VOV.VN - Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với tổng liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Sáng nay (1/2) Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2022 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới.
Cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; chăm lo, giải quyết các vấn đề về cải thiện điều kiện làm việc và phòng ngừa tai nạn lao động; kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển KTXH, nâng cao đời sống nhân dân.
Ngay từ đầu năm, hai bên đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, cả những công việc thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động; Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; Tập trung phát triển KTXH, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương và TLĐLĐVN phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến người lao động. Đã lắng nghe, tiếp thu và phối hợp chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của tổ chức Công đoàn và người lao động một cách thấu đáo, có trách nhiệm, nhất là về việc làm, thu nhập; vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí tổ chức, phối hợp tổ chức trên 26.600 cuộc giám sát; phối hợp tổ chức 3.658 cuộc phản biện về các chế độ, chính sách; chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là trong dịp Tết nguyên đán nguồn kinh phí gần 4.600 tỷ đồng cho gần 6,5 triệu lượt đoàn viên Tết Nguyên đán 2023.
Hai bên phối hợp tuyên truyền, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Công đoàn Việt Nam cũng tích cực đổi mới tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng Công đoàn Việt Nam theo hướng vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến về những kết quả đạt được trong công tác phối hợp thời gian qua; những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm; những giải pháp thiết thực để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho công nhân lao động, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao và cám ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức công đoàn vững mạnh, coi đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Vai trò, vị trí và sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị. Theo đó, phải xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết tốt các vấn đề đặt ra trong tình hình mới.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những những vẫn đề thực tế và những tồn tại hiện nay như trình độ tay nghề của người lao động nói chung còn thấp, năng suất lao động chưa cao, việc làm thiếu bền vững, thu nhập không ổn định; Việc chấp hành pháp luật của nhiều chủ doanh nghiệp chưa nghiêm; Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nơi có đông công nhân chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nhà ở; hoạt động công đoàn ở một số doanh nghiệp còn hạn chế, chưa làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Thủ tướng chỉ rõ, trong những năm tới, điều kiện, môi trường hoạt động công đoàn dự báo có những thay đổi quan trọng, gặp nhiều thách thức hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu, Tổng LĐLĐVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động. Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/01/2022 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, xứng đáng là thủ lĩnh đại diện cho người lao động, để qua mỗi cán bộ công đoàn sẽ xây dựng, bồi đắp niềm tin yêu của đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn.
Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động. Tuyên truyền, phổ biến, đưa các nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động; đồng thời chuyển tải, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Quan tâm công tác phát triển đảng viên trong công nhân, người lao động, đặc biệt là tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
TLĐLĐVN tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; làm tốt công tác giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng đối với người lao động của người sử dụng lao động.
Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động, nhất là vấn đề ổn định việc làm, nâng cao thu nhập; vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí; vấn đề chậm đóng BHXH và rút bảo hiểm xã hội một lần; việc tuân thủ chính sách, pháp luật của người sử dụng lao động. Cùng với đó tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động; phát động, triển khai các phong trào thi đua vượt khó, “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Năng suất cao, chất lượng tốt”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”; thực hiện Chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”; vận động đoàn viên, người lao động tích cực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Về các đề xuất kiến nghị của TLĐLĐVN, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan đơn vị phối hợp giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét