Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Đừng vội nói bừa

[CAND] Về tới đầu làng, ông Tính ngạc nhiên khi thấy ông Thích, người xóm dưới, đang khua tay múa chân nói về việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Thấy vậy, ông dựng xe gọn một chỗ, lại gần tìm hiểu.

Thấy ông Tính bước vào, ông Thích giọng còn to hơn: “Đấy bà con xem, làng ta còn bao nhiêu thanh niên trai tráng mà có phải nhập ngũ đâu. Trong khi đó, mấy cháu dặt dẹo, ốm yếu, sức khỏe loại 4 vẫn phải lên đường. Như vậy chắc chắn có tiêu cực rồi”. Nghe ông Thích nói, ông Tính thấy “nóng” cả người, bèn hỏi: “Ông kể một vài trường hợp ốm dặt dẹo mà vẫn phải nhập ngũ xem nào?”.

- Thì thằng Thắng con nhà cô Mão ở xóm ông đấy thôi! Ông tưởng tôi không biết à?

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

Ông Tính nhẹ nhàng thông tin:

- Ông nhầm rồi! Nhà chị Mão có con sinh đôi, cháu Thắng vẫn đang ở nhà, tôi vừa gặp cháu tối qua. Nhập ngũ đợt này là Thành-anh trai của Thắng. Đúng là cháu Thắng sức yếu, nhưng cháu Thành thì khỏe khoắn, tuấn tú lắm. Cháu còn viết đơn tình nguyện nhập ngũ mà. Người trong họ nhà tôi, chẳng lẽ tôi lại không biết bằng ông?

- Thế à? Tôi có ở xóm ông đâu mà biết rõ có hai thằng sinh đôi. Hôm trước ngồi chơi cờ, thấy mấy ông xóm tôi nói láo pháo, câu được câu chăng nên tôi kể lại thôi.

- Ông mới nghe "láo pháo" mà đã đi xóm khác tuyên truyền rồi! Thế còn trường hợp sức khỏe loại 4 ông nói có phải cháu Hiếu ở đầu làng không?

- Ừ! Đúng rồi! Lần này thì chắc chắn tôi không nhầm nhé!

- Không nhầm, mà chỉ vội vàng kết luận thôi. Cháu Hiếu đó thuộc đối tượng đến tuổi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, nhưng hội đồng nghĩa vụ quân sự kết luận không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ nên có phát lệnh gọi đâu. Chắc ông nhầm giữa chuyện đi khám sức khỏe và đi nhập ngũ đúng không? Cháu Hiếu cũng đang ở nhà kìa, ông không tin lên xe tôi chở ra gặp.

- Ồ, thế à? Tôi cứ tưởng... Ông là cựu chiến binh có khác, chuyện gì cũng tường! Mà thôi, tôi bận lắm. Tôi về đã...

Ông Thích vừa nói vừa quay lưng đi, nhưng ông Tính đưa tay giữ lại, ôn tồn: “Chúng ta đều có tuổi rồi nên trước bất cứ sự việc gì đều phải tìm hiểu thấu đáo mới phát ngôn. Kẻ xấu chỉ chờ những thông tin lệch lạc để mượn cớ xuyên tạc. Mình đừng tạo cớ để kẻ xấu lợi dụng chống phá. Chưa kể, nếu phát ngôn sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt rất nặng đấy”.

Thấy ông Tính nói hợp tình hợp lý, mọi người có mặt đều đồng tình. Ông Thích xấu hổ, mặt đỏ ửng, lắp bắp: “Thôi, tôi biết rồi! Tôi sẽ rút kinh nghiệm!”.

CHIẾN VĂN

 

Tuần tra khu vực biển giáp ranh: Quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác IUU

VOV.VN - Việc quản lý tàu cá, nâng cao nhận thức cho thuyền trưởng vẫn là vấn đề cốt lõi của các địa phương để chấm dứt tình trạng khai thác IUU.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp trước ngày 31/3/2023, các bộ, ngành, các lực lượng chức năng, các địa phương đã và đang tích cực vào cuộc và triển khai quyết liệt kế hoạch hành động 180 ngày quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép.

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cùng đại diện 7 tỉnh Tây Nam Bộ đã kiểm tra, giám sát, nắm tình hình thực hiện chống khai thác (IUU) khu vực biển giáp ranh Việt Nam – Thái Lan – Malaysia.

Tại khu vực biển giáp ranh Việt Nam – Thái Lan – Malaysia những ngày cuối tháng 2, gió mùa, biển động, song những cán bộ chiến sĩ, thuyền viên trên các con tàu của lực lượng Cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên cường trước sóng gió, căng mình dọc đường phân định KC tuyên truyền cho bà con đang khai thác hải sản ở khu vực này.

Đã có mặt tại thực địa hơn 50 ngày, cán bộ thuyền viên tàu KN267, Chi đội Kiểm ngư số 2 tổ chức trực canh quan sát, quản lý chặt chẽ khu vực biển được phân công, tăng cường tuần tra, kiểm soát ngư trường.

Anh Nguyễn Khắc Bình, Thuyền trưởng tàu KN267 cho biết, so với trước đây, hiện đa phần bà con có ý thức, chấp hành tốt các quy định đánh bắt hải sản, phối hợp tốt với lực lượng kiểm ngư. Tuy nhiên vẫn còn một số tàu cá cố tình đi vào khu vực chồng lấn để đánh bắt hải sản, tàu KN267 và các tàu khác đã cơ động, tiếp cận kiểm tra và tuyên truyền cho bà con ngư dân hiểu rõ việc vi phạm khai thác IUU cùng những hệ lụy để bà con chấp hành tốt hơn.

"Quá trình tuần tra kiểm soát, chúng tôi liên tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền như trực tiếp lên tàu bà con khi điều kiện thời tiết tốt. Lúc sóng gió, tuyên truyền qua bộ đàm, phát thanh để bà con nắm vững khu vực biển giáp ranh, chồng lấn", anh Nguyễn Khắc Bình cho biết.

Trực tiếp đến kiểm tra các tàu của lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư... thực hiện nhiệm vụ trên biển, sang các tàu cá của ngư dân đang khai thác ở vùng biển giáp ranh, đoàn công tác ghi nhận và biểu dương những kết quả mà cán bộ, chiến sĩ, thuyền viên trên các tàu đã đạt được cũng như ý thức chấp hành pháp luật và các quy định khai thác của bà con thời gian qua.

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đánh giá, qua kiểm tra thực tế, ban đầu đã có được kết quả nhất định. Mặc dù chưa phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài song vẫn còn hiện tượng tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình. Vì thế việc quản lý tàu cá, nâng cao nhận thức cho thuyền trưởng vẫn là vấn đề cốt lõi của các địa phương để chấm dứt tình trạng khai thác IUU.

"Với những tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, địa phương sẽ có các giải pháp tiếp tục tuyên truyền cho bà con. Đồng thời động viên, nhắc nhở bà con thực hiện đúng quy định khai thác, chống IUU. Địa phương sẽ cùng với cả nước quyết tâm gỡ thẻ vàng của EC trong thời gian sớm nhất", ông Nguyễn Trung Hoàng cho biết.

Trước thực trạng vẫn còn một số tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, lợi dụng điều kiện thời tiết đêm tối, sóng to gió lớn để khai thác ở vùng biển chồng lấn, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, việc quản lý tàu cá là một câu chuyện lâu dài. Quản lý phương tiện nghề cá ngay trong đất liền đã khó, khi phương tiện đi ra biển mênh mông thì việc quản lý càng khó khăn hơn.

Mặc dù 5 năm qua các địa phương đã rất nỗ lực, song để tháo gỡ thẻ vàng thì việc thực hiện các giải pháp theo khuyến nghị của EC cần quyết liệt hơn nữa. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong 180 ngày, ban đầu đã mang lại hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên để duy trì được thành quả này, bên cạnh sự chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương, ý thức của bà con ngư dân thì lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư vẫn đóng vai trò nòng cốt trong việc quản lý các tàu cá hoạt động trên biển, đặc biệt là khu vực biển giáp ranh.

"Đa phần ngư dân đã thay đổi tốt nhưng còn một bộ phận người dân chưa thay đổi được nhận thức vì nhiều lý do khác nhau, họ còn cố tình sai phạm thì đòi hỏi phải có một lực lượng chấp pháp đủ mạnh ở trên biển. Thời gian qua hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển, kiểm ngư trên biển vẫn là lực lượng nòng cốt. Cùng với đó là sự phối hợp của chính quyền các địa phương ven biển cũng đang làm rất tốt nhiệm vụ này", ông Lê Văn Sử nêu rõ.

Theo Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, qua công tác kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), biên đội tàu Cảnh sát biển đã duy trì nghiêm túc hệ thống gác, tổ chức trực canh quan sát nắm chắc tình hình trên biển, phối hợp với các tàu kiểm ngư thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ và triển khai bằng những chương trình, kế hoạch rất cụ thể. Quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã ghi nhận nhiều nỗ lực, cố gắng của các lực lượng, chưa phát hiện tàu cá vi phạm khai thác IUU. Các thành viên của đoàn công tác đã nắm rõ tình hình trên biển để rút ra được những vấn đề cho địa phương, cần phải tập trung làm gì trong thời gian tới.

Trung tướng Bùi Quốc Oai cho biết: "Qua kiểm tra đợt này, ý thức chấp hành luật pháp nói chung và chấp hành các quy định về chống khai thác IUU của bà con ngư dân đã được nâng lên rõ rệt. Qua nắm tình hình báo cáo từ các tàu trực tại hiện trường thấy rằng tỷ lệ vi phạm IUU với trước khi triển khai kế hoạch trong điểm đã giảm rõ rệt. Các hành vi, các nghi vấn về việc vi phạm thì cũng đã được kiểm soát rất chặt chẽ. Kết quả này là nỗ lực từ tất cả các cấp, từ địa phương đến các cơ quan, lực lượng chức năng đồng loạt vào cuộc".

Trong bối cảnh tình hình khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên biển diễn biến phức tạp, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cùng lực lượng kiểm ngư đã đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra kiểm soát, tuyên truyền các chính sách, pháp luật có liên quan, nâng cao ý thức cho ngư dân nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động này.

0 seconds of 43 secondsVolume 90%

Trên các vùng biển của Tổ quốc và các khu vực biển giáp ranh, các lực lượng chức năng luôn duy trì bảo đảm và bố trí các tàu trực thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, giải quyết kịp thời các tranh chấp và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tàu cá và thuyền trưởng cố tình vi phạm, có hành vi đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép nhằm sớm gỡ thẻ vàng của EC đối với hải sản khai thác của nước ta, xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm./.

"Cán bộ làm không đúng pháp luật thì chắc chắn không ngủ yên được"

VOV.VN - Theo ông Nguyễn Văn Thể, nếu cán bộ làm không đúng quy định pháp luật thì chắc chắn không ngủ yên được, vì hiện nay, phòng chống tham nhũng không có vùng cấm.

Chiều 28/2, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể cho biết, từ khi cuốn sách được ra mắt bạn đọc, đến nay, Đảng ủy Khối bắt đầu triển khai quán triệt nội dung cuốn sách đến 78.000 đảng viên của toàn khối.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, điều mong muốn của Đảng, Nhà nước là các cán bộ, đảng viên khi tiếp cận với cuốn sách, chứng kiến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, phải suy nghĩ cần làm gì, đổi mới những gì, ứng xử ra sao để xứng đáng là một cán bộ, đảng viên như kỳ vọng của Tổng Bí thư.

Cuốn sách thể hiện tinh thần xuyên suốt trong cả cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành cán bộ, là hiện nay là người đứng đầu Đảng ta, ông luôn trăn trở với vấn nạn "giặc nội xâm", tham nhũng, tiêu cực – nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước.

“10 năm qua, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên thành lý luận. Tổng Bí thư cũng như toàn Đảng đã khẳng định: Cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sức ép bởi thế lực nào”, ông Nguyễn Văn Thể đồng thời đề nghị các cán bộ, đảng viên đọc đi đọc lại cuốn sách xem vấn đề cốt lõi, vấn đề mới, những quan điểm chỉ đạo, đặc biệt là tư tưởng kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng của Tổng Bí thư. 

Ông Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các đảng viên trong Đảng ủy Khối nghiên cứu để hiểu sâu sắc, từ đó rút ra bài học cho mình.

Đối với cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực lập pháp, cần lồng ghép tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng vào luật, nghị định, thông tư một cách rõ ràng, cụ thể, minh bạch, trong sáng.

Nhắc đến cán bộ, đảng viên khối hành pháp, ông Nguyễn Văn Thể cho biết, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, cũng có việc vi phạm do cố tình. Do đó, cán bộ khối hành pháp cần phải cân, đong, đo, đếm, suy nghĩ, quyết tâm làm tới nơi tới chốn, đúng quy định pháp luật.

“Nếu không đúng quy định pháp luật thì chắc chắn các đồng chí không ngủ yên; không thể nào yên tâm được cho tới khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay. Vì hiện nay phòng chống tham nhũng là không có vùng cấm, không kéo dài thời gian, còn sống là còn phải chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thể Thể cũng bày tỏ mong muốn, cán bộ làm việc trong cơ quan hành pháp nghiên cứu kỹ tư tưởng này, bám chặt vào luật, nghị định, thông tư, đúng quy định pháp luật trong triển khai công việc. Những việc gì trái quy định của pháp luật không làm hoặc phải xin chủ trương cấp có thẩm quyền để thực hiện.

Đối với các cơ quan tư pháp, nội chính, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cũng bày tỏ mong muốn, cán bộ, đảng viên các cơ quan này chỉ ra những hạn chế, yếu kém, những vấn đề vấp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để làm sao xây dựng luật đúng, còn khi triển khai thì phải chấp hành nghiêm.

“Làm sao giương cao ngọn cờ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Tổng Bí thư đã triển khai trong 10 năm qua. Làm sao từng bước loại trừ tham nhũng, tiêu cực. Như Tổng Bí thư nói, làm sao xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, xử lý vụ việc để cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, người dân không dám, không thể tham nhũng", ông Thể nhấn mạnh.

Đối với các tổ chức Đảng, ông Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị có thể sáng tạo trong việc quán triệt, học tập nội dung cuốn sách đến các cán bộ, đảng viên trong toàn khối, thông qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, tọa đàm.../.

Báo chí có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng

Vai trò của báo chí truyền thông trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được phát huy, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, tạo sự đồng tình cao trong đảng viên và nhân dân…


0 seconds of 4 minutes, 49 secondsVolume 90%
00:25
04:49

Chiều 28/2, Ban Tuyên giáo Thành uỷ phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

1.200 thông tin phản ánh từ báo chí

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, Quy định số 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (viết tắt là Quy định số 1374) đã hình thành cơ chế yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm việc giải quyết thông tin báo chí phản ánh, làm rõ đúng sai và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm. Qua tổng hợp kết quả thực hiện Quy định số 1374, TP đã tiếp nhận gần 9.900 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm 12,15% (1.200 thông tin).

Thông tin phản ánh hằng ngày của báo chí đóng vai trò rất quan trọng, trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp. Phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Qua phản ánh thông tin, các cơ quan báo chí còn đề xuất các giải pháp để các cơ quan ra quy chế phối hợp kịp thời, hạn chế khuyết điểm…

“Qua thông tin phản ánh của báo chí, phần nào đã giúp các địa phương, đơn vị nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết các vi phạm, nhất là những vi phạm diễn biến kéo dài gây bức xúc trong dư luận; giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm bắt các sự việc, vấn đề liên quan đến cơ quan, đơn vị mình một cách kịp thời, nhanh chóng”, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.

Cần làm tốt hơn nữa công tác cung cấp thông tin

Tại buổi toạ đàm, đại diện các sở, ngành, đơn vị của TP cũng khẳng định, Quy định 1374 đã được triển khai nghiêm túc, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, đưa ra kết luận, đánh giá khách quan, nghiêm minh. Qua đó đã kịp thời chỉ rõ các hạn chế thiếu sót, khuyết điểm, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục…

Cụ thể, từ tháng 12/2017 đến nay, Công an TP đã tiếp nhận 129 thông tin, trong đó thông tin có cơ sở giải quyết là 33 (tỷ lệ 25,58%), từ báo chí là 9 (27%)…Từ kết quả giải quyết các thông tin phản ánh, Đảng uỷ Công an TP đã xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức kỷ luật đảng 12 trường hợp; cảnh cáo 5 trường hợp; khai trừ 2 trường hợp, xử lý kỷ luật chính quyền 11 trường hợp…

Trong khi đó, Tổ Công tác 1374 của Sở Y tế đã tiếp nhận 74 đơn, 16 thông tin phản ánh từ báo chí…qua đó đã xử lý về mặt đảng 1 trường hợp, 2 trường hợp bị Công an bắt giam và khởi tố…

Sở Giao thông vận tải xử lý 10 thông tin theo quy trình 1374 (50% là qua báo chí); qua đó đã xử lý về mặt đảng 7 trường hợp, xử lý kỷ luật về mặt chính quyền 11 người…

Các cơ quan báo chí Trung ương và TP cũng có nhiều ý kiến về công tác triển khai Quy định 1374, qua đó đều khẳng định việc tuyên truyền về Quy định 1374 cũng là để nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí đã dành thời lượng đáng kể để tuyên truyền với nhiều tuyến bài, vệt bài, chuyển tải đầy đủ toàn diện những những thông tin về các vấn đề dư luận, người dân quan tâm, phản ánh…

Để làm tốt hơn Quy định 1374, các cơ quan truyền thông đề nghị cần hoàn thiện quy trình giải quyết thông tin tiếp nhận, chú trọng công tác phối hợp trong công tác xác minh, cơ chế xử lý đơn vị xử lý chậm trễ. Cần tăng cường hơn nữa công tác trao đổi, phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan của Thành uỷ với các cơ quan báo chí trong triển khai quy định; làm tốt khâu giao ban báo chí định kỳ…

“Làm sao có cơ chế, kênh trao đổi 2 chiều giữa các cơ quan báo chí và các đơn vị phụ trách được giao thực hiện Quy định 1374 như Uỷ ban Kiểm tra, các cấp uỷ để làm sao có sự chia sẻ thông tin phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong việc nắm bắt các thông tin liên quan các hành vi vi phạm. Qua đó việc định hướng phản ánh thông tin chính xác hơn, đảm bảo đúng định hướng và hạn chế sai sót; gây mất uy tin cho cá nhân, đơn vị liên quan và chính các cơ quan báo chí truyền thông nếu có trường hợp nào chưa rõ ràng”, ông Hoàng Anh Tuấn, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam chia sẻ.

Kết luận Toạ đàm, Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá các cơ quan báo chí đã phản ánh khách quan, trung thực các sai phạm của các tập thể và cá nhân. Vai trò của báo chí truyền thông trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiếp tục được phát huy, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, tạo sự đồng tình cao trong đảng viên và nhân dân… Qua thông tin phản ánh của báo chí đã giúp các cơ quan đơn vị kịp thời, nắm bắt, xử lý…Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn có cơ quan báo chí đưa thông tin chưa kiểm chứng gây ảnh hưởng đến các cơ quan, đơn vị.

Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị các cấp uỷ cần tăng cường tuyên truyền về vai trò của báo chí; chỉ đạo việc phát ngôn và chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đúng quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong khi đó, các cơ quan báo chí cũng cần quán triệt đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nhất là về ý nghĩa, nội dung và hiệu quả của việc thực hiện Quy định này.

“Các cơ quan báo chí cần phải hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, chặt chẽ kiểm soát kỹ nội dung, không để những thông tin chưa kiểm chứng hoặc phản ánh chưa đúng sự thật xuất hiện trên mặt báo, bảo đảm mỗi bài báo là một công cụ tăng cường nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, truyền cảm hứng để Nhân dân tích cực tham gia, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh./.

Toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII

[CAND] Sáng 18/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành ...