Thời gian qua, một số người lao động ở tỉnh Bắc Kạn đã bị lừa xin việc làm với lời hứa "việc nhẹ lương cao" tại Campuchia nhưng thực chất những lao động này bị đưa vào những đường dây cờ bạc do người nước ngoài tại Campuchia tổ chức, điều hành. Họ bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập và phải trả một khoản tiền lớn nếu muốn trở về Việt Nam. Tuy đã được cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều người lao động nhẹ dạ bị dụ dỗ và rơi vào bẫy của các đối tượng tội phạm tại nước ngoài…
Anh H.V.T, SN 1994, trú ở xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc
Kạn vừa được giải cứu từ đường dây lừa đảo người Việt xuất cảnh sang Campuchia
lao động. Sự hoang mang, sợ hãi vẫn còn hiện trên nét mặt của người thanh niên
này.
Anh H.V.T cho biết, giữa tháng 7/2022, khi đang làm lao động
tự do tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, do có nhu cầu tìm kiếm việc làm nên anh đã
lên mạng tìm hiểu trên nhóm facebook "Tìm việc làm tại TP Hồ Chí
Minh", sau đó tài khoản có tên "Hạ Mei" nhắn tin (qua Messenger)
giới thiệu cho anh T công việc làm tại casino, lương khởi điểm 18 triệu đồng, địa
điểm làm việc gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Ngày 19/7/2022, anh T được
hướng dẫn ra bến xe Nước Ngầm và bắt xe đi TP Hồ Chí Minh, đến đó, anh được đón
bằng xe taxi cùng với một người đàn ông khác và đưa về một nhà nghỉ ở gần cửa
khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Tại đây, có 8 người khác đang tập kết. Sau đó có người đến
đón bằng xe ôtô, đưa cả đoàn đến biên giới Campuchia để vượt biên. Lúc đó anh T
và những người cùng đi mới biết mình đã bị lừa sang Campuchia để làm việc. Công
việc chính của anh tại Campuchia là hàng ngày sử dụng máy tính, tạo tài khoản
Zalo, Facebook và mời người vào chơi trò chơi đánh bạc Tài - Sỉu trên mạng.
Nạn nhân H.V.T trình báo tại cơ quan Công an. |
Tuy nhiên, nhận thấy công việc này là sai trái với quy định
của pháp luật Việt Nam, nhưng nếu không làm việc, không đủ năng suất do chủ
thuê đưa ra sẽ bị đánh đập, muốn về nước thì phải nộp tiền chuộc nên anh T đã
nhắn tin cho người thân để thông báo tình hình. Quá trình làm việc, anh T được
chủ hứa hẹn trả lương nhưng khi anh bị ốm, phải đi bệnh viện điều trị thì chủ
thuê đã trừ toàn bộ tiền lương để trả viện phí.
Công việc làm không như những gì họ nói mà phải làm những việc
trái lương tâm nên anh T đã tìm cách liên hệ với người nhà trình báo với Công
an tỉnh Bắc Kạn. Căn cứ các thông tin được cung cấp, cơ quan CSĐT Công an tỉnh
Bắc Kạn đã liên hệ với công dân Việt Nam ở Campuchia để được trợ giúp. Sau đó,
với sự trợ giúp từ các cơ quan chức năng, cuối tháng 9/2022, anh T đã được về
nước. Anh T là một trong 7 nạn nhân tại Bắc Kạn được trở về Việt Nam sau những
ngày bị lừa bán sang Campuchia làm việc không công, bị hành hạ, bị bóc lột sức
lao động. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như anh T, được trở về an toàn
mà không mất tiền chuộc người.
Bằng thủ đoạn lập ra các trang tuyển dụng lao động trên mạng
xã hội như: Việc làm Cambodia, Việc làm Campuchia, Hội người Việt ở Campuchia
và một số trang tìm việc làm khác, khi phát hiện công dân Việt Nam có nhu cầu
tìm kiếm việc làm thì các đối tượng chủ động kết bạn và dụ dỗ, dẫn dắt người dân
xuất cảnh bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch, sau đó bán cho các chủ kinh
doanh tại Campuchia.
Tại đây, người dân bị ép lao động nặng nhọc, bị áp đặt doanh
thu, nếu không đủ doanh số, người lao động sẽ phải đóng tiền phạt, bị đánh đập
và bán đi nơi khác, thậm chí nhiều trường hợp đã phải bỏ mạng nơi xứ người. Và
nếu các nạn nhân muốn trở về Việt Nam sẽ phải trả tiền "chuộc người"
từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Thời gian qua, Công an tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này và
khuyến cáo những người có mong muốn đi lao động nước ngoài, bà con ở vùng sâu
vùng xa phải hết sức cảnh giác trước những lời hứa hẹn về công việc trên mạng
xã hội từ các đối tượng không quen biết, với thu nhập cao tại nước ngoài nói
chung và tại Campuchia nói riêng, bởi trên thực tế, không có việc lao động nhẹ
mà lại được hưởng lương cao.
Ngọc Ánh – Báo CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét