có quyền được giám sát trực tiếp việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật. Cụ thể tại thông tư của Bộ Công an quy định về quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quy định về quyền, hình thức, nội dung giám sát của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, việc giám sát của người dân không được cản trở hoạt động của lực lượng thực thi công vụ. Khi có nghi ngờ, người dân có thể gửi khiếu nại.

Chia sẻ với phóng viên về quyền được kiểm tra máy đo trước khi bị CSGT thổi nồng độ cồn, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông cho rằng: “Người dân có quyền giám sát, nhưng việc đòi hỏi được xem máy đo này nó sẽ trở thành việc kiểm tra. Trong trường hợp này người dân có quyền khiếu nại khi cảm thấy máy đo nồng độ cồn có vấn đề chứ không phải người dân có quyền đòi hỏi được xem máy đo ở ngoài đường, việc này sẽ cản trở lực lượng CSGT đang thực thi nhiệm vụ, và đó sẽ trở thành hành động cản trở. Người dân khi có thắc mắc về máy đo nồng độ cồn hay tổ công tác đang làm nhiệm vụ, họ có thể ghi hình lại việc kiểm tra đó. Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thực hiện ngoài khu vực làm việc của lực lượng CSGT”.

Cùng với đó, người dân có thể trực tiếp tới trụ sở CSGT tại địa phương, đơn vị đó để nắm bắt về thời gian, địa điểm và tổ công tác nào đã kiểm tra mình, máy kiểm tra nồng độ cồn nào đã được sử dụng để đo độ cồn với người đó. Tuy nhiên, đã có một số đối tượng lợi dụng việc giám sát rồi yêu cầu lực lượng chức năng "phải đưa cho tôi xem cái này, phải đưa cho tôi xem cái kia...", điều đó vô tình trở thành sự đòi hỏi, sự kiểm tra, tạo ra việc chống đối, gây rối mất trật tự công cộng.

Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, để đảm bảo thực hiện đúng quy định, quy trình tuần tra đúng quy định của pháp luật, lực lượng chức năng của đơn vị này thường xuyên kiểm tra các thiết bị đo nồng độ cồn của các đơn vị như đội CSGT, tổ công tác./.

Không có nhận xét nào:

Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ

[CAND] Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợ...