(TG) - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch nước Lê Đức Anh (1/12/1920- 1/12/2020), TCTG trân trọng đăng bài viết "Nhân dân cần gì?" của nhà báo Hồ Quang Lợi – người đã có may mắn được tháp tùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong các chuyến công tác trong và ngoài nước. Bài viết chia sẻ những suy nghĩ từ kỷ niệm đối thoại về báo chí với Chủ tịch.
Trên cương vị là Bộ trưởng Quốc phòng hay Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức
Anh đều dành sự quan tâm và tình cảm đối với báo chí. Tôi nhớ một buổi tối đầu
tháng 12-1995, trong một cuộc gặp gỡ với Ban Biên tập và phóng viên báo Quân đội
nhân dân, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã chia sẻ nhiều suy nghĩ và quan điểm về
công tác báo chí.
Chủ tịch nước
Lê Đức Anh với nhân dân xã Phú Ðình, huyện Định Hóa, tỉnh Bắc Thái (tháng
1/1995). Ảnh: Cao Phong/TTXVN |
Cuộc hẹn hôm đó, Chủ tịch Lê Đức Anh ra tận cửa đón chúng tôi, thân mật
bắt tay từng người và ân cần mời chúng tôi ngồi. Sau vài câu thăm hỏi, Thiếu tướng
Phan Khắc Hải, Tổng biên tập muốn được biết ý kiến của Chủ tịch nước về chất lượng
của báo Quân đội nhân dân trong thời gian gần đây.
Chủ tịch Lê Đức Anh nói:
- Báo chí ta, cả báo Quân đội nhân dân “hiếu hỉ” còn nặng lắm. Do nhiều
“hiếu hỉ” nên thông tin còn ít. Cái mà dân cần báo chí cung cấp là thông tin.
Tin trong nước, tin thế giới, tin văn hóa-thể thao, chuyện lạ đó đây… rất hấp dẫn
người đọc. Nên coi trọng tin và bình luận ngắn. Mỗi sự kiện nổi bật xảy ra
trong nước hoặc thế giới cần có bình luận kịp thời, ngắn gọn, sắc bén làm rõ
vài ba ý để hướng dẫn dư luận. Có người nói thẳng với tôi rằng, đối với nhiều
báo của lãnh đạo, họ thường chỉ xem lướt qua cái đầu đề, vì những điều báo đề cập
đã được nói rõ ở các nghị quyết. Tin hay bài, điều quan trọng là ở lượng thông
tin, không có thông tin mới người ta không đọc.
Tổng biên tập Phan Khắc Hải thưa với Chủ tịch:
- Việc giảm bớt “hiếu hỉ” là một nội dung lớn đã được anh em trong tòa
soạn nêu lên trong các lần bàn bạc để nâng cao chất lượng tờ báo. Thời gian
qua, chúng tôi đã giảm được một phần.
- Phải giảm mạnh hơn nữa, Chủ tịch Lê Đức Anh nói, thông tin về hoạt động
của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội là rất quan trọng, nhân dân cần phải biết.
Vấn đề là đưa tin như thế nào? Theo tôi, mỗi hoạt động chỉ nên viết về người
lãnh đạo vài ba dòng thôi, còn thì phải thông tin cho dân biết nơi các đồng chí
lãnh đạo đến làm việc tình hình ra sao, cả mặt tốt và mặt chưa tốt. Dân rất cần
biết những điều đó. Báo chí đưa tin hoạt động của lãnh đạo, chứ không phải
tuyên truyền cho lãnh đạo.
Một phóng viên nêu ra khó khăn:
- Thưa Chủ tịch, biết “hiếu hỉ” nhiều là không ổn, bạn đọc thiệt thòi,
nhưng giảm mạnh quá lại sợ phản ứng của thói quen đã hình thành từ lâu.
Chủ tich Lê Đức Anh giải đáp ngay:
- Không sợ gì cả, làm việc có ích cho dân, cho nước, không có sai phạm,
tại sao lại sợ? Làm báo phải dũng cảm.
Những lấn bấn lâu nay của chúng tôi về cải tiến việc đưa tin hiếu hỉ, lễ
tân, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin, trước hết là trên trang nhất,
sau ít phút đã được Chủ tịch khai thông. Chủ tịch rất đồng tình với ý kiến của
một phóng viên: Cách làm báo của ta phải đạt hai yêu cầu: Được lãnh đạo chấp nhận
và nhân dân đồng tình.
Thời gian ngắn ngủi còn lại của buổi gặp, Chủ tịch Lê Đức Anh đã nói đến
nhiều vấn đề hết sức cập nhật của báo chí như thông tin phải trung thực, đa dạng,
nhiều chiều; tính hấp dẫn và thuyết phục; phê phán cái xấu nhưng phải coi trọng xây dựng cái tốt, hướng tới điều tốt đẹp… Chủ
tịch nói:
- Báo chí ta thường có nhược điểm là hay nói một chiều. Trước đây, nói
đến chủ nghĩa tư bản là chỉ nói đến những điểm xấu. Bây giờ, đi ra nước ngoài,
được người ra dẫn đi xem những cái hay, cái đẹp của chủ nghĩa tư bản, thế là về
nước viết bài ca ngợi hết lời và phủ định luôn chủ nghĩa xã hội. Viết như thế
là đúng điều anh em đã nhìn thấy nhưng lại không đúng bản chất, không đúng với
thực trạng tình hình ở các nước đó, vô hình chung là không trung thực vì đó mới
là một phần của sự thật. Viết về chủ nghĩa xã hội cũng vậy. Những bài viết hô
khẩu hiệu, lên gân không đi vào lòng người được đâu. Các đồng chí phải viết thế
nào để trong bài viết không cần có chữ “định hướng”, mà từ chi tiết đến toàn
bài lại toát ra định hướng, ngấm vào người đọc một cách tự nhiên. Sức thuyết phục
của báo chí chính là chỗ đó… Muốn viết được những bài báo như thế, nhà báo phải
làm việc căng thẳng, phải lao tâm khổ tứ, phải mất nhiều tâm sức.
Chủ tịch Lê Đức Anh nói tiếp:
- Báo chí muốn hấp dẫn người đọc thì phải mang đến những thông tin họ
quan tâm. Đó cũng chính là những vấn đề các nhà lãnh đạo phải tập trung suy
nghĩ giải quyết để đưa đất nước đi lên. Ví như báo chí phải tích cực tham gia
phát huy tích cực và chống tiêu cực. Càng đi ra nước ngoài nhiều càng thấy thế
giới ngày nay cạnh tranh quyết liệt lắm, làm ăn khó lắm. Đồng vốn vay về quay
đi quay lại “bốc hơi” một ít. Sản xuất, kinh doanh kém, thua lỗ, lãi mẹ để lãi
con thì thật nguy hiểm. Nếu như vậy thì hậu quả khó tránh là đến đời con, đời
cháu chúng ta cũng không trả hết nợ do cha, ông để lại. Thấy vị giám đốc nào đi
xe đẹp, xây nhà to mà xí nghiệp, công ty làm ăn thua lỗ, đời sống công nhân khó
khăn các đồng chí cứ nêu lên báo để nhân dân phán xét.
Về mối quan hệ giữa “xây và chống”, Chủ tịch Lê Đức Anh lấy ví dụ:
- Mới đây tôi có xem một vở kịch ngắn trên truyền hình, trong đó nói về
người nông dân Hà Nam nghèo khó nhưng lại có tấm lòng, có đạo đức, còn mấy kẻ
giàu có ở Hà Nội là thân nhân của cháu bé bị lạc lại quá vô lương tâm. Nhưng nếu
vì thế mà lại khái quát lên rằng tất cả mọi người dân Hà Nội đều vô lương tâm,
chỉ có dân quê nghèo khó mới có đạo đức thì lầm to. Đúng như lời bác thợ cạo
trong vở kịch là: “Ở Hà Nội có rất nhiều người tốt. Cái bọn xấu kia chỉ là rác
rưởi, phải tìm cách quét nó đi”. Vì thế, bên cạnh việc chống tiếu cực, phê phán
cái xấu, phải hết sức chú trọng phát hiện biểu dương những nhân tố mới; những
điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh; người tốt việc tốt ở các địa phương, các
ngành, các đơn vị.
Nhân dân cần gì? Đó là điều sâu sắc nhất mà chúng tôi cảm nhận được
trong cuộc đối thoại cởi mở thân tình của Chủ tịch nước Lê Đức Anh với những
người làm báo. Giọng nói ấm áp, mộc mạc, như một bạn đọc của Chủ tịch nước đã để
lại cho những người làm báo Quân đội nhân dân có mặt hôm ấy một ấn tượng khó
quên.
Trên đường về, chúng tôi tiếp tục thảo luận sôi nổi những vấn đề Chủ tịch
nước vừa nêu trong tâm trạng vừa phấn khởi vừa lo lắng. Phấn khởi vì nỗi nhọc
nhằn của người làm báo các đồng chí lãnh đạo rất thấu hiểu. Lo lắng vì cảm thấy
trách nhiệm của người cầm bút thật lớn và để làm được những điều Chủ tịch căn dặn
thật không đơn giản. Tờ báo giống như một gương mặt, như tấm gương soi. Trên mặt
báo, mọi điều, không chỉ có hoạt động xã hội, mà cả lao động báo chí đều được
phản ảnh giữa thanh thiên bạch nhật. Sản phẩm của các nhà báo được sự đón đợi của
hàng triệu người, như thế cũng có nghĩa rằng công việc của họ chịu sự giám sát
nghiêm khắc của quần chúng nhân dân.
25 năm đã trôi qua, nhưng cuộc
đối thoại cởi mở và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Lê Đức Anh về chống lối
làm báo nặng về hiếu hỉ, lễ tân cũng như trách nhiệm của báo chí trong nêu
gương tốt, chống thói hư, tật xấu và tệ nạn trong xã hội, phục vụ quyền lợi thiết
thân của người dân thì vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Người làm báo phải khách
quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của đất
nước, hạnh phúc của nhân dân. Đó là những nguyên tắc hành nghề, những cam kết
thiêng liêng đã được nêu rõ trong 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của Người
làm báo Việt Nam mà Hội nhà báo Việt Nam đã ban hành và có hiệu lực từ
1-1-2017. Đó là ngọn lửa trong tim những người làm báo Việt Nam chân chính.
Đối với không ít bạn đọc, công việc
cũng như suy tư hàng ngày của các nhà lãnh đạo quốc gia là điều không dễ hình
dung. Cuộc chuyện trò tối hôm đó tại nhà ở của Chủ tịch Lê Đức Anh đã cho chúng
tôi một nhận thức sâu sắc hơn về mối quan tâm thường nhật của vị Chủ tịch nước.
Không có gì bức xúc hơn là những nhu cầu thiết yếu của người dân, chỉ những điều
có ý nghĩa đối với cuộc sống của nhân dân thì mới có giá trị đích thực. Đã có lần
chúng tôi nhìn thấy Chủ tịch Lê Đức Anh xắn quần lội trong nước lũ ở đồng bằng
sông Cửu Long để thăm hỏi, động viên những dân mất nhà mất cửa, cuộc sống gặp
muôn vàn khó khăn. Lúc đó, điều quan tâm nóng bỏng nhất của Chủ tịch là cái ăn,
cái mặc, chỗ nương thân của người dân. Còn bây giờ, khi gặp cánh nhà báo chúng
tôi, Chủ tịch lại quan tâm trên hết đến nhu cầu thông tin, quyền được thông tin
của nhân dân. Chúng tôi hiểu đó không chỉ là một tấm lòng, mà còn là một trí tuệ
năng cảm luôn trăn trở trước những đòi hỏi chính đáng và ước muốn của người dân
lao động.
Đại tướng Lê Đức Anh mãi mãi đi
xa vào ngày 22-4-2019. Một cuộc đời lừng lẫy. 99 tuổi đời, 81 năm tuổi Đảng, Đại
tướng Lê Đức Anh gánh vác nhiều trọng trách trong các thời kỳ lịch sử. Trải qua
các chiến trường với nhiều chiến dịch lớn với các nhiệm vụ chỉ huy: Tham mưu
trưởng Khu 7, Khu 8, Khu Sài Gòn Chợ lớn, Tham mưu phó Bộ tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh
quân khu 9, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh quân tình nguyện Việt
Nam tại Campuchia, đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia khỏi
hoạ diệt chủng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước..., cuộc đời chiến đấu
của Đại tướng Lê Đức Anh thật oanh liệt và vẻ vang, gắn liền với những thời điểm
lịch sử hiểm nghèo và trọng đại của đất nước.
Trong trái tim của đồng bào và
chiến sĩ cả nước luôn in đậm hình ảnh gần gũi một vị tướng tài ba, một nhà lãnh
đạo xuất sắc, suốt đời chiến đấu, cống hiến vì đất nước và nhân dân, mà trong
cuộc đời làm báo 40 năm của mình, tôi
may mắn có được những kỷ niệm không thể nào quên./.
Nguồn: HỒ QUANG LỢI
Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét