[CAND] Trong khi cả nước đón chào năm mới, hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng với thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2022 cũng như sự ghi nhận của các quốc gia, tổ chức quốc tế thì những tiếng nói trái hướng, lạc dòng vẫn cố tình bôi lem hiện thực.
Ảnh minh họa |
Bôi lem hiện thực để
chỉ trích “do độc đảng”!
Vẫn là các phát ngôn, bài viết đặt ra những câu hỏi nghi ngờ
về tính xác thực trong chỉ số phát triển, từ đó phủ nhận thành tựu các lĩnh vực
đời sống xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được trong năm qua. Họ cho
rằng các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 “chỉ là ảo”, con số
tăng trưởng cao là do “Đảng thích số đẹp”! Họ xuyên tạc rằng, người dân vẫn bần
cùng, khổ cực rồi suy diễn và quy kết ở Việt Nam “không có hạnh phúc”.
Từ đó, số này tỏ vẻ “quan ngại lo lắng cho đất nước, nhân
dân”, kêu gọi người dân muốn ấm no, muốn giàu có thì phải “dũng cảm đấu tranh”!
Bằng việc đưa ra những hình ảnh có tính đơn lẻ hoặc cắt ghép, một số bài viết cố
tình đánh tráo bản chất, cho rằng đời sống người dân đang ngày càng đi xuống,
ngày càng bần cùng khổ cực, các chỉ số phát triển chỉ là “trò mị dân”! Đây thực
chất là chiêu trò tạo dựng hình ảnh đối lập giữa sự giàu có và nghèo khổ nhằm
kích động chống phá Đảng, Nhà nước, đòi xóa bỏ thể chế chính trị ở nước ta, hướng
lái đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc như vậy là vấn đề
không mới, những âm mưu, thủ đoạn được dùng đi dùng lại từ năm này qua năm khác,
thuộc về bản chất của các thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân phản động lưu vong
ở nước ngoài. Những ngày đầu năm mới cũng là dịp cả nước kỷ niệm 93 năm Ngày
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó những bài viết sai trái, xuyên tạc sự
thật, bôi lem tình hình đất nước, các thế lực chống phá tìm cách hướng lái để
quy kết các tồn tại, đói nghèo, tình trạng tham nhũng, tiêu cực là “do chế độ đảng
trị”, từ đó kích động tư tưởng chia rẽ, bài trừ ngay trong nội bộ. Những bài phỏng
vấn hay trò chuyện, đối thoại với “nhà bất đồng chính kiến” cũng chỉ là trò
đánh lạc hướng, mục đích nhằm phá hoại sự đoàn kết, chung tay của toàn dân
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cố tình truyền đi thông điệp sai lệch
rằng, đói nghèo là do độc đảng, tham nhũng là do độc đảng, cổ xuý tư tưởng chống
phá và làm giảm vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế…
Xây dựng xã hội hạnh
phúc là mục tiêu tối thượng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chỉ có chủ
nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc
và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc
làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc...” 1 và xuyên
suốt tư tưởng, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người là phấn đấu cho quyền lợi Tổ
quốc và hạnh phúc của quốc dân. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở vận
dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
về xây dựng CNXH và khảo cứu thực tiễn xây dựng xã hội trên thế giới cũng như
chính từ thực tiễn sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khẳng định xây dựng xã hội hạnh
phúc là mục tiêu tối thượng của chế độ XHCN ở Việt Nam. Quan điểm về xây dựng
CNXH vì hạnh phúc của nhân dân đã được Đảng ta xác định ngay khi ra đời, không
ngừng được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện. Năm 1945, sau khi giành
được độc lập, tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được ghi dưới Quốc hiệu Việt
Nam cho đến nay không thay đổi nội dung và hình thức.
Trải qua những khó khăn, thăng trầm, biến cố của lịch sử, Đảng
ta vẫn luôn kiên định, quyết tâm xây dựng CNXH vì hạnh phúc cho nhân dân. Trong
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển
năm 2011), Đảng ta đã bổ sung, phát triển mô hình CNXH của Việt Nam với những đặc
trưng cơ bản, trong đó có đặc trưng: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh
phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” 2.
Đến Đại hội XIII, quan điểm xây dựng xã hội hạnh phúc vì con
người trở thành một điểm nhấn quan trọng, xuyên suốt trong các nội dung văn kiện.
Đại hội khẳng định quan điểm nhất quán: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của
công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải
thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của
nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” 3.
Phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng nhấn mạnh: “Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có
biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất,
mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực
tế của đại hội”. Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và
con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ:
“Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì
lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…”.
Như vậy, chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng khác bản chất
so với bản chất của các chế độ xã hội trong lịch sử vì mục tiêu tối thượng là
đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Hai năm đầu trong nhiệm kỳ Đại
hội XIII, Đảng đã cụ thể hóa thành các chủ trương, xây dựng nhiều chính sách
trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề, cơ sở để nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh
phúc.
Về kinh tế: Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày
16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát
triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp,
nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW
ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập
thể trong giai đoạn mới nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
nhanh, bền vững gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Tại Hội nghị lần
thứ 6 khóa XIII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về
tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2045. Tất cả các nghị quyết đều hướng đến mục tiêu phát triển đất nước,
đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Về chính trị: Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Đảng ta
đã chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Hội nghị BCH Trung ương 6, khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày
9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới
phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai
đoạn mới nhằm hiện thực hóa, cụ thể hóa quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh, thực sự dân chủ để phục vụ lợi ích, hạnh phúc của nhân
dân.
Về văn hóa: Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa đặc
biệt của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong định hướng
phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Về xã hội: Đảng ta xác định: “Thực hiện tốt chính sách xã hội,
bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ
trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng
cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân” 4.
Những chỉ số hạnh
phúc
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, công cuộc xây dựng, phát
triển đất nước theo con đường XHCN, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân thời
gian qua đã đạt được những thành tựu có tính lịch sử, mang lại sự cải thiện rất
căn bản.
Về kinh tế: tạo dấu ấn đột phá, trong đó chỉ số giá tiêu
dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 (vượt mục tiêu đề
ra); năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD,
tăng 9,5% so với năm trước... GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện
hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110USD, tăng 393USD so với
năm 2021.
Về chính trị: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện
đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực
hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với tinh thần kiên trì, kiên quyết “không
có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, góp phần tăng cường, củng
cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Chính những thành quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp
phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ.
Về văn hóa: Công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được
chú trọng. Các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại sau đại dịch; những
giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt,
việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng
được quan tâm; công tác chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của
phụ nữ, bình đẳng giới được chú trọng.
Về xã hội: hiện nay tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt
73,7, đứng thứ 87 trên thế giới và cao hơn mức 73 của thế giới. Việt Nam trở
thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu
phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Đến ngày 30/11/2022,
các địa phương đã hoàn thành việc tiếp nhận, giải quyết chi trả hỗ trợ cho hơn
5,2 triệu lượt người lao động và xấp xỉ 123.000 lượt người sử dụng lao động với
kinh phí gần 3.741 tỷ đồng. Tính đến 31/7/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,6%
dân số, chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của nước ta cao hơn mức trung
bình của khu vực và thế giới với 92% dân số có bảo hiểm y tế.
Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19. Nikkei
Asia (tạp chí uy tín hàng đầu châu Á) đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông
Nam Á (đứng thứ 8 thế giới) về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Hệ thống giáo
dục quốc dân phát triển, được UNESCO đánh giá xếp thứ 64/127 nước trên thế giới,
bảo đảm cho mọi công dân được thụ hưởng nền giáo dục công bằng và tiến bộ.
Trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2022, Việt Nam tăng 2
bậc, lên vị trí 77 so với năm 2021.
Từ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đến thực tiễn
hoạt động đều thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhân
dân. Đương nhiên, những hạn chế, tồn tại, những khó khăn trong đời sống kinh tế,
xã hội, đặc biệt là tệ tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, cửa quyền… vẫn là những
thách thức lớn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và sự phát triển đất nước.
Tuy nhiên, sự đánh giá cần nhìn về tổng thể và phải thấy được quyết tâm, nỗ lực
trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những con số về thực
tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các năm qua là minh chứng
rõ ràng, khách quan bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc. Do vậy, đừng để
những định kiến che mờ giá trị thực tại và tương lai, hãy để người dân Việt Nam
tự chấm điểm cho hạnh phúc của mình!
2 Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.70.
3 Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, t I,
tr.27,28.
4 Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, t I,
tr.47,48.
Chu Xuân Đại Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét