[CAND] Ngày 5/11, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Báo CAND trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết quan trọng này.
1. Trong mọi giai
đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực
lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng,
hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là một trong những yếu
tố then chốt đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành người cầm lái vĩ đại, người
thuyền trưởng tinh anh đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh,
giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi
mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát
triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện
quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt
động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta từ
năm 1945 đến nay cơ bản ổn định gồm 3 khối (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội). Với cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà
nước quản lý, Nhân dân làm chủ, tổ chức bộ máy của từng khối đã có sự điều chỉnh
để đáp ứng yêu cầu cách mạng của từng giai đoạn lịch sử. Từ Hội nghị Trung ương
6 khóa VI đến nay, khái niệm “Hệ thống chính trị” chính thức được sử dụng đánh
dấu sự phát triển tư duy, nhận thức của Đảng về yêu cầu, nhiệm vụ đối với hệ thống
chính trị trong thời kỳ đổi mới.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp
thiết từ thực tiễn phát triển nóng bỏng của đất nước, qua nhiều kỳ đại hội, nhất
là trong các đại hội gần đây, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII
đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu
xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận để
lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả, như: Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 8 khóa VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 09/2/2007 Ban Chấp
hành Trung ương khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định
hướng đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính
trị - xã hội; Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung
ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý của bộ máy nhà nước; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02/2/2008 Ban Chấp hành
Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở
đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày
16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề cấp bách về
xây dựng Đảng; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung
ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương
khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số
50-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18;
Kết luận số 37-KL/TW, ngày 02/2/2009 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về
tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020; Kết luận số
63-KL/TW, ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về
cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công
và định hướng cải cách đến năm 2020; Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của
Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện
hệ thống chính trị từ Trung ương; Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ
Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày
17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức.
Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, hệ thống tổ chức
đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được đổi mới, phát huy hiệu
lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong
hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu
cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định,
phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý
của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua vai trò, sức mạnh
của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã bảo vệ vững chắc
thành quả cách mạng; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền;
kinh tế xã hội phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa,
tinh thần của nhân dân. Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác
tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định
đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.
Qua 07 năm thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển
biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động
của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhận thức
và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở
một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết
tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng
bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... một số bộ, ngành
còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ này sinh
tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Chính vì vậy, cho đến nay tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực,
hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn
trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ,
hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…
Chất lượng tham mưu, đề xuất của một cơ quan, tổ chức đảng với Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư đối với một số lĩnh vực còn hạn chế; năng lực điều phối,
hướng dẫn, tổ chức thực hiện trong toàn Đảng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; phân định
phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ chưa triệt để; một số nhiệm vụ
liên thông, gắn kết nhau hoặc cùng một lĩnh vực nhưng giao cho nhiều bộ quản
lý. Tổ chức bộ máy của một số cấp, ngành đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng,
việc sắp xếp chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xác định vị trí việc
làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều tầng
nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân
tăng, gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ”. Tinh giản biên chế mới tập trung giảm
số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong
thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây
ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát
triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của
Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển
khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Sự chồng chéo, phân định
không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở,
thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng
suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở
phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tầng nấc
trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở,
thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ
chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng,
an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. So với những thay
đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống
chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo
mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với
điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi
với làm”.
2. Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và
100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không
chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho
phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp
nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn
tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với một số công tác trọng tâm, sau đây:
Thứ nhất: xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ
thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp
ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Tập trung tổng kết
07 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương
khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đánh giá nghiên túc, toàn diện
về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc,
nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất,
kiến nghị với Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức
bộ máy của hệ thống chính trị. Tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ,
khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn từ đó đề
xuất mô hình tổ chức mới, đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới,
phải bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của
Đảng, các Nghị quyết của Trung ương... bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên
thông, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì
và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ,
chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức
năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp
pháp.
Thứ hai: tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy
vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ
sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển
khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua. Tập trung hoàn
thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị,
gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết,
địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội
tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra,
giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao
nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban
hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện.
Thứ ba: gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ
cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hoá chức
danh. Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp,
từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố
trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân
chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người,
trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ
trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác
đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người
có năng lực nổi trội.
V.I Lênin khi nói về cải tiến bộ máy Nhà nước đã nhấn mạnh:
“Phải tuân theo qui tắc này: thà ít mà tốt... Tôi biết rằng giữ vững qui tắc ấy
và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn... Tôi biết
rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường...
Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể
xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Xô- Viết”[1]; xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó
khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng
cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính
trị, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn
thể các cấp, tất cả vì sự một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân
chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét