[CAND] Là người đầu tiên tiếp cận hiện trường kiểm tra tình hình, nhận định gốc lửa để lực lượng triển khai phương án chữa cháy cũng như cứu nạn, cứu hộ hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, nên trinh sát “lửa” cũng gặp phải nhiều rủi ro, nguy hiểm hơn. Đó là nhiệm vụ gần 20 năm nay của Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo, Tổ trưởng Tổ Trinh sát, Đội Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ khu vực 1 - Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy & Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TP Hồ Chí Minh.
Trinh sát quyết định sự thành công trong một vụ chữa cháy. Khi tới hiện trường một vụ cháy, nổ, CNCH, họ phải thực hiện những nhiệm vụ: Xác định có hay không có người bị nạn trong đám cháy? Số lượng, vị trí, tình trạng của người bị nạn? Biện pháp và khả năng cứu người bị nạn? Các yếu tố nguy hiểm trong đám cháy? Các chất cháy chủ yếu, nguy cơ cháy lan và khả năng phát triển của đám cháy? Vị trí thích hợp để bố trí phương tiện chữa cháy?...
Gần 20 năm làm lính cứu hỏa, CNCH, trong đó phần lớn thời gian làm nhiệm vụ trinh sát hiện trường, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo chỉ tổng kết vắn tắt: “Nếu chết chắc tôi đã chết nhiều lần rồi”. Anh cũng không thể nhớ hết mình và đồng đội từng cứu sống bao nhiêu người. Vụ cháy tại ký túc xá Trường Kỹ thuật Cao Thắng (quận 5), anh và đồng đội đã cứu được 3 người (trong đó có 1 trẻ em khoảng 3 tuổi) bằng giỏ xe thang và hướng dẫn cho 21 người theo cầu thang bộ xuống đất an toàn.
Sau khi đã hoàn tất việc tìm kiếm và cứu người bị nạn, anh đã cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu với gốc lửa đến 10 giờ 30 phút đám cháy được dập tắt hoàn toàn bảo vệ được các phòng ký túc xá liền kề và không để xảy ra chết người.
Những trinh sát “lửa” vượt tường tìm “gốc” lửa trong một vụ cháy. |
Anh nhớ lại lần vượt tường lửa cứu người mắc kẹt trong đám cháy ở quận 3 cách đây không lâu. Khi đến hiện trường thì đám cháy đang bùng phát, một nam thanh niên quá hoảng loạn đã không tự thoát được xuống đất mà leo lên đứng chênh vênh ở lan can trên tầng 4, tinh thần hoảng loạn, nếu không cứu kịp thì rất có thể người này sẽ bị rơi xuống đất.
Khoảng cách quá xa, thang không tiếp cận được, lửa mỗi lúc lại cháy càng to, khói bao trùm khắp căn nhà khiến nạn nhân thêm phần hoảng loạn. Sau khi quan sát một lượt, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo cùng một trinh sát khác trong tổ quyết định băng qua lửa, theo lối cầu thang bộ tiếp cận cửa sổ, trấn an, buộc dây và đưa nạn nhân xuống dưới đất an toàn.
“Nếu không kịp thời đưa ra phương án ứng cứu thì nạn nhân có thể trượt chân rơi xuống đất hoặc khi đám cháy bùng phát mạnh hơn nữa thì rất nguy hiểm. Khi đó nhiệt độ đám cháy đang rất cao, chỉ cần một chút sơ suất là mình cũng biến thành nạn nhân. Tuy nhiên, thấy người dân đang hô hoán kêu cứu thì mình quên cả sự nguy hiểm. Lúc cứu người xong, ngồi nghĩ lại cũng thấy sợ thật”, anh vui vẻ kể lại.
Vụ cháy xảy ra tại xưởng xi mạ - Công ty Cổ phần CX Technology (khu chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận Đông, quận 7) không chỉ gây tổn thất kinh tế nặng nề mà còn khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) PCCC&CNCH bị thương khi axit bám vào người gây bỏng khi làm nhiệm vụ. Đạo cũng bị bỏng axit tại vùng chân. Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH đã dập tắt ngọn lửa trong đêm, khống chế ngọn lửa trong diện tích 800/38.000m2 của công ty.
Trong đêm, 3 CBCS được đưa đi bệnh viện cấp cứu do vết bỏng từ axit khá nặng, 30 CBCS bị thương nhẹ được lực lượng y tế tại chỗ tiến hành sơ cấp cứu.
Anh Đạo tham gia rất nhiều vụ: Vụ cháy tại căn nhà trên đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7, anh Đạo phối hợp cùng CBCS trong đơn vị cứu được 15 người đưa xuống đất an toàn; vụ cháy tại Công ty CJ Food (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), Đội Khu vực 1 là đơn vị chủ lực, cùng với Đội Cảnh sát PCCC Công an huyện Nhà Bè và các đơn vị khác triển khai công tác chữa cháy và đội hình tìm kiếm người bị nạn còn mắc kẹt; vụ cứu được một người đang mắc kẹt trên trụ điện cao thế 50m tại khu vực thực nghiệm của Trường Đại học Nông Lâm, TP Thủ Đức; vụ cứu được 2 người có ý định nhảy lầu tại nhà dân số 218 Hồng Bàng, phường 15, quận 5 và tại lô B9 đường Thành Thái, phường 15 quận 10…
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Chữa cháy và CNCH, trong những giờ làm việc tại cơ quan, anh lại tổ chức huấn luyện cho CBCS, đặc biệt là CBCS trực tiếp tham gia chữa cháy và CNCH học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật PCCC&CNCH, đồng thời tập trung nghiên cứu, tìm hiểu nắm vững cấu tạo, nguyên tắc hoạt động, tính năng, tác dụng, cách sử dụng và bảo quản các loại phương tiện chiến đấu được trang bị tại đơn vị.
Với những thành tích và tinh thần quả cảm trong công tác, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.
Phú Lữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét